Tìm Kiếm

26 tháng 3, 2015

ĐỪNG QUÊN PHẦN TỐT NHẤT ĐÃ CHỌN

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất.” Lc 10:38-42
Ngày đầu tiên tham dự giờ kinh và giờ lễ ở cộng đoàn này, nó thật sự bỡ ngỡ. Cộng đoàn là một nhà dưỡng lão, có khoãng ba mươi ông bà cụ, nhưng đa số đều có một chút bệnh tâm thần, phải dung thuốc mỗi ngày. Một số cụ cùng tham dự giờ kinh và giờ lễ cùng cộng đoàn. Và cũng trong ngày đầu tiên, nó đứng sau lưng Cha bề trên để quan sát. Bên cạnh Cha là một bà cụ, đôi mắt luôn mở to với cặp kính thật là dày. Bà luôn bước những bước chân chậm rãi khi vào nhà thờ, luôn cố gắng bái gối trước khi vào chỗ ngồi, và luôn tìm cách ngồi cạnh Cha bề trên. Trong lúc đọc kinh, thỉnh thoảng bà nhìn vào sách của Cha thay vì sách của mình. Rồi Cha cũng đưa sách cho bà đọc, kêu bà đọc to lên. Đang đứng đọc kinh bà kêu ngứa lưng quá. Thế là Cha bề trên của nó đưa tay trái lên mà gãi lưng cho bà, tay kia cầm sách kinh và đọc tiếp. Rồi một bà sau lưng kêu khát nước, Cha quay lại nhìn nó ra hiệu dắt bà đi uống nước. Nó cũng dắt đi rồi quay về, đọc kinh tiếp. Cuộc sống của nó ở nơi này là vậy, các Cha và các Thầy luôn có thời gian cho mọi người và luôn hiện diện cùng mọi người. Nhiều khi đang lúc Thánh Lễ trong phòng các cụ, các cụ cũng bước lên bàn thờ đứng chung, và mọi sự vẫn diễn ra. Một lần nọ, nó tò mò quá hỏi Ngài:”Vậy Cha không thấy bực mình và khó chịu khi mình bị làm phiền, hay không cảm thấy mệt mỏi sao?” Cha nói một câu, mà sau khi cầu nguyện với bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm C nó mới thấm thía:”Con không thấy tuyệt vời sao, khi chúng ta đang được ở với Chúa để phục vụ và chúng ta được cùng với Chúa phục vụ tha nhân? Nếu con nhìn xung quanh, chúng ta đều là con cái Chúa, và luôn có sự hiện diện của Chúa, con sẽ bình an.” Từ nhỏ, nó luôn nhìn hình ảnh của Martha và hie63i Martha theo kiểu bà bị Chúa trách, hay trong ngôn từ ngày hôm nay bà bị gọi là “quê” với Chúa. Rõ ràng bà mời Chúa về nhà mình, và rồi Chúa chỉ nói chuyện với em mình Maria. Và sau đó, bà nói Chúa dạy em mình phải biết làm việc giúp chị, Chúa lại trách bà. Đó là những hiểu biết thông thường mà nó thường được nghe. Nhưng câu chuyện của Luca trong bài Tin Mừng không đơn giản chỉ là câu chuyện của hai chị em. Còn nhớ, Martha mời Chúa về nhà mình. Mời Chúa về nhà còn có nghĩa là mời Chúa vào lòng mình, vào trong tim mình. Chằng phải trước khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta vẫn cầu nguyện “Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con.” Vậy ngoài việc ở trong nhà của Martha theo nghĩa thông thường, khi đưa Chúa về nhà, Martha cũng muốn đón Chúa vào lòng. Chị em với Martha là Maria, là một người em thật, nhưng khi nói đến chị em, người ta nói đến người có cùng tố chất và có những điểm khác biệt, nhưng cùng chung sống với nhau. Phải chăng Martha đã phải đối diện với một thực tế là: nếu ở với Chúa, con phải làm gì tốt hơn? Con phải làm như người em, chỉ lắng nghe, hay con chuẩn bị bữa cơm cho tươm tất? và nếu con bận rộn, thì em con phải cùng với con, phải là một với con, chứ không thể khác được. Martha muốn Maria trở thành Martha “thứ hai” giống mình. Và Chúa không hể nói như Maria thì tốt hơn, và cũng không chối từ công việc của Martha đang làm. Chúa ám chỉ Maria đã chọn phần “tốt” cần thiết (theo bản dịch của tiếng Hy Lạp), tiếng Latin unum est neces-sarium (một điều cần thiết). Điều cần thiết mình phải chọn trước là Chúa, đừng bắt Maria làm một Martha khác. Ý Chúa không hề muốn Martha trở thành Maria để có hai Maria, cũng không phải Maria trở thành Martha để có hai Martha. Mà trong Martha phải có Maria của cầu nguyện và lắng nghe Chúa, và trong Maria, có Martha của hành động và phục vụ. Cả hai bổ trợ cho nhau. Vậy trong thực tế của đởi sống đạo, cũng không ít lần chúng ta gặp phải hai trường hợp này: Chắc chắn không ít lần, chúng ta than thở và áy náy: con nhiều việc quá, không có giờ đi lễ, quên đọc kinh sang tối, quên nhớ đến Chúa… Chúng ta thấy cuộc sống đòi hỏi chúng ta quá nhiều, không còn giờ cho Chúa. Một phần chúng ta sợ có lỗi, một phần chúng ta cảm thấy không còn cách nào khác vì phải chạy theo nhịp sống hôm nay. Cũng không ít lần, chúng ta nhìn vào người thân, trách móc ghen tỵ, hay chê bai sao họ lười quá, không dành thời gian làm việc phụ mình, sao suốt ngày đọc kinh mà không làm cái gì đó cho thực tế, sao rảnh thế? Cũng không ít lần, những ai trong chúng ta siêng năng đọc kinh đi lễ, nhìn vào những người thân bận rộn, quên kinh bỏ lễ, thầm nhủ liệu họ sẽ được tha thứ, được lên thiên đàng? Hay liệu họ sẽ thoát được cơn khốn khó đang rình rập đâu đó khi họ bỏ Chúa? Một đàng thì đến với Chúa để “dự trữ” chút ơn, hy vọng một phút nào đó Chúa sẽ trả ơn cho những đêm dài ngày nắng mình chầu chực trước tượng Chúa đọc hết kinh này đến kinh khác. Đàng khác thì đến với Chúa chỉ khi rảnh, chỉ khi cần, để Chúa can thiệp, giải quyết khủng hoảng, làm một cái gì đó để thay đổi cục diện, hoặc ít ra phải đồng hóa quan điểm của đối phương, của người chị em, anh em với mình; nghĩ rằng, khi tất cả mọi người đều giống mình thì mọi chuyện sẽ ổn. Thậm chí, chúng ta còn trách tại sao Chúa không suy nghĩ như con, không làm nhử con nói, có phải như vậy trái đất sẽ tốt hơn? Nhưng chúng ta quên một điều, Chúa chưa bao giờ hứa rằng sẽ can thiệp hết mọi đau khổ của chúng ta, sẽ xóa ta hết bệnh tật, sẽ cho chúng ta giàu sang. Chúa chỉ hứa sẽ đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Trong bệnh tật, trong gian nan, không còn là một mình chúng ta đối diện nhưng luôn luôn có Chúa. Chúa mời gọi chúng ta trong mỗi công việc, mỗi hành động, hãy nhớ chúng ta đang ở bên cạnh Chúa. Điều Chúa muốn là khi mời Chúa về nhà, chính chúng ta phải để suy nghĩ của mình hòa quyện trong suy nghĩ của Chúa, để hành động của mình là một với hành động của Chúa, để tình yêu của mình là một với tình yêu trong Chúa. Lạy Chúa, con đã mời Chúa vào nhà mình mỗi ngày, ý thức rằng mình không xứng đáng, nhưng khi Chúa vào nhà con rồi, con để Chúa ngồi chờ con trong một góc phòng nào đó của lòng mình. Con phải làm việc khác, vì có quá nhiều việc đang chờ con, có nhiều điều quan trọng trước mắt con, có quá nhiều cuộc điện thoại để trả lời, Chúa phải chờ con chút. Rồi trong những lúc mệt mỏi, chán chường, con sự nhớ ra Chúa. Con quay về trách Chúa tại sao lại ngồi đó, tại sao chỉ nghe, không nói ai đó giúp con? Tại sao không sai anh chị em con làm theo ý con? Nếu Chúa chỉ nói một lời thôi chắc chắn họ đã phải làm rồi. Con than phiền, con nghĩ thế giới này còn nhiều thứ để làm, nếu tất cả cùng làm, con đã có nhiều thời gian hơn cho Chúa rồi. Chẳng phải chỉ vì một mình con làm, một mình con bôn ba như vậy mới không có giờ đến với Chúa đó sao? Và Chúa đang nhìn con trìu mến, con sai rồi, Chúa không hề muốn con biến hết tất cả mọi người trở thành bản sao của chính con. Chúa cũng không muốn con ngồi đó không làm gì cả. Chúa được con mời về nhà mình để con được Chúa ở cùng trong công việc. việc của con giờ đây là việc của Chúa và của con. Làm sao để suy nghĩ của con về cuộc sống, về tha nhân giờ đây là suy tư của con khi được ở bên Chúa. Sự hy sinh của con bây giờ là hy sinh của Chúa trong con, và con đừng quên phần tốt nhất con đã chọn, và đã mời vào nhà. Lạy Chúa là Thiên Chúa của đời con, của mỗi ngày sống của con, xin cho con biết ở lại cùng Chúa sau khi mời Ngài vào nhà con, xin cho con biết chọn Chúa trước mỗi công việc và hành động của con, xin cho con biết đến với Chúa qua anh chị em con. Và xin cho họ tìm thấy hình ảnh Ngài trong cách sống của con. Amen.
CHIẾC CHIẾU SAU BỤI HOA QUỲNH (John Toại, Ml)