Tìm Kiếm

18 tháng 12, 2017

GIA ĐÌNH: GIẤC MƠ CỦA THIÊN CHÚA

BẾ MẠC NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

(03/12/2014)


GIA ĐÌNH:

GIẤC MƠ CỦA THIÊN CHÚA



Linh Mục P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.


 Thưa Quý Độc Giả,

Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình khép lại về mặt học hỏi, suy nghĩ và khám phá các giá trị nhân bản, văn hóa và tâm linh Ki-tô Giáo của gia đình.  Nhưng lại tiếp tục mở ra cho mỗi thành viên trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, giai đoạn thực thi trong cuộc sống cụ thể thường nhựt những gì đã được lĩnh hội.

Tập tài liệu nhỏ gọn nầy mong được góp chút tiếng thì thầm gợi nhớ một vài nét căn bản của đạo lý Ki-tô Giáo, nhờ đó, mỗi thành phần Hội Thánh—giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân—cùng góp phần giúp cho “Giấc Mơ Của Thiên Chúa”[1] trở thành hiện thực.

Kính,
Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.


Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ 

Khai Mạc Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Bất Thường 2014 

Về Gia Đình

Hôm nay, cả hai bài đọc Ngôn Sứ I-sa-i-a và Tin Mừng đều dùng hình ảnh vườn nho của Đức Chúa.  Vườn nho của Đức Chúa là “giấc mơ”của Người, là kế sách Người vẫn hết lòng yêu thương ấp ủ, tựa một nông gia chăm sóc vườn nho của mình.  Nho là loài cây trồng rất cần được chăm bón cẩn thận!
“Giấc mơ” của Thiên Chúa chính là đoàn dân của Người.  Người vun trồng và nuôi dưỡng dân tộc ấy với một tình thương kiên nhẫn và thủy chung, để họ trở thành một dân thánh thiện, một dân sinh sản hoa trái công lý thật dồi dào phong phú.  
Tuy nhiên, trong cả lời ngôn sứ thời xa xưa, lẫn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, ước mơ của Thiên Chúa đều đã không thành.      
Ngôn Sứ I-sa-i-a thì nói cây nho Thiên Chúa hết lòng yêu thương, nuôi trồng rốt cục chỉ trổ sinh trái dại.[2]  Thiên Chúa kỳ vọng sẽ có công lý, song chỉ thấy cảnh đổ máu; mong đức chính trực, mà toàn nghe tiếng kêu than ai oán.[3] 
Trong bài Tin Mừng, chính đám tá điền đã làm cho kế hoạch Thiên Chúa bị phá sản.  Họ chẳng được tích sự gì, ngoài việc vun quén cho tư lợi của họ.     
Trong bài dụ ngôn, Chúa Giê-su ngỏ lời với các vị trưởng tế và kỳ mục của dân, nghĩa là với các “chuyên gia”, các nhà quản trị.  Thiên Chúa đã hết sức ân cần ủy thác cho họ “giấc mơ” của Người, tức là đoàn dân của Người, để họ nuôi dưỡng, chăm lo, và bảo vệ khỏi nanh vuốt của thú dữ ngoài đồng.  Đây chính là nghề của người lãnh đạo: chăm sóc vườn nho trong tinh thần tự do, óc sáng tạo, và chuyên cần làm việc.
Nhưng Chúa Giê-su cho chúng ta biết là đám tá điền đã  chiếm dụng vườn nho.  Vì lòng tham và tính kiêu ngạo, họ muốn tự tung tự tác theo ý riêng, và rốt cuộc, họ cản trở không cho Thiên Chúa thực hiện “giấc mơ” dành cho đoàn dân Người đã tuyển chọn.
Cơn cám dỗ của lòng tham lúc nào cũng còn đó.  Chúng ta cũng gặp thấy nó trong lời tiên báo hùng hồn của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en về các chủ chăn.[4] Thánh Au-gu-ti-nô bình luận điều nầy ở một bài giảng lừng danh chúng ta vừa đọc trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Tham lam tiền bạc và quyền lực.  Để thỏa mãn lòng tham ấy, các chủ chăn gian tà áp đặt lên đầu lên cổ người khác những gánh nặng không sao mang nổi, trong khi chính bản thân họ lại chẳng buồn đưa một ngón tay chạm thử.[5]     
Trong Công Nghị Giám Mục, chúng ta cũng được mời vào làm việc cho vườn nho của Đức Chúa.  Các phiên họp của Công Nghị không phải để bàn thảo những ý tưởng đẹp đẽ, thông thái, hoặc để xem ai là người minh mẫn hơn…nhưng là để vun trồng và chăm bón vườn nho của Chúa cho tốt hơn, để giúp thực hiện giấc mơ của Người, thực hiện kế họach yêu thương dành cho dân của Người.  Trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay, Chúa đang yêu cầu chúng ta phải chăm sóc gia đình, vì gia đình từ thủa tạo thiên lập địa vốn là một thành tố toàn vẹn của kế hoạch yêu thương Người dành cho nhân loại.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân và có thể bị cám dỗ chiếm đoạt vườn nho do lòng tham lúc nào cũng sôi sục trong con người phàm tục chúng ta.  Giấc mơ của Thiên Chúa luôn đụng độ với thói giả hình nơi một số tôi tớ của Người.  Chúng ta có thể làm Thiên Chúa vỡ mộng nếu chúng ta không biết đặt mình dưới ơn hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một ơn khôn ngoan vượt trội mọi tri thức, và giúp chúng ta làm việc một cách quảng đại với tinh thần tự do chân chính và tính sáng tạo khiêm nhu.    
Thưa quý nghị huynh Công Nghị,
Để chu toàn công tác vun trồng và chăm sóc vườn nho Chúa, long trí chúng ta phải được gìn giữ trong Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt quá mọi hiểu biết”.[6]  Làm được như vậy, suy tư và kế sách của chúng ta sẽ phù hợp với giấc mơ của Thiên Chúa: đó là hình thành một dân thánh thiện, dân riêng của Chúa, một dân sẽ trổ sinh hoa trái Nước Trời.[7]




Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ 

Bế Mạc Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường 2014 

Về Gia Đình

Chúng ta vừa được nghe một câu nói lừng danh nhứt trong toàn bộ Tin Mừng: “Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.”[8]
Bị nhóm Biệt Phái gài vào một thế cờ hiểm để thử nghiệm quan điểm tôn giáo của Người và để bắt bẻ sai lầm Người mắc phải, Chúa Giê-su hóa giải âm mưu của họ bằng lời tuyên bố vừa ngộ nghĩnh vừa thông minh ấy.
Đây là một phương châm gây sửng sốt Chúa di tặng cho những ai mắc phải chứng lương tâm bối rối, đăc biệt khi họ bị tiện nghi, của cải, danh vọng, quyền hành và danh tiếng khống chế.  Thời nào cũng xảy ra như vậy.  Ở đâu cũng có chuyện như thế.   
Tất nhiên Chúa Giê-su dồn hết trọng lượng vào vế thứ hai: “Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.”  Đây là lời kêu gọi nhìn nhận và tuyên xưng—trước mặt bất kỳ lọai quyền lực nào—rằng chỉ mình Thiên Chúa là Chúa của loài người, chứ không còn một ai khác.  Đây là một điều luôn luôn mới lạ cần phải khám phá mỗi ngày, và điều nầy đòi buộc chúng ta phải làm chủ được nỗi sợ hãi của mình, nỗi sợ hãi chúng ta cảm vẫn thấy, khi bị Thiên Chúa làm cho chưng hửng.
Thiên Chúa không sợ hãi những điều mới lạ!  Chính vì vậy Người luôn làm chúng ta ngạc nhiên, mở cửa lòng chúng ta, và dẫn chúng ta qua những nẻo đường bất ngờ.  Người đổi mới chúng ta: Người luôn luôn biến chúng ta thành “mới.”  Ki-tô hữu nào sống Tin Mừng thì trở thành “thụ tạo mới của Thiên Chúa” trong Hội Thánh và trong thế giới.  Thiên Chúa thương yêu tác phẩm mới nầy biết chừng nào!
“Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” có nghĩa là ngoan ngoãn trước Thánh Ý Thiên Chúa, cống hiến đời ta cho Người, làm việc cho vương quốc xót thương, yêu mến và bình an của Người.
Đây là nơi chúng ta tìm được sức mạnh; đây là men giúp cho nghị lực tăng triển, là muối thêm hương vị cho tất cả mọi nỗ lực chống lại thế thương phong của chủ nghĩa bi quan đang được thế gian đề xuất với chúng ta.  
Đây cũng là nơi chúng ta tìm thấy hy vọng, vì khi chúng ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ không trốn chạy thực tế, và cũng chẳng tìm cho được bằng chứng vắng mặt:[9] ngược lại, chúng ta sẽ cố sức hoàn trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về thẩm quyền của Người.  chính vì vậy mà Ki-tô hữu chúng ta hướng nhìn về tương lai, tương lai của Thiên Chúa.  Phải hành xử như vậy chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cuộc sống nầy—với đôi chân đứng vững trên mặt đất—và đáp ứng một cách dũng cảm trước bất kỳ thách đố mới lạ nào.
Trong những ngày nầy, khi diễn ra Công Nghị Giám Mục Ngoại Thường, chúng ta đã nhận ra ý nghĩa chân chính của Công Nghị.  “Synod” (Công Nghị) nghĩa là “cùng nhau hành trình.”  Mà quả thật, chủ chăn và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Rô-ma, mang theo tiếng nói của các Hội Thánh địa phương, để giúp các gia đình bước đi theo đường hướng Tin Mừng, với ánh mắt chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su.  Đây thực là một kinh nghiệm vĩ đại, vì chúng ta được sống tinh thần công nghị và tính chất cộng đoàn,[10] và cảm nhận được quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hướng dẫn và canh tân Hội Thánh.  Bởi lẽ Hội Thánh được yêu cầu không để lãng phí thời gian trong nỗ lực hàn gắn những vết thương đang lở loét, và khơi lại ngọn lửa hy vọng nơi bao nhiêu con người đang sống trong tuyệt vọng.   
Vì ơn phước của Công Nghị nầy và vì tinh thần xây dựng được mọi người biểu lộ, chúng ta cùng hiệp nhứt với Thánh Tông Đồ Phao-lô để “luôn cảm tạ Thiên Chúa thay cho tất cả anh chị em, và lkhông ngừng nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện của chúng tôi.”[11]  Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng trong suốt những ngày tất bật nầy vẫn hằng phù giúp chúng ta làm việc thật quảng đại, với tinh thần tự do chân chính và tính sáng tạo khiêm nhu, tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình, thông qua các Hội Thánh trên tòan thế giới, đang đưa chúng ta tiến đến Công Nghị Giám Mục Thông Thường vào tháng 10 năm 2015.  Chúng ta đã gieo hạt, và chúng ta tiếp tục gieo, một cách nhẫn nại và kiên trì, xác tín rằng chính Đức Chúa sẽ ban cho những gì chúng ta gieo được mọc lên.[12]       
Hôm nay là ngày tuyên chân phước cho Đức Thánh Cha Phao-lô VI.  Tôi nhớ tới lời Người phát biểu khi thành lập Công Nghị Giám Mục: “nhờ cẩn trọng điều nghiên các thời điềm, chúng ta tận lực   áp dụng các đường hướng và phương pháp…trước các nhu cầu càng ngày càng tăng của thời đại chúng ta, và những hoàn cảnh đang thay đổi của xã hội.”[13]
Khi chúng ta chiêm ngưỡng vị Giáo Hoàng vĩ đại, người Ki-tô hữu dũng cảm, người tông đồ không bao giờ biết mệt mỏi, như Đức Phaoplô VI, chúng ta không thể không thưa một lời trước Tôn Nhan Thiên Chúa, một lời hết sức đơn thành mà chân thật và có ý nghĩa: “Xin tạ ơn!”  Xin tạ ơn, thưa Đức Thánh Cha Phao-lô VI quý mến và yêu kính!  Xin tạ ơn chứng từ khiêm tốn và có tính ngôn sứ của Cha vì yêu Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Người!  
Trong nhựt ký riêng của Người, Vị Tài Công vĩ đại của Công Đồng viết vào lúc kết thúc phiên họp cuối: “ Có lẽ Đức Chúa đã gọi tôi và dành riêng tôi cho việc phục vụ nầy, không phải vì tôi đặc biệt xứng đáng, hay vì tôi có khả năng lãnh đạo và giải cứu Hội Thánh thoát mọi hoàn cảnh nhiêu khê hiện tại, nhưng là để tôi chịu một chút đau khổ vì Hội Thánh, nhờ đó, chứng tỏ cho mọi người thấy rõ chính Người, chứ không phải ai khác, là Thủ Lãnh và Cứu Chúa của Hội Thánh.”[14]  Trong đức khiêm nhu nầy, nét vĩ đại của Chân Phước Phao-lô VI bừng sáng huy hoàng: đối diện trước bước tiến của một xã hội tục hóa và thù nghịch, Người vẫn bình thản, với tầm viễn kiến và đức khôn ngoan—và đôi khi đơn độc—chèo chống con thuyền Thánh Phê-rô, dù vậy chẳng bao giờ Người đánh mất niềm vui và lòng tín thác vào Chúa.
Đức Phao-lô VI đã thực sự “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” khi cống hiến trọn vẹn đời mình cho “nhiệm vụ thánh thiêng, cao quý, và hệ trọng nầy là tiếp nối trong lịch sử và triển khai trên mặt đất sứ vụ của Chúa Ki-tô.”[15]  Yêu thương và lãnh đạo Hội Thánh, để Hội Thánh trở thành “bà mẹ từ ái của toàn thể gia đình nhân loại, đồng thời cũng là tác viên phục vụ ơn cứu độ con người.  
  

“NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC MỤC VỤ GIA ĐÌNH 

TRONG BỐI CẢNH SỨ VỤ PHÚC ÂM HÓA”

Tiêu đề trên là chủ điểm của Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường diễn ra tại Rô-ma từ ngày 5 đến 19 tháng 10, 2014 vừa qua.
Công Nghị Giám Mục Là Thẩm Quyền Nào Trong Hội Thánh?
Công Nghị Giám Mục là một định chế thường trực của Hội Thánh, được Đức Chân Phước Phao-lô VI thành lập năm 1965, chỉ một thời gian ngắn sau khi Công Đồng Vatican II bế mạc, như một biểu hiện tính cộng đoàn và tinh thần hiệp thông của tất cả các vị giám mục trong nhiệm vụ mục tử chăn dắt đàn chiên Hội Thánh.
Công Nghị Giám Mục quy tụ các giám mục trên toàn thế giới để tham mưu cho đức thánh cha về các vấn đề quan trọng thuộc lãnh vực mục vụ, tín lý và kỷ luật của Hội Thánh.[16]
Công Nghị Giám Mục có hai hình thức nhóm họp: họp Toàn Thể khi thảo luận những chủ đề liên quan đến toàn thể Hội Thánh, và họp Chuyên Biệt khi chỉ bàn bạc về những điều thuộc về một vùng hay miền của Hội Thánh,[17] chẳng hạn như Công Nghị Giám Mục Chuyên Biệt về Á Châu, họp tại Vatican, từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5, năm 1998.[18] 
Tùy theo ý nghĩa của chủ đề thảo luận và bối cảnh diễn ra cuộc họp, Công Nghị Giám Mục Toàn Thể được gọi là Thông Thường hay Ngoại Thường.  Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Thông Thường bàn đến những vấn đề công ích của Hội Thánh hoàn vũ, cần được tất cả các vị giám mục nghiên cứu, tham vấn một cách thận trọng.  Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường thảo luận những vấn đề công ích của toàn thể Hội Thánh, cần được quan ngay tâm tức khắc, để có thể đề ra một giải pháp nhanh chóng.[19]          
Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường Năm 2014 Về Gia Đình Hướng Đến Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Thông Thường Năm 2015 Cũng Về Gia Đình 
Đây là Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường Thứ III của Hội Thánh.  Hai Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường trước kia đã diễn ra lần lượt vào năm 1969 và 1985.
Chủ đề “Những Thách Đố Đối Với Công Tác Mục Vụ Gia Đình Trong Bối Cảnh Sứ Vụ Phúc Âm Hóa” nói lên chủ đích của Hội Thánh muốn xác định tình thế hiện thời, đón nhận những kinh nghiệm và đề xuất của các giám mục trong sứ vụ công bố và sống Tin Mừng về Gia Đình một cách đáng tin cậy.
Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường Thứ III nầy là bước chuẩn bị cho Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Thông Thường Thứ XIV mang chủ đề “Ơn Gọi Và Sứ Vụ Của Gia Đình Trong Hội Thánh Và Trong Thế Giới Hiện Đại” sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10, năm 2015 tại Vatican, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Công Nghị Giám Mục.
Tình Thế Khẩn Cấp Của Gia Đình Và Lòng Ưu Ái Của Hội Thánh Đối Với Gia Đình
Việc diễn ra hai Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường và Thông Thường liên tiếp trong vòng hai năm là biến cố hiếm thấy trong lịch sử Hội Thánh.  Đây là bằng chứng về hiện trạng vô cùng nguy ngập các gia đình phải đương đầu trước những sức công phá dữ dội của mọi hình thức ác tà, đồng thời cũng là lời xác quyết về mối quan tâm mục vụ rất ân cần và tận tụy của Hội Thánh dành cho gia đình. 
Cùng với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, các chủ chăn giáo phận trên toàn thế giới quan sát và nhận diện những khó khăn và thuận lợi đang diễn ra có liên quan đến lẽ sống còn của các gia đình, thúc đẩy Hội Thánh, trong vai trò Mẹ và Thầy về đức tin và luân lý, phải có tiếng nói hướng dẫn thích hợp và kịp thời.
“Thích hợp” nói ở đây không hề có nghĩa là uốn nắn, cắt xén, hoặc thích ứng Lời Chúa theo thị hiếu con người trong xã hội hiện đại.  Công Đồng Vatican II hơn 50 năm trước đã đề xướng đường hướng canh tân,[20] theo đó, Hội Thánh giới thiệu Chân Lý Cứu Độ truyền thống bằng hình thức cập nhựt và theo phương pháp mới, phù hợp với nếp suy nghĩ và cách sống của con người ngày hôm nay.
Tương tự như vậy, “kịp thời” được chủ ý nêu lên cho phương pháp luận, cho phong cách chuyển tải nội dung Tin Mừng để giáo huấn của Hội Thánh kịp đến tai một cử tọa vừa vội vã, vừa bị tiếng ồn vây hãm, vừa phân hóa tâm trí cho biết bao lo âu về cuộc sống thường nhựt.
Tuy không phải là định chế kỳ cựu bực nhứt về mặt lịch sử so với các cấu trúc xã hội và tôn giáo khác, tiếng nói của Hội Thánh có đầy đủ uy tín từ Chúa Ki-tô, Đấng đã ủy thác cho các vị Tông Đồ thẩm quyền giáo huấn muôn dân muôn nước.[21]
Hội Thánh một lần nữa khẳng định niềm xác tín Ki-tô Giáo vẫn luôn truyền giảng, đó là giá trị của gia đình được bảo lãnh vững chắc và bất biến trong kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Thật vậy, con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa để sống thành một cộng đoàn.  Cộng đoàn nguyên thủy và tự nhiên, nơi con người chung sống với tư cách là những nhân vị, chính là gia đình, bởi vì đây là định chế được Thiên Chúa đích thân sáng lập.  Gia đình vì lý do này trở thành khuôn mẫu độc quyền của Thiên Chúa để con người học hỏi từ đó mà tiếp tục xây dựng những loại hình xã hội khác.  Giống như một gia đình, nơi mọi người, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, luôn luôn đón nhận nhau trong thái độ tương kính cao quý và tấm lòng tương ái dạt dào, mọi hình thức cơ chế xã hội, kinh tế, chính trị, từ quy mô quốc gia cho đến quốc tế, nếu muốn giữ được đặc tính nhân văn, nhứt thiết phải được xây trên nền tảng tình liên đới, luật công bình, và lòng thương yêu đồng loại.  Loại bỏ các đặc trưng nhân bản nói trên, mọi thứ cơ chế con người khổ công xây nên—rất thường khi bằng giá xương máu của đồng loại và của chính mình—có nguy cơ biến thành một cỗ máy phi nhân, nghiền nát tất cả những gì còn gọi được là lịch sử và văn hóa.  Loại bỏ những truyền thống tương thân, tương ái, tương kính, tương trợ, thì xã hội dù cho thừa mứa tiện nghi, dù cho văn minh tột cùng, vẫn đối diện với nguy cơ đánh mất căn tính nhân văn, đánh mất cái hồn nhân linh làm nên xã hội loài người, để chỉ hiện nguyên hình, bộc lộ bản chất hoang dã, rừng rú của bầy thú dữ.



GIA ĐÌNH LÀ CHIẾC NÔI CỦA TÌNH THƯƠNG

Tương tự như mọi thực tại khác trên cõi đời, tình thương có sinh ra, có tăng trưởng, có những biến đổi, cũng như không loại trừ có khủng hoảng và thậm chí có tử vong.
Tuy nhiên, vì là một thực tại gần gũi, thân thiết nhứt, gắn liền chặt chẽ với con người như bóng với hình, nên tình thương cũng cần có một môi trường đặc biệt để sinh trưởng và đơm hoa kết trái.
Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh[22] dạy:
Gia đình có một tầm quan trọng chính yếu đối với con người.  Trong chiếc nôi của đời sống và tình thương nầy, mọi người được sinh ra và lớn lên.  Lúc một đứa trẻ được thụ thai, xã hội lãnh nhận món quà là một con người mới, con người nầy được mời gọi “từ cõi thẳm sâu của chính mình để tiến đến một đời sống hiệp thông với tha nhân, và để biết trao tặng bản thân mình cho tha nhân.”  Do đó, trong chính khung cảnh gia đình, hành vi trao tặng bản thân mình cho nhau diễn ra giữa người nam và người nữ được hiệp nhứt trong hôn nhân tạo nên một môi trường đời sống, là nơi con cái phát triển các tiềm năng, càng lúc càng ý thức được phẩm giá, và sẵn sàng đối diện với vận mạng độc đáo và riêng tư của chúng.[23]
Theo quan điểm của Hội Thánh, gia đình là “chiếc nôi của đời sống và tình thương.”   Hình ảnh chiếc nôi nói lên được nhiều điều cao quý về tiến trình hình thành đời sống, vận mạng, và lịch sử của con người.  Chiếc nôi không chỉ là chiếc võng hay chiếc giường nhỏ để đặt một đứa trẻ nằm ngủ, nhưng thực ra là cả một tấm lòng ấm áp tình người của cha mẹ, của gia đình, rộng mở đón chào một con người, một quà tặng vô giá Thiên Chúa gởi đến cho một dòng tộc, cho một dân tộc, và cho cả nhân loại.       
Chiếc Nôi Đón Nhận Tình Thương
Chiếc nôi, trước hết, là nơi đón nhận một con người chào đời.  Con người đó là một đời sống, tiếp nối đời sống của của cha mẹ, và kết nối ở tận cùng khởi điểm với đời sống của Thiên Chúa, Đấng ban cho khối đất sét vô hồn chính hơi thở sinh động của Người.[24] 
Nhưng đời sống ấy tự bản chất sâu xa là hoa trái của tình thương vô cùng đẹp đẽ, ngọt ngào và cao quý người cha và người mẹ trao tặng cho nhau, với lòng tri ân thăm thẳm và thái độ tuyệt đối vâng phục Thánh Ý diệu kỳ của Đấng Tạo Hóa quyền năng vô song và đồng thời là Thiên Chúa Tình Thương vô biên vô tận.[25] 
Như vậy, ngay từ giây phút đầu đời xuất hiện trên hành tinh nầy—từ khoảnh khắc một sinh mạng con người, một nhân vị, được hình thành trong lòng mẹ—mỗi người đã được tiếp nhận như một tình thương, là hoa trái của tình thương cha mẹ, và quan trọng hơn hết, là dung mạo của Tình Thương Thiên Chúa, Đấng tác tạo con người theo hình ảnh của Người.[26]
Quà tặng vô giá nhưng vô điều kiện của Thiên Chúa phải được lãnh nhận hết sức cung kính, hết sức trang trọng, vừa tương xứng với giá trị của tặng phẩm, vừa phải lễ phải đạo với Đấng ban phát món quà.
Đấng Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối về mọi phương diện tri lẫn hành, tâm lẫn trí, thông suốt tường tận từ thực thể vĩ đại cho đến từng tiểu tiết chi ly, hoàn toàn chuẩn mực và chính xác trong mọi vận hành của vũ trụ càn khôn, chắc hẳn không thể cho phép bất kỳ hình thức ngẫu nhiên, tình cờ, ngoài ý muốn, vượt tầm kiểm soát nào xảy ra trong công cuộc sáng tạo và cứu độ của Người.  Điều vừa nói càng được nghiêm chỉnh thực thi trong việc hình thành một nhân vị, một con người.  Mối quan tâm của Thiên Chúa dành cho toàn thể vũ trụ vạn vật tất nhiên là lớn lao và đặc biệt, vì lẽ đó là tuyệt tác của trí tuệ, của tấm lòng nhân hậu Người muốn công khai bày tỏ ra trong không gian và thời gian.  Khi hoàn thành công trình nầy, Thiên Chúa hài lòng và chúc phước lành cho tác phẩm vừa thực hiện như bức họa tuyệt đẹp, sống động, phản ánh rực rỡ hào quang thánh đức và lòng tốt của Người.[27] 
Tuy nhiên, chương trình của Thiên Chúa còn được đẩy lên một mức độ hoàn chỉnh hơn, như nét chấm phá cuối cùng có tính quyết định cho giá trị và ý nghĩa của tác phẩm.  Đàng khác, vinh quang và tình thương Thiên Chúa một khi được biểu lộ qua bức tranh vũ trụ vạn vật thì nhứt thiết phải được đón nhận với một khả năng am hiểu và ngưỡng mộ tương xứng. Việc Thiên Chúa sáng tạo con người thỏa mãn được cả hai đòi hỏi đó. 
Thực vậy, toàn thể tạo thành đã có mặt, mọi hình thức sinh sống và mọi chức năng hoạt động đều sẵn sàng ở vị trí và tư thế chờ lịnh.  Phải có phát lịnh thì tất cả mới bắt đầu.  Mường tượng như đây là giây phút các vận động viên thi đấu đã vào vị trí đang nín thở chờ tiếng còi của trọng tài.  Cũng có thể ví như khung cảnh toàn bộ giây chuyền máy móc đã chuẩn bị sẵn sàng để vận hành, chỉ cần chờ động tác đẩy cầu dao điện lên.
Lịnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể Tối Cao là gì?
“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.[28]
Ngay khi đặt con người vào bức tranh sáng tạo như quét nét cọ quyết định, điều kỳ diệu đã diễn ra khiến Thiên Chúa hết sức mãn nguyện và buột miệng tấm tắc: “Rất tốt đẹp!”[29]  
Giữa cảnh hùng vĩ của tạo thành còn nguyên sơ, trong lành, thanh sạch và xanh tươi, con người xuất hiện, xinh đẹp như tranh và dễ thương như thiên thần, trước nỗi kinh ngạc, sững sờ của muôn vật muôn loài.  Rồi thì hầu như tức khắc, tất cả bắt đầu chuyển động theo đúng quy trình đã được Thiên Chúa sắp đặt, bởi lẽ tiếng còi đã vang dội, và cầu dao điện đã đẩy lên.  
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
Nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
Lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu![30]
Trên dung mạo uy nghi của Thiên Chúa, ánh vinh quang hằng hữu hình như bỗng trăm ngàn lần rạng rỡ hơn, khi chợt nở nụ cười hồn nhiên của tuổi thơ bất tử—mà không biết đó là nụ cười của Đấng Tạo Hóa hay là của thụ sinh khắc họa hình ảnh của Người, kề cận bên nhau như hai giọt sương mai lóng lánh ánh mặt trời ở buổi sáng đầu tiên trong lịch sử loài người.
Kể từ giây phút ấy—giây phút xuất hiện của một nhân vị, một con người, có khả năng tri thức để thưởng lãm tài nghệ diệu kỳ của Thiên Chúa—thì công trình sáng tạo của Người mới thực sự bắt đầu hiện hữu trọn vẹn, vừa minh mông trải rộng vô biên như vũ trụ, vừa đậm nét sắc xảo trong nhận thức của con người. 
Cũng từ giây phút ấy—giây phút xuất hiện của một nhân vị, một con người có trái tim thổn thức, xao xuyến để say mê, ngưỡng mộ thánh đức và lòng tốt của Thiên Chúa—thì công trình sáng tạo của Người mới thực sự có sinh khí, vừa nhờ hít thở luồng gió trời lồng lộng và ngụp lặn trong dòng nước bao la, vừa nhờ hấp thụ hơi thở ấm áp tình người.
Để công trình sáng tao Thiên Chúa thực hiện vì con người và cho con người thực sự sống động và ý nghĩa, không thể thiếu dung mạo con người và cái thần hồn của con người.  Dung mạo là khả năng thưởng lãm—trí tuệ—và thần hồn là khả năng ngưỡng mộ—tình thương—Thiên Chúa ban cho con người.
Gia đình, xét thật kỹ lưỡng mọi mặt và mọi điều kiện, đúng là chiếc nôi tự nhiên, thích hợp và xứng đáng hơn hết để đón nhận con người như món quà tình thương vô giá Thiên Chúa ban cho loài người.
Tự nhiên, bởi vì trước khi xuất hiện những hình thức cộng đoàn và cấu trúc xã hội thiết định khác, thì gia đình là cộng đoàn nguyên thủy, do Thiên Chúa xây dựng thành nơi chung sống của các nhân vị, trên nền tảng tình thương hồn nhiên, hoàn toàn tự do, tự nguyện giữa người nam và người nữ,[31] nhìn nhận nhau trong niềm vui mừng, hạnh phúc, và tri ân như là xương là thịt[32]—nghĩa là thành phần thiết thân, sinh tử, không thể thiếu, không thể phân ly—của nhau.  
Thích hợp, bởi vì gia đình tự bản chất là cộng đoàn phát sinh từ tình thương, trước hết là của Thiên Chúa Tạo Hóa, kế đến là của đôi vợ chồng, tác nhân hiện thực xây nên gia đình.  Gia đình được xây trên nền tảng tình thương phu phụ người chồng và người vợ trao cho nhau, và có mục đích phát triển tình thương ấy nơi con cái của họ.[33]
Xứng đáng, bởi vì không thể tìm đâu ra một môi trường tự nhiên, cao quý, thánh thiêng như chính khung cảnh gia đình để Tình Thương Thiên Chúa bắt đầu công cuộc Nhập Thể, nghĩa là trở thành Tình Thương của Con Người.
Bởi vì chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó, đã kết hợp với tất cả mọi người.  Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người.  Sinh bởi Trinh Nữ Ma-ri-a, Người  đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi.[34]    
Làm sao có thể ký gởi món quà tình thương của Thiên Chúa vào một môi trường nào khác ngoài cái nôi gia đình—nơi duy nhứt tình thương luôn được ân cần, vui vẻ chào đón với lòng yêu mến, tri ân và tinh thần trách nhiệm sáng suốt—nhờ đó sẽ triển nở quân bình, trọn vẹn, và giữ nguyên mọi đặc trưng và bản chất của tình người?
Chính vì lý do nầy, Tình Thương Thiên Chúa, khi bắt đầu tiến trình trở thành tình thương con người, đã quyết định chọn một chiếc nôi trong một mái ấm gia đình làm nơi ký thác hoàn toàn đáng tín nhiệm:
Chúa Giê-su sinh ra và sống trong một gia đình cụ thể, chấp nhận tất cả mọi sắc thái đặc trưng của gia đình, và Người đã sắc phong cho định chế hôn nhân một phẩm vị cao quý nhứt, thiết lập ơn gọi nầy thành một bí tích của Giao Ước Mới.[35] 
Chiếc Nôi Nuôi Dưỡng Tình Thương
Nói đến việc nuôi dưỡng một con người là phải nghĩ ngay đến dòng sữa mẹ ngọt ngào, giàu chất sống tự nhiên vô cùng thích hợp và thiết yếu cho tiến trình phát triển của đứa trẻ.  Mọi hình thức cung cấp chất dinh dưỡng nhân tạo cho con người—cả thực phẩm lẫn dược phẩm—không được phép vượt quá giới hạn của một yếu tố bổ trợ và tăng cường.  Tham vọng—thường  không mấy trong sáng—muốn thay thế sữa mẹ bằng những nguồn dinh dưỡng nhân tạo khác đã gây ra—không kể bao tổn hại cho sức khỏe thể lý và tâm lý của con người—thảm cảnh thô bạo cướp đi quyền linh thiêng của bà mẹ được cho con mình bú mớm, và quyền linh thiêng không kém của đứa trẻ phải được nuôi dưỡng bằng thứ thực phẩm thiên nhiên đặc chế cho con người. 
Thật vậy, con người có phẩm giá vượt trên muôn vật muôn loài—nhân ư vạn vật chi linh—trong mọi phương diện.  Tuy cùng có nhu cầu đói ăn khát uống như mọi loài động vật khác, nhưng ăn gì và uống gì, ăn uống ở đâu, lúc nào, bằng dụng cụ gì, với ai, và đặc biệt với phong thái ra sao, lại là những bận tâm của riêng con người, để giữ cho việc ăn uống có nét văn hóa: “ăn để sống, không sống để ăn.”  Việc nuôi con bằng sữa mẹ thực sự đã trở thành nét nhân văn đặc trưng của nhân loại.  Hình tượng mẹ bồng con, cho con bú mớm, ru con ngủ, đã in đậm trong tâm hồn con người, đã nở hoa tươi thắm muôn sắc muôn hương trong văn chương, nghệ thuật.  
Nói như vậy có nghĩa là việc dưỡng nuôi con người không chỉ thuần túy lo cho ăn cho uống thực phẩm bồi bổ thể xác, nhưng còn là cả một công trình nuôi nấng tiềm năng của đứa trẻ để trở nên một con người toàn diện.  Như một con người có đầy đủ nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền, đứa trẻ phải được nuôi dưỡng về đời sống tình cảm, tri thức, và tâm linh.
Ngay lúc còn là bào thai trong lòng mẹ, đứa trẻ đã được tiếp xúc với tình thương con người qua tình thương của mẹ, qua thái cử khẽ khàng, cẩn trọng, qua lựa chọn kỹ lưỡng, chuẩn mực  từng miếng ăn, từng viên thuốc, tránh mọi xung động nguy hại cho con.  Những năm tháng đầu đời, đứa trẻ được cảm nghiệm đôi tay dịu dàng, âu yếm, ấm áp tình mẫu tử của mẹ, khi cho con bú mớm, khi nựng nịu, vui đùa với con, khi thay tã lót, tắm rửa cho con, nhứt là khi ôm ghì con sát vào trái tim mẹ mà trấn an, dỗ dành: “Con của mẹ ơi!  Có mẹ đây rồi, đừng sợ!”[36]   
Vai trò của cha chẳng những không bị loại trừ mà còn được tô đậm khi bóng dáng của mẹ được đề cao trong việc nuôi dưỡng con cái.  Với khối óc tinh tường, ý chí sắt đá, và đôi tay cần mẫn, người cha âm thầm và kiên trì đổ mồ hôi, đôi khi nước mắt và máu, để cung cấp miếng cơm lành và manh áo sạch cho cả gia đình.  Đứa trẻ lớn lên từng ngày nhờ được nuôi bằng sữa mẹ, cơm cha, nghĩa là nhờ thứ thực phẩm đậm đà chất dinh dưỡng tình thương con người.  Lời lẽ ôn tồn, cương nghị của cha bổ sung cho lời êm ái, mềm mỏng của mẹ.  Cung cách cảm tính thiên về trái tim của mẹ được hòa hợp với tinh thần biện luận và nguyên tắc dựa vào lý trí của cha.  Hình tượng dịu hiền của mẹ làm phong phú đời sống tình cảm của con người, trong khi dáng vẻ uy nghi của cha kích thích quyết tâm dấn thân vào lãnh vực học thuật, nghiên cứu, khám phá.    
Ngoài cơm ăn, nước uống, con người cần phải có khí trời để sống, mà tối quan trọng là bầu khí của gia đình.  Chiếc nôi nuôi dưỡng tình thương con người cần được bao trùm tinh thần tin kính và yêu mến Thiên Chúa, Cội Nguồn mọi điều chân thật, tốt lành và xinh đẹp, qua lời nói và gương sáng của cha mẹ.  Tuy nhiên, chất liệu căn bản cho món ăn tinh thần của con người, món ăn giúp con người lớn lên và phát triển quân bình, toàn diện, chính là Lời Thiên Chúa: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ từng Lời từ miệng Thiên Chúa phán dạy.”[37]  Nhờ có Lời Chúa nuôi dưỡng, con người biết yêu mến Thiên Chúa bằng tình thương con người, và yêu mến con người bằng Tình Thương Thiên Chúa.[38]  Tình Thương Thiên Chúa là cái hồn, cái thần của tình thương con người.  Tình thương con người cung cấp cho Tình Thương Thiên Chúa một thân thể, một dung mạo để hiện diện trong cuộc đời.[39]         
Chiếc Nôi Dạy Dỗ Tình Thương
Con người có biết bao nhiêu điều phải học, từ khi vừa chào đời cho tới lúc, có lẽ, xuôi tay nhắm mắt.
Nhưng con người phải học những gì? Thiết nghĩ, thứ tự ưu tiên những gì con người phải học nên thiết lập theo tiêu chuẩn quan trọng và mức độ khó quán triệt của bộ môn.
Thử hỏi đối với con người, còn điều gì quan trọng hơn việc học làm người?  Có kiến thức rộng, có kinh nghiệm sâu, có địa vị, quyền lực cao ngất ngưởng, nhưng không có nhân bản, không có đạo đức của một con người, không biết hành xử như một con người, thì đó sẽ là giống loại gì nếu không phải là một quái thú, là cả một thảm họa cho loài người?
Cổ nhân dạy “vi nhân nan—làm người thật khó.”  Môn học làm người không thể trao cho ai có tư cách và khả năng hơn ngoài cha mẹ, và không thể thực hiện dạy và học ở bất kỳ trường lớp nào thích hợp và hiệu quả hơn ngoài môi trường gia đình.  Cha mẹ là thầy dạy làm người, dầu có thể không qua chương trình học tập hàn lâm, nhưng các vị ấy đều đã được tốt nghiệp ưu hạng, trải qua đào tạo tự nhiên và huấn nghiệp thực tế tại hiện trường một gia đình hiện hữu cụ thể trong một thời gian và không gian nhứt định, sống động, nhân bản, và rất ư là đời thường.    
Trong trọn gói giáo trình học làm người, bài học yêu thương cần được xếp hệ số cao nhứt.  Lý lẽ chống đỡ cho xác tín nầy là câu hỏi: “điều gì làm cho một con người trở nên người hơn?”  Hẳn không phải là nhờ sở hữu vô số tài sản vật chất hoặc tinh thần, hay là chiếm giữ quyền lực không giới hạn, bởi lẽ tất cả những giá trị nầy đều vừa tàng chứa nguy cơ làm tha hóa kẻ nào nắm giữ chúng, vừa mang tính bất tất, nay còn mai mất.
Xã hội dẫy đầy bằng chứng xác thực về tình trạng con người bị quyền lực biến dạng thành quái thú, ác quỷ, tàn hại đồng loại, chà đạp nhân phẩm của người khác và của chính mình.  Những chế độ hôn quân bạo chúa, những kẻ nắm quyền lực—cả chính trị lẫn tôn giáo—vô nhân, vô lương, vô đạo, nhan nhãn trên đời, hôm qua cũng như hôm nay là những hậu quả của tham quyền, dẫn đến lạm quyền, và lộng quyền.
Có quyền lực lập tức cũng có tiền của, hay ngược lại, “có tiền mua tiên cũng được.”  Để thỏa mãn túi tham không đáy, con người sẵn sàng bán rẻ nhân nghĩa, thậm chí đánh đổi cả phẩm giá và niềm tin của mình.    
Chỉ khi nào biết học hỏi để quán triệt ý nghĩa chân chính của tình thương và nắm vững phương cách thực hiện, ứng dụng tình thương đích thực ấy vào những trường hợp cụ thể và con người cụ thể, thì con người mới có thể sống đúng và trọn vẹn nhân phẩm của mình.    
Được trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”[40] mãi là lý tưởng cao quý nhứt cho người Ki-tô hữu bằng mọi giá, sống hay chết, phải đạt tới.  Lý  tưởng đó được Thánh Phao-lô diễn tả: “đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người.”[41]  Đó là cái chết của một Đấng quá yêu thương bằng hữu.[42]  
Chúa Ki-tô là hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa Tình Thương[43] và là Mô Hình hoàn hảo của Con Người trong tư cách là Thụ Tạo Mới.  
Gia đình là ngôi trường dạy con người thực hành một tình thương nhân bản xây nền trên Tình Thương Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô.
Chiếc Nôi Trao Tặng Tình Thương
Là chiếc nôi đón nhận và nuôi dưỡng tình thương, gia đình cũng đồng thời là trung tâm chia sẻ tình thương cho đồng loại, nhờ các thành viên—vợ chồng, cha mẹ, con cái—vẫn thường xuyên và hết sức tự nhiên sống với nhau tinh thần hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đời sống hiệp thông theo Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có đặc trưng là nếp sống “hiệp nhứt trong đa dạng.”
Theo kinh nghiệm ngàn đời, đoàn kết hiệp nhứt tạo nên sức mạnh, trong khi chia rẽ phân hóa dẫn đến suy vong. 
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Các bậc triết gia Đông, Tây xưa nay giảng dạy và cổ động cho công cuộc xây dựng một nhân loại đoàn kết thống nhứt như anh chị em một nhà: “Tứ hải giai huynh đệ--bốn biển đều là anh em.”
Chủ nghĩa cộng sản trong gần một thế kỷ qua không ngừng tuyên truyền, hành động bằng mọi biện pháp, kể cả bằng cách mạng bạo lực, để biến thế giới thành một xã hội vô sản, không còn giai cấp, không còn tư hữu, không còn ranh giới quốc gia, chủng tộc.
Ki-tô Giáo ngay từ buổi đầu thành lập chủ trương mọi người sống đồng tâm nhứt trí, góp tài sản lại thành sở hữu của cộng đoàn, phân phối cho mọi người tùy nhu cầu, không để ai chịu cảnh túng thiếu.[44]   Việc xây dựng một nhân loại hiệp nhứt, sống đoàn kết, yêu thương, không còn chia rẽ, thù hận, chiến tranh, luôn luôn là một ước vọng mãnh liệt của con người.
Nhưng một câu hỏi quan trọng được nêu lên: đâu là mô hình thích hợp cho công cuộc hiệp nhứt nhân loại?
Tựu trung có 3 mô hình hiệp nhứt như sau:
1/ Hiệp Nhứt trong Đồng Phục:
Mô hình nầy chỉ chú trọng hình thức bên ngoài sao cho giống nhau như các học sinh, các công nhân hay quân nhân trong bộ đồng phục cùng màu, cùng kiểu, còn những khác biệt bên trong phải che đậy cho khuất mắt.  
Kiểu hiệp nhứt nầy dễ thực hiện, nhưng vừa hời hợt, vừa giả tạo, nên không bền vững. 
2/ Hiệp Nhứt trong Đồng Bộ:
Mô hình nầy tiến xa và sâu hơn: tất cả mọi người đều phải suy nghị, ăn nói và hành động theo một biểu mẫu được thiết kế, định hướng sẵn.  Có những biện pháp từ tuyên truyền, tẩy não, mua chuộc, cho đến hình phạt, bạo lực, đàn áp, dẹp bỏ, dập tắt mọi hình thức phản biện, chống đối.
Kiểu hiệp nhứt nầy phù hợp với các băng đảng tội ác,đạc biệt dưới các chế độ độc tài toàn trị,  Con người bị biến dạng thành những đồ vật được sản xuất hàng loạt cùng mẫu mã, cùng công dụng phục vụ cho một ý đồ xấu ác. 
3/ Hiệp Nhứt trong Đa Dạng:
Mô hình nầy chỉ nhấn mạnh tinh thần đồng thuận, thống nhứt hành động trên một nguyên tắc, quy luật quan trọng, trong khi tôn trọng và khuyến khích các hình thức diễn đạt, các phương án thực hiện, các phương tiện hoạt động khác biệt nhau, miễn là không mâu thuẫn, chống phá nhau, và không gây thiệt hại cho công ích.
Đây là mô hình học hỏi từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhứt, nhưng lại có Ba Ngôi Vị riêng biệt, Ngôi Chúa Cha, Ngôi Chúa Con, và Ngôi Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi có 3 trọng trách khác nhau: Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con là Đấng Cứu Nhân Độ Thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa.
Ba Ngôi uy quyền ngang nhau, nhưng không xâm phạm nhau, không chống phá nhau, trái lại luôn đồng tâm nhứt trí, luôn có mặt cùng nhau, cùng cộng tác với nhau một cách thân thiết, hòa điệu, nhịp nhàng, để cùng nhau thực hiện một công cuộc chung.
Quan sát vũ trụ vạn vật, có thể nhận ra mô hình “hiệp nhứt trong đa dạng.”  Thiên Chúa sáng tạo một thế giới muôn màu muôn vẻ, nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, có những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nghiêm chỉnh tuân theo quy luật chung, nhứt quán của thiên nhiên do Thiên Chúa thiết lập, nhờ đó muôn loài muôn vật cùng chung sống và phát triển hài hòa, cộng tác với nhau, bổ túc cho nhau.[45]
Loài người đặc biệt được Thiên Chúa sáng tạo giống hình ảnh của Chúa, có trí khôn, có tự do, có lương tâm, nhứt là có khả năng thương yêu, như Thiên Chúa là Tình Yêu.  Con người được Thiên Chúa ban cho có hai giới tính nam và nữ, có nhiều tính tình, thiên hướng, tài năng, ngôn ngữ, màu da, phong tục, văn hóa, lối sinh sống khác nhau, nhưng tất cả cùng có chung một nhân vị, cùng được tôn trọng như một con người, có phẩm giá, có quyền lợi và nghĩa vụ của con người như nhau.  Một khi nhìn nhận Thiên Chúa là Hiền Phụ, và tất cả mọi người là anh chị em, thì công cuộc quy tụ nhân loại biết dẹp bỏ mọi bất đồng, chia rẽ mà họp thành một gia đình theo mô hình “hiệp nhứt trong đa dạng” là điều hoàn toàn khả thi.[46]
Thánh Phao-lô đưa ra cho Hội Thánh mô hình hiệp nhứt trong đa dạng như một cơ thể con người.[47]   Chỉ có 1 cơ thể, nhưng có nhiều chi thể, hình dáng, bản chất, chức năng, nhu cầu hoàn toàn khác nhau.  Tuy nhiên tất cả các chi thể hoạt động nhịp nhàng phối hợp nhau phục vụ công ích của cùng một cơ thể.   
Tinh thần hiệp thông của dời sống gia đình khuyến khích con người dấn thân cho công ích của gia đình lớn hơn, tức là xã hội, là quê hương đất nước, là cả nhân loại thân yêu. Tinh thần hiệp thông chính là giải pháp cho tính ích kỷ và mọi hình thức biểu lộ của chủ nghĩa cá nhân, kỳ thị chủng tộc hoặc tôn giáo, phe nhóm lợi ích...rất nguy hại, đe dọa cho hòa bình và an sinh của toàn thể loài người.[48]
Môi trường sinh động và bền vững để nuôi dưỡng, giáo dục, và giúp con người sống tinh thần hiệp thông, dấn thân cho công ích chính là gia đình.
Gia đình hiện diện như một nơi phát sinh ra đời sống hiệp thông.  Đời sống hiệp thông nầy là thành tố vô cùng thiết yếu cho một xã hội ngày càng bị lây nhiễm nặng nề độc chất cá nhân chủ nghĩa.  Gia đình là địa điểm thích hợp cho một cộng đồng nhân vị đúng nghĩa được phát triển và tăng trưởng, nhờ có tính năng động vô tận của tình thương, vốn là chiều kích nền tảng của kinh nghiệm làm người.  Gia đình cũng chính là môi trường ưu đãi giúp cho mọi người nhận ra tính năng động của tình thương.[49]
Nỗi Lo Âu Của Vị Thánh Giáo Hoàng
Vai trò của gia đình như một chiếc nôi đón nhận, nuôi dưỡng, giáo dục và chia sẻ tình thương con người đang chịu sức công phá càng lúc càng ác liệt của rất nhiều khuynh hướng bất lợi, thù nghịch, trong lãnh vực xã hội, kinh tế, lẫn chính trị.
Một xã hội dần dần được thiết kế theo mô hình “tập thể của các cá nhân tự lập và cô lập, vô danh, không mặt mũi.”  Các hội đoàn, các tổ chức quy tụ con người lại với nhau như các câu lạc bộ, đáp ứng nhu cầu nào đó của thành viên, hoạt động theo nguyên tắc “tiền trao cháo múc”.  Hệ thống điện toán, mạng thông tin điện tử, mã hóa dữ kiện, kỹ thuật số, giúp cho mọi giao dịch thuận lợi, nhanh chóng, bảo mật.  Con người được nhận dạng, kiểm soát, xác minh, không còn như là một nhân vị mà chỉ còn là một con số, một mật mã.  Gia đình thôi không còn là một cộng đồng tự nhiên của các nhân vị, mà chỉ còn là cuốn sổ đỏ, là số tài khoản, là tờ hợp đồng bảo lãnh quyền thừa kế tài sản, nghĩa là gia đình thôi không còn là chiếc nôi đón nhận, dưỡng nuôi, giáo dục và chia sẻ tình thương con người, không còn là tế bào sống còn của xã hội.
Một chính sách kinh tế lấy lợi nhuận và thành tựu vật chất làm cứu cánh sẽ không cho con người bao nhiêu cơ may để lao động sản xuất như một nhân vị, làm việc bằng tác phong nhân văn, có quyền tham gia vào kế hoặch phát triển, có quyền thụ hưởng thành quả lao động của mình.  Tóm lại, trong quan niệm kinh tế phi nhân như trên—cả trong xã hội cộng sản vô thần, lẫn giữa tập đoàn tư bản rừng rú—không có chỗ cho người lao động liên kết, tương thân tương trợ nhau, và cũng không có chỗ cho các thành viên gia đình họ được hưởng những trợ cấp cần thiết và xứng đáng.  Ngược lại, nhu cầu cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm công ăn việc làm sẽ ảnh hưởng xấu đến nghĩa vụ xây dựng và chăm sóc gia đình.
Một nền chính trị thu tóm quyền lực trong tay một phe nhóm cướp đi quyền tham gia của cá nhân công dân vào những vấn đề sống còn của đất nước, trong đó có việc xây dựng một chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền—đặc biệt quyền tự trị tự quyết thiêng liêng của gia đình—dẫn tới các thủ đoạn triệt tiêu mọi giá trị đạo đức nhân bản và tâm linh của dân tộc.  Trong một chế độ độc tài toàn trị, mô hình gia đình như cộng đoàn tự nhiên của các nhân vị trở thành đối tượng nguy hiểm phải bị tiêu hủy hoặc chí ít vô hiệu hóa.[50]  
Tình trạng ly hôn, sống chung không hôn thú, hôn nhân đồng tính, liên kết với phá thai, thụ thai nhân tạo, mang thai thuê, can thiệp vào gien di truyền, là những tác nhân mới làm lung lay ý nghĩa và cấu trúc truyền thống của định chế hôn nhân và đời sống gia đình.
Hậu quả khôn lường của tình trạng con người không còn tìm thấy một mái ấm gia đình tự nhiên, như chiếc nôi thân thương để đón nhận, dưỡng dục và chia sẻ ơn gọi làm người, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nêu ra như sau:
Gia đình là một con đường chung cho tất cả mọi người, song lại là một con đường đặc biệt, độc nhứt vô nhị và bất khả tái lập, cũng giống như mỗi cá thể con người là bất khả tái lập, một con đường không ai có thể xa tránh.  Thật vậy, thông thường, một con người bước vào thế giới nầy trong khung cảnh một gia đình, và có thể nói là người ấy phải chịu ơn gia đình do sự thể y được hiện hữu như là một cá nhân.  Khi không có một mái gia đình, con người bước vào thế giới nầy sẽ tiếp tục ôm ấp tâm trạng khắc khoải vì đau đớn và mất mát khôn nguôi, một tâm trang sẽ mãi đè nặng trên y suốt.đời.[51]          
Những gì đang xảy ra trong xã hội loài người hôm nay chứng minh tính chất tiên tri của giáo huấn Đức Thánh Cha, vị Chủ Chăn theo gương Chúa Ki-tô luôn ưu tư về lẽ tồn vong của gia đình trong Hội Thánh cũng như trong thế giới.
Con người sẵn sàng tiêu tốn bao nhiêu tiền của và công sức để bảo vệ một số loài sinh vật khỏi bị tuyệt chủng, nhưng lại không những chẳng quan tâm đến bổn phận sống còn phải tự bảo tồn chính chủng loại của mình, mà lại điên cuồng từng giây từng phút tự đào mồ chôn vùi vĩnh viễn loài người bằng đủ mọi chủ trương và hành động hủy diệt các giá trị truyền thống của gia đình, chiếc nôi từng chắt chiu dưỡng dục mình. 




GIA ĐÌNH LÀ ĐỀN THỜ BẢO VỆ ƠN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
.
Mạng Sống Con Người Trong Cơn Khủng Hoảng Toàn Diện
Trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loại thực vật, động vật trên hành tinh nầy, các tổ chức quốc tế bảo vệ và bảo tồn sinh vật quý hiếm được thành lập và hoạt động tích cực, chấp nhận không giới hạn mọi tốn kém công của, chỉ để tránh cho hậu thế một ngày nào đó khi muốn xem hình dáng những loài thực động vật nói trên, khỏi buộc lòng phải vào bảo tàng cổ sinh vật học như một lựa chọn độc nhứt.
Với viễn kiến được cảm hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sức Sống, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến một nguy cơ tuyệt chủng khác gắn chặt vào lẽ tồn vong của nhân loại: tuyệt chủng ơn đời sống con người.
Điều nầy có nghĩa là, trừ phi tìm ra được một giải pháp hữu hiệu và kịp thời, nhân loại sẽ sớm phải đối diện với nạn tuyệt chủng theo hai phương diện: một là loài người sẽ hoàn toàn biến mất khỏi sân chơi vũ trụ; hai là con người phải biến đổi thành một chủng loại khác để sinh tồn. 
Thật vậy, có vô vàn vô số lý do khiến mối bận tâm nói trên trở thành xác thực và cấp bách. 
Thứ nhứt là do khủng hoảng môi trường sống.  Tình trạng ô nhiễm không khí, nước uống và thực phẩm đã đến mức báo động đỏ.  Con người đang thở một bầu độc khí dầy đặc bụi khói hóa chất, bom đạn thải ra mỗi ngày.  Con người đang uống một dòng nước nhung nhúc khuẩn độc và siêu vi gây đủ mọi thứ bịnh nan y.  Con người đang ăn cơm, thịt, cá, rau, củ, quả tẩm thuốc độc, vì được nuôi trồng, chế biến toàn bằng hóa chất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.  Tác hại của độc chất trên môi trường sống còn kéo dài đến nhiều thế hệ tương lai.
Thứ hai là do khủng hoảng môi trường văn hóa.  Khác với loài vật vốn chỉ có đời sống vật chất theo bản năng tự nhiên, con người còn có đời sống văn hóa với nhu cầu thiết yếu cho bước phát triển nhân vị và phẩm giá.  Nhu cầu nầy chẳng những đang lùi xuống hạng thứ yếu, nhưng còn bị đầu độc và hủy hoại bằng những sản phẩm phản văn hóa, cổ xúy bạo lực, thù hận, thỏa mãn lạc thú bản năng, suy tôn ý thức hệ duy vật.
Thứ ba là do khủng hoảng môi trường đạo đức.  Tình trạng mất cân đối giữa một bên là việc đầu tư “khủng” cho phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng xã hội văn minh vật thể hưởng thụ, và bên kia là quyết định cắt giảm tối đa nỗ lực giáo dục nhân bản, bảo tồn các giá trị luân lý, khiến con người càng ngày càng giảm thiểu và đánh mất cảm thức về thiện ác, về trách nhiệm luân lý, ngộ nhận về quyền tự do của lương tri, nghèo đói và lạc hậu về nhân phẩm và nhân quyền.
Sau cùng, nhưng lại hết sức quan trọng, là do khủng hoảng về môi trường tâm linh và tôn giáo.  Một đàng, những tiến bộ vượt bực trong khoa học, kỹ thuật khiến con người tưởng như mình đã đạt tới đỉnh điểm của mọi khát vọng—vật chất cũng như tinh thần—do đó có khả năng tự làm chủ đời mình, tự quyết định lẽ sống còn của mình, để rồi—như một hệ lụy tất yếu—thái độ ngạo mạn ấy đẩy con người tới chỗ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, khỏi cõi sâu lắng, linh thiêng của lòng mình.  Đàng khác, con người vẫn phải đối diện với một thực tế kép: thứ nhứt, con người rốt cục phải rất đau đớn thú nhận biết bao bất toàn, bất lực trong cố gắng chế ngự chính bản thân mình;[52] thứ hai, bởi vì không thể làm ngơ cơn đói khát tâm linh luôn gào thét trong tâm hồn mình,[53] con người phải liên tục tự đánh lừa minh, bằng cách đúc tạc ra đủ mọi thứ tượng bò vàng[54]—những tôn giáo nhân tạo—như cách chị bảo mẫu nhét vội cái núm vú bằng nhựa vào miệng đứa trẻ để cháu khỏi quấy vì vắng mẹ. 
Tình Trạng Dễ Bị Thương Tổn Của Mạng Sống Con Người
Trong một xã hội bị khủng hoảng sâu rộng như hiện nay, mạng sống của con người, nhứt là trẻ em và người già yếu, bịnh tật, trở thành hết sức mong manh, bị khinh miệt và xâm phạm.
Một xã hội chỉ chú trọng đến thành tựu kinh tế, tìm cách thụ hưởng văn minh vật chất như đích điểm của cuộc sống con người, tất nhiên phải ưu đãi chăm lo cho những ai còn có khả năng lao động, để sản xuất ra thêm nhiều của cải, theo chính sách cho bò ăn no chỉ để kéo cày hoặc để vắt sữa.
Những người khỏe mạnh, giàu có và quyền lực biết dùng đủ mọi cách thức họ sở hữu để vui sống một cuộc đời vương đế, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, trên nhung lụa đắt giá và giữa yến tiệc linh đình, thừa mứa rượu thịt. 
Thành phần còn lại, tuy chiếm đa số trong xã hội, nhưng lại không có tài sản, không có quyền lực, không có tiếng nói, đều bị loại ra khỏi sân chơi cuộc đời.  Những người mất sức lao động, những phụ nữ và trẻ em—nhứt là các thai nhi—phải chịu chung số phận là sống hay chết đều tùy ở lòng hảo tâm—một phẩm chất càng ngày càng teo tóp và vô cùng quý hiếm—của giai cấp đang thống trị thế giới.  Bức tranh tương phản giàu nghèo—giữa người ăn mày La-da-rô và tay trọc phú[55]—chưa bao giờ đậm nét và xác thực đến kinh hoàng, nhức nhối như lúc nầy.  Những mụn bánh—những điều kiện tối thiểu của một cuộc sống xứng phẩm giá con người—được bố thí nhỏ giọt, thường bị từ chối, bị cướp đoạt.
Trong một xã hội đã sụp lún mọi nền tảng nhân bản và tâm linh, thân phận con người—cả giai cấp ăn trên ngồi trốc lẫn kẻ mạt hạng dưới đáy xã hội—đều bi đát và đáng thương như nhau.  Kẻ nầy thì bị tước đoạt quyền được sống như con người, còn kẻ nọ thì tự đánh mất phẩm giá cao quý của con người, khi chọn lấy lối sống theo bản năng, theo thú tính, mạnh được yếu thua, và còn tệ hại hơn hành động của thú dữ ăn thịt đồng loại nữa, khi sống trục lợi trên mồ hôi nước mắt, trên thân xác, và trên bao nỗi bất hạnh của tha nhân.
Để sống sót, người yếu phải thu mình lại, chui rúc vào hang hốc, ẩn náu trong xó kẹt tăm tối của cuộc đời, che giấu đi căn tính con người, quên đi phẩm giá và quyền làm người để sống gần với kiếp cầm thú, sâu bọ.
Cũng do hết sức bận tâm bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp mình, người có thế lực càng ngày càng mài sắc hơn nanh vuốt, tạo nên một cung cách hành xử đặc trưng của loài lang sói mang bộ mặt người.
Tình trạng xã hội con người vốn đã phân hóa trầm trọng lại còn bị kích bẫy thêm do loại triết học định hình con người như một sinh vật hiếu chiến, tự bản chất có máu đấu tranh không khoan nhượng một mất một còn.[56]  Thậm chí, người ta còn vận dụng cả một hệ thống giáo lý nào đó để trường cửu hóa tình trạng phân chia xã hội loài người thành nhiều giai cấp bẩm sinh, do số trời tiền định, không thể và không được phép thay đổi, vì chính Thiên Chúa quyết định cho ai sinh vào giai cấp nào thì phải chấp nhận suốt đời ở trong giai cấp ấy.[57]   Theo quan niệm như vậy thì tùy số kiếp “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.”[58]  Thân phận con người quả là khốn khổ, chẳng có nghĩa lý gì trong vũ trụ nầy, và mạng người, cuộc sống con người trở thành rẻ mạt như bèo, phù du cát bụi gì đâu!    
Mạng Sống Con Người Theo Quan Điểm Ki-tô Giáo
Con người có mặt trong vũ trụ càn khôn nầy không như một điều ngẫu nhiên, tình cờ, nhưng là do chủ ý của Thiên Chúa, Đấng đích thân tác tạo con người theo hình ảnh của mình,[59] để đặt tác phẩm ưng ý nầy vào tâm điểm của công trình sáng tạo,[60] khiến cho tất cả đột nhiên bừng sáng, vô cùng sống động, hết sức đáng yêu, đến nỗi Thiên Chúa cảm thấy hoàn toàn hài lòng, mãn ý mà thốt lên “Rất tốt đẹp!”[61]
Thiên Chúa trọng đãi con người, trao cho con người quyền thống trị trên toàn thể tạo thành.[62]  Có thể nói, vì yêu thương con người mà Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ càn khôn nầy.   Toàn thể tạo thành chỉ có ý nghĩa khi được cắt đặt phục vụ đời sống con người, giúp con người hoàn thành ơn gọi phụng sụ Thiên Chúa trong cuộc sống hôm nay, trên cõi đời nầy, và đạt tới cuộc đoàn tụ vĩnh viễn với Đấng Thiên Phụ Vô Cùng Yêu Mến.  Tiềm tàng trong con người vừa là Hình Ảnh, vừa là Vinh Quang của Thiên Chúa. 
Do vị trí vô cùng quan trọng của con người trong toàn bộ kế sách Thiên Chúa hoặch định, việc bảo vệ mạng sống con người được quy định trong Điều Thứ Năm của Thập Giới.[63]   
Thiên Chúa là Chúa Tình Thương,[64] là Chúa của người sống,[65] là Đấng không tạo ra cái chết,[66] Người muốn cho con người được sống thật sung sức.[67]
Sau khi sáng tạo con người, chẳng những Thiên Chúa ban cho họ được sống, mà Người còn trao cho họ quyền cộng tác với Người trong công cuộc bảo tồn và phát triển đời sống.[68]  Thiên Chúa thực hiện chương trình ban ơn mạng sống cho nhân loại khi sáng tạo con người có nam có nữ,[69] tác hợp họ thành vợ chồng, để xây nên gia đình đầu tiên trên địa cầu.[70]
Gia Đình Là Đền Thờ Bảo Vệ Đời Sống Con Người
Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh tuyên bố:
Tự bản chất thì tình yêu vợ chồng luôn sẵn sàng đón nhận đời sống.  Vốn là một sinh vật được kêu gọi phải lên tiếng công bố lòng nhân hậu và đặc tính phong phú của Thiên Chúa, nên phẩm giá của con người xuất hiện trọn vẹn trong nhiệm vụ truyền sinh.  Tuy về phương diện sinh học, vai trò làm cha mẹ của con người cũng giống như vai trò của các loài vật khác trong thiên nhiên, nhưng vai trò làm cha mẹ của con người có đặc tính rất quan trọng và độc nhứt vô nhị vì khả năng cưu mang hình ảnh của Thiên Chúa.  Hình ảnh nầy là nền tảng để gia đình được xây dựng thành một cộng đoàn của đời sống con người, một cộng đoàn của các nhân vị, hiệp nhứt với nhau trong tình yêu.
Việc truyền sinh mô tả rõ ràng vị thế chủ động của gia đình trong xã hội và thúc đẩy tính năng động của tình yêu, của tinh thần liên đới giữa các thế hệ, các thế hệ nầy trở thành nền tảng để xây dựng xã hội.  Chúng ta cần nhận ra nơi mỗi nhân vị vừa mới chào đời một phần đóng góp rất ý nghĩa cho công ích của xã hội.  Mỗi một đứa trẻ “trở thành một quà tặng cho các anh chị, cho cha mẹ, và cho cả gia đình em.  Cuộc sống của em trở thành tặng phẩm cho chính bậc sinh thành là những người đã trao ban cho em cuộc sống, khiến họ không thể không cảm nhận được em đang hiện diện, đang chia vui sẻ buồn trong cuộc đời của họ, và đang góp phần vào công ích của họ và của cộng đoàn gia đình.[71] 
Qua thông điệp nói trên, Hội Thánh nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của gia đình nơi cha mẹ đón nhận cuộc sống của một con người, nâng niu chăm sóc với lòng yêu thương, kính trọng và tri ân, coi đó như một quà tặng của Thiên Chúa ban cho cả gia đình.
Thiết nghĩ, cần chú ý đến 5 điểm căn bản sau đây:
a)     Tình Yêu Vợ Chồng Tự Bản Chất Luôn Đón Nhận Ơn Đời Sống Con Người
Gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân.  Hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa là cuộc sống chung của một người nam và một người nữ, hiệp nhứt trong tình yêu không chia sẻ và bất khả phân ly.[72]  Tình yêu đó nhứt thiết phải nở hoa kết trái, như lời chúc phước của Đấng Tạo Hóa trên đôi vợ chồng, ban cho họ vinh dự được cộng tác vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.[73]  Quyền năng nầy là của một mình Thiên Chúa, và chỉ được Thiên Chúa ủy thác cho một mình người cha và người mẹ: đó là quyền được sinh sản ra Hình Ảnh Của Thiên Chúa.
Trừ phi vì lý do bịnh tật hoặc tai nạn gây ra tình trạng vô sinh, mọi hình thức từ chối nhiệm vụ truyền sinh trong đời sống hôn nhân là trái quy luật thiên nhiên và phụ bạc lòng tốt của Thiên Chúa.
b)     Vai Trò Làm Cha Mẹ Của Con Người Cao Quý Vì Diễn Đạt Sống Động Hình Ảnh Thiên Của Thiên Chúa
Bản năng sinh tồn và truyền sinh nơi con người cùng chia sẻ nhiều điểm chung với các loài vật khác.  Nhưng chỉ có con người mới ý thức được rằng sinh vật bé bỏng người mẹ cưu mang, sinh hạ và chăm sóc, dưỡng nuôi cũng là một con người giống như mình, cùng có trọn vẹn phẩm giá của một con người như mình, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa như mình.  Cung cách cha mẹ chăm lo nuôi nấng, dưỡng dục đứa con là hành vi nhân linh cao đẹp vượt quá quy luật tự nhiên của bản năng, vì được thúc đẩy bởi tình phụ tử và mẫu tử—nguồn cảm hứng dạt dào vô tận cho bao tác phẩm nghệ thuật—là bản sao sắc nét của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh của Người, và luôn chăm lo cho con người, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, cẩn trọng hết mức “tựa con ngươi mắt Chúa.”[74]  
c)      Gia Đình Là Cộng Đoàn Của Các Nhân Vị Hiệp Nhứt Trong Tình Yêu
Nhìn thấy một bầy đàn thú vật, chúng ta thường dùng chính khái niệm gia đình của con người—cha mẹ, con cái—để minh họa những thái cử của loài vật.[75]  Song thực ra, chỉ có con người mới có đời sống gia đình.  Ngôi nhà nơi gia đình sinh sống không đơn giản là một mái che mưa nắng, nhưng trên hết đó là một mái ấm, một điểm quy tụ những con người cùng chia sẻ một huyết thống, một tình yêu, một sinh mạng, một số phận, một hoài niệm, một ước mơ.  Mỗi một con người, với phẩm giá của một nhân vị, sinh ra, lớn lên, và sẽ chết đi, với biết bao mối tương quan thắm thiết và sâu đậm ấy ràng cột đời mình khôn ngơi, khôn nguôi, không sao dứt bỏ, với mọi thành viên trong gia đình.  
d)     Nhiệm Vụ Truyền Sinh Khẳng Định Vị Trí Chủ Động Của Gia Đình Trong Việc Xây Dựng Xã Hội
Thật không sao có thể tách rời ý tưởng xây dựng xã hội ra khỏi thực tế hiện hữu của gia đình.  Không có gia đình, xã hội có thể là nơi chen chúc những sản phẩm của các xưởng chế tạo người máy, hoặc của các phòng thí nghiệm nhân bản vô tính.  Đạo quân rô-bốt khổng lồ ấy có thể làm được tất cả mọi việc, nhanh hơn, mạnh hơn, khéo hơn, hiệu năng hơn rất nhiều lần so với con người bằng xương bằng thịt, chỉ trừ một điều là chúng không bao giờ có thể xây dựng được một xã hội nhân văn của con người.  Điều nầy cũng hàm chứa nguy cơ là chúng cũng sẵn sàng chém. giết, hủy diệt trăm ngàn lần tàn nhẫn hơn, máu lạnh hơn. 
Do đó, gia đình có một sứ mạng cao cả, bất khả thay thế, trong việc lưu truyền dòng giống con người.  Chính những con người xuất thân từ gia đình—môi trường tự nhiên đào tạo nên nhân vị và nhân phẩm chuẩn mực—là chủ thể xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội loài người.  Vì thế, thật không sai lầm khi cho rằng gia đình luôn đóng vai trò chủ động và quyết định trong tiến trình hình thành một xã hội nhân văn, văn hóa và văn minh của con người, do con người, và vì con người.     
e)     Một Đứa Trẻ Phải Được Đón Nhận Như Quà Tặng Của Thiên Chúa Cho Cha Mẹ Và Mọi Thành Viên Trong Gia Đình  
Ngoại trừ trường hợp gia đình lâm cảnh hiếm muộn, nơi mọi người đều tha thiết cầu khấn và mong chờ đứa trẻ ra đời để đem lại niềm vui, sức sống và hy vọng cho tương lai dòng tộc, thì việc xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình không mấy khi được nhìn nhận đúng ý nghĩa.  Không ít trường hợp đứa trẻ bị đối xử như một kẻ không mời mà đến, nếu không bị xua đuổi, loại bỏ, thì cũng trở thành một gánh nặng cực chẳng đã cha mẹ phải mang vác, một miệng ăn mọi người phải giảm bớt khẩu phần để cứu đói.  Tóm lại, đứa trẻ hầu như luôn luôn là đối tượng của lòng bác ái từ thiện từ các thành viên trong gia đình.
Giáo Huấn Xã Hội khẳng định một quan điểm đúng đắn, dựa trên truyền thống Thánh Kinh Ki-tô Giáo, theo đó, Ơn Đời Sống—tiêu biểu nơi một đứa trẻ vừa chào đời—luôn luôn là một quà tặng vô giá, song hết sức hào phóng và hoàn toàn biếu không, do Thiên Chúa ban cho cha mẹ và mọi người trong gia tộc.  Đã là quà tặng, mà là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương bằng hành động không ngừng ban phát sức sống cho muôn vật muôn loài, thì con người chỉ có một cách đáp ứng hợp tình hợp lý là cung kính lãnh nhận với lòng tri ân chân thành và thẳm sâu, để—với một sinh mạng con người trong vòng tay cha mẹ, tuy còn bé bỏng, mong manh, nhưng chất chứa bao tiềm năng vĩ đại khôn dò—mãi mãi nghiền ngẫm, cảm kích và chúc tụng Đấng là Tác Giả của Quà Tặng Đời Sống.     
Gia Đình: Ngôi Đền Thờ Bảo Vệ Ơn Đời Sống Con Người
Khi Ông Mô-sê, vị đại ngôn sứ và thủ lãnh cuộc Xuất Hành lịch sử, bước đến xem bụi gai rực lửa, thì lịnh truyền của Thiên Chúa lập tức vang lên như sấm rền: “Chớ lại gần!  Cởi dép ở chân ra. vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”[76]
Tất cả mọi người, mọi tổ chức, mọi định chế, mọi quyền lực kinh tế, chính trị phàm tục, đều phải biết giới hạn của mình trước những thực tại linh thánh chỉ dành riêng cho một mình thẩm quyền của Thiên Chúa.  Trong những vùng đất thánh đó, mái ấm gia đình, ngôi đền thờ bảo vệ ơn đời sống của con người, phải được tôn trọng như một nơi bất khả xâm phạm, nơi con người phải dừng chân, cởi dép, quỳ gối, cúi đầu.
Cứ xem khi Thiên Chúa muốn trở thành một con người thật sự, Người đã chọn được sinh ra, được nuôi dưỡng, được giáo dục làm người trong môi trường gia đình của con người, như bất kỳ một con người phàm tục nào trong những kẻ phàm phu tục tử chúng ta,[77] thì đủ thấy giá trị thánh thiêng của gia đình là một điều hiển nhiên biết chừng nào!



ĐỊNH CHẾ HÔN NHÂN-GIA ĐÌNH TRONG NHIỆM CỤC 

SÁNG TẠO VÀ CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Dẫn Nhập
Thưa Anh Chị Em,
Để có thể lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa cao cả và giá trị vô cùng quan trọng của định chế hôn nhân-gia đình  đối với lẽ tồn vong của loài người, cần phải học hỏi vấn đề nầy trong ánh sáng của niềm tin Ki-tô Giáo nơi chương trình kỳ diệu Thiên Chúa đã và còn đang tiếp tực thực hiện vì Tình Thương đặc biệt dành cho con người.
Chương trình kỳ diệu đó—nhiệm cục—được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nơi 2 giai đoạn: sáng tạo và cứu độ.  
A.    ĐỊNH CHẾ HÔN NHÂN-GIA ĐÌNH TRONG NHIỆM CỤC SÁNG TẠO
a)     Sáng Kiến của Thiên Chúa
Sách Sáng Thế cho biết công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa chỉ hoàn tất khi Người làm nên con người, là người nam  và người nữ, giống hình ảnh Thiên Chúa, và ban cho họ thẩm quyền truyền sinh để bảo tồn tình trạng hiện hữu của hình ảnh thần linh tôn quý đó trong vũ trụ nầy.[78]
b)    Định Chế do Thiên Chúa thiết lập
Thiên Chúa đích thân tác hợp đôi nam nữ đầu tiên thành vợ chồng, ban cho họ quy chế hôn nhân bền vững, hiệp nhứt hai con người trong một tình yêu thủy chung và mạnh mẽ hơn cả tình yêu cha mẹ.[79]   Định Chế Hôn Nhân xứng đáng đón nhận Sứ Mạng lưu truyền Một Nhân Vị—Ngôi Vị Con Người—mang Phẩm Giá Tôn Quý là Hình Ảnh của Thiên Chúa Tình Thương.
c)     Ngay từ tạo thiên lập địa, Thiên Chúa thiết định chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
d)    Gia Đình Xây Dựng trên nền tảng Định Chế Hôn Nhân trở thành Cộng Đoàn Nhân Vị, là mô hình xã hội tự nhiên do Thiên Chúa thành lập.[80]
e)     Bi Kịch Tội Lỗi.[81]
f)      Tuy có gây thảm họa cho gia đình nhân loại, làm xuống cấp giá trị Hôn Nhân-Gia Đình,[82] nhưng tội lỗi không thể phá hủy Định Chế Hôn Nhân-Gia Đình.[83]
B.    ĐỊNH CHẾ HÔN NHÂN-GIA ĐÌNH TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ
Công cuộc cứu nhân độ thế của Chúa Ki-tô không chỉ nhắm đến việc giải thoát từng cá nhân con người, nhưng còn để cứu vớt toàn thể gia đình nhân loại. 
a)     Ghúa Ki-tô xuống trần gian đón nhận ơn gọi làm người trong khung cảnh Định Chế Hôn Nhân-Gia Đình.[84]
b)    Chúa Ki-tô cứu chữa và nâng cấp Định Chế Hôn Nhân-Gia Đình thành Bí Tích diễn tả tình yêu vĩ đại giữa Chúa và Hội Thánh.[85]
c)     Định Chế Hôn nhân-Gia Đình Ki-tô Giáo có giá trị như Một Ơn Gọi, qua đó, con người bước vào Hiệp Thông với Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kết Luận
Chưa bao giờ trong lịch sử văn minh của loài người—kể cả lịch sử của Ki-tô Giáo—các giá trị truyền thống của gia đình như hôn nhân (việc tác hợp giữa một người nam và một người nữ), tình yêu thủy chung giữa vợ chồng (tính bất khả phân ly), và lòng quảng đại đối với việc truyền sinh, đang bị công phá, bào mòn và hủy hoại bởi “thù trong giặc ngoài.”  “Thù trong” có ý nói tình trạng thiếu sót và đánh mất ý thức trách nhiệm về ơn gọi hôn nhân—gia đình của các đôi vợ chồng.  “Giặc ngoài” rõ ràng muốn vạch mặt chỉ tên các khuynh hướng tục hóa, vị kỷ, thụ hưởng đang điên cuồng càn quét các định chế xã hội truyền thống.
Xác định thực tại hôn nhân-gia đình là thành phần bất khả chuẩn chước trong trọn gói ơn gọi làm người do Thiên Chúa ban cho nhân loại , chắc chắn giúp cho Ki-tô Hữu chúng ta nỗ lực bảo vệ và phát triển ơn gọi cao quý nầy thành công mỹ mãn.     







[1] Từ ngữ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Gia đình là giấc mơ của Thiên Chúa.”  Xin xem “Bài Giảng Khai Mạc Công Nghị Giám Mục Ngoại Thường 2014 Về Gia Đình”, trang 3.
[2] Xc Is 5:2.4
[3] Xc Is 5:7.
[4] Xc Êd 34.
[5] Xc Mt 23:4.
[6] Xc Pl 4:7.
[7] Xc Mt 21:43.
[8] Xc Mt  22:21.
[9] Từ La Tinh “alibi” dùng trong luật pháp có nghĩa là bằng chứng nghi can vắng mât trong khi xảy ra tội phạm.
[10] “Synodality” và “collegiality” là 2 đặc tính của toàn thể các giám mục của Hội Thánh, hiệp thông với đức thánh cha, giám mục Rô-ma.
[11] 1 Tx 1:2.
[12] Xc 1 Cr 3:6.
[13] Tông Thư “ Apostolica Sollicitudo” (Mối Quan Tâm Của Tông Tòa).
[14] P. Macchi, “Đức Phao-lô VI Qua Chính Lời Phát Biểu Của Người”, Brescia, 2001, trang 120-121.
[15] Bài giảng trong Nghi Thức Đăng Quang, 1963.
[16] Xc Giáo Luật số 342.
[17] Xc “Quy Chế Công Nghị Giám Mục”, số 4.
[18] Thành quả của Công Nghị Công Nghị nầy là Tông Huấn “Hội Thánh Tại Á Châu”, do Thánh Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 6 tháng 11, năm 1999.
[19] Xc Giáo Luật, số 346, khoản 2; “Quy Chế Công Nghị Giám Mục”, số 4.
[20] Công Đồng Vatican II khai mạc năm 1962 với quyết tâm canh tân Hội Thánh và đối thọai với thế giới.
[21] Xc Mt 28:19.
[22] Từ đây sẽ được viết tắt là GHXH.
[23] Số 212.
[24] Xc St 2:7.
[25] Xc 1 Ga 4:16.
[26] Xc St 1:27.
[27] Xc St 1:3-25; Tv 104:1-35.
[28] St 1:26.
[29] St 1:31.
[30] Tv 8:4-10.
[31] Xc St 1:27.
[32] Xc St 2:23.
[33] Xc St 1:28
[34]“Vui Mừng Và Hy Vọng”, số 22.
[35] GHXH, s 210.
[36] Xc Ga 6:20.
[37] Mt 4:4.
[38] Xc Ga 13:34; Mt 22:37-39.
[39] Xc Gc 2:14-17.
[40] Xc Rm 8:29.
[41] Pl 3:10.
[42] Xc Ga 15:13; Gl 2:20.
[43] Xc 1 Ga 4:16; Cl 1:15.
[44] Xc Cv 2:44-45.
[45] Xc St 1:3-25; Tv 104:1-35
[46]Xc Is 2:2-4.
[47] Xc 1 Cr 12:12-30.
[48] Xc “Vui Mừng Và Hy Vọng”, số 30.
[49] Số 221.
[50] Chủ nghĩa cộng sản chủ trương “tam vô”: vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo.
[51] “Thư Gởi Các Gia Đình”, ban hành nhân Năm Gia Đình 1994, số 2.
[52] Xin coi Rm 7:14-24.
[53] Thánh Au-gu-ti-nô tin rằng: Thiên Chúa đã sáng tạo con người dành riêng cho Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn mọi khát vọng của con người.
[54] Từ câu truyện trong Sách Xuất Hành 32:1-6, “con bò vàng” là biểu tượng của việc thờ các thần thánh giả trá do con người tạo ra.
[55] Xin coi Lc 16:19-21.
[56] “Đấu tranh giai cấp” là một con chủ bài của thuyết Mác-xít để xây dựng xã hội cộng sản bằng cách mạng bạo lực.
[57] Ấn Giáo dạy rằng Thượng Đế quy định xã hội có 4 hạng người: 1) Brahmins: giới tư tế, học giả, chuyên nghiên cứu và giảng sách thánh; 2) Kshatriyas: giới chiến binh, cầm quyền cai dân trị nước; 3) Vaishyas: giới thương gia, thợ chuyên môn; 4) Shudras: nông dân, công nhân không có tay nghề.  Sau nầy, Ông Mahatma Gandhi thêm vào 5) Pariah: giới cùng đinh mạt dân.
[58] Cụ Nguyễn Du, “Truyện Kiều.”
[59] Xin coi St 1:27; 2:7.
[60] Xin coi St 2:8.
[61] Xin coi St 1:31.
[62] Xin coi St 1:28; 2:15.19; Tv 8:4-7.
[63] Xin coi Xh 20:13.
[64] Xin coi 1 Ga 4:16.
[65] Xin coi Mt 22:32.
[66] Xin coi Kn 1:13.
[67] Xin coi Ga 10:10.
[68] Xin coi St 1:28.
[69] Xin coi St 1:27.
[70] Xin coi St 2:18.21-24.
[71] Số 230.
[72] Xin coi các chú thích cuối trang số 16, 17, và Mt 19:4-6.
[73] Xin coi chú thích cuối trang số 15.
[74] Xin coi Đnl 32:10; Mt 6:25-34; 10:29-31.
[75] Một thí dụ điển hình là câu truyện dẫn tới thành ngữ “đoạn trường—đứt ruột.”  Người thợ săn tình cờ gặp thấy vượn mẹ đang cho con bú.  Ông giương cung bắn trúng con mẹ.  Biết mình sắp chết, vượn mẹ trao con cho vượn bố ẵm đi trốn rồi buông tay rớt xuống đất.  Khi người ta xẻ thịt con vượn mẹ thì thấy ruột nó đứt thành 9 khúc vì nỗi đau phải chia lìa “chồng con”.   
[76] Xh 3:5.
[77] Xc Dt 4:15.
[78] Xin coi St 1:27-28.
[79] Xin coi St 2:20-25.
[80] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội, các số 209, 210.
[81] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội, các số 209, 210.
[82] Xin coi Vui Mừng Và Hy Vọng, số 47.
[83] Xin coi St 3: 8-23; 9:1.7.18-19. 
[84] Xin coi Mt 1:18-25; 19:1-9; Giáo Huấn Xã Hội, số 210.
[85] Xin coi Vui Mừng Và Hy Vọng, các số 48-52; Giáo huấn Xã Hội, các số 215-220.