Tìm Kiếm

1 tháng 5, 2015

Cách nào để nhớ lâu?

Muốn nhớ dai cần có sự chăm sóc “ưu ái”, kể cả… rèn luyện cho não.
Não cần gì?
Não cần sự tỉnh táo và thoải mái để ghi nhận thông tin. Nhiều người có thói quen dùng trà, cà phê với mục đích giúp tỉnh táo. Cách này chỉ làm mệt não, thông tin ghi nhận như “nước đổ đầu vịt”. Để đủ tỉnh táo, cần nghỉ 15-20 phút sau hai tiếng học bài, làm bài tập. Trong lúc nghỉ, cần tranh thủ đưa mắt ra xa thay đổi thị trường để đỡ mỏi mắt, tránh tật khúc xạ, song song là vận động vài động tác thể dục để máu huyết lưu thông, tăng cường thải độc giúp não sáng suốt.
Não làm việc mạnh mẽ vào ban ngày, giảm dần vào ban đêm. Do đó, sau khi học tám giờ cần có giấc ngủ sâu tối thiểu bốn giờ, tốt nhất từ sáu-tám giờ. Ngủ ban đêm và ngủ đủ giấc thì khả năng ghi nhận thông tin và nhớ sẽ tốt hơn học đêm ngủ ngày vì đảo lộn đồng hồ sinh học và phải chống chọi với cơn buồn ngủ.
Não cần có năng lượng nhiều để hoạt động, vì vậy nên lưu ý các món ăn có lợi cho não. Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM hướng dẫn: “Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, ngoài ba bữa chính cần có thêm ba bữa phụ cung cấp năng lượng cho não. Nên chú trọng nhóm bột đường (cơm, mì, nui, bún…) và vitamin nhóm B (có trong trái cây, các loại đậu có vỏ).
Hạn chế các món ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ. Khi hệ tiêu hóa phải làm việc trong thời gian dài, cơ thể sẽ ưu tiên cung cấp máu để đảm bảo các hoạt động này. Vì thế, não không được cung cấp máu đầy đủ. Mỗi ngày cần dùng 150g thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, trứng… Ba bữa phụ chủ yếu cung cấp bột đường: một ly sữa, bánh quy, khoai, trái cây tươi…”.
 

Đánh thức khả năng lưu trữ
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, khả năng lưu trữ thông tin của não bộ rất lớn nhưng không phải ai cũng biết cách “đánh thức” tiềm năng này.

Vừa chơi vừa học. Ngoại ngữ được cho là môn “thuộc nhóm” học vẹt nhưng nếu nắm được ngữ pháp, cách dùng từ, trong từng hoàn cảnh thì sẽ nhớ lâu. Những người học tiếng Anh dễ dàng, vốn từ phong phú thường nhờ thói quen thích đọc sách, thích ca hát không qua bản phiên dịch. Thói quen này là cách vừa chơi vừa học, thú vị nên nhớ lâu. Tương tự, khi học các môn lịch sử, địa lý, nên đọc sách và xem thêm nhiều hình vẽ...
Nghĩ đến để nhớ. Khi yêu một ai đó, ta sẽ không bao giờ quên nụ cười, ánh mắt bởi hình ảnh người yêu đã được não “chụp hình”. Để nắm chắc công thức toán, lý, hóa cũng cần có sự “chụp hình” và hồi tưởng. Cần có một tấm bảng, ghi công thức lên rồi để ở nơi hay ra vào, ví dụ ở gần cửa… Ngoài ra còn có các dụng cụ hỗ trợ khác như điện thoại thông minh, laptop… Những gì cần nhớ cho vào một file, có thể đặt tên “đọc lại để thi đậu”. Khi có thời gian rảnh rỗi, “chui” vào đọc. Một ngày “gặp mặt” vài lần, sau này muốn quên cũng… khó.
Tạo dấu ấn để nhớ. Cần có sự liên hệ với những việc xung quanh để nhớ bài học tốt hơn. Đã có không ít bạn sau khi nhận sách đầu niên khóa cắm cúi đọc xem cả năm mình học những gì. Sau khi đọc xong, những gì thắc mắc sẽ ghi chú để hỏi thêm thầy cô. Do có sự chuẩn bị lô-gic nên não nhớ dai hơn người học thụ động, thầy cô giảng đến đâu học đến đó. Đọc trước khi học là cách giúp não ghi nhận nhiều hơn những tình huống xung quanh.
Tóm tắt để nhớ. Rút ý chính để triển khai những phần còn lại. Đây là cách học đòi hỏi sự tổng hợp và phân tích. Cuối cùng là không nên để nước đến chân mới nhảy, sát kỳ thi mới học mà là học mỗi ngày, gần kỳ thi chỉ ôn tập và thư giãn.