Tìm Kiếm

10 tháng 4, 2015

Những thực phẩm không 'chịu lạnh'

Thông thường thực phẩm bảo quản lạnh sẽ tươi ngon và lâu hư hỏng, nhưng có nhiều loại khi cất tủ lạnh lại giảm chất lượng, hoặc bị hỏng.

Thực phẩm kỵ ngăn mát tủ lạnh
Chuối: Trời càng nóng, chuối càng mau chín, nhưng khi để chuối trong tủ lạnh, vỏ nhanh chóng ngả màu nâu hoặc đen, bên trong mềm nhũn, ăn không ngon. Ngoài ra, chuối còn thúc đẩy các loại trái cây khác trong tủ nhanh chín hơn. Tốt nhất để chuối bên ngoài, trong rổ thưa và đặt nơi thoáng gió.

Trái bơ: Bơ chưa chín thì nên để bên ngoài cho chín hẳn, vì để ở tủ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín và bị sượng. Nếu ăn phân nửa quả và cất nửa quả còn lại vào tủ lạnh thì nhớ giữ nguyên cả hạt.
Khoai tây: Nhiệt độ quá nóng hoặc quá thấp phá vỡ cấu trúc tinh bột của khoai và chuyển sang dạng đường, vì vậy khoai bị cứng và hương vị sẽ thay đổi. Tốt nhất gọt vỏ khoai tây, sau đó để trong hộp đựng thức ăn, cho vào ngăn mát và sử dụng trong vòng một-hai ngày.
Mật ong: Nhiệt độ lạnh làm đường trong mật ong bị kết tinh, khó sử dụng sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh, nên để mật ong bên ngoài tốt hơn.
Mứt trái cây: Độ ẩm trong tủ lạnh làm mứt dễ bị hỏng khoảng một-hai tháng sau khi mở nắp.
Bánh mì: Là loại thực phẩm không thích hợp bảo quản trong tủ lạnh do kết cấu tinh bột của bánh mì biến đổi, làm bánh mì bị khô, hương vị cũng kém đi.
Cà phê: Cà phê có khả năng hút mùi nên nếu để trong tủ lạnh, mùi cà phê sẽ bị biến đổi, thậm chí trở nên hôi do bám mùi các thực phẩm khác. Cà phê cũng hút ẩm nên hương vị cà phê sẽ nhạt nhẽo nếu để lâu trong tủ lạnh.
Dầu ăn: Dầu để lâu trong tủ lạnh trở nên cứng và đục, khó sử dụng và cũng dễ biến mùi. 
Thực phẩm kỵ ngăn đông, tủ đông
Phô mai: Nếu để phô mai cứng vào ngăn đông, phô mai sẽ bị bở và rời như bột. Nếu để phô mai mềm trong ngăn đông, độ ẩm sẽ làm cứng kết cấu mềm mịn của phô mai.
Sữa tươi: Sữa sẽ đóng cục lợn cợn mặc dù đã rã đông, không thích hợp để uống trực tiếp. Muốn dùng sữa tươi đông lạnh để nấu ăn, phải rã đông hoàn toàn bằng cách đặt trong ngăn mát trước khi sử dụng.
Sữa chua: Kết cấu sữa chua rời rạc nếu đem đông lạnh, mất đi độ mềm dẻo và hương vị giảm nhiều.
Thức ăn chiên: Phần bột phủ bên ngoài giòn rụm sẽ biến mất khi để vào ngăn đông vì nó trở nên mềm nhũn và ẩm ướt. Cho dù có thể chiên lại các thực phẩm này, nhưng dầu mỡ sẽ ngấm nhiều hơn.
Trứng: Chất lỏng sẽ dãn nở khi đông cứng. Trứng cũng vậy, khi đông lạnh, chất lỏng bên trong quả trứng sẽ cứng lại, dãn nở và làm vỡ vỏ trứng, thậm chí gây mùi hôi thối ở ngăn đông.
Trái cây và rau xanh: Trái cây và rau xanh chứa nhiều nước, nên khi trời nóng sẽ bị khô héo, nhưng để trong ngăn đông thì sẽ trở nên giập úa, chỉ có thể… cho vào sọt rác.
(st)