Tìm Kiếm

18 tháng 12, 2014

GS Nguyễn Hưng Quốc thuyết trình Phương Pháp Giảng Dạy Tiếng Việt

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt


WESTMINSTER (NV) - Chiều Chủ Nhật, 14 tháng 12, tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, Giáo Sư, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã có cuộc nói chuyện về “Phương Pháp Giảng Dạy Tiếng Việt.” 


Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc đang thuyết trình về phương pháp giảng dạy tiếng Việt tại Viện Việt Học.

Chọn nơi đây để mở cuộc nói chuyện về dạy tiếng Việt quả là thích hợp vì Viện Việt Học là nơi đón nhận tất cả những nhà hoạt động văn hóa Việt Nam trên khắp thế giới cần đến một diễn đàn.
Giới thiệu diễn giả, Giáo Sư Lê Chính Long sơ lược qua tiểu sử cho biết, “Giáo Sư, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, được nhiều người biết đến. Ông vượt biên khỏi Việt Nam vào năm 1985, đầu tiên tới Pháp sau đó định cư tại Úc từ năm 1991. Tốt nghiệp ngành sư phạm tại Việt Nam sau 1975, khi đến Úc ông đã lấy bằng Tiến Sĩ Văn Học tại Đại Học Victoria, Úc. 

Cũng tại đại học này ông giảng dạy về ngôn ngữ, văn học, văn hóa và chiến tranh Việt Nam. Ông cũng là chủ bút tạp chí Việt và hiện nay đồng chủ bút trang Tiền Vệ trên mạng. Ngoài ra ông còn hợp tác với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Với một giọng nhỏ nhẹ, Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc đi vào phần thuyết trình với một dàn bài được chiếu trên mành hình lớn.

Trước khi vào phần chính là Phương Pháp Giảng Dạy Tiếng Việt, diễn giả đã lần lượt đi qua các phần rất cần thiết để mọi người có thể mường tượng ra được một phương pháp giảng dạy tiếng Việt mà giáo sư sẽ dẫn đến.

Hai phần chính trong phần mở đầu này là “Xác Định Đối Tượng Đang Học Tiếng Việt” và “Xác Định Bản Chất Ngôn Ngữ Của Đối Tượng Ấy” để rồi sẽ “chọn lưa một phương pháp giảng dạy thích hợp.”
Đối tượng đang học tiếng Việt hiện nay là trẻ Việt tại các quốc gia mà cha mẹ được tị nạn như Pháp, Úc, Hoa Kỳ... Những trẻ này có em sinh ở Việt Nam rồi mới ra hải ngoại. Có em sinh ở hải ngoại. Do đó về bản chất tiếng Việt của các em cũng khác nhau.

Nếu sinh ở Việt Nam, sống ít lâu ở trong nước thì tiếng Việt với các em là ngôn ngữ chính. Nếu các em là sắc tộc thì tiếng Việt lại là ngôn ngữ thứ hai. Nếu các em sinh ở hải ngoại thì tiếng Việt lại như tiếng ngoại quốc. Nhưng dù đối tượng ở dạng nào thì tiếng Việt nay cũng là ngôn ngữ thứ hai khi các em được vào học tại các trường ở địa phương nên các em này đã phải học hai thứ tiếng cùng một lúc (song ngữ).

Cô giáo Thúy Minh Hồng đang trình bày kết quả tốt đẹp về phương pháp

Âm Vị Học trong việc dạy tiếng Việt. Bên cạnh là diễn giả Nguyễn Hưng Quốc.


Về song ngữ, diễn giả cũng đề cập đến các loại song ngữ, có song ngữ theo thời điểm học tuần tự hay cùng lúc. Có song ngữ lại theo trình độ.

Nhìn vào khả năng tiếng Việt của các trẻ tại các nước nói tiếng Anh, diễn giả đưa ra một số nhận xét. Thứ nhất, cách phát âm của trẻ Việt không chuẩn. Thứ hai, kỹ năng ngôn ngữ không đồng đều. Thứ ba, diễn đạt thiếu tinh tế. Thứ tư, kỹ năng nghe và ý thức về cú pháp kém.

Điều nhận xét này của diễn giả rất dễ dàng được sự đồng thuận của mọi người. Bởi vì khi vào học các lớp vỡ lòng tại hải ngoại, các em đã được hướng dẫn phát âm tiếng địa phương, thường là không có 6 âm sắc như trong tiếng Việt.

Diễn giả cho rằng người gốc Bắc có 6 âm sắc, người gốc Nam có 5 âm sắc và người gốc Trung ở một vài nơi lại chỉ có 2 âm sắc. Trong khi đó các lớp song ngữ, trình độ của học sinh lại không đồng đều cũng như kỹ năng ngôn ngữ nên kết quả thường thấy là các em nghe giỏi hơn là nói.

Bước sang phần chọn lựa một phương pháp giảng dậy cho thích hợp, Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra một số thí dụ về các em dùng tiếng Việt với những câu và những ý rất ngây ngô như “Nhà em có NUÔI một ông nội,” chúng ta sẽ suy nghĩ gì trong việc giảng dạy trước những thực tế đó. Vấn đề diễn giả đặt ra là cách dạy đọc có nên còn theo phương pháp đánh vần nữa không.

Kết thúc phần thuyết trình về “Phương Pháp Giảng Dạy Tiếng Việt,” diễn giả cho biết theo kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt của ông tại Úc thì gia đình giữ một vai trò hết sức quan trọng mà trường học chỉ là phần bổ túc mà thôi. Gia đình sẽ uốn nắn âm sắc cho các em trong tiếng Việt qua nghe và nói với ông bà cha mẹ họ hàng trong gia đình. Gia đình cũng qua ông bà cha mẹ sẽ kích thích, khuyến khích cho các em học tiếng Việt, thực tập cách dùng tiếng Việt. Để làm được việc này, theo diễn giả, gia đình phải tạo ra được sự gắn bó của các em với gia đình.

Bước qua phần thảo luận, một số người tham dự đã phát biểu ý kiến khá sôi nổi về việc áp dụng phương pháp “đánh vần” trong cách dạy tiếng Việt. Người cho rằng đây là phương pháp đã áp dụng bao lâu nay, đã trải qua nhiều cải cách cho phù hợp với trình độ và hoàn cảnh học tập.

Người lại kịch liệt phản bác lối học đánh vần không còn phù hợp cho việc giảng dậy tiếng Việt ở hải ngoại khi tiếng Việt chỉ là một song ngữ.

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh và một số các cô giáo đang dạy tiếng Việt cho các em tại Viện Việt Học qua các lớp thử nghiệm về phương pháp “Âm Vị Học” của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, cho biết đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể.

Cô giáo Thúy Minh Hồng từng qua 19 năm rưỡi ở ngành giáo dục từ trong nước ra hải ngoại cho biết, “Tôi áp dụng phương pháp Âm Vị Học thay đánh vần của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đã đạt được kết quả là các em đền theo học chỉ sau hai tiếng đồng hồ là có thể nhìn mặt chữ và đọc lên được.”

(st)