Tìm Kiếm

15 tháng 12, 2014

Đời Sống Tâm Linh: Lịch Sử Các Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo

PHẦN THỨ NHẤT
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ


Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày sự tiến triển của các hình thức tu trì, được phân làm ba giai đoạn chính: thời giáo phụ; thời trung cổ; thời cận đại.
I. THỜI GIÁO PHỤ

Trong giai đoạn Một, chúng ta sẽ theo dõi sự phát triển các hình thức tu trì Kitô giáo từ hồi khởi thủy Giáo Hội cho đến hết thời các giáo phụ, và nói được là kéo dài ra suốt thiên niên kỷ thứ nhất: bắt đầu là các nhà khổ hạnh và các trinh nữ (chương Một), rồi đến đời sống đan tu dưới nhiều hình dạng khác nhau bên Đông phương và Tây phương (chương Hai-Bốn).

 
Chương Một
NHỮNG HÌNH THỨC SƠ KHỞI

Đời tu trì Kitô giáo khởi đầu từ khi nào? Thật không dễ trả lời. Có người cho rằng đời sống tu trì Kitô giáo bắt đầu từ thế kỷ IV với nếp sống đan tu trên sa mạc. Một ý kiến đối lập cho rằng không thể nào xác định khởi điểm đời sống tu trì Kitô giáo, bởi vì hiện tượng này đã hiện hữu từ nhiều thế kỷ trước Kitô giáo. Một ý kiến thứ ba cho rằng đời tu trì Kitô giáo xuất hiện với Đức Kitô, bởi vì Người đã mang lại một sắc thái mới cho hiện tượng tu trì.

Thiết tưởng cả ba ý kiến vừa nói đều có lý, tùy theo quan điểm của mỗi người về đời tu trì. Ngay trong lịch sử Kitô giáo, đời sống tu trì đã mang nhiều dạng thức khác nhau rồi; tất nhiên khi đối chiếu với các tôn giáo khác thì sự khác biệt lại càng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, dù có nhiều sự khác biệt đi nữa, nhưng những điểm tương đồng cũng không ít. Vì thế, tuy hình thức tu trì Kitô giáo mang một thể chế cố định với đời đan tu vào hôì thế kỷ IV, nhưng nó đã được manh nha ngay từ khi Kitô giáo xuất hiện, và ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của các phong trào khổ hạnh tu đức đã được thực hành nơi các tôn giáo khác.

 
MỤC 1
ĐỜI TU TRÌ TRƯỚC KITÔ GIÁO

Một sự thực không thể chối cãi được là đời tu trì đã xuất hiện trước Kitô giáo, một cách cụ thể là ở Phật giáo, với ba cột trụ là “Phật - Pháp – Tăng”. Nếu bên Phật giáo, Tăng đoàn là một thành phần cốt yếu, thì thử hỏi: có thể khẳng định tương tự như vậy bên Kitô giáo không? Thực ra câu hỏi này có thể hiểu theo hai nghĩa:

1) Đời tu trì có thiết yếu đối với Kitô giáo hay không; nói khác đi: phải chăng duy chỉ các nhà tu hành mới thực là Kitô hữu chân chính?

2) Đời tu trì Kitô giáo chịu ảnh hưởng của Phật giáo không?

Câu hỏi thứ nhất (phải chăng chỉ có tu sĩ mới thực là Kitô hữu chân chính?) sẽ được trả lời trong mục kế tiếp khi bàn về nguồn gốc đời tu theo Tân ước. Câu hỏi thứ hai (về ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời tu Kitô giáo), thì thiếu tài liệu chắc chắn. Phật giáo bắt nguồn từ Aán độ, sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Việt Nam, nghĩa là hướng về phương Đông. Không có tài liệu nào cho biết là Kinh Phật được truyền bá sang miền Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, lịch sử tôn giáo cho thấy rằng hiện tượng tu trì không chỉ xuất hiện ở bên Ấn Độ mà thôi, nhưng còn ở nhiều miền khác nữa. Cách riêng, các Kitô hữu tiên khởi đã có dịp tiếp xúc với những hình thức tu trì bên Palestina, hoặc xa hơn chút nữa, với những hình thức tu trì ở vùng Địa-Trung-hải.


I. HÌNH THỨC TU TRÌ TRONG CỰU ƯỚC

Ở Việt Nam, vào ngày đầu năm, người ta chúc cho nhau (Phúc, Lộc, Thọ), và đôi khi còn bông đùa thêm (đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái). Đó cũng là quan niệm về hạnh phúc ở nhiều dân tộc khác, kể cả dân tộc Israel. Khi gọi ông Abraham lìa bỏ quê cha đất tổ để trở thành tổ phụ một dân tộc mới, Thiên Chúa đã hứa với ông một dòng dõi đông đúc (như sao trên trời, như cát dưới biển) và đồng ruộng mênh mông (xc. St 13,14; 15,5). Những điều đó sẽ còn được lặp lại trong giao ước với ông Moisen: các lời chúc phúc hoặc nguyền rủa được đo lường theo số con cháu và hoa lợi đồng áng (xc. Đnl 28,1-68). Vì thế không lạ gì trong các thánh vịnh ta thấy những lời cầu chúc không khác gì những lời chúc Tết ở xứ mình:

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, 
ăn ở theo đường lối của Người. 
Công khó tay bạn làm, 
bạn được an hưởng, 
bạn quả là lắm phúc nhiều may. 
Hiền thê bạn ở trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái; 
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, 
xúm xít tại bàn ăn. 
Đó chính là phúc lộc 
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” 
(Tv 128, 2-4; xc.144, 12-15).

Trong bối cảnh đó, thật khó mường tượng có ai đón nhận cảnh độc thân hoặc thanh bần như là phúc lành của Chúa. Tuy vậy, các học giả đã ghi nhận một thể chế những nhà khổ hạnh mang tên là Nazir. Hình ảnh quen thuộc với chúng ta hơn hết là ông Samson. Khi bà mẹ còn mang thai, thiên sứ đã nói trước về nếp sống của con mình như sau: “Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một nazir của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitin” (Tl 13,5-7; 16,17). Thực ra đây không phải là một kỷ luật áp đặt riêng cho ông Samson vì là một anh hùng dân tộc, nhưng là một thể chế khá phổ thông mang tên là Nazir (có nghĩa là “khấn hứa, tận hiến”) đã được ghi lại trong chương 6 của sách Dân số như sau:

“Bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, đã khấn nazir, tức là khấn đặc biệt kiêng cữ để kính Đức Chúa, thì nó phải kiêng rượu và men nồng (...). Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn, dao cạo không được đụng đến đầu nó; bao lâu chưa mãn thời kỳ khấn đặc biệt để kính Đức Chúa, thì nó sẽ là người được thánh hiến; nó phải để cho tóc trên đầu được mọc tự nhiên. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt để kính Đức Chúa, nó không được tới gần xác chết. Dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình bị nhiễm uế, bởi vì nó mang trên đầu lời khấn nazir kính Thiên Chúa. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt, nó sẽ là người được thánh hiến cho Đức Chúa.”

Chúng ta thấy có ba nghĩa vụ kèm theo lời khấn nazir (tận hiến): không cắt tóc; kiêng các đồ uống có men; kiêng không chạm đến xác chết. Có thể coi đó như là dấu hiệu bày tỏ ý muốn thuộc trọn về Thiên Chúa:

a/ không cắt tóc: tóc là biểu tượng của sức mạnh, vì thế không cắt tóc mang ý nghĩa là đương sự phó mặc cho Thiên Chúa tác động nơi mình;

b/ kiêng rượu: có nghĩa là khước từ nếp sống dễ dãi;

c/ kiêng tới gần xác chết: có nghĩa là mình hoàn toàn thuộc về Chúa.

Nói đúng ra, hình như đó chỉ là những nghĩa vụ mà luật đã đặt ra cho một người đã khấn nazir chứ không hẳn là một nếp sống trọn đời, bởi vì lời khấn này có thể chỉ có giá trị trong một thời hạn. Đàng khác, tuy bản văn có giá trị cho đàn ông và đàn bà, nhưng xem ra Kinh Thánh không thuật lại điển tích nào của nữ giới. Ngoài ông Samson, chúng ta còn được biết các nhân vật khác giữ luật nazir, chẳng hạn như ông Samuel (1Sam 1, 11); sang thời Tân ước, ông Gioan Tẩy giả (Lc 1, 15) và ông Saulô (Cv 18,18).

Có những dòng tu Công giáo lấy ông Gioan Tẩy giả làm khuôn mẫu cho nếp sống khổ hạnh và rao giảng Tin mừng (chuẩn bị cho Chúa đến). Một khuôn mẫu khác của Cựu ước thường được trưng dẫn là ông Elia: ông là người nhiệt thành bảo vệ đức tin, bảo vệ công bình xã hội, cũng như là một con người chiêm niệm và hướng dẫn một đoàn người tu trì (xc. 1V 20, 35; 2 V 2,3; TH số 84b)
[1].


II. HÌNH THỨC TU TRÌ Ở PALESTINA: NHÓM ESSENI

Từ lâu các sử gia đã nghe ông Josephus Flavius và ông Philo Alexandria nói đến một cộng đoàn tu trì Do thái mang tên là nhóm Esseni. Danh xưng này có lẽ bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp hosioi (những kẻ thánh thiện) hoặc tiếng Aramic hassaya (những kẻ sùng đạo). Nhóm này tách ly ra khỏi quần chúng, rút vào sa mạc để tìm sự thánh thiện. Do một tình huống may mắn, mãi đến năm 1947, các nhà khảo cổ khám phá ra được địa điểm Qumran, ở bờ Biển Chết, nhờ đó người ta mới biết chi tiết hơn về nếp sống cụ thể của họ. Bản luật của họ được viết vào khoảng từ năm 110 đến năm 75 trước Công nguyên, với những điểm nổi bật sau đây: vâng lời Bề trên (được gọi là “Thầy Công chính”), tình yêu huynh đệ, đức khiêm nhường, việc sữa lỗi huynh đệ.

Lý tưởng của cộng đoàn là nhắm tới sự hoàn hảo thánh thiện. Sự thánh thiện được đạt tới bằng sự thông hiệp với thế giới thần linh (Thiên Chúa và các thiên sứ); sự hoàn hảo được diễn tả qua việc tuân giữ nghiêm ngặt bản Luật. Vì thế cuộc đời của các thành viên được đan dệt bởi sự cầu nguyện, lao động và học hỏi Lề Luật.

Từ sáng sớm, họ đã thức dậy để đọc kinh chung với nhau. Tiếp đó, mỗi người làm công tác được trao phó ở trong cộng đoàn: làm bếp, làm bánh, làm vườn, đồ gốm, chép sách,.v.v... Đến 11 giờ trưa, họ tham dự một cuộc thanh tẩy (tắm rửa), rồi bữa ăn cộng đoàn. Bữa ăn này mang tính cách phụng vụ: chỉ những phần tử cộng đoàn mới được dự phần, và phải khoác phẩm phục. Dĩ nhiên là trước và sau bữa ăn đều hát kinh chúc tụng và tạ ơn. Sau đó mỗi người trở về với công tác lao động cho đến chiều tối. Sau bữa ăn là buổi canh thức kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ.

Cộng đoàn Qumran gồm những người độc thân, chuyên chăm nghiền ngẫm Lời Chúa; nhưng xem ra cũng có hàng giáo sĩ ở đây nữa.


III. HÌNH THỨC TU TRÌ BÊN AI CẬP

Trong khảo luận De vita contemplativa (về đời sống chiêm niệm), ông Philô (k.20 trước CN - k.50 CN) có nhắc đến những nhà khổ hạnh sống ở phía Đông thành phố Alêxandria (Ai-cập), gần hồ Mariotis. Ông đặt tên cho họ là Therapeutae, gốc Hy-lạp có nghĩa là “phục vụ” hoặc “chữa trị”, nhưng ông nghiêng về nghĩa thứ hai hơn, bởi vì họ là những kẻ chữa trị bệnh tật của linh hồn, tức là những dục vọng, gây ra sầu não cho con người. Họ sống cuộc đời lành mạnh, chuyên chú vào việc chiêm niệm. Ông thuật lại rằng thỉnh thoảng ông cũng rút lui vào ở với họ, xa cách cảnh náo nhiệt của thành phố.

Chắc rằng một vài Kitô hữu tiên khởi đã có dịp tiếp xúc với nhóm Esseni và có lẽ kể cả với nhóm Therapeutae. Thử hỏi: những nhóm đó đã tác dụng như thế nào đối với lý tưởng đời tu Kitô giáo? Thật khó trả lời, bởi vì thiếu tài liệu lịch sử. Dù sao, bên cạnh những định chế tu trì, chúng ta đừng nên bỏ qua những luồng tư tưởng tâm linh đã tiềm tàng trong Cựu ước, chẳng hạn như khát vọng “đi tìm Chúa, khao khát chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa” (Tv 42,2-3; 143,6-7), hoặc những “người nghèo của Giavê” (anawim), nghĩa là những kẻ khiêm tốn bé mọn (xc. Xp 2,3; 3,11; Lc 1,47).

 
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. (daminhvn.net)