Gn 1, 1-22; Gn 22, 1-8; Ex 14,15–15,1a; Is 54,5-14; Is 55,1-11;
Br 3, 9-15; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11; Mc 16,1-7
Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?" Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông". Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
Kính thưa quý vị!
Độc giả của Tin Mừng Máccô hẳn sẽ nhận ra danh tính của những người phụ nữ trong trình thuật Phục Sinh. Đó là “bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và Salômê”. Trước đây, thánh Máccô đã cho biết các bà đứng xa xa dõi theo cái chết của Đức Giêsu (15, 40), và đã chứng kiến nơi đặt thi hài của Người (15, 47).
Trong cuộc khổ hình của Đức Giêsu, Thánh Máccô nói rằng từ trưa mãi đến ba giờ chiều, khi Người chịu chết, “bóng tối bao trùm khắp mặt đất” (15, 33). Các phụ nữ đi ra mộ lúc trời vừa tảng sáng. Chúng ta biết rằng các tác giả Tin Mừng không lưu tâm nhiều đến ngày giờ chính xác. Thời gian trong ngày, “khi mặt trời hé mọc”, hàm ý rằng những người phụ nữ này sắp được trải nghiệm một điều gì mới, điều mà chắc hẳn các bà chưa bao giờ nghĩ tưởng đến. Đó là thời khắc bắt đầu một ngày mới. Nếu như trước đây, bóng tối bao trùm nhân loại, thì giờ đây bóng tối ấy đã bị xuyên thủng bởi một thứ ánh sáng mà chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa. Cũng hãy nhớ rằng trong đêm tối, Đức Giêsu đã kêu lên trong cơn hấp hối khi Người hỏi Chúa Cha tại sao lại bỏ rơi Người. Ánh sáng cho thấy rằng Thiên Chúa đã bước vào câu chuyện đó và Người đã vượt qua bóng tối.
Các phụ nữ có lẽ đã khởi hành lúc trời còn tối. Chúng ta không phải là những người xa lạ đối với cuộc hành trình của các bà, bởi vì ai trong chúng ta không từng bước đi trong đêm tối? Không lần này thì lần khác, ai mà không cảm thấy buồn chán, đau khổ vì mất mát và sự tăm tối về những vấn nạn nan giải. Nhưng bóng tối vẫn không phải là tiếng nói cuối cùng; Thiên Chúa sẽ ngự đến trong ánh sáng, và Người sẽ đem lại cho chúng ta một sự khởi đầu mới.
Trên đường, các phụ nữ tự hỏi ai đã đẩy tảng đá nặng đó ra khỏi mộ. Đây là một biểu tượng khác về hoàn cảnh khó khăn mà mọi nỗ lực con người không thể giải quyết được. Họ không thể đẩy tảng đá ra, nhưng Thiên Chúa thì làm được mọi sự. Hãy chú ý rằng những phụ nữ “nhìn lên” và thấy tảng đá đã được đẩy ra khỏi mộ. Thánh Máccô ngụ ý rằng đây không thuần là một hành động thể lý là ngước mắt lên. Họ sắp được “mục kích” một mặc khải về hành động của Thiên Chúa. Thật vậy, khi nhìn lên, họ thấy một sự việc đã xảy ra. Thiên Chúa đã hành động và các bà sắp được nghe tường thuật về hoạt động kỳ diệu của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng vậy. Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Và hôm nay, trong giờ canh thức, một lần nữa qua “người thanh niên” chúng ta lại được nghe lời loan báo – lời công bố Phục Sinh về những gì Thiên Chúa và chỉ có Người mới có thể thực hiện được.
Các phụ nữ không thấy Đức Giêsu, chỉ thấy một thanh niên, “mặc áo trắng”. Ở đây trình thuật Tin Mừng không đề cập đến y phục của thi hài Giêsu đã được gấp lại. Y phục này vốn chỉ dành cho người chết. Người thanh niên mặc y phục trắng biểu thị cho một cuộc sống mới. Đối với chúng ta, phải chăng có một sự nối kết với chiếc áo trắng mà chúng ta mặc trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy?
Người thanh niên nói với chúng ta những gì Thiên Chúa đã thực hiện.Vị ấy nói với các phụ nữ: “"Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.” Đức Giêsu Nadarét, Đấng chịu đóng đinh,” là một lời tóm kết về tất cả những gì mà những quyền lực sự dữ đã gây ra cho Người. Nhưng quyền năng biến đổi của Thiên Chúa đã làm đảo ngược sự thất bại hiển nhiên của Đức Giêsu. Đây cũng là điều mà Thiên Chúa có thể làm cho các môn đệ của Đức Giêsu. Hai phụ nữ này đã theo dõi việc chôn cất và nhìn thấy nơi đặt thi hài của Người (15, 47). Bây giờ, người thanh niên trong y phục trắng bảo các bà nhìn lại. “Chỗ đã đặt Người đây này”. Các phụ nữ đã trải nghiệm cái chết và việc an táng Đức Giêsu, giờ đây Thiên Chúa đã hành động: “Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.” Thiên Chúa nhận lấy trải nghiệm về sự chết của chúng ta và sẽ biến đổi nó.
Trên thập giá, Đức Giêsu nài xin: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Bây giờ câu hỏi của Đức Giêsu đã được đáp trả. Thiên Chúa không bỏ rơi Người. Qua những gian nan thử thách, Đức Giêsu đã phải đối diện với sứ vụ; Người chịu bắt bớ, bị những người thân tín nhất bỏ rơi, chịu cực hình và bị đóng đinh trên thập giá. Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn luôn vâng phục và trung tín với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không bỏ rơi Người trong cơn hấp hối; và bây giờ chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã hành động nhân danh Người: “Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.
Những người tôi gặp trong các giáo xứ và trong những kỳ tĩnh tâm có thể dễ dàng cho thấy những “điểm chết” mà họ trải nghiệm trong đời sống đạo: những nhà thờ trước đây đầy người, giờ đây hiếm khi được một nửa; một thế hệ những người trưởng thành không còn thực hành đức tin, các thanh thiếu niên mới lớn có các hoạt động khác làm họ phân tâm (bóng đá vào cả ngày thứ Bảy và Chúa Nhật), bê bối trong Giáo Hội làm cho những thành viên tích cực trước đây dần dần xa lánh, các nhà trường của Giáo Hội bị đóng cửa.v.v…Giáo Hội, nơi chúng ta tìm kiếm sự sống, có thể dường như đã chết một nửa và đang trên đường tiến tới mồ chôn! Chúng ta là một cộng đoàn tín hữu cần Thiên Chúa tác động và thực hiện một điều nào đó! Lạy Chúa, xin hãy đẩy tảng đá nặng này đi và hãy hành động giữa chúng con nhân danh Đức Kitô Phục Sinh!
Chuyện gì đã xảy đến cho những người đàn ông trong câu chuyện đó? Những tông đồ đã được Đức Giêsu kêu gọi lúc khởi đầu sứ vụ của Người, giờ đang ở đâu? Phải chăng họ đã không lắng nghe thấy lời Người trên đường lên Giêrusalem? Tại sao họ không nhận ra ngay ba lần Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Thánh Máccô nói với chúng ta họ biến mất khỏi câu chuyện. Ggười thanh niên trần truồng chạy trong vườn khi Đức Giêsu bị bắt (14, 50-52) có lẽ hình ảnh ám chỉ các ông.
Giờ đây, một cộng đoàn mới sắp được hình thành. Suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã hứa Tin Mừng sẽ được loan truyền đến tận cùng trái đất (30, 10). Nhưng các tông đồ và những môn đệ đã không hiện diện quanh ngôi mộ trống để lắng nghe người thanh niên công bố Tin Mừng lần đầu tiên. Vì vậy, người thanh niên đã ủy thác cho những phụ nữ ra đi công bố sứ điệp Tin Mừng cho các tông đồ đang buồn chán. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã hứa Người sẽ giữ gìn họ. “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em”. Giờ đây người thanh niên nói với các phụ nữ: “Người sẽ đến Galilê trước trước các bà….” Một kỷ nguyên mới được hứa ban đã bắt đầu. Thánh Máccô nói với chúng ta Đức Giêsu đã dẫn các môn đệ lên Giêrusalem, nơi của những kết thúc (10, 32). Bây giờ các môn đệ sắp đi Galilê. Nơi đây, họ sẽ được gặp Chúa Phục Sinh, được tha thứ và được phục hồi cương vị làm tông đồ.
Từ đó, nếu nhìn lại cuộc sống của chúng ta với Đức Kitô, cũng như những môn đệ xưa kia, chúng ta chắc chắn sẽ khám phá ra những giây phút thất bại để can đảm vác lấy thánh giá của Người mà phục vụ tha nhân. Chúng ta phải thừa nhận rằng ơn gọi tông đồ không luôn rực rỡ như một ngôi sao. Sau này, khi các tông đồ đông bàn với Chúa Phục Sinh, Người khiển trách các ông đã không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy(16, 14). Nhưng lời khiển trách cũng dừng ở đây. Sau đó Người sai các ông đi đến khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng.
Cũng vậy đối với chúng ta, khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta nhìn nhận tội lỗi và và thiếu xót của mình như các tông đồ xưa. Sau đó, chúng ta nghe Tin Mừng sai các phụ nữ cũng như chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng cho tha nhân. Các phụ nữ đã thấy mộ trống. Đức Kitô hiện diện với chúng ta và cả thế giới theo một cách thức mới. Các tông đồ được nói cho biết là hãy đến Galilê, nơi Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người. Những còn hơn thế nữa. Những người Galilê là những người bị gạt sang bên lề, bị những người mang “dòng máu tôn giáo tinh tuyền” ở Giêrusalem xem như là những kẻ ngoại lai. Các tông đồ sẽ tiếp tục những gì Đức Giêsu đã làm trong sứ vụ của Người, vươn đến với những ai bên lề xã hội.
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta; Chúng ta được chịu phép rửa trong cái chết của Đức Kitô: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người” ….” cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”. Tin Mừng Máccô kết thúc với hình ảnh các tông đồ được sai trở lại Galilê để bắt đầu với một khởi đầu mới- “một đời sống mới”. Chúng ta có thể trở nên những chứng nhân phục sinh bằng cách đón nhận sự sống mới mà Chúa Kitô đem đến cho chúng ta, loại bỏ đi những tội lỗi và tích kỷ trước đây, đồng thời giúp đỡ tha nhân trải nghiệm sự tự do mà đức tin vào sự phục sinh đem đến.
Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ