Tìm Kiếm

14 tháng 12, 2014

25 Truyện Rất Ngắn Về Mùa Giáng Sinh

Tác giả: Lm Pet. Nguyễn Phước Hưng

1. Mẹ Và Con
Đêm mùa đông, trời lạnh lắm. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ đi ngủ sớm để đến một giờ sáng còn đi lấy rau ra chợ bán. Từ khi cha mất, mẹ ở vậy làm lụng nuôi em ăn học. Em thấy thương mẹ quá. Em lấy chiếc áo khoác của mình vắt lên cổ chiếc xe đạp của mẹ. Sáng thức dậy, em thấy kế chồng tập sách của em, miếng giấy mẹ để lại: “Con lấy cơm chiên ăn rồi lấy xe đạp đi học. Mẹ sang nhà Cô Tư đi ké xe với cô.” Em nhìn vào góc vách, chiếc áo khoác của em nhường cho mẹ vẫn còn trên cổ xe đạp. Ngoài trời sương lạnh vẫn giăng đầy.


2. QUAN TÂM NHAU
Anh dựng xe máy ngoài vỉa hè, bước vào quán kêu ly cà-fê đá và nửa gói thuốc. Mở chiếc lap-top đặt trên bàn, anh say sưa nhìn vào màn hình với công việc gì đó. Một cậu bé bán vé số đến bên:
– Chú ơi mua giúp con tờ vé số…
Anh vội trả lời không mua bằng cử chỉ xua tay mau lẹ. Anh dán mắt vào màn hình laptop không thèm nhìn lên. Kế đó, một bà già đến gần:
– Cậu ơi làm ơn, làm phúc…
Anh lại xua tay, tỏ vẻ anh đang bận việc quan trong. Anh vẫn không rời mắt khỏi cái màn hình vuông bé nhỏ. Người kế tiếp đến gần anh:
– Anh ơi!
Anh bực mình, đứng dậy định kêu chủ quán đừng cho người nào ghé quấy rầy anh nữa. Nhưng lần này thì khác, anh thấy chột dạ và ngại ngần. Cô gái phục vụ quán cầm chiếc chìa khóa xe máy đưa cho anh:
– Anh để quên nó ngoài xe!?


3. Cũng Vì Bất Cẩn
Không phải trời Hà Nội, trời Đồng Nai tối nay cũng lạnh. Tôi vừa ghé vào quán mua gói thuốc hút bước ra, ba trẻ em bán vé số đã vây quanh. Định mua giúp chúng nó vài vé, tôi đút tay vào túi, rút bóp tiền ra, vô tình làm rơi chiếc hộp quẹt. Loay hoay tìm không ra, tôi ngước lên thấy một thằng bé vòng ngoài dấu một tay về phía sau lưng. Tôi gằn giọng: “Thằng nhóc con kia! Có mỗi chiếc quẹt mà cũng chôm chỉa. Khôn hồn thì đưa đây.” Thằng bé đứng như trời trồng. Tôi tính loạt lộ thêm, một đứa khác vội thanh minh: “Chú ơi! Nó không lấy đâu. Tay nó bị dị tật mà.” Thằng bé oà khóc, bỏ chạy đi. Tôi còn kịp nhìn bàn tay của nó chỉ có 2 ngón. Tôi xấu hổ cho chính mình vì tôi đã phạm nhầm lẫn lớn. Tôi càng cảm thấy bất ngờ và ân hận khi tôi cúi xuống cột lại dây giầy. Tôi thấy chiếc quẹt của tôi rớt kẹt vào gấu quần jean mà do dài quá tôi đã xắn nó lên.


4. GIA SƯ
Tôi đi làm gia sư cho một gia đình giàu có ở Hố Nai. Ông bà chủ có một công ty gỗ lớn. Đến gần mùa Giáng Sinh, tôi thấy bà chủ lôi ra cây thông cũ, những dây đèn chớp cũ và thay sửa những bóng đèn bị hư. Tôi thầm nghĩ: “Không lẽ nhờ sự tiết kiệm đến thế mà họ giàu có; mà họ đã giàu có rồi sao lại còn keo kiệt vậy?!” Tôi đang tự hỏi như vậy thì có ban đại diện giáo khu vào gia đình quyên góp tiền cho việc trang trí hang đá, đèn hoa trên đường phố và các con hẻm. Tôi thấy bà ta lại rất rộng lượng đóng góp với số tiền lớn. Tôi thấy làm lạ nhưng lại nghi vấn trong lòng: “Không lẽ người ta đóng góp để lấy tiếng?!” Tôi sợ mắc sai lầm gì đó, tôi làm bạo bắt chuyện khéo với bà chủ: “- Con thấy cô đối với gia đình thì ân cần sửa lại từng dây đèn; đối với công việc chung cho giáo khu thì lại rất rộng lượng.” Bà chủ đáp lại lời tôi một cách nhanh chóng: “- Cô muốn dạy cho mấy đứa con của cô đừng cậy dựa vào tiền của. Đón chờ Chúa đến phải có cái gì đó chuẩn bị bằng công sức của chính mình, dù là nhỏ bé.” Cô ta có tham gia hội hiền mẫu. Cô ta là một bà mẹ công giáo tốt. Đối với con của cô, tôi là gia sư, nhưng đối với tôi, cô ấy là gia sư.

5. MÓN QUÀ GIÁNG SINH
Ông chủ nhà trọ mua cho thằng con của ông một món quà Giáng Sinh là ông già No-el. Thằng con bật cái nút công tắc tức thì ông già No-el múa theo tiếng nhạc bài Single Bell. Một thằng nhỏ khác, đứng xa xa ở phòng trọ, nhìn đăm đăm vào món đồ chơi mà thấy thèm khát hơn thèm kem. Mẹ thằng nhỏ đi mua bán ve chai về, nhìn thấy con như vậy mà lòng buồn rười rượi.
Vài hôm sau, mẹ thằng bé đi làm đến tối khuya mới về. Mẹ nó hôm nay không bán hết những món hàng ve chai mà mẹ nó mua được. Sáng hôm sau, thấy thằng bé ở phòng trọ có một số đồ chơi cũ. Tuy cũ kỹ nhưng thằng bé thích lắm. Cầm ông già No-el mất một tay, nó nhẩy cẫng và miệng nghêu ngao điệp khúc: “En, en, en. En, én, èn, en, en…”


6. GIÁNG SINH XA NHÀ
Ngoài phố mùa đông người ta đi xem đèn Giáng Sinh và mua sắm nhộn nhịp. Trong phòng trọ của các cô công nhân, người gọi điện về gia đình nói chuyện, cười vui í ới, kẻ khác đọc thiệp Giáng Sinh của người thân gửi với vẻ mặt rạng rỡ niềm vui. Một cô gái nằm đắp chăn trên giường tầng khóc rấm rứt một mình. Cô ta nhớ đến cái chòi lá dừa nằm bên dòng sông nhỏ ở mãi đất mũi xa xôi. Nơi đó không có cả số nhà lẫn điện thoại. Nơi đó cô có người mẹ già, hằng ngày vo gạo nấu cơm ăn một mình, mong ngóng con. Đứa lấy chồng xa xứ, đứa đi làm xa, tết năm nay có về? Ngoài phố mùa đông người ta vẫn dắt dìu nhau vui chơi lễ hội.

7. THANH THOÁT
Tiếng đàn người ăn xin nỉ non trên hè phố mùa đông. Người ta qua lại bằng xe nhiều hơn đi bộ nên ít người để ý đến người ăn xin. Sương đêm dầy thêm, bàn tay người ăn xin thêm tê lạnh. Tiếng đàn thưa thớt dần. Một tai nạn xe máy xảy ra, người gây tai nạn bỏ chạy để nạn nhân nằm trên đường. Không có ai dừng lại quan tâm nạn nhân vì người ta sợ bị liên luỵ. Người ăn xin lê bước chân tàn tật nhưng thanh thoát của mình ra dìu nạn nhân vào bên đường.


8. HƠI ẤM MẸ CHA
Mẹ mất. Năm nay cha chở em đi xem đèn Giáng Sinh. Em thấy lạnh phía sau lưng vì thiếu mẹ ngồi phía sau. Cha mua cho em nào kẹo, nào bong bóng, nhưng thiếu mẹ em vẫn buồn. Cha hiểu tâm trạng em nên nói sang năm chúng ta sẽ có thêm người đi cùng.
Năm sau, gần đến mùa Giáng Sinh, cha đi thêm bước nữa. Em có dì. Cha và dì mua cho em quần áo ấm, đồ chơi, bánh kẹo và nói em ở nhà xem ti-vi. Cha và dì đã đi dạo phố. Em ngồi ở trong nhà mà thấy lạnh xung quanh. Em ôm ảnh mẹ mà khóc, hết kêu mẹ ơi rồi lại kêu cha ơi.

9. ÔNG GIÀ NO-EL KHÓC
Anh là con trai quê nghèo lên thành phố học. Để có thêm tiền chi tiêu, anh xin làm nhân viên đi phát hoa và quà cho bưu điện trong dịp mừng Chúa giáng sinh. Người ta cho anh mặc quần áo, đi dầy, đeo mặt nạ và kính làm ông già No-el. Để tạo niềm vui tự nhiên cho từng gia đình anh ghé qua, anh tưởng tượng những khuôn mặt anh gặp là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột của mình. Khi anh trở ra ngoài phố, sau lớp mặt nạ và kính đó, những giọt nước mắt cay sè chảy ấm trên gò má. Ông bà của anh ở quê đang bệnh nặng thiếu thuốc. Cha mẹ của anh gầy gò, đen đủi phơi nắng, phơi sương ngoài đồng. Những đứa em của anh thiếu thức ăn từng bữa. Trong những nhà cao tầng kia thức ăn, bia rượu dư đầy. Anh lại bước vào gặp những người dưng, cố xem họ như những người ruột thịt.


10. NGÔI NHÀ TUYẾT
Cô gái đứng ở phòng phát áo ấm cho khách vào ngồi nhà tuyết. Đây là công việc thường ngày của cô. Cô ta thầm nghĩ: “Mùa hè người ta vào nhà tuyết thì không có gì lạ. Giữa mùa đông, dù không có tuyết như ở phương tây, cũng không đủ lạnh rồi hay sao mà vẫn rủ nhau vào nhà tuyết để mặc áo ấm?” Cô ta nhớ đến những người nghèo thiếu áo ấm bên hè phố. Nhớ đến vùng quê nghèo người ta quý từng tấm chăn, miếng áo. Cô ta vẫn phát áo ấm cho khách như một cái máy. Đầu óc cô ta đang suy tư thêm : “Thật ra, có những người giàu bỏ tiền ra để ngắm tuyết và những tác phẩm nghệ thuật bằng băng. Nhưng có mấy ai chịu ngắm những con người thật đang bệnh tật, đói nghèo?”

11. Giáng Sinh Nơi Nhà Các Cha Hưu
Các cha đến tuổi 75, dù đau bệnh hay mạnh khoẻ, đều được phép làm đơn xin hưu dưỡng. Tại một nhà hưu dưỡng của các cha, vào tối gần ngày lễ Giáng Sinh, có một cha hưu vắng mặt không lý do. Các cha khác có vẻ hơi lo lắng và xôn xao. Một cha già hưu là bạn thân của cha vắng mặt cười cười, bông đùa: “Cha đó còn khoẻ chán. Ngài không đãng trí đến độ đi lạc đâu! Nhưng cũng già cả rồi mà còn đua đòi ra phố làm chi.” Câu nói vừa chấm dứt thì có một ông già No-el xuất hiện, tặng cho mỗi cha một gói quà giáng sinh nhỏ. Ông già No-el đó chính là cha già hưu vắng mặt không lý do. Tác giả viết truyện ngắn này nhằm cám ơn và kêu gọi mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện và quan tâm đến các cha già hưu.


12. THIỆP GIÁNG SINH CỦA HAI CHỊ EM SINH ĐÔI TĂNG NHAU
Hai chị em sinh đôi xinh đẹp y như nhau. Hai chị em lúc nào cũng bên nhau khi đi nhà thờ, khi đi học và cả lúc đi chơi. Gần đến ngày lễ Mừng Chúa Giáng Sinh họ tặng thiệp giáng sinh cho nhau. Cô em mở thiệp của chị mình ra xem có đoạn: “… Đêm giáng sinh chị sẽ không đi riêng với bạn. Chị tình nguyện chở em đi xem hang đá và đi lễ…” Người chị mở thiệp của em ra đọc có đoạn: “… Đêm thánh nhạc của địa phận em rất vui khi nhìn chị múa rất đẹp! Lúc kết thúc em muốn vỗ tay thật lớn nhưng em không vỗ được…” Cô em bị tai nạn xe, cướp đi mất một cánh tay cách đây hơn một tháng.

13. LỜI NÓI DỐI NGỌT NGÀO CỦA NGƯỜI HÀNH KHẤT
Người hành khất mù nên cũng chẳng dám ra chỗ đường xá đông người. Ông ta ngồi bên một hè phố ít người qua lại hơn. Đã quá 9 giờ tối mà chỉ có một người hảo tâm cho được tờ 2000đ. Một đám trẻ vui cười đi qua, nghịch dỡn và chiếc nón của ông nhận được niềm xót thương nào đó. Ông hành khất đưa bàn tay gầy guộc kiểm tra thấy vài chiếc lá cây và kêu lên trong đau đớn: “Các cháu đối xử như thế với ông già mù tội nghiệp này sao?” Một ông hành khất đi ngang qua đó, đã chứng kiến cảnh đó. Ông ta ghé an ủi người đồng nghiệp: “Có xôi, giò và thịt gà đây. Người ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh và cho tôi đồ ăn. Những chiếc lá do gió thổi vào nón của ông bạn đấy. Những người sáng mắt tốt lắm, không đối xử với ông như vậy đâu.”


14. MƯA SAO BĂNG
Nghe con gái nói chuyện với bạn qua điện thoại rủ nhau đêm nay thức xem mưa sao băng, khiến bà mẹ nhớ về tuổi học trò như chúng nó bây giờ. Ngày ấy, bà cũng cùng bạn bè ngẩng mỏi cả cổ, mắt hướng lên trời, mong chờ từng ánh sao băng để kịp ước những điều ước riêng tư thầm kín. Bây giờ, bà chỉ nghĩ đến những thiên thạch rơi vào bầu khí quyển theo lực hút của trái đất và bị ma- sát, bốc cháy tạo thành ánh lửa vụt sáng, rồi tắt lịm. Bà liên tưởng đến những gì chóng đến chóng qua, như tình yêu vội đến sẽ vội đi, như phù vân, cát bụi đời người… Bà không còn những điều ước với thiên nhiên vô định. Bà cầu nguyện xác tín vào Thiên Chúa. Nhưng tối nay bà vẫn cho con bà ngắm mưa sao băng với bạn bè nó, với tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng.

15. NGÀY SINH CỦA CHA MẸ TÔI
(Tặng Riêng và Chúc Mừng Sinh Nhật Thầy Micae Nguyễn)
Ngày tôi còn là sinh viên nghèo lên thành phố học, cứ sắp đến ngày sinh nhật tôi, mẹ tôi lại nhờ người viết thư và gửi quà chúc mừng tôi. Mẹ không quên nhắn nhủ tôi phải chăm đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ. Đến năm học cuối, gần đến ngày sinh của tôi, cha và mẹ tôi lên thăm tôi. Mẹ tôi mang cả một nồi khoai lang luộc. Tôi thấy không vui mà con ngại với bạn bè vì cha mẹ tôi nhà quê lam lũ.
Bây giờ tôi đã ra trường và có công việc làm ổn định. Tôi chợt nhận ra tôi nhớ kỹ ngày sinh của người yêu và đã học thuộc lòng ngày sinh của một số anh hùng, danh nhân nhưng ngày sinh của cha mẹ tôi tôi lại không biết. Tôi âm thầm tìm giấy khai sinh và chứng minh nhân dân của cha mẹ tôi nhưng trên đó chỉ ghi năm sinh, không có ghi ngày sinh. Lý do sau ngày thống nhất đất nước, cha mẹ tôi làm lại giấy tờ và chỉ nhớ có năm sinh. Tôi muốn khóc vì không biết phải chúc mừng sinh nhật cha mẹ tôi ngày nào nữa. Tôi chỉ còn biết sống theo điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ tôi trọn đời.


16. ĐOM ĐÓM VÀ ĐÈN ĐIỆN GIÁNG SINH
Tám năm về trước, tôi cùng một anh bạn có dịp về huyện Giồng Trôm ở Bến Tre. Nhìn xa xa bờ sông, chúng tôi thấy những dây đèn điện nhấp nháy, anh bạn tôi la lên: “Ở đây người ta mừng Giáng Sinh sớm quá!” Đi đến gần hàng cây có ánh điện nhấp nháy, chúng tôi phát hiện ra những chú đom đóm nhiều vô kể. Lạ lùng là chúng chỉ tập trung đậu vào một số cây đó mà thôi. Dân địa phương cho biết đó là cây bần. Đom đóm, không biết vì lý do nào đó, rất thích tập trung ở cây bần. Khá ngạc nhiên về một sự lạ thú vị nhưng tôi thấy buồn buồn vì biết rằng gần đây không có nhà thờ và không có người công giáo. Từ dạo đó đến giờ, tôi chưa thăm lại Giồng Trôm nhưng lòng vẫn thầm nguyện cho công cuộc truyền giáo. Nơi đó sẽ có nhà thờ, có người công giáo và có đèn điện Giáng Sinh thật sự.

17. CÙNG NHAU LÀM HANG ĐÁ
Ba gia đình sát nhà nhau. Ba ông chồng thường ngày vẫn ngồi với nhau uống trà, hút thuốc. Họ gọi nhau là anh hai, chú ba, chú úc. Nhà chú ba có khách ở thành phố về tặng cho một tượng Chúa Hài Đồng và một cây thông, gia đình làm một hang đá trước nhà, có vẻ hãnh diện lắm. Hôm đó, chỉ còn anh hai và chú út ngồi uống trà, nói chuyện. Hai người nói những câu đại loại như: “Mừng Chúa Giáng Sinh cốt ở tấm lòng. Mấy thứ kia chỉ là phù vân, chóng qua.” Ba bà vợ thường gọi nhau đi chợ, hôm nay chỉ còn có hai.
Đến lượt nhà chú Út cũng có tượng Chúa Hài Đồng do thằng con đi làm ở thành phố mang về. Gia đình chú úc cũng có hang đá nho nhỏ trước nhà. Hôm đó, ba ông gia trưởng không thấy ngồi tâm sự với nhau nữa. Ba bà hiền mẫu cũng chẳng còn rủ nhau đi chợ.
Đêm qua có một trận mưa trái mùa, hai cái hang đá nhà chú ba và chú út đều bị hư hại nặng. Người ta thấy ba chị em hàng xóm lại í ới rủ nhau đi chợ và ba anh em láng giềng lại ngồi uống trà hút thuốc với nhau. Họ bàn tính với nhau làm chung một cái hang đá thật lớn và đẹp.


18. ĐÈN NGÔI SAO MÀU XANH
Đang phụ tôi làm hang đá, thằng con hỏi: Tại sao năm nào nhà mình cũng treo một ngôi sao lớn toàn màu xanh vậy bố? Tôi thầm cười trong khoé mắt, kể chuyện cho con nghe: Cách đây mười mấy năm, bố thương một cô gái cùng ở trong ca đoàn giáo xứ với nhau. Bố nghĩ cô ấy “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nên đến gần ngày lễ Chúa Giáng Sinh bố quyết định viết thư tay gửi cô ấy, vì thời đó chưa có điện thoại, email.sẵn như bây giờ. Xóm mình có nghề gia truyền làm đèn trung thu và làm đèn sao trong dịp Giáng Sinh bán lại cho khách. Chính vì vậy bố nói cô ta nếu đồng ý đi dạo phố trước lễ với bố thì tối 24 treo một cái đèn ngôi sao xanh trước hiên nhà. Tối 24, từ 6 giờ bố đã thấy đèn ngôi sao xanh treo trước hiên nhà người yêu khoả lấp bao nhiêu niềm hy vọng. Cô gái, người yêu của bố, chính là mẹ con. Kỷ niệm niềm hạnh phúc đó, cứ đến dịp Giáng Sinh, nhà ta lại làm và treo một cái đèn ngôi sao màu xanh hy vọng để cảm tạ ơn Chúa.

19. CÂY THÔNG GIẢ
Cũng sắp đến Giáng Sinh, năm mới đến gần, tôi bàn với chồng mua một cây thông thật lớn để ở giữa phòng khách trông mới tương xứng với căn nhà rộng rãi sang trong mới mua. Đang trang trí thêm những cánh thiệp Giáng Sinh người ta gửi chúc mừng lên cây thông, tôi thấy thấp thoáng ngoài cổng có bóng người. Một cô bé đang lưỡng lự có nên bấm chuông cổng hay không. Trên tay cô bé là một bó nhỏ vừa hoa hồng lẫn hoa cúc trắng. Tôi ra mở cổng, hỏi xem cô bé muốn tìm ai, có việc gì. Giọng nói của cô bé hơi ngượng ngịu: “Cho cháu vào cắm hoa cho Đức Mẹ được không cô? Khi còn được ở nhà này, cháu vẫn thường dâng hoa cho Đức Mẹ ở tượng đài góc sân kia.” Lúc đó, tôi nhận ra mình không xứng với ngôi nhà mình có và cây thông giả không thể sánh cùng Đức Mẹ được nhiều người tôn kính, mến yêu.

20. TUỔI HẸN HÒ
Cậu con vừa đưa bố về nhà đã vội phóng xe máy đi tiếp. Nhìn ông bước vào nhà với vẻ không vui, bà hỏi: “Ông đi viếng hang đá được mấy giáo xứ mà đã về?” Vẻ mặt không vui, ông nói: “Bà xem đấy. Tôi cũng có tuổi rồi mà thằng út trở tôi, nó cứ chạy băng băng trên phố. Xem viếng hang đá gì mà phải xem vội xem vàng. Mới thả tôi xuống trước nhà, nó lại vội vòng xe phóng đi mất. Uổng công ngày xưa khi nó còn bé, đưa nó đi học bằng xe đạp, tôi phải cẩn thận dặn ôm chặt lấy bố, giữ bàn chân không được đút vào căm xe.” Với kinh nghiệm thời tuổi trẻ và linh cảm của người mẹ, bà vừa mỉm cười vừa nói: “Ngày xưa lúc quen tôi, thời còn hiếm xe máy, ông trở tôi bằng xe đạp cũng chạy nhanh và khoẻ lắm đấy. Tối nay con mình vội vàng vì nó cũng đến tuổi hẹn hò rồi!”


21.CÔ EM HÀNG XÓM
Tôi làm hang đá ở hè phố trước nhà, cô bé ra đứng ngắm, xin tôi mấy miếng giấy bạc nhỏ.
Năm sau, tôi cũng làm hàng đá, cố bé đứng góp ý chỗ được chỗ chưa.
Năm kế tiếp. tôi đang làm hang đá, em ra gửi tôi tấm thiệp Giáng Sinh. Bên trong bì thư có lời mời rủ tôi đi dạo buổi tối.
Năm kế tiếp nữa, chúng tôi đang giận nhau. Tôi đang chỉnh sửa lại mấy dây đèn điện, thấy em có người khác đón đi.
Năm tiếp theo, vì lý do nào đó, em lại tặng tôi thiệp Giáng Sinh.
Năm nay, em phụ tôi làm hang đá và trở nhau đi gửi thiệp hồng.

22. THIỆP GIÁNG SINH
Tôi mở email ra thấy hơn một chục cái với tiêu đề “Merry Christmas…”. Tôi cũng tìm các mẫu thiệp sẵn có trên mang gửi đáp lễ lại các địa chỉ đã gửi đến. Trên đường về nhà trọ, tôi ghé nhà sách mua thêm một số thiệp in sẵn để gửi cho bạn bè và một số mối quan hệ xã hội. Về đến phòng, bạn tôi đưa thêm một số thiệp mới nhận được. Làm tôi bất ngơ và đáng lưu tâm là tấm thiệp của đứa em gái ruột ở quê nhà. Nó mới 13 tuổi mà đã biết lấy hoa khô, cỏ dại dán lên một tấm giấy bìa làm thiệp Giáng Sinh. Trong thiệp còn có ghi chuyển lời chúc của cha mẹ đến tôi. Tôi cảm động đến muốn khóc và thấy có lỗi vì tôi đã chưa gửi một tấm thiệp nào về cho gia đình. Những tấm thiệp ảo trên mạng, những tấm thiệp nhà in in sẵn, tôi thấy có gì đó vô hồn hơn tấm thiệp làm bằng tay đây tình thương gia đình và hương sắc quê mình.


23. BÀI THÁNH CA BUỒN
(Nếu độc giả chưa nghe nhạc phẩm Bài Thánh Ca Buồn, nên tìm nghe trước khi đọc truyện sẽ thấy hay hơn.)
Anh là người ngoại đạo có người yêu bên công giáo. Đêm Giáng Sinh hai người cùng đi dạo phố, sau đó đi lễ nửa đêm. Khi hai gia đình biết con cái mình quen người khác đạo, hai bên đều cấm cản. Mấy năm sau, chị vâng lời cha mẹ lấy người khác. Cha mẹ mất, anh tự do lấy một người công giáo khác và theo đạo.
Đêm nay rộn rã ngày lễ mừng Chúa giáng sinh. Anh đang ngồi chơi piano cho dàn nhạc tại một nhà hàng. Một bé gái chuyển giấy cho ban nhạc yêu cầu hát tác phẩm Bài Thánh Ca Buồn. Đây là bài anh yêu thích. Anh nhìn theo bé gái trở lại bàn ăn, bất ngờanh và chị nhận ra nhau. Bé gái đó là con của chị. Anh độc tấu piano và hát du dương tình khúc Bài Thánh Ca Buồn. Ca khúc hát chưa hết một nửa, tài xế xe gia đình đến bàn ăn nói: “Thưa bà! Ông ngồi ngoài xe chờ bà và cô cậu về.” Chị ráng lại nghe hết bài nhạc và bước vội ra ngoài sau khi kết thúc. Rưng rưng nước mắt, anh nhìn theo dáng người xưa khuất dần. Bước vào xe, chị còn sụt sùi với chiếc khăn mùi soa, nói dối chồng: “Em bị dị ứng không khí lạnh.” Nhưng trong tâm hồn chị đang dâng lên giai điệu và lời bài hát Bài Thánh Ca Buồn.


24. BONG BÓNG VÀ GẤU BÔNG
Tan lễ đêm, anh và bạn gái đi dạo phố thêm. Giờ này, bên hè phố vẫn còn một em gái đang ngồi bán gấu bông nhưng không thấy ai mua. Anh tội nghiệp cô bé, vòng xe lại, tắp vào mua gấu bông cũng là để tặng bạn gái. Đang định hỏi giá gấu bông, một em trai chạy đến, mời mọc:“Chú ơi! Mua bong bóng giúp con.” Cô bạn gái ngồi sau xe vội nói: “Anh ơi! Mua một thứ thôi.” Em gái bán gấu ôm cũng nhanh nhẹn nói: “Chú mua bong bóng đi. Khỏi mua gấu ôm cũng được.” Anh hơi khó hiểu hỏi lại: “Tại sao lại không mua gấu ôm cũng được?” Cô bé nói nhỏ nhẹ như có nước mắt: “Nó là em trai con. Gấu bông để lâu được, còn bong bóng đã bơm thì cần bán ngay.” Tuy anh không nhiều tiền nhưng vẫn quyết định mua một con gấu ôm và một trái bóng bóng lớn. Trên đường về nhà, nhìn hàng chữ “Merry Christmas and Happy New Year” trên quả bong bóng, anh nói với bạn gái: “Ở độ tuổi đó, ngày lễ vui như hôm nay, đáng lẽ hai em đó phải được ở trong nhà với cha mẹ và chơi những đồ chơi các em thích.”


25. NGƯỜI TUYẾT TAN RỒI
Anh về nước cưới chị, sau đó bảo lãnh sang Mỹ. Mùa đông anh đưa chị đi trượt tuyết, hai anh chị chơi trò nặn người tuyết. Mỗi người đắp riêng cho mình một người tuyết. Dù trời tuyết rơi lạnh anh thấy mình rất đầm ấm. Hai năm sau, chị bỏ anh theo người khác vì danh vọng, tiền của. Tình cảm của hai anh chị như người tuyết tan khi nắng lên. Anh buồn bã đem đứa con duy nhất về Việt Nam sống với mẹ già. Anh ở vậy vì muốn giữ bí tích hôn phối.
Mừng Chúa Giáng Sinh năm nay, anh làm hang đá và làm hai người tuyết giả gắn bông gòn phía ngoài. Người tuyết lớn là anh. Người tuyết nhỏ hơn nhiều là đứa con. Người tuyết mẹ không có vì đã tan ở Mỹ rồi. Dù thời tiết Việt Nam ấm áp hơn nhiều nhưng lòng anh lại thấy quá giá băng.

(sưu tầm)