Tìm Kiếm

6 tháng 6, 2015

Mình Và Máu Chúa Kitô – B: Lương Thực Thần Linh

Tin Mừng:
Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?’ Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta". Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua… Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy". Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa". Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra đi lên núi Ô-liu.



Kính thưa quý vị,

Đôi khi chúng ta vừa ăn vừa chạy. Những người quanh tôi tại phi trường cũng thế. Dù có hai hoặc ba người, dường như họ cũng chẳng có thời gian để trò chuyện. Họ vội vã lên đường đến nơi cần đến và thức ăn họ đang dùng là “nhiên liệu” giúp họ tiếp tục cuộc hành trình.


Có những bữa ăn mang lại nhiều ý nghĩa và hệ quả. Chúng ta mời một đối tác kinh doanh dùng bữa trưa để bàn thảo về việc hợp ký kết đồng làm ăn. Hoặc là, gặp gỡ người chúng ta quý mến và dùng bữa với họ trong một nhà hàng sang trọng, hay chuẩn bị cho họ một bữa ăn thịnh soạn. Chúng ta cố kéo dài bữa ăn để biết nhiều hơn về họ. Trong những trạng huống như thế, lời nói của chúng ta trở nên rất quan trọng.

Đức Giêsu và các môn đệ chậm rãi thưởng thức bữa ăn đặc biệt này và những lời được nói ra trong bữa ăn này mang nhiều ý nghĩa. Đức Giêsu biết rõ các môn đệ của mình, còn các ông lại nghĩ rằng mình biết Đức Giêsu. Suốt ba năm ròng rã, các ông cùng Người rảo khắp mọi nẻo đường và có được một tương lai xán lạn. Nhưng bữa ăn Người chuẩn bị cho các ông không giống như bữa ăn ở trạm dừng chân. Đó là một bữa ăn quan trọng; trong bữa ăn này, Đức Giêsu sẽ dạy các ông biết nhiều hơn về Người và tỏ cho các ông biết Người là ai. Những biến cố tiếp theo sau bữa ăn sẽ cụ thể hoá những điều Người nói và thực hiện cho các ông tại bàn tiệc.

Đó là bữa ăn Vượt Qua, kỷ niệm người Do Thái thoát khỏi ách nô lệ và được tự do. Đó là bữa ăn tạ ơn vì Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc sống của dân. Bài đọc trích sách Xuất Hành không những cử hành biến cố Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ thể lý, nhưng ở mức độ sâu xa hơn, đó là nhắc nhớ họ cuộc vượt qua từ tăm tối đến ánh sáng, từ tội lỗi đến ân sủng. Ông Môsê rảy máu lên dân và đánh dấu giao ước với họ.

Giao ước này nói lên hai cam kết mang tính ràng buộc. Thiên Chúa hết lòng với dân, để đáp lại, họ phải có những bổn phận đối với Thiên Chúa. Dân lặp lại hai lần về phần của họ trong giao ước: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”, “Tất cả những gì  Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Giao ước giữa hai bên được ký kết bằng máu: “Đây là máu Giao Ước Đức Chúa đã ký kết với anh em theo đúng như những lời Người đã nói”.

Trong Tin Mừng, sự cam kết kép của giao ước mang một ý nghĩa mới: sự tận tâm của Thiên Chúa đối với chúng ta và sự đáp trả chúng ta cần có. Bối cảnh Tin Mừng là bữa ăn mang ý nghĩa sâu sắc đối với các môn đệ Đức Giêsu. Trong bữa ăn, Đức Giêsu dùng những chất liệu thông thường làm dấu chỉ cho sự dấn thân của Người đối với chúng ta. Bánh và rượu, mình và máu Người, được trao ban cho chúng ta. Cả con người Đức Giêsu là một ân ban, và vì thế trong bữa ăn này, chúng ta có được mối tương quan mới với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô.

Chúng ta gọi bữa ăn này là “bữa ăn hiến tế” và xem hy tế Đức Giêsu như là giá chuộc cho tội lỗi chúng ta. Khi một người từ bỏ điều gì đó vì lợi ích của tha nhân thì nghĩa cử ấy cũng được xem như một tế phẩm. Chúng ta khước từ điều gì đó để tha nhân có được điều ấy. Vì thế, sự hy sinh có thể được xem như hành vi phục vụ tha nhân. Đức Giêsu trao ban cuộc sống mình để chúng ta có thể chia sẻ sự sống ấy với Người. Đó chính là phần của Người trong giao ước, tức là ân ban của Người cho chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể thi hành bổn phận của mình trong giao ước mới và sống một cuộc đời phục vụ tha nhân như chính Đức Giêsu.

Bánh được bẻ ra và chia sẻ; rượu được đổ ra và uống. “Đây là mình Thầy, được trao cho anh em… Đây là máu Thầy, đổ ra vì anh em”. Những gì Đức Giêsu thực hiện trong Bí tích Thánh Thể chính là điều chúng ta được mời gọi thực hiện cho tha nhân. Bánh và rượu được chia sẻ giúp cho chúng ta sẵn sàng để “bẻ” và “đổ” ra cho tha nhân.

Bí tích Thánh Thể cũng là điều nhắc nhớ rằng chúng ta  chưa sống đúng bổn phận của mình trong giao ước. Chúng ta đang tiến bước theo Chúa, nhưng vẫn chưa sẵn sàng phục vụ và trao ban cuộc sống mình, cũng như chưa sẵn sàng đón nhận những “cái chết” nho nhỏ mà chúng ta đối diện mỗi ngày. Tuy vậy, Bí tích Thánh Thể mang lại sự chữa lành và sức sống mới cho chúng ta. Bí tích này canh tân niềm hy vọng để chúng ta không từ bỏ việc dấn bước trên con đường theo Đức Giêsu. Người đã hiến thân mình để người khác được sống. Bàn tiệc thánh này giúp chúng ta có thể đáp trả Thiên Chúa như người Do Thái đã thưa với Người: “Tất cả những gì  Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Có lẽ chúng ta sẽ phóng tác rằng: “Tất cả những gì  Đức Giêsu đã nói và thực hiện, chúng tôi sẽ tuân theo – với sự trợ giúp của Người”.

Chúng ta giống như những hành khách đi máy bay đang vội vã ăn trong cuộc hành trình đến nơi nào đó. Thức ăn sẽ cung cấp cho họ năng lượng để tiếp tục chuyến đi đến một thành phố khác để thăm viếng bạn bè hay để thoả thuận một thương vụ. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người đang trở về nhà với những người thân yêu? Trong Thánh lễ này, chúng ta đến tìm thứ lương thực sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên quyết để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Lương thực Chúa đã dọn cho chúng ta sẽ canh tân sự sống của Người trong chúng ta, ngõ hầu chúng ta không từ bỏ hay nản chí theo con đường Người đã dọn sẵn cho chúng ta. Bữa tiệc này dành cho chúng ta trong giây phút hiện tại. Đức Giêsu cũng nói: “Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

Đức Giêsu đang đề cập đến cái chết của Người. Nhưng Người cũng đang ám chỉ đến bữa tiệc tương lai, được biểu tượng hoá bằng bữa ăn chúng ta đang chia sẻ, khi triều đại Thiên Chúa mà Người khai mở sẽ được hoàn trọn. Khi ấy, chúng ta sẽ an tâm dự một bữa tiệc thịnh soạn với nhau. Vì thế về nhiều phương diện, chúng ta giống như những hành khách đang trên chuyến bay hướng về quê hương sau một cuộc hành trình mệt mỏi và chính Mình Máu Đức Kitô sẽ đưa chúng ta về đến quê nhà.



Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ (daminhvn.net)