Tìm Kiếm

3 tháng 11, 2017

Hải sản giả là gì?

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

Một cửa hàng hải sản khô ở chợ Đầm, Nha Trang.
Một cửa hàng hải sản khô ở chợ Đầm, Nha Trang. RFA photo

Hải sản đúc từ nhựa mềm giống hệt hải sản thật và len lỏi vào Việt Nam, sau đó tấn công vào các khu chợ hải sản đặc biệt của Việt Nam để chính người bán một thời gian dài không phát hiện. Và người mua phải tiền mất tật mang cho đến khi nó được phát hiện thì mọi chuyện đã quá muộn. Từ cá ngựa cho đến hải sâm, rắn biển, bào ngư, đồi mồi… 

Tất cả đều bị Trung Quốc nhái hàng, đẩy vào các khu chợ chuyên về hải sản như chợ Cồn, Đà Nẵng, chợ Đầm, Nha Trang. Đặc biệt, tại chợ Đầm, Nha Trang, chuyện này đang làm đau đầu nhiều nhà buôn.

Tràn lan hàng nhái, hàng giả


Một người buôn bán tại chợ Đầm, Nha Trang, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Tất cả mọi loại hàng ở Nha Trang đều có. Nếu mua đồ khô thì có lẫn hàng giả. Khi mình đốt mà nó chảy nhủ mủ xuống là đồ nhựa giả. Còn nếu đốt mà nó cong lên không nhủ mủ thì là hàng thật.

Theo người này, các loại hải sản dùng để ngâm rượu như cá ngựa, sâm biển, bào ngư đang bị làm giả một cách khủng khiếp. Trong đó một loại sản phẩm cao cấp, cũng có thể gọi là hải sản vì nó bắt nguồn từ các hải đảo như yến sào cũng đang bị làm giả và bán đầy rẫy trên thị trường Việt Nam.

Người này nói rằng trong suốt hai mươi lăm năm buôn bán hải sản khắp các miền đất nước, kinh nghiệm đầy mình nhưng ông vẫn không tài nào nhận biết được đâu là hải sản giả, đâu là hải sản thật một khi đã ngâm nó trong rượu.

Chuyện này cũng giống y hệt gạo giả, trứng gà giả và yến sào giả. Những thứ này cũng làm giống y hệt như mặt hàng thật từ mẫu mã cho đến mùi vị, sắc màu, độ cứng mềm, độ dẻo… Có thể nói rằng khó mà phân biệt giả thật.

Người này lấy ví dụ từ một tổ yến sào. Ông nói rằng ngay cả tổ yến thật cũng qua xử lý nhiều lần bằng chất tẩy để làm sạch, nó không còn nguyên vẹn là chiếc tổ yến lúc lấy trên vách đá xuống. Không những thế, người ta còn nhuộm màu thành huyết yến, hoàng yến, tẩy trắng thành bạch yến. Sản phẩm mang đầy màu sắc công nghiệp.

Chính vì mang đậm màu sắc công nghiệp nên người ta dễ dàng làm giả, làm nhái theo qui trình công nghiệp.

Và hiện tại, trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm bạch yến, hoàng yến, huyết yến giả có nguồn gốc Trung Quốc bày bán đầy rẫy thị trường. Nhìn chung thì không đến nỗi độc hại nhưng chất lượng của nó hoàn toàn không có bởi nó được tinh chế từ bột cây chuối chóc và bột củ bình tinh cộng với hương yến điều chế từ các lò công nghiệp.

Những loại yến như vậy có giá tương đối mềm và hay bày bán ở các khu vực gần bệnh viện để người mua đi thăm bệnh. 

Về giá trị dinh dưỡng, nó chỉ giúp cho cơ thể có thêm tinh bột và một số vitamin từ củ chuối chóc và củ bình tinh, một tổ yến bổ tương đương với một dĩa cơm bình dân, có khi không bằng.



400.jpg
Hải sản khô cao cấp. RFA photo Hải sản khô cao cấp. RFA photo

Đáng sợ hơn là các loại hải sản dùng để ngâm rượu, vốn được đồn thổi là giúp cơ thể bổ dương cường tráng, kiện khí hồi xuân.

Chính vì những đồn thổi này mà nhiều người đã xem nó như một thứ thần dược giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình, giúp gia đình khỏi cảnh ông ăn chả bà ăn nem… Vân vân và vân vân…

Nhưng hầu hết không biết rằng những sản phẩm hải sản thật như cá ngựa, rắn biển, hải sâm và bào ngư chỉ có giá trị giúp con người bồi bổ một phần nào đó, tránh bị thiếu dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng lâu dài chứ không bao giờ trở thành thần dược như đã nói. Chất thực sự kích thích chính là rượu mạnh được ngâm với các thứ này. Và những thứ hải sản ngâm rượu chỉ có thể giúp người uống giải mỏi, đỡ căng thẳng sau một ngày làm việc.

Nhưng vì người ta quá tin vào tính năng thần dược theo lời đồn thổi nên những bình rượu có xuất xứ không rõ nguồn gốc do các nhà buôn chuyên mang hàng từ Trung Quốc về bán nhanh chóng được tiêu thụ trên thị trường.

Hải sản nhựa ngâm rượu lâu năm


Một người buôn hải sản khác tên Nguyệt, hiện đang bán hải sản tại chợ Đầm, Nha Trang, chia sẻ thêm: “Ở Nha Trang, nhiều loại lắm, từ cá ngựa, bào ngư, mực một nắng… Hàng thì tùy từng chỗ, có nhiều hàng phải lấy từ Phan Thiết. Một số thì lấy từ ngư dân nhưng mà muốn ngon thì phải đi ngược ra Vạn Giã..


Theo bà Nguyệt, chỉ có một cách duy nhất để tránh mua nhầm hải sản nhựa do Trung Quốc tuồn vào Việt Nam là người nhà buôn hãy mua hàng trực tiếp từ ngư dân Việt Nam, tuyệt đối không mua của những nhà buôn chưa có uy tín trên thị trường.

Ngư dân Việt Nam vẫn còn giữ tính cách thật thà, chưa bao giờ bán hàng giả cho bà. Và đương nhiên, một người nhà buôn có trách nhiệm có thể thử trước sản phẩm mình bán ra thị trường, thao tác này tốn rất ít thời gian. Chỉ cần dùng một mũi dao nhọn khều vào sản phẩm, là nhựa dẻo hay thật thì biết ngay.

Chỉ có những người buôn thiếu trách nhiệm và uy tín mới mua đi bán lại một cách dễ dàng, không kiểm tra chất lượng. Và cũng chỉ có khách hàng thiếu trách nhiệm với sức khỏe mới không chịu kiểm tra rõ chất lượng sản phẩm trước khi mua. 

Chính vì vậy mà có những hủ rượu dầm suốt năm năm, mười năm vẫn còn nguyên vẹn hình thù những gì ngâm bên trong. Mãi cho đến khi người ta thử lấy vật ngâm ra xem thì mới biết nó bằng nhựa dẻo.

Theo bà Nguyệt, vấn đề hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các loại hải sản nhái đã tràn lan trên thị trường. Mức độ nguy hiểm của nó thì miễn bàn. Bà Nguyệt chỉ biết khuyên người tiêu dùng hãy bớt đi một chút thời gian để thử sản phẩm trước khi mua và cũng nên bớt đi tính sĩ diện hão.

Bởi ngày xưa ông bà chúng ta có cào rừng múc biển lên dầm để uống đâu mà vẫn sống khỏe, sống thọ. Bây giờ, càng uống nhiều rượu bổ, càng mau đến bệnh viện.

Để kết thúc câu chuyện hải sản đểu, hải sản nhái, bà Nguyệt trích dẫn một câu nói của cổ nhân:

“Bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng”. 

Chưa bao giờ người Việt lại siêng uống rượu, nhậu nhẹt và sưu tầm đồ bổ, đồ quí như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ nhiều thứ bệnh đe dọa như bây giờ! Hiện tại, căn bệnh khác mang tên Trung Quốc cũng đang đe dọa người Việt khôn lường!