Tìm Kiếm

18 tháng 4, 2016

Điểm dừng

giving-up

Trong cuộc sống bề bộn của chúng ta, đã không ít lần chúng ta đã gặp phải những chuyện đau lòng. Câu chuyện ấy có thể xảy ra với chính bản thân chúng ta, hay với một người thân mà chúng ta quen biết. Những lúc như thế, lòng chúng ta luôn quay quắt với ý nghĩ: Tại sao Thiên Chúa lại để cho chúng ta hay người thân của chúng ta rơi vào hoàn cảnh như thế? Thậm chí, chúng ta bắt đầu nghi ngờ về sự hiện diện của Ngài trong từng biến cố. Không ai trong chúng ta dám cho rằng mình đủ nghị lực để có thể vượt qua những đau thương ngay tức khắc. Tuy nhiên, có một điều chúng ta dám khẳng định là Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta vượt qua đau thương ấy, khi chúng ta chạy đến với Ngài. Những giờ phút bên Ngài chính là lúc chúng ta dừng chân trước tất cả những xáo trộn của cuộc sống, để được nhìn lại trong thinh lặng và suy gẫm.

Đau thương xảy đến có thể là một tai nạn, một căn bệnh hay một bất ổn nào đó; mà nó làm cho chúng ta phải dừng lại tất cả nhịp chảy bình thường của cuộc sống. Có thể nói chúng ta rất khó đón nhận đau thương này như một sự xin vâng theo thánh ý Chúa. Chúng ta thường tìm mọi cách giải quyết cho rốt ráo những việc này, để lại tiếp tục quay trở lại những sinh hoạt bình thường của mình. Thế nhưng, nhiều khi sự việc không diễn ra như chúng ta mong muốn. Thậm chí, chúng còn phá vỡ tất cả những hoạch định trong tương lai của chúng ta. Trong những tình huống ấy, cần biết bao nơi chúng ta sự thinh lặng để tìm ra ý nghĩa của những đau thương này.

Có thể bạn là một nhà kinh doanh thật giỏi, bạn xoay đủ cách để phát triển công việc của mình. Để làm được điều đó, bạn mất dần những khoản thời gian dành cho Chúa. Một ngày nào đó, căn bệnh nan y chợt ập đến với bạn. Bạn dường như mất tất cả và mất cả niềm tin vào Thiên Chúa. Nếu bạn biết rằng mình chỉ còn sống một thời gian ngắn thôi thì bạn sẽ làm gì? Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra hai thái độ: Tận dụng từng giây phút để sống kết hiệp với Chúa, hoặc buông thả trong sự thất vọng chán chường. Rất khó để chúng ta có một sự chọn lựa đúng đắn nếu chúng ta không bắt đầu bằng sự thinh lặng và cầu nguyện.

Tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi mỗi người một cách khác nhau. Có bao giờ bạn nghĩ rằng những đau thương mà Chúa gởi đến cho bạn, là cách Ngài biểu lộ tình yêu không? Chúng ta chỉ khám phá ra được điều này khi chúng ta có những giờ phút kết hiệp với Ngài. Chúa trao ban cho chúng ta tất cả mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống, cũng giống như những hoa trái từ công việc kinh doanh của bạn, Ngài cần ở nơi bạn những khoản thời gian bạn ở bên Ngài. Thế nhưng, bạn đã tận dụng cả những khoản thời gian đó để chỉ mưu cầu cho riêng mình. Thiên Chúa đã mất dần trong lòng bạn. Chắc chắn vì tình yêu, Ngài phải lên tiếng với bạn. Một căn bệnh nan y đến với bạn như một điểm dừng mà bạn cần phải có, để rà xét lại chính mình. Cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta luôn thật đặc biệt, mà chỉ trong sự kết hiệp mật thiết với Ngài, chúng ta mới hiểu được. Cuộc đời của mỗi Kitô hữu là sự khám phá tình yêu của Thiên Chúa, để rồi biết mình phải làm gì để được sống trong tình yêu ấy.

Điểm dừng có thể là điều đau thương nhất của chúng ta, và cũng có thể là mấu chốt của lòng thương xót nơi Thiên Chúa mà chúng ta khám phá ra được. Điều đó tùy thuộc vào thái độ đón nhận của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn mong ước con cái của Ngài được kết hiệp nên một với Ngài. Chúng ta hãy luôn làm đẹp lòng Ngài bằng sự gắn kết ấy. Dù cuộc sống an nhàn hay một tai ương nào đó xảy đến, chúng ta hãy luôn nhận ra tình yêu của Ngài nơi từng biến cố, để càng gắn bó mật thiết với Ngài hơn. Điểm dừng là điều cần thiết để chúng ta tự tra vấn chính mình.

Therese Trần Thị Kim Thoa