Ngựa là một trong sáu con vật thân yêu rất gần gũi với người . Ngựa nổi tiếng từ cổ đến kim, suốt Đông sang Tây vì những gắn bó mật thiết với nhân loại . Ngựa là phương tiện giao thông hữu hiệu khi xe cộ tàu bè, phi cơ chưa được phát minh . Trong chiến tranh cổ điển, đoàn Kỵ Binh của La Mã, Ai Cập, Á Rập, Hung Nô, Mông Cỗ đã dẫm nát khắp nơi trên trái đất . Người Trung Hoa, Việt Nam đã sớm biết lợi dụng ngựa trong các chiến pháp, nổi tiếng nhất là Kỵ Mã Liên Hườn Giáp Trận của Hô Diên Chước thời Mạt Tống (Lương Sơn Bạc) . Bao nhiêu Chiến Mã Đông Tây đã đi vào huyền sử như con ngựa thành Troy (La Mã), ngựa sắt của đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương (Việt Nam), Ngựa Xích Thố, Thanh Long, Thoại Phong Câu, Kim Long, Ô Chùy …của các danh tướng cổ Trung Hoa như Quan Công, Nhạc Phi, Tiết Nhơn Quý, Hạng Võ …
Ngựa là con vật rất hiền lành, trung thành với chủ và vô cùng khôn ngoan . Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp sơ đẳng có kể chuyện người Mường và con ngựa khôn ngoan của Y đủ chứng minh đức tính tốt của ngựa . Ngoài ra người đời còn lợi dụng ngựa để ăn thua đỏ đen với nhau, các trường đua Quốc Tế, trường đua Phú Thọ (Sài Gòn), hằng ngày chứng kiến bao cảnh Hỉ, Nộ, Ái, Ố của kẻ tham vướng cờ bạc . Trong cuộc chiến VN, các nhà thầu thường toa rập với Cục mãi dịch đem thịt ngựa già tráo thịt bò, trâu cung cấp cho các quân trường và Trung Tâm Huấn Luyện . Xe ngựa, xe tứ mã nhan nhản khắp nơi ở VN, vừa đỡ chân vừa tiêu khiển rất đa dạng .
Ngựa Phi Đường Xa (Lê Yên) - Ban Hợp Ca Thăng Long
1-NGỰA TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ ĐIỂN TÍCH :
-Ngựa Trong Lãnh Vực Văn Chương Chữ Nghĩa :
Tiếp xúc với con người từ thời tạo thiên lập địa, rồi cả hai cùng đồng hành song bước qua khắp các chặng đường thời gian, cho nên không có ai lấy làm ngạc nhiên, khi thấy tên ngựa hiện hữu đầy rẫy trong kho tàng văn chương chữ nghĩa của nhân loại
*Trong từ ngữ : Ngựa gỗ, ngựa Hồ, ngựa người (danh từ phát xuất trong thời Pháp thuộc, chỉ những người kéo xe và hạng gái giang hồ), ngựa kỳ-ngựa ký chỉ những người có tài rút từ câu “ Kỳ ý tự quân nan phục linh”, ngựa truy phong, ngựa sắt (nói về Phù Đổng Thiên Vương), ngựa Tiêu Sương, vó câu, kỵ mã, quân mã, mã lực, mã hồi, mà đề, mã phu …
*Thành ngữ & Tục ngữ : Đầu trâu mặt ngựa, được đầu voi đòi đầu ngựa, mồm chó vó ngựa, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, ngựa quen đường cũ, thẳng như ruột ngựa, ngựa chạy có bầy-chim bay có bạn, ngựa hay lắm tật, ngựa Hồ chim Việt, ngựa hưu thay đổi, ngựa le te cũng đến bến giang …
Ngựa được nhắc nhở thường xuyên trong các tác phẩm văn học . Căn cứ vào đặc tính lông bờm của ngựa và những đặc thù khác của cơ thể nó như mặt, ruột …người ta thường nói ví như : Mặt dài như mặt ngựa, nói thẳng ruột ngựa, tứ mã nan truy, ngựa quen đường cũ, đồ ngựa, đầu trâu mặt ngựa …
Nhiều hình ảnh Ngựa có mặt trong thơ văn cổ của Bạch Cư Dị (722-816), Cao Bá Quát (1808-1855), Đỗ Phủ (712-770), Ngô Thời Nhậm (1746-1803), Nguyễn Du (1766-1820) ..nhưng thích thú nhất là khẩu chiến giữa ngựa và những con vật thân thương khác, sống cạnh con người như trâu, chó, dê, gà, lợn trong tác phẩm “Lục súc tranh công” .
“…Bồ đào mỹ tửu dạ lương bôi
Dục ẩn tỳ bà, mã thượng thôi …”
(Lương Chân Tử”
“Đường mây, vó ký lần lần trải
Ải tuyết cừ mao, thức thức pha …”
(Nguyễn Biểu)
“Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
Dòng nước sâu, ngựa nãn chân bon
Ôm yên gối trống đã chồn …”
Từ chàng dong ruỗi mấy niên
Chẳng nơi hãn hải thì miền tiêu quan …”
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
“kéo cờ lũy, phát súng thành
Từ công ra ngựa, thân nghênh cửa ngoài …”
(Kiều)
“Đàn năm cung, réo rắt tính tình dây
Cờ đôi nước, rập rình xe ngựa đó
(Nguyễn Công Trứ)
-Ngựa Trong Thành Ngữ và Điển Tích :
*CẦU XE NGỰA : Chỉ quyết tâm, dựa theo tích Tư Mã Tương Như đời Hán, lúc còn hàn vi vào Tràng An, qua một chiếc cầu, ghi vào đó hàng chữ, nếu không thành công thề không trở lại cầu này .
*DA NGỰA BỌC THÂY : Nói lên cái chí của người trượng phu, nam tử, thề chết trên yên ngựa ngoài chiến trường, chứ không như bọn trí thức dỏm, gục trên giường đàn bà . Điển tích trên lấy từ Hậu Hán Thư Mã Viện . Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc cũng có viết : Chí làm trai dặm ngàn da ngựa, gieo thái sơn nhẹ tợ hồng mao” .
*NGỰA ĐÁ : Sau khi Hưng Đạo Vương dẹp yên được giặc Nguyên, vua tôi trở về kinh thành Thăng Long . Khi viếng Hoàng Lăng, Vua Trần Nhân Tông để ý hai hàng ngựa đá đứng chầu nơi lăng tẩm, chân con nào cũng lấm bùn đất, Ngài nghĩ rằng : “Anh linh của các vị Tiên đế đã cỡi ngựa đá theo giúp mình nên mới được thành công” . Ngài phán :
“Xã tắc hai lần nhọc ngựa đá
Núi sông ngàn thuở vững chân vàng .
*NGỰA HỒ trong tích HOA LƯU HƯỚNG BẮC :
Tiêu Hậu bên Bắc Phiên có một danh mã tên gọi Tiêu Sương Nhật Nguyệt Mã, Vua Tống Chơn Tông nghe thấy muốn bắt đem về cỡi . Mạnh Lương là thuộc tướng của Dương Gia Trại, lanh lợi và thông thạo các ngôn ngữ Phiên Bang nên được phái đi bắt ngựa đem về . Ngựa Hồ từ khi về Hán, bỏ ăn uống bảy ngày đêm, chỉ hướng về đất Bắc hí hoài đến kiệt sức lăn ra chết . Loài vật còn biết nghĩ đến nước non, quê hương xứ sở, hà huống gì con người : Tích này hay được kể với truyện Việt Điểu Quy nam cũng đồng ý nghĩa như trên .
*NGỰA TÁI CÔNG :
Tái Thất Ông có một con ngựa tự nhiên bỏ đi, người bạn đến chia buồn, ông bảo : “Biết đâu là phước đó” . Vài hôm ngựa cũ về dắt theo một bày ngựa mới, hàng xóm lại đến chia vui, ông bảo : “Biết đâu là họa đó” . Con trai ông thấy nhà có nhiều ngựa nên cỡi chơi bị ngựa quăng gãy chân, hàng xóm lại đến chia buồn, ông bảo : “Biết đâu là phước đó” . Quả nhiên về sau giặc tràn vào làng, bắt thanh niên đi lính cho chúng, con ông vì gãy chân nên khỏi, ai cũng khen là phước .
Cụ Huỳnh Thúc Kháng Viết :
“Kìa tụ, tán chẳng qua là tiễn biệt
Ngựa Tái Ông họa phước biết về đâu ?”
*NGỰA TRE :
Quách Cấp làm quan đời Hậu Hán, thanh liêm chính trực, trước làm Thứ Sử Ích Châu rồi đổi đi xa, nay được trở về chốn cũ . Nam phụ lão ấu trong thành, cỡi ngựa tre ra tiếp rước vị quan tốt
*MANH NHÂN HẠT MÃ :
Thành ngữ trên ám chỉ những người mù quáng, hồ đồ hành động vì lợi nên thiếu suy xét, rốt cuộc phải bị thất bại, rút từ điển tích Cố Khải Chi đời Tấn kể : “Một người mù cỡi con ngựa đui, nửa đêm lạc đến ao sâu nên cả hai đều gặp nguy hiểm .
“Manh nhân kỵ hạt mã
Bán dạ lâm thâm trì”
*MÃ TIỀN BÁT THỦY :
Thành ngữ Trung Hoa đồng nghĩa với câu của ta : “Bát nước đổ xuống đất không hốt lại được” . Nói về một lầm lỗi không tha thứ được, theo tích Chu Mãi Thần đời nhà Hán, ham học nên không làm ăn gì cả, vợ chán cảnh đói nghèo nên ly dị . Sau Mãi Thần nhờ người tiến cử lại đánh giặc có công nên được phong chức Thái Thú Cối Kê là quê hương của ông . Vợ cũ hay tin tìm đến xin nối lại tình xưa, Mãi Thần đem một bát nước đầy đổ trước đầu ngựa và bảo người vợ cũ nếu hốt lại đầy bát thì chấp nhận, vợ hổ thẹn tự tử chết . Qua thành ngữ trên, Nguyễn Công Trứ đã viết :
“Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính
Còn có khi ngựa cỡi dù che”
*PHONG MÃ NGƯU, BẤT TƯƠNG CẬP :
Thành ngữ nói về tình trạng 2 sự việc song hành không liên quan gì cả dựa theo điển tích trong tả truyện : “Tề Hoàn Công đem quân đánh Thái, tiện đường tấn công luôn nước Sở . Vua nước Sở sai sứ đến trách : “Tề phương Bắc, Sở phương Nam, không liên đới gì cả sao lại gây cuộc binh đao ?” Nguyên văn : “Qua xử Bắc Hải, Quả Nhân xử Nam Hải, duy thị phong mã ngưu bất tương cập dã” . Nguyễn Công Trứ dựa theo điển tích trên viết :
“Rượu và sầu như gió, mã, ngưu”
*LÃO MÃ THỨC ĐỒ :
Thành ngữ dựa vào điển tích thiên phú của loài ngựa nhất là ngựa già biết nhận rõ phương hướng tìm về đường cũ khi bị lạc lối, ngoài ra cũng để ám chỉ kinh nghiệm của người từng trải, hiểu biết rõ về mọi vấn đề . Thành ngữ rút từ điển tích trong Hàn Phi Tử Truyện : “Tề Hoàn Công đem quân cứu Yên, đánh nước Cô Trúc (nay thuộc Nhiệt Hà, Hà Bắc) bị giặc làm kế dụ vào vùng Hãn Hải (sa mạc hoang vu), nhờ Quảng Trọng dâng kế, bắt lão mã thả cho chúng tự do đi lại, quả nhiên bầy ngựa già tìm lại được đường cũ . Thành ngữ trên hoàn toàn khác nghĩa với câu của ta : “Ngựa quen đường cũ” vì câu này hàm ý tả tật xấu của người đời, quen làm chuyện trái không thể bỏ được .
*THANH MAI TRÚC MÃ :
Thành ngữ nói về tình bạn của nam nữ khi còn thơ ấu, đồng nghĩa với câu của Việt Nam “Bạn từ thuở còn để chỏm”, dựa vào bài thơ của Lý Thái Bạch đời Đường viết để diễn tả tình bạn thắm thiết của cặp thiếu niên nam nữ :
“Lang kỵ trúc mã lai
Nhiên sáng lập thanh mai”
Nghĩa là lấy tre làm ngựa cỡi, dùng cành mai xanh làm roi ngựa, múa cành mai xanh cỡi ngựa tre chạy quanh giường . Tóm lại “Thanh Mai trúc Mã” chỉ tình bạn trai gái thân thiết thời niên thiếu .
*CHỈ LỘC VI MÃ :
Thành ngữ này đồng nghĩa với câu : “Chỉ lộng thành chơn” nói về trường hợp đã biết rõ sự thật mà vẫn cố tình bưng bít, xuyên tạc bóp méo sự thật để lừa bịp kẻ khác . Thành ngữ căn cứ vào điển tích của Tư Mã Thiên : “triệu Cao âm mưu soán đoạt nhà Tần nhưng trước khi hành động, muốn thử xem lòng người thế nào, mới bắt một con hưu đem đến trước nhà vua và các quan bảo đó là con ngựa, mọi người kể cả nhà vua vì sợ bị giết nên đều nói đó là con ngựa .
*ĐỔI MỸ NHÂN LẤY NGỰA :
Thi hào Tô Đông Pha đời Tống vì bất đồng chính kiến với Tể Tướng Vương An Thạch nên bị đày đi Hàng Châu . Bạn đồng liêu muốn đem con ngựa quý để đổi lấy nàng hầu xinh đẹp của TĐ Pha và hai người thỏa thuận cuộc trao đổi . Cô Xuân Hương tên người hầu, tức tủi vì bị sỉ nhục nên bảo với hai người : “Ngày xưa vua Tề cảnh Công mất ngựa muốn chém tên Mã phu, Tể Tướng Án Anh can ngăn : “Chuồng ngựa của Đức Khổng Phu Tử bị cháy, ngài chỉ hỏi có ai bị thương mà thôi mà không hề hỏi ngựa . Ấy người xưa trọng người khinh vật, nay Tô Học Sĩ trọng vật khinh người thì còn sống làm gì ?” Nàng nói xong đập đầu vào bệ đá chết, hai người nhìn nhau hối hận thì đã muộn rồi .
*MÃ ĐẦU CẦM :
Điển tích nói về một thứ đàn có khắc đầu ngựa của người Mông Cổ chuyên đi hát dạo . Tiếng hát nỉ non hòa với điệu đàn trầm bổng thê lương áo não khiến cho người nghe không cầm nổi nước mắt .
Mã Đầu Cầm được người Mông cổ gọi là “KHILKHEUA” là một dụng cụ âm nhạc gồm có một thùng đàn hình thang bằng gỗ, cần đàn thật dài trên đầu có khắc đầu ngựa .
Mã Đầu Cầm là một thiên tình sử của người Mông, tả lại trạng thái hỉ nộ ai oán của con người như sáu câu vọng cổ của ta . Điển tích kể rằng về phương Bắc nước Ngoại Mông có một Thiên Miếu gọi là “Bog Do kura” thờ thượng đế, chung quanh miếu là đồng cỏ tốt, thỉnh thoảng có 8 con ngựa đến ăn cỏ . Dẫn đầu đoàn ngựa trên là con Thiên Lý Mã gọi là “Jonung Khara Mori” ngày đi ngàn dậm, chủ bầy ngựa là Nhị Thập Tứ vì sao trên trời xuống thế biến thành người dạo chơi và trở về cõi thiên khi trời hừng sáng
Vị chỉ huy trong 24 vì sao, một hôm cỡi con Thiên Lý Mã dạo chơi gặp được một thiếu nữ trần gian, hai người yêu nhau tha thiết . Người con gái vì muốn giữ lại người yêu vĩnh cữu với mình nên đêm đến lén cắt 4 cánh nhỏ nơi bốn vó ngựa con Thiên Lý Mã khiến chàng không thể về trời được mà cũng chẳng quay lại chốn cũ với người yêu vì con Thiên Lý Mã đã gục chết nơi miền sa mạc hoang vu . Buồn rầu tuyệt vọng chàng trai ôm ngựa khóc, nước mắt nhỏ xuống mình ngựa biến thành cây đàn, đầu ngựa là đầu đàn và đuôi ngựa là những cung bậc trầm bổng . Chàng khẻ lướt qua dây đàn và cất tiếng hát ai oán, não nùng thương cho đời mình và người yêu bị cách chia vĩnh viễn .
2-NGÀN LẼ MỘT ĐÊM CHUYỆN LẠ VỀ NGỰA :
-Vui Buồn Đời Mã Trạm : Ngựa có tài phi nước kiệu, phương tiện chuyển vận giao thông hữu hiệu nhất khi chưa có máy bay, xe cộ, tàu bè . Kỷ lục vận tốc của ngựa có thể đạt tới 60km/ giờ . Riêng giống ngựa chiến Ả Rập có thể nện vó câu liên tục trên quãng đường dài 250km, suốt ngày đêm trong điều kiện khó khăn mà không cần phải ngơi nghỉ . Do các yếu tố trên, ngựa được sử dụng khắp nơi trên thế giới, để chuyển thư, công văn và thông tin liên lạc .
Tại VN, bưu chính đã có từ thời nhà Lý, nhưng phát triển mạnh mẽ khi Vua Gia Long thống nhất sơn hà, song song với sự hoàn thành con đường quan lộ từ Ải Nam Quan tới tận Mũi Cà Mâu . Riêng về hình thừa mã trạm, nước ta đã thực hiện từ thế kỷ thứ 9 sau TL, ngay khi Ngô Vương Quyền chính thức đem lại nền tự chủ cho dân tộc vào năm 939 . Mã trạm bao gồm ngựa và người cỡi ngựa, còn gọi là điếm binh, nai nịt rất gọn gàng, chân quấn xà cạp, đeo lục lạc tại thắt lưng hay cổ tay, đầu đội nón chóp, vai đeo những ống công văn được niêm phong cẩn mật được gọi là cán ống, còn giấy tờ công văn thượng khẩn thì gọi là công văn nhựt dạ . Khi cần thi hành một công tác cần kíp tối hệ trọng, ngựa trạm được trang bị một lục lạc quấn quanh ức, thêm một cái chuông nhỏ treo dưới cổ và trên đầu ngựa cấm một túm lông gà hay một lá cờ nhỏ làm hiệu lệnh để mọi người tránh đường . Riêng điếm binh tay cầm cương ngựa, tay khác cầm vật đựng than đỏ hoặc ngọn đuốc cháy ra dấu hỏa tốc, thượng mã phi đệ . Tóm lại làm nghề Mã Trạm thời xưa, trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của hoàn cảnh, buồn vui lẫn lộn . Vui khi ỷ thế được ưu tiên, tác oai tác quái với thiên hạ nhất là trước các cô gái quê nhu mì chất phác, còn buồn thì nhiều không kể, khi một người một ngựa giữa cảnh cheo leo đèo heo hút gió, đối mặt với gió núi mưa rừng, kể cả thú dữ và giặc cướp . Thương cho người lữ hành cô độc, mang trên mình tin tức khẩn thiết có liên hệ tới vận mệnh quốc gia, người đời đã viết : “Xót người hành dịch bấy nay, dặm xa thêm mỏi, ống đầy lại vơi ..”
-Nhịp Ngựa Hoa Vàng : Theo Tiến sĩ Joseph Needham, giáo sư chuyên nghiên cứu về nước Tàu, thì chính người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên trên thế giới đã phát minh và chế tạo nhạc khí, công cụ, dụng cụ và phụ tùng trên mình ngựa, vào thời đại đồ đồng . Chiếc xe ngựa cũng được ra đời từ đó, để trở thành phương tiện chuyên chở hữu hiệu nhất cho tới ngà nay . Qua các di vật khảo cổ, ta nhìn thấy được chiếc xe thổ mộ đầu tiên của nhân loại do ba con ngựa kéo ra đời trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ 4-1 trước Tây Lịch . Trong một bức tranh khác vẽ từ đời Hán, hình một chiếc xe ngựa với 2 chỗ ngồi, chiếc xe có mui nhưng còn thô sơ . Riêng trên mình ngựa đã có bộ thắng, căn cứ vào các di vật và tài liệu tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, chính người Trung Hoa đã sáng chế ra bộ thắng ngựa có ách vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước Tây Lịch, còn Châu Âu mãi tới thế kỷ thứ 10 sau TL, mới thấy sử dụng bộ thắng ngựa . Một khám phá lý thú khác về cái bàn đạp và yên ngựa cũng do người Trung Hoa sáng tạo ra . Điều này cho thấy sự lao đao của các kỵ sĩ thời cổ đại, trong các đoàn quân viễn chinh của Ba Tư, Mède, La Mã, Assayrie, Ai Cập, Babylone, Hy Lạp …ngồi trên ngựa không có yên và bàn đạp . Đến thế kỷ thứ 3 sau TL, người Hán đã đạt được kỹ thuật luyện kim, nên làm thành những chiếc bàn đạp ngựa bằng kim loại rất đẹp . Sau này, chính đoàn quân viễn chinh của bộ tộc Avars miền Trung Á, khi xâm chiếm Âu Châu, đã phổ biến các phụ tùng do người Tàu phát minh trên ngựa . Như Hoàng Đế Byzance là Fiavius Mauricius viết trong tác phẩm “luận bàn Về Chiến lược Năm 580 sau TL” thì bàn đạp, yên ngựa mới chính là yếu tố quan trọng nhất của Kỵ binh .
- Xe Thổ Mộ Tại Sài Gòn và Nam Kỳ Lục Tỉnh : “…Một con ngựa gầy vào thành phố, trên lưng chở mùa xuân hoa vàng …”câu thơ của ai đó, làm ta bâng khuâng hồi tưởng về một thời xa cũ tại Sài Gòn, Phan Thiết ..qua hình ảnh con ngựa gầy, kéo chiếc xe cũ kỹ, gõ đều nhịp lóc cóc trên đường phố, chơ vơ lạc lõng giữa dòng xe cộ, nơi những ngã tư ngã sáu mù mịt khói xe . Những chiếc xe ngựa chở đầy hoa, từ các nẻo ngoại ô vào phố thị, khác nào bầy én trên bầu trời bao la, mang tin xuân về nhân thế . Đây cũng là phương tiện giao thông cuối cùng của một thời vang bóng, ròi cũng sẽ trôi vào quên lãng như ông đồ già và nghiên mực tàu, giấy đỏ .
Xe ngựa mà người miền Nam quen gọi là xe thổ mộ xuất hiện tại VN vào thời Pháp thuộc, chỉ thông dụng tại Sài Gòn, miền Đông và miền Trung trở ra Trước kia tại thủ đô, xe ngựa hoạt động rộn rịp nhất là vùng Đức Hòa, Hóc Môn, Bà Điểm, hằng ngày chở hoa quả, cau trầu và bạn hàng tới các chợ Gia Định, Bình Tiên, Cầu Ông Lãnh . Từ sau năm 1954, xe ngựa chỉ còn được phép giao thông từ Bình Tiên tới Cầu Ông Lãnh và bến chánh tại một khu đất trống gần Ga Xe Lửa Sài Gòn . Cũng có một con đường tại Tân Định mang tên Mã Lộ . Tư khi xe ngựa du nhập vào VN, dân ta đã học được nghề đóng móng ngựa .
-Đua Ngựa, Thú Tiêu Khiển Của Người Sai Gòn : Sau khi chiếm được Sài Gòn và Lục Tỉnh vào năm 1867, người Pháp đã bỏ công sức để kiến thiết và mở mang Bến Nghé, từ một chốn hoang dã thành Hòn ngọc Viễn đông ngay từ đầu thế kỷ thứ 20 . Đồng thời cũng để đầu độc các thế hệ thanh niên VN quên lãng nỗi nhục mất nuóc, người Pháp cũng biến nơi này thành chốn ăn chơi sa đọa, cờ bạc, đĩ điếm công khai . Một trong những thứ tứ đổ tường làm nhiều người tan nhà nát cửa là đua ngựa . Môn cờ bạc này xuất hiện đầu tiên tại Sài Gòn năm 1906 do Pháp kiều Jean Duclos khởi xướng khi mang 8 con ngựa đua giống Ả Rập từ Hà Nội vào Sài Gòn . Từ đó trò chơi đánh cá bằng tiền diễn ra hằng ngày tại trường đua ngựa, tọa lạc trên một khu đất cao vùng Phú Thọ Hòa . Điều nực cười là thế cuộc cứ liên tục xoay vần dời đổi, người Sài Gòn và Lục Tỉnh qua từng thế hệ tán gia bại sản vì mê đua ngựa, thế nhưng môn cờ bạc này vẫn hiên ngang như diều gặp gió, hết Tây tới Tàu, Quốc Gia rồi Cộng Sản, rốt cuộc kinh doanh đỏ đen càng phát triển hơn trước .
Từ trước tới nay quận Đức Hòa (Hậu Nghĩa), là nơi cung cấp những ngựa đua và nài ngựa. Nhiều con ngựa đua và nài ngựa đã đạt được nhiều thành tích trên trường đua, tới nay vẫn còn được nhiều người nhắc nhớ như Huỳnh Long, Bảo Thành, Tân Long, Mã Thượng..với các bậc thầy nái ngựa như Hai Mái, Út Mãnh, Hiện Đức Hòa có trên 1000 con ngựa đua tập trung tại các xã Mỹ Thạnh, Đức Lập Thượng, Hòa Khánh Đông.
-Những con Ngựa Thượng Tứ : Ở Huế hồi trước hay bây giờ, những cô gái có tính tình không tử tế, thường bị các bà mẹ sĩ vã “ là những con Ngựa Thượng Tứ “. Căn cứ vào các tài liệu còn lưu trữ, ta biết vào thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, triều đình Huế có một cơ sỡ chuyên về Ngựa gọi là Mã Khải đặt tại phường Ninh Mật, sau đổi thành Huệ An, nằm bên trong cửa Đông Nam kinh thành Huế.Sở này gồm 20 toán Khinh Kỵ và Phi Kỵ, chỉ dành phục vụ cho vua mà thôi. Những con ngựa đặc biệt này mang tên là Thượng Tứ. Nhưng “ Thượng Tứ “ lại là cái tên mà các bà mẹ dùng để chê biếm chính con gái mình, những đứa “ vô tích sự “ chỉ biết ăn rồi cà nhỏng phất phơ ngoài đường phố, gây nhiều buồn phiền cho gia đình.
Tại Huế xưa nay không không biết tới cửa Thượng Tứ nhưng mấy ai biết Thượng Tứ lại là tên của một loại ngựa dành cho nhà vua nhà Nguyễn.
-Trảm Mã Trà : Là một loại trà đặc biệt, chỉ dành cho vua chúa và hoàng gia Trung Hoa thời phong kiến. Những người giàu có, giới thượng lưu cũng không thể uống nổi loại trà quý hiếm này vì rất tốn kém và cách pha chế lại cầu kỳ khó khăn, nên đã dùng loại trà “ Bạch Mao Hầu “ trên dãy Vu Di Sơn tại tỉnh Phúc Kiến thay thế.
Trảm Mã Trà có hương vị độc đáo, độ chát vừa phải, vị ngọt, uống vào giúp tiêu hóa thức ăn. Theo các tài liệu đọc được, ta biết khi mùa xuân đến cũng là lúc hàng đàn ngựa bị bỏ đói nhiều ngày, được các toán mã phu xua từ kinh đô đi về hướng rặng núi cao vút hiểm trở trong tỉnh Tứ Xuyên, có tên là Vu Sơn. Đây là một vùng núi từ xa xưa đã mọc bạt ngàn những rừng trà hoang và mỗi độ xuân về là đâm chồi nẫy lộc, nhuộm xanh cả một vùng trời.
Tại đó, đàn ngựa đói lâu ngày được bọn mã phu xua đuổi lên rừng trà trên sườn núi, mặc sức ăn những đọt trà non vừa ướm lộc, cho đến lúc bụng no căng không thể ăn được nữa. Lúc đó bọn mã phu mới tập trung đàn ngựa và dẫn chúng xuống một con suối lượn quan triền núi Vu Sơn. Dòng suối này rất đặc biệt vì nước đặc sệt xác lá trà xuân nát rữa từ trên núi rụng xuống, trong giống như một con rồng đen đang lượn khúc, vì vậy mới có tên là suối Ô Long. Bầy ngựa sau khi được uống nước suối thỏa thích, lập tức các mã phu lên lưng ngựa và trở về nơi xuất phát.
Họ cho ngựa đi thật chậm, để cho búp trà non được ngựa nhai nát thấm với nước suối, đang ở trong bụng ngựa có đủ thời gian (chừng 1 ngày) lên men. Lúc đó đàn ngựa cũng về tới chuồng, lập tức bọn mã phu chém chết ngựa, mổ bụng rạch bao tử ra để lấy xác trà. Một toán thiếu nữ đã chờ sẳn đón nhận, đem xác trà sao, tẳm, chế biến thành món uống cực quý dành cho vua chúa và hoàng gia, được đánh đổi bằng cái chết của bầy ngựa vô tội.
-Lễ Hội Xe Ngựa Ở Pháp : Lê hội diễn ra hằng năm, được mỗi ngôi làng vùng Provence tổ chức kéo dài một tuần lễ. Đây là một bình nguyên phì nhiêu đầy những vườn nho và các loại cây ăn trái nổi tiếng của Pháp, trãi dài từ Rhône tới Durance. Cả trăm năm qua, 15 ngôi làng trong vùng vẫn tiếp tục truyền thống của ông cha để lại.
Khởi đầu, lễ hội xe ngựa dành cho vị Thánh Eloi người bảo hộ cho các thợ bịt móng ngựa và các gia súc lo việc đồng áng như trâu bò.Ngày nay các chiếc xe ngựa của Thánh Eloi vẫn còn được các vị linh mục sở tại ban phép lành. Các cuộc diễn hành rất vui nhộn vì được các ban nhạc hòa tấu theo nhịp quân hành qua các bản nhạc như Marseillais của Pháp và các nhạc phẩm nổi tiếng quốc tế.
Trong ngày Hội, các con tuấn mã và yên cương thường được các làng cho mượn lẫn nhau nhưng về phần trang điểm thì mỗi làng đều có những đặc dị riêng. Hội bắt đầu từ ngày Chủ Nhật với những nghi thức cổ truyền từ việc ăn uống (bánh mì, dồi, rượu vang) cho tới đốt lò than tỏa khói trắng, cho tới lúc tia nắng bắt đầu trong ngày cũng là lúc khai tiệc với những cốc rượu vang. Đây cũng là thời điểm những chiếc xe ngựa và người đánh xe sẳn sàng. Gần đây lễ hội còn tăng phần náo nhiệt với sự tham gia của các cô gái vùng Arles trong y phục cổ truyền. Thường có chừng 40-50 con ngựa tham dự lễ hội hằng năm.
Xin được mượn bài viết của Tiên Sinh Thu Giang Nguyễn Duy Cần, trong tác phẩm “ Cái cười của thánh nhân “ để kết thúc bài viết. Có một người đánh xe Lừa rất bực mình giống Lừa cứng cổ. Giống này hễ làm biếng không đi, thì đứng lỳ một chỗ, càng bị đánh, càng lùi thêm..Anh ta bèn nghĩ ra một kế, đem bó lúa tươi thơm ngát treo trước đầu lừa.
Quã nhiên lừa thấy lúa thơm, bước tới ăn nhưng không bao giờ ăn được bó lúa. Nhờ vậy mà nó cứ bước mãi. Người đánh xe lừa không cần đánh đập, thúc giục hay tốn kém thứ gì..mà chiếc xe vẫn cứ đều đặn lăn bánh.
Từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Chạp 2013
HỒ ĐINH