Tìm Kiếm

31 tháng 12, 2015

Tổng kết thảo luận nhóm


Câu hỏi chia sẻ của nhóm 1: Tại sao nhiều người trong chúng ta thấy mệt mỏi cả thể xác và tâm linh?

* Mệt mỏi
o    Thể xác: bệnh tật tràn lan, tỉ lệ mắc bệnh nan y tăng cao, quá tải ở các bệnh viện công lập cũng như tư nhân. Môi trường bị tàn phá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
o    Tâm linh và niềm tin: ảnh hưởng mạnh mẽ đến thể xác. Tình trạng căng thẳng chính trị, khủng bố, cướp bóc, giết chóc tăng cao. Tính chất nghiêm trọng của các vụ án mạng ngày càng tăng. Con người như sống trong một mớ hỗn độn không có phương hướng, mục đích sống rõ ràng. Ngay cả các tín hữu Công Giáo cũng không có căn bản giáo lý, niềm tin tôn giáo lung lay, hoặc niềm tin không có hành động thực tế là niềm tin chết.
* Lý do
o    Guồng máy của cuộc sống luôn cuốn con người vào những cuộc đua không điểm dừng. Đua về vật chất, về địa vị, về danh vọng, đến cả việc thiện nguyện người ta cũng đua nhau theo phong trào.
o    Công nghệ được tạo ra với mục đích tốt nhằm phục vụ cho chất lượng sống của con người, chỉ những âm mưu đen tối lợi dụng công nghệ nhằm phục vụ lợi ích cá nhân mới làm ảnh hưởng xấu đến con người.
o    Niềm tin vào bản thân không còn, niềm tin vào tha nhân lại càng không. Mọi người luôn sống trong nghi hoặc, trong đề phòng, cảnh giác, ngay cả với những người thân yêu nhất.
o    Một bộ phận lớn giới trẻ không có lý tưởng sống, không có mục đích sống rõ ràng, sống đơn giản là tồn tại đối với họ. Rất dễ dẫn đến chán nản, bức xúc, phản ứng tiêu cực như cướp bóc, giết chóc, hút chích…
o    Lập trường không vững, mất tỉnh táo trước các thế lực đen tối sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội tác động xấu đến đời xấu của con người.
o    Cái tôi mỗi người quá lớn, nhu cầu thích thể hiện mình tăng cao, khiến con người không thể sống thật với chính mình, luôn phải gồng gánh một cơ số bộ mặt vốn dĩ không thuộc về họ.
o    Thời gian dành cho bản thân hầu như không có, phút tịnh tâm hoàn toàn bằng 0 trong quỹ đạo 24 giờ một ngày. Con người mệt mỏi khi đối diện với bản thân, thì làm sao khỏe khoắn tươi trẻ khi đối diện với tha nhân.
o    Trẻ em mệt mỏi vì áp lực học tập, vì phải cố gắng cho bằng “con người ta”. Người lớn mệt mỏi vì áp lực công việc, cuộc sống, luôn phải cạnh tranh, ganh đua cho bằng “người ta”. Người già mệt mỏi vì nuối tiếc về tuổi trẻ, vì mâu thuẫn với thế hệ con cháu, vì không tìm được niềm vui tuổi già.

Bạn Huyền Trâm - Đại diện nhóm 1 đang trình bày lại nội dung thảo luận

Danh sách nhóm 1:
1.     THẢO LINH
2.     HUYỀN TRÂM
3.     LIỄU MY
4.     PHÚC VINH
5.     ĐĂNG HÂN
6.     THÁI HẰNG
7.     TRUNG ĐOÀN
8.     HOÀNG KIM
9.     THÚY NGA
10.  THÀNH NHÂN
---
Câu hỏi chia sẻ của nhóm 2: Hiện nay việc chạy đua giữa cung và cầu có thực sự  làm cho người ta hụt hơi trong đời sống xã hội và cả tâm linh hay không? Vì sao?

Hiện nay hầu hết mọi người bị cuốn vào guồng máy giữa cung, cầu và cảm thấy hụt hơi.

Việc chạy đua giữa cung và cầu có mâu thuẫn khiến người ta không có điểm dừng. Người VN thương con, muốn con mình không thua kém bạn bè cả về vật chất và việc học hành. Cha mẹ ra sức làm việc để cung cấp đầy đủ cho con nhưng mặt khác ra sức thúc ép con học hành và chạy theo thành tích. Thậm chí áp đặt con cái không cần quan tâm đến khả năng thực sự của con mình. Điều đó ngày càng tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.

Vật chất ảnh hưởng đến tinh thần. Nếu mỗi gia đình chỉ dừng lại ở cái cần và đủ, dành thời gian bên nhau, nhất là trong những bữa cơm để tâm tình, trò chuyện và giải gỡ những khúc mắc của nhau, xây dựng bầu khí hạnh phúc. Nhưng nhu cầu vật chất khiến người ta chạy đua với thời gian và công việc, quên mất cần phải dành thời gian cho nhau khiến mỗi người trong gia đình ngày càng cô lập.


Xã hội có nhiều bất công, người giàu dùng tiền bạc để mua công lý khiến con người hoang mang sợ sệt, và càng ngày càng tin vào sức mạnh của đồng tiền và giảm đi niềm tin đối với nhau.

Do sự phát triển của các phương tiện truyền thông mà ngày càng nhiều người mắc căn bệnh sống ảo. Đi đến bất cứ đâu cũng gặp những con người tự kỉ, tự cười, tự sướng một mình với chiếc điện thoại, bất cần thế giới xung quanh và họ chỉ ra sức xây dựng các mối quan hệ trên các mạng xã hội và thế giới của riêng mình.

Nhu cầu tâm linh ngày càng giảm sút do người ta cảm thấy kiệt quệ khi dồn sức làm việc phục vụ cho nhu cầu vật chất. Nên khi có thời gian rảnh thì chỉ muốn nghỉ ngơi thư giãn, nếu có các buổi tĩnh tâm hay sinh hoạt phục vụ tinh thần thì phải tính toán và quyết định khó khăn.

Ngày càng có nhiều lớp học bổ ích, giáo dục nhân bản cần thiết cho đời sống tâm linh nhưng lại có rất ít bạn trẻ tham dự.

Nhu cầu vật chất và tinh thần luôn là hai yếu tố cần phải được cân bằng, nhưng khi người ta không đáp ứng được một trong hai thì yếu tố tất nhiên là sẽ cảm thấy hụt hẫng...


Bạn Mộng Huyền - Đại diện nhóm 2

Danh sách nhóm 2:
1.  Ánh Hồng
2. Mộng Huyền
3. Thùy Phương
4. Lũy Tố
5. Xuân Thành
6. Cô Kim Chi
7. Cô Khanh
8. Cô Liên

9. Linh Phương

---
Câu hỏi chia sẻ của nhóm 3: Đằng sau những căng thẳng, đổ vỡ, đau khổ có lực lượng ác tà không?

* Bối cảnh hiện tại
Trong cuộc sống đầy cạnh tranh và bất ổn hiện nay chúng ta hầu như lúc nào cũng cảm thấy mỏi mệt về thể xác và tâm linh. Hơn nữa, hàng ngày chúng ta phải chạy đua đến hụt hơi và mệt nhoài để đáp ứng quan hệ cung – cầu với mong muốn đem lại những gì tốt nhất có thể cho gia đình, con cái của mình.

* Hậu quả
Những sự cạnh tranh khốc liệt, những bất ổn, những toan tính/kế hoạch để đảm bảo cho nhu cầu của cuộc sống ngày càng tăng đã dẫn đến những hậu quả thật đáng buồn và đáng báo động - đó chính là những căng thẳng, đau khổ và đổ vỡ trong  mối quan hệ gia đình và xã hội.

* Nguyên nhân

Có hai nguyên nhân chính sau đây:
a)     Sự ganh đua không phù hợp thậm chí mù quáng, sự ích kỷ và muốn vun vén cho lợi ích bản thân mình mà chúng ta đã bỏ qua lợi ích của tập thể, của cộng đồng.
b)    Chúng ta không chấp nhận sự khác biệt và quan điểm của người khác vì ta luôn xem quan điểm/ý kiến của ta là đúng nhất, là quan trọng nhất. Chúng ta chiều chuộng và dung dưỡng cái tôi của mình và nhu cầu cá nhân mà không quan tâm một cách đúng đắn đến nhu cầu của người khác.

Những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, đổ vỡ và đau khổ đều mang hình ảnh của ma quỷ/ lực lượng ác tà. Khi chúng ta để những điều này tồn tại và dẫn dắt mình tức là chúng ta đã không để cho Chúa đồng hành và hướng dẫn chúng ta.

Ác tà hay ma quỷ luôn tồn tại. Nếu chúng ta không tỉnh táo để lựa chọn, không suy nghĩ và hành động theo Lời Chúa, không nhìn thế giới và nhân loại với Cái Nhìn của Chúa Giê-su thì chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động theo đường lối ác tà.

Bạn Ngọc Linh - Đại diện nhóm 3

Danh sách nhóm 3:
1.     Quang Bình
2.     Mai Quỳnh
3.     Tú Quyên
4.     Kim Ngân
5.     Thu Cúc
6.     Tuyết Linh
7.     Trường Sơn
8.     Ngọc Trong
9.     Ngọc Linh
---
Câu hỏi chia sẻ của nhóm 4: Đề nghị những cách để khắc phục những mệt mỏi, căng thẳng cả thể xác và tâm linh, mối tương quan trong gia đình, bạn bè, sự ảnh hưởng của nhu cầu cuộc sống (tiền bạc,…) để con người chúng ta trở lại con người hồn nhiên và nhìn thế giới, cuộc đời bằng ánh nhìn như ánh nhìn của Chúa Giê-su.

Trước tiên, chúng ta phải biết cân bằng thời gian và công việc giữa gia đình và cuôc sống thường nhật. Sắp xếp thời gian cho công việc, cho gia đình và cho cá nhân mỗi người. Cũng cần có sự nghỉ ngơi bằng các hoạt động thể thao giải trí, đi du lịch tìm về với thiên nhiên, xem phim, nghe nhạc… nhằm giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể đi đến nhà thờ cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa cũng như tham gia các hoạt động: ca hát ngợi khen Chúa, học hỏi lời Chúa, tham gia các buổi tĩnh tâm… vì chỉ có Chúa mới cho chúng ta nhận ra ý nghĩa thực sự của bản thân mỗi một người chúng ta.

Tiết chế lại sự tính toán của chúng ta trong cuộc sống, nên biết buông bỏ những thứ hào nhoáng bên ngoài không cần thiết và nhận biết thế nào là đủ, chia sẻ cho những người thiếu thốn hơn về vật chất lẫn tinh thần để chúng ta thực sự nhận ra rằng cuộc đời của chúng ta là quà tặng của Chúa.

Xa hơn nữa là hướng mọi người đến với Chúa qua lời cầu nguyện và cung cách sống của chúng ta “anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”, “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ”.

Nhưng cùng đích hết để làm được những điều trên là chúng ta phải biết kết hiệp với Chúa Giê-su - Người đã quá đỗi yêu thương chúng ta và nhìn chúng ta với một ánh mắt trìu mến luôn mong chờ chúng ta đến và múc lấy sức mạnh của Người - mà hoán cải trở lại một con người ban sơ như Cha của Người đã tạo dựng nên chúng ta từ thuở ban đầu thật đẹp và thánh thiện biết dường bao… Ánh nhìn của Người là ánh nhìn của sự vị tha, khiêm nhường, kiên nhẫn mong chờ và đầy yêu thương vì thế chúng ta phải học lấy Người nhìn thế giới và cuộc đời với ánh mắt ấy… các bạn nhé!

Bạn Kim Hạnh - Đại diện nhóm 4

Danh sách nhóm 4:
1.     Vĩnh Lộc
2.     Kim Hạnh
3.     Mai Trâm
4.     Anh Tuấn
5.     Bảo Linh
6.     Thành Khiêm


Kết thúc buổi thảo luận, Cha Phan-xi-cô chia sẻ một đoạn trong ca khúc "Đôi mắt", nhân chủ để của buổi tĩnh tâm là "See the World and Humanity with Jesus’ Gaze" mời các bạn cùng nghe lại...