Tìm Kiếm

27 tháng 11, 2015

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C


(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36)

Chủ đề: SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN CỨU ĐỘ

Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, 

vì anh em sắp được cứu chuộc(Lc 21,28)


Mùa Vọng là mùa của hân hoan và mong đợi với hai tâm tình chính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng sinh, lễ kính nhớ Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày quang lâm. Giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình thứ ba là sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp các Kitô hữu sống tốt các tâm tình trên.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. BÀI ĐỌC I (Gr 33,14-16)

Bài đọc này được trích trong phần được gọi là “sách an ủi Israel” (Gr 30-33), thuộc sách Ngôn Sứ Giêrêmia. Vào thời của Ngôn Sứ Giêrêmia, Israel đang gặp phải cảnh bi đát cả về đời sống tôn giáo lẫn chính trị xã hội. Dân bất trung với Thiên Chúa nên Người để mặc họ lọt vào tay quân thù xâm chiếm. Thành thánh Giêrusalem bị vây hãm và phá hủy, dân chúng phân tán và bị đưa đi lưu đày ở Babylon.
Khi dân chúng đang sống trong tình cảnh tuyệt vọng của thời lưu đày như thế, thì Ngôn Sứ Giêrêmia thắp lên niềm hy vọng bằng lời loan báo rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện điều tốt lành với dân vì Người không quên lời đã hứa. Thiên Chúa sẽ ban một “Đấng Công chính” để giải thoát dân Người: “Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp vua Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình… Giuđa sẽ được cứu thoát… Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp”.
Đây là lời loan báo về Đấng Mêsia sẽ đến trong lần thứ nhất. Lời loan báo này là động lực khiến dân Israel xưa cũng như các Kitô hữu hôm nay có thể bắt đầu lại mà canh tân đời sống với niềm hy vọng được ơn cứu thoát.

2. BÀI ĐỌC II (1Tx 3,12-4,2)

Thánh Phaolô đã thiết lập giáo đoàn Thêxalônica trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình truyền giáo thứ II (khoảng năm 50). Vào thời đó, các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi sống mãnh liệt niềm tin về Chúa Giêsu Kitô sẽ đến lần thứ hai trong nay mai, ngay lúc họ đang sống.
Trong bối cảnh như thế, sau khi rời cộng đoàn ít lâu để đi tiếp trong hành trình truyền giáo, thánh Phaolô viết thư I Thêxalônica để khuyên nhủ các Kitô hữu hãy vững tin và chờ đợi Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang. Niềm tin và sự chờ đợi này sẽ định hướng lối sống của họ, chứ không phải là sự chờ đợi suông. Quả thật, trong khi chờ đợi, các Kitô hữu cần sống bác ái với nhau: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đặm đà thắm thiết. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, thánh thiện không có gì đáng chê trách… trong ngày Đức Giêsu quang lâm”.
Đây cũng là tinh thần chúng ta cần phải có để sống tâm tình thứ ba của Mùa Vọng “sống tỉnh thức và sẵn sàng” ngay ở giây phút hiện tại.

3. BÀI TIN MỪNG (Lc 21,25-28.34-36)

Đoạn Tin Mừng này nằm trong phần diễn từ cánh chung luận của Đức Giêsu. Diễn từ này nói về những sự việc sẽ xảy đến vào những ngày cuối cùng của thế giới dựa trên lời tiên báo về Thành thánh Giêrusalem sẽ bị sụp đổ và Đền Thờ sẽ bị tàn phá. Đây như là một tai hoạ mang tính biểu tượng cho sự sụp đổ của thế giới này trong ngày tận thế hầu cảnh tỉnh người môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Bài Tin Mừng đề cập đến mặt trời, mặt trăng, các vì sao, dưới đất, mây trời,… làm liên tưởng đến cuộc tạo dựng trong St 1,2. Tuy nhiên, nếu trong St, những yếu tố đó nằm trong trật tự là dấu hiệu khởi đầu của vũ trụ, thì ở đây lại nằm trong sự lay chuyển theo lối văn chương khải huyền, báo hiệu cho ngày tận cùng của vũ trụ, khi “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trên đám mây mà đến”. Trước những dấu hiệu này, các Kitô hữu không có gì phải lo lắng, ngược lại hãy vui mừng và hy vọng: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được giải thoát”.
Như thế, ngày tận thế đối với các Kitô hữu lại trở thành ngày đáng mong đợi nhưng cũng đầy yếu tố bất ngờ “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Do đó, người ta không thể chờ đợi ngày đó cách thụ động mà phải có thái độ sẵn sàng qua việc tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức là “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Nhờ đó, “họ có thể đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày cánh chung.
Cũng có chủ đích như bài đọc II, bài Tin Mừng này giúp chúng ta hướng về ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang bằng cách sống tỉnh thức và sẵn sàng ở giây phút hiện tại trong Mùa Vọng này.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1.Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên… một Đấng Công chính; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình… Giuđa sẽ được cứu thoát… Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp”. Khi dân Israel lâm vào tình cảnh bi đát, thất vọng tột cùng trong thời lưu đày, lại là lúc được thắp lên một niềm hy vọng mãnh liệt nhất: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Người không quên lời đã hứa nên Người sẽ ban “Đấng Công Chính” đến để giải thoát Israel, với điều kiện là dân phải biết khơi dậy lại niềm tin, vực lại niềm hy vọng và củng cố niềm yêu mến. Mùa vọng là mùa chuẩn bị để kỷ niệm việc “Đấng Công Chính” đã đến để giải thoát dân Israel xưa cách đây khoảng 2016 năm, chúng ta có sống tâm tình của Israel thời hậu lưu đày, đó là có tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa với tâm tình yêu mến không?

2. Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đặm đà thắm thiết. Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta hướng về ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để ban cho chúng ta ơn giải thoát trọn vẹn. Đây không phải là sự chờ đợi suông mà là một sự chờ đợi sẽ định hướng lối sống của các Kitô hữu và cần được thể hiện qua hành động bằng cách thể hiện tinh thần bác ái đối với nhau và với người khác và trong tinh thần kiến tạo hòa bình. Trong bài giảng lễ sáng thứ Năm ngày 19/11/2015, tại nhà nguyện thánh Marta, ĐGH Phanxicô nhắc nhở: “Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình”. Chúng ta chuẩn bị đón Hoàng Tử Bình An đến trong ngày lễ Giáng Sinh bằng tâm tình nào? Chúng ta chuẩn bị những hang đá nguy nga, những cây thông cao vút, những tháp đèn sao lộng lẫy, những hoạt cảnh công phu… Những việc bề ngoài đó có đi đôi với việc chuẩn bị tâm hồn tĩnh lặng, kiến tạo hòa bình trong gia đình và môi trường sống của mình, với tinh thần bác ái hay không?

3. Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Nhớ lại cách đây mấy năm, người ta dựa vào lịch Maya để đồn rằng ngày tận thế có thể xảy đến vào ngày 21/12/2012. Hoặc mới đây, Mục Sư Efraid Rodriguez đã tiên đoán rằng một thiên thạch khổng lồ đang trên đường tới Trái đất và có khả năng va chạm mạnh với hành tinh xanh vào khoảng cuối năm 2015; rồi hiện tượng Bốn mặt trăng máu, như được mô tả trong cuốn sách cùng tên của mục sư nổi tiếng người Mỹ John Hagee, sẽ xuất hiện vào khoảng 24-28/9. Đó là các dấu chỉ của ngày tận thế. Các tin đồn tương tự như thế cứ lặp lại hằng năm vào thời điểm nào đó. Những tin đồn loại này làm cho nhiều người hoang mang lo sợ khiến người ta lo xây dựng những ngôi nhà kiên cố dưới lòng biển, lo mua lương thực dự trữ, đèn dầu phòng cơ để tránh nạn nếu ngày đó xảy ra. Khi phải đối diện với những tin đồn như trên, chúng ta có thái độ nào? Có phải chúng ta lo chuẩn bị những phương tiện vật chất để phòng đại họa, hay là chuẩn bị tâm hồn, không để mình sa vào chè chén say sưa, lo lắng sự đời? Ngày ấy đến bất chợt như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu, nên chúng ta có thể lỡ cơ hội nếu không cảnh giác. Vậy đâu là những cám dỗ trong cuộc sống của thời đại hôm nay khiến chúng ta mất cảnh giác, thiếu tỉnh thức và không sẵn sàng hầu có thể ngẩng cao đầu ra đi đón Chúa?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và tất cả chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Trong niềm khao khát mong đợi và sẵn sàng cho ngày Người trở lại vào thời sau hết, chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện:

1. Hội Thánh có sứ mạng thức tỉnh nhân loại và loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, cách riêng cho các bậc chủ chăn luôn hăng hái nhiệt tình và biết dùng những phương thế Chúa ban để chu toàn sứ mạng.
2. Kỳ thị, hận thù và bạo lực đang gây ra biết bao đau thương cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi dân tộc được gia tăng ý thức tôn trọng và liên đới, luôn đối xử với nhau trong tình bác ái yêu thương như lời thánh Phaolô khuyên nhủ.
3. Chúa nói: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết giữ tâm hồn thanh sạch, quyết tâm xa lánh tội lỗi, và tích cực làm việc lành, hầu mỗi ngày trở nên xứng đáng hơn trước mặt Chúa.
4. “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì các con sắp được cứu rỗi.” Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tự hào về ơn gọi cùng sứ mạng của mình, không ngừng nỗ lực trở nên chứng tá cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa ở giữa thế gian.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con đang khao khát đợi chờ ngày Con Chúa quang lâm; xin nhận lời nài xin của chúng con và giúp chúng con luôn tỉnh thức cầu nguyện, giữ vững đức tin cùng niềm hy vọng cho tới ngày Đức Kitô ngự đến. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

(tgpsaigon.net)