Tìm Kiếm

11 tháng 5, 2015

Ý Nghĩa Huy Hiệu Và Kinh Năm Thánh Thương Xót

Trong cuộc họp báo sáng ngày 5-5-2015, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã giới thiệu và giải thích ý nghĩa huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Cùng với khẩu hiệu ”Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), huy hiệu này trình bày một tổng hợp xúc tích về Năm Thánh.

 Huy hiệu, do Cha Marko I. Rupknik S.I sáng tác, trình bày người Cha đang vác người con lầm lạc trên vai, theo hình ảnh rất được Giáo Hội cổ kính quí chuộng, vì diễn tả tình thương của Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm nhập thể của Ngài bằng công trình cứu chuộc.
 Hình của huy hiệu làm nổi bật sự kiện Vị Mục Tử nhân lành đi sâu vào thân thể con người, với tình thương yêu đến độ thay đổi cuộc sống của con người. Ngoài ra, một sự kiện này không thể bỏ qua, đó là Vị Mục Tử Nhân Lành, với lòng thương xót tột độ, vác nhân loại trên vai, nhưng đôi mắt của Vị Mục Tử hoàn toàn giống như đôi mắt của con người. Chúa Kitô nhìn với con mắt của Adam và Adam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế mỗi người nhận ra nơi Chúa Kitô là Adam mới, chính nhân tính của mình và tương lai đang chờ đợi mình, khi chiêm ngắm, trong cái nhìn của Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha.
 Cảnh tượng trên đây được đặt bên trong hào quang bầu dục màu xanh, đây là hình ảnh rất được quí chuộng theo lối họa hình đạo thời thượng cổ và trung cổ, nhắc nhớ sự đồng hiện diện của hai bản tính: thiên tính và nhân tính, trong Chúa Kitô. Ba hình bầu dục đồng qui của hào quang, với màu dần dần sáng hơn khi tiến ra vòng ngoài, gợi lên tác động của Chúa Kitô đưa con người ra khỏi đêm đen của tội lỗi và sự chết. Đàng khác, màu đậm hơn ở bên trong cũng diễn tả tính chất khôn lường của tình thương Chúa Cha, Đấng tha thứ mọi sự.
 Đức TGM Fisichella cho biết huy hiệu đã được đăng ký nơi các cơ quan quốc tế để tránh bất kỳ việc lạm dụng nào và để bảo vệ tác quyền. Hiển nhiên là mọi sự sử dụng khác với mục tiêu tôn giáo phải được Hội Đồng Tòa Thánh chấp thuận và mọi lạm dụng sẽ bị truy tố.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã soạn một bản kinh để giúp các tín hữu cầu nguyện trong Năm Thánh Lòng Thương Xót (từ 08-12-2015 đến 20-11-2016). Trong lời kinh, Đức Thánh Cha nài xin Chúa làm cho Năm Thánh Lòng Thương Xót trở nên một năm hồng ân để Hội Thánh “thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy”.

Sau đây là toàn văn kinh nguyện này:

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời,
và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát.

Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc;
đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo;
đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa,
và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.

Xin cho chúng con biết lắng nghe,
như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”

Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ
mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự:
xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,
gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối
để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc:
xin cho mọi người đến với các thừa tác viên
đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.

Xin Chúa hãy gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,
để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo,
loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức,
và cho người mù lại được nhìn thấy.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót,
chúng con nguyện xin Chúa
là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời.
Amen.

+ Phanxicô,
Giáo hoàng

Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P. (daminhvn.net)