Tìm Kiếm

3 tháng 6, 2015

9 cách duy trì sức khỏe khớp

Các chuyên gia cho biết, khớp giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp cơ thể vận động và di chuyển. Đối với những người bị thoái hóa khớp, viêm khớp, họ không chỉ chịu đau đớn mà còn gặp khó khăn trong sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống.

 

Để duy trì sức khỏe khớp, bạn nên thường xuyên thực hiện 9 biện pháp sau:
1. Tích cực vận động: Người bị viêm khớp thường lười hoạt động thể chất hoặc tập thể dục vì sợ bị đau hoặc gây tổn hại các khớp. Điều này hoàn toàn không chính xác. Trên thực tế, việc thường xuyên vận động có thể giúp tăng cường cơ bắp xung quanh các khớp, duy trì thể trọng khỏe mạnh cũng như giảm tình trạng cứng và đau khớp.

2. Bảo vệ khớp: Bảo vệ các khớp là việc vô cùng quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là những người bị viêm khớp. Mục đích của việc này nhằm giúp giảm đau, giảm căng thẳng và áp lực lên các khớp. Để bảo vệ khớp, bạn nên thực hiện các phương pháp như: chú ý tới các dấu hiệu đau ở khớp; tránh các hoạt động tạo nhiều áp lực lên khớp hoặc gây đau khớp; chú ý đến cơ chế hoạt động của cơ thể; cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi, không vận động quá sức; tìm kiếm sự trợ giúp từ các dụng cụ hỗ trợ di chuyển như xe đẩy, gậy… khi cần thiết; duy trì thể trọng khỏe mạnh.
3. Duy trì thể trọng lý tưởng: Để bảo vệ sức khỏe khớp, điều cần thiết là bạn phải duy trì thể trọng khỏe mạnh. Việc gia tăng thể trọng có thể gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là các khớp chịu trách nhiệm nâng đỡ cơ thể như cột sống, hông, đầu gối… Các chuyên gia cho biết, cứ giảm 450g thể trọng, bạn có thể giảm 4 lần áp lực lên khớp gối trong mỗi bước di chuyển.
 

4. Tập các bài tập ít ảnh hưởng đến khớp: Để mang lại lợi ích cho sức khỏe khớp, bạn nên luyện tập các môn thể thao hạn chế tạo áp lực lên các khớp, đặc biệt khi luyện tập với cường độ cao. Theo Bệnh viện Mayo (Mỹ), các môn thể thao như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy xe đạp và bơi lội được cho là không tạo áp lực nhiều lên các khớp. Để đạt hiệu quả, bạn cần tập luyện ít nhất 20 - 30 phút mỗi lần và 3 lần/tuần.
5. Tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp: Một trong những việc bạn cần làm để bảo vệ khớp là giúp các cơ bắp quanh khớp phát triển càng nhiều càng tốt. Để thực hiện điều này, bạn có thể luyện tập những bài tập có cường độ mạnh như nâng tạ, chạy bộ… Tuy nhiên, cần chú ý không nên luyện tập quá sức vì có thể gây tổn thương khớp. Thông qua những bài tập rèn luyện cơ bắp thích hợp, bạn có thể giúp gia tăng sức khỏe các khớp và giảm đau khớp.
6. Cải thiện độ linh hoạt và chức năng vận động khớp: Tình trạng viêm khớp làm giới hạn phạm vi vận động của khớp. Để cải thiện và duy trì khả năng vận động của khớp, bạn cần luôn luyện tập. Trong đó, việc thực hiện các bài tập vươn duỗi, cong người và vận động từng khớp không chỉ giúp cải thiện tình trạng cứng và đau khớp mà còn tăng cường độ linh hoạt và chức năng khớp.
7. Ngừa viêm: Ngừa viêm là một phần quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng viêm khớp và cải thiện sức khỏe tổng thể của khớp. Một trong những phương pháp giúp ngừa viêm hiệu quả là tuân thủ chế độ ăn chống viêm, bao gồm các loại thực phẩm giúp giảm viêm và tránh các loại thực phẩm gây viêm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải rất hiệu quả trong việc giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể.
 

8. Cung cấp vitamin D và canxi: Vitamin D và canxi là hai dưỡng chất vô cùng cần thiết cho sức khỏe xương và khớp. Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể hấp thu canxi để tăng cường độ rắn chắc của xương. Bạn có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể thông qua việc tắm nắng, tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin D hoặc uống nguồn bổ sung. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để phát hiện liệu bạn có thiếu vitamin D hay không. Tình trạng thiếu hụt vitamin D và canxi có liên quan mạnh mẽ đến việc giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.
9. Từ bỏ thuốc lá: Theo Hiệp hội Chỉnh hình Mỹ, mọi người thường không nhận thức được rằng hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của xương và khớp. Cụ thể, khói thuốc làm gia tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Bên cạnh đó, khói thuốc lá còn làm gia tăng khả năng chấn thương do viêm bao hoạt dịch (bursitis) hoặc viêm gân, đồng thời làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau vùng lưng dưới và bệnh thấp khớp.