Tìm Kiếm

6 tháng 3, 2015

Bệnh xốp xương, hay rỗng xương (osteoporosis)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Nhờ những tiến bộ cuả y học, tuổi thọ chúng ta ngày càng tăng. Cao tuổi, chúng ta dễ gãy xương. Một trong những yếu tố quan trọng khiến ta hay gãy xương khi có tuổi là bệnh xốp xương.

Bệnh xốp xương, hay rỗng xương
 (osteoporosis), khiến xương yếu dần, trở nên mềm, dễ gãy. 20 triệu người ở Mỹ hiện mang bệnh xốp xương. Nhiều vị thành tàn phế, phải trông nhờ vào sự chăm sóc của người khác. Ở Việt Nam ta, hình ảnh của bệnh cũng đã đi vào ca dao:
"Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng"


Bệnh xảy ra cho phụ nữ nhiều hơn đàn ông.

Thời gian gần đây, nhiều khám phá mới đưa đến những hiểu biết cặn kẽ hơn về căn bệnh, đồng thời, những phương pháp định bệnh chính xác, nhiều cách chữa trị hữu hiệu lần lượt ra đời, giúp các bác sĩ có thêm phương tiện định bệnh, trong tay thêm nhiều vũ khí chiến đấu chống căn bệnh.

Mỗi xương gồm có vỏ bên ngoài, bao bọc một lòng bên trong. Lòng xương bình thường đặc và chắc. Bệnh xốp xương do một số các chất trong lòng xương mất đi dần theo thời gian, khiến xương không còn đặc, chắc như trước. Đây là hiện tượng mất xương 
(bone loss) theo thời gian khi ta có tuổi.

Đời là một tiến trình vừa phá hoại, vừa xây dựng. Xương là nơi thể hiện triết lý này triệt để nhất. Trong suốt cuộc đời ba vạn chín nghìn ngày của chúng ta, luôn luôn trong xương lúc nào cũng có tiến trình phá xương cũ, tạo xương mới. Công tác phá xương cũ được trao cho các tế bào có tên gọi "osteoclast". Công tác tạo xương mới do các tế bào có tên "osteoblast" đảm nhiệm. Tên chúng giống nhau, chỉ khác có chữ c và b ở giữa
 (c là cắn cấu, b là bồi bổ).

Thời gian không những gặm nhấm tâm hồn ta, còn gặm dần xương ta. Cho đến khoảng tuổi giữa 30 vào 40, xương vẫn tiếp tục phát triển, nên ta tạo xương nhiều hơn mất xương. Sau đó, tới một giai đoạn cân bằng, xương tạo ra do các tế bào "osteoblast" cân bằng với xương lấy mất đi bởi các tế bào "osteoclast". Chỗ nào trong xương bị các tế bào osteoclast cắn phá, chỗ ấy lập tức được các tế bào osteoblast chạy tới bồi đắp những xương mới. Rồi khi về già, ít nhiều, chúng ta đều mất xương dần, do xương cũ bị phá đi, song xương mới không tạo ra kịp để trám các chỗ hổng trong xương, nơi những xương cũ không còn. Ai mất xương nhiều quá, sẽ bị bệnh xốp xương.

Đặc biệt, phụ nữ, sau khi mãn kinh, cùng với những thay đổi khác của cơ thể gây do mãn kinh, như hay bị những cơn hừng nóng mặt 
(hot flashes), khó ngủ, buồn sầu, ngứa ngáy âm đạo, đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, ..., người phụ nữ cũng bị mất xương nhanh chóng. Do buồng trứng nghỉ làm việc, không còn tiết đủ chất kích thích tố nữ estrogen cần cho cơ thể như xưa. Estrogen có tác dụng cân bằng sự phá xương và sự tạo xương. Thiếu estrogen, các tế bào osteoclast gia tăng hoạt động, cắn phá, tạo những lỗ hổng trong xương, trước con mắt bất lực của các tế bào osteoblast. Lâu dần, lòng xương không còn đặc, chắc như trước, và xương trở nên xốp rỗng, mềm, dễ gãy.

Như vậy, chất kích thích tố nữ estrogen là lính canh cửa cần mẫn, ngăn không cho thời gian ăn cắp mất xương của người phụ nữ. Trong khoảng tuổi 45 đến 55, người phụ nữ kinh, chất estrogen đột ngột giảm đi trong cơ thể, trộm thời gian tha hồ tung hoành. Có vị mất đến 25% độ đặc của xương 
(bone density), chỉ trong vòng 5-7 năm sau khi mãn kinh.
Ai dễ bị bệnh xốp xương?

Nhiều yếu tố khiến tình bạn giữa ta và xương dễ mất, xương bỏ ta ra đi:
- Tuổi tác: càng cao tuổi, ta càng mất xương dần. Nếu xương mất nhiều quá, sẽ đưa đến bệnh xốp xương.
- Phụ nữ: trong 100 trường hợp bệnh xốp xương, 80 người là phụ nữ.
- Gia đình có người gãy xương do bệnh xốp xương 
(nhất là gãy xương hông ở mẹ).
- Người lớn đã từng gãy xương, nhất là ở những nơi hay bị bệnh xốp xương như xương sống, xương hông, xương cổ tay.
- Mãn kinh sớm 
(trước tuổi 45).
- Người cả đời ít dùng chất calcium và sinh tố D.
- Đời sống ít hoạt động, ít thể dục thể thao.
- Hút thuốc lá.
- Uống rượu nhiều quá.
- Người gầy, nhẹ cân.

Ngoài ra, những người mang bệnh cường tuyến giáp trạng 
(hyperthyroidism) hoặc dùng thuốc steroid lâu ngày cũng dễ bị xốp xương.
Triệu chứng

Xốp xương là một căn bệnh khởi đầu thầm lặng. Nó lặng lẽ ở với nhiều người qua những năm tháng, cho tới khi người ấy đột nhiên bị gãy xương.

Khi xương sống
 (spine) đã trở thành mềm và yếu do mất xương nhiều quá, nó cứ gãy dần, từ từ, ít một. Có khi chỉ cần ho một tiếng, hoặc cúi xuống bế cháu đang khóc, cũng đủ khiến xương sống gãy thêm một chút. Lâu ngày, xương sống gãy đã nhiều lần, mà ta không hay biết, sẽ ngắn dần, làm người thấp đi. Nhiều người thấy quần mình tự nhiên sao dài hơn trước, hoặc quần áo vẫn mặc nay hơi kỳ kỳ, không còn thực vừa ý. Sau cùng, một ngày kia, họ bắt đầu thấy đau, lưng còng đi, rồi đi lại khó khăn. Đi chợ trời mưa hay té ngã.

Té ngã như vậy lại gây gãy xương ở những chỗ khác, những xương đã mềm sẵn, mỏng mảnh như pha-lê. Có người chỉ va tay vào cạnh bàn, đã gãy cổ tay. Gãy xương cổ tay gây trở ngại biết bao cho những công việc hàng ngày, ngay cả với những công việc giản dị nhất. Giặt giũ, cơm nước, mặc quần áo, may vá, làm vườn, đi chợ, trông cháu, ..., đều đòi hỏi một xương cổ tay mạnh và khéo léo.

Có người gãy xương hông 
(hip), dù chỉ ngã rất nhẹ. Gãy xương hông đưa đến chết người, sống được cũng khổ lắm. Hơn một nửa số người sống sót sau khi gãy xương hông vào nhà dưỡng lão, hoặc phải nhờ người giúp khi đi lại.
Định bệnh

Xốp xương là căn bệnh thầm lặng, việc truy tìm căn bệnh trong giai đoạn sớm của nó không dễ. Gần đây, với những hiểu biết mới, việc truy tìm căn bệnh không còn khó.

 Bác sĩ sẽ nghi bạn mang bệnh xốp xương "osteoporosis" nếu bạn hay đau lưng, nay thấp nhỏ đi, lưng còng hơn trước theo gánh nặng thời gian, hoặc bạn bị gãy xương, đặc biệt tại nơi dễ bị bệnh xốp xương (như xương sống, xương hông, xương cổ tay). Nhất là bạn lại có những yếu tố dễ đưa đến bệnh xốp xương kể trên.
Nghi là một chuyện, nhưng bạn có thực sự bị bệnh xốp xương hay không, chúng ta cần hỏi ý kiến của máy đo độ đặc xương 
(bone densitometry), vì nó có thể cho biết thực sự ta đã mất đến bao nhiêu xương. Có nhiều cách để đo độ đặc xương. Cách đo bằng máy có tên "dual energy X-ray absorptometry", viết tắt DXA, hiện được xem là cách đo độ đặc xương hữu dụng nhất.

Máy đo DXA cho kết quả nhanh chóng, chính xác, lại phóng ra chất phóng xạ tối thiểu, nên không gây hại cho người được đo xương. Máy có thể đo độ đặc của bất cứ xương nào trong cơ thể, nhưng thường được dùng để đo xương sống, xương hông, những xương hay bị bệnh xốp xương tấn công. Máy hoạt động nhanh chóng, trong vòng 5-10 phút là xong, bạn không phải nằm lâu mỏi lưng.

So với các trị số độ đặc xương của một phụ nữ bình thường trước tuổi mãn kinh, nếu máy đo cho thấy độ đặc xương của bạn trong khoảng 1 đến 2.5 dưới các trị số bình thường của phụ nữ trước tuổi mãn kinh ấy, xương của bạn đã bị mất đi ít nhiều rồi đấy. Nếu máy đo DXA cho thấy các trị số độ đặc xương của bạn còn tệ hơn thế, tức dưới 2.5, bạn quả thực đã bị bệnh xốp xương, với triển vọng bị gãy xương rất cao.

Vẫn còn một ít bàn cãi về những trường hợp nào cần dùng đến máy đo độ đặc xương DXA. Nên "Đo Xương Ai"? Ai sau tuổi mãn kinh cũng cần được đo xương chăng?

- Các vị phụ nữ 65 tuổi trở lên nên được đo độ đặc xương. 
(Vì vậy, Medicare cho các vị phụ nữ 65 trở lên đo dộ đặc xương mỗi 2 năm.)

- Các phụ nữ đã mãn kinh dưới 65 tuổi, song trước từng gãy xương, hoặc nhẹ cân, đang dùng thuốc steroid 
(như Prednisone), hút thuốc lá, uống rượu nhiều, mang bệnh viêm khớp rheumatoid (rheumatoid arthritis), có phim chụp (X-ray) cho thấy xương trông mỏng (osteopenia), hoặc có bố, mẹ từng gãy xương hông, cũng nên đo độ đặc xương.

- Nói chung, đo độ đặc xương không cần thiết trước tuổi mãn kinh (mãn kinh tự nhiên, hoặc do đã cắt buồng trứng). Tuy vậy, nên nghĩ đến việc đo độ đặc xương cho những người đang mang những bệnh, hoặc dùng những thuốc khiến xương dễ bị mất, dù họ chưa mãn kinh.
Chữa trị bằng thuốc

Trong xương lúc nào cũng có tiến trình phá xương cũ, tạo xương mới. Khi có sự bất quân bình, phá xương nhiều hơn tạo xương, xương mất nhiều quá, bệnh xốp xương xảy ra.

Ở Mỹ, hiện có 4 nhóm thuốc thường được dùng để chữa bệnh xốp xương: bisphosphonates, calcitonin, Evista, estrogen. Cả 4 thuốc đều có tác dụng ngăn cản sự phá xương.

1. Nhóm thuốc bisphosphonates:
Gồm các thuốc Fosamax, Actonel, Atelvia, Boniva, uống hàng ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần tùy thuốc.

Các thuốc bisphosphonates giúp tạo xương mới, bớt mất xương cũ, nên dùng để chữa và ngừa xốp xương. Hiện đây là những thuốc chính để chữa căn bệnh.
Thuốc uống vào sáng sớm lúc mới thức, với một ly nước đầy, trước khi ăn sáng, trước khi uống các thuốc khác ít nhất 30-60 phút. 
(Trừ thuốc Atelvia lại uống ngay sau bữa sáng.) Sau đó, không nên đi nằm lại, mà ngồi thẳng, đứng hoặc đi, để thuốc dễ xuống bao tử. Nếu thuốc kẹt lại tại thực quản (ống dẫn thức ăn xuống bao tử), nó có thể làm lở thực quản đâm phiền. Nó cũng không muốn ta ăn, uống gì cả trong vòng 30-60 phút sau khi dùng nó, vì thức ăn, ngay cả cà-phê và nước trái cây, làm giảm sự hấp thụ nó trong ruột. Uống nước thì được.
Thuốc có thể gây nóng ngực, viêm thực quản 
(esophagitis), đau bụng, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng tiêu hóa khó chịu khác.

Gần đây còn có hai thuốc Reclast, Zometa 
(truyền tĩnh mạch một năm một lần trong 15 phút). Thuốc mới nên rất đắt(trên 1.000 Mỹ-kim một mũi thuốc), và nếu dùng thuốc lâu dài nhiều năm có nguy hại gì cho cơ thể ta không, điều này chưa được biết rõ.

2. Thuốc Evista:
Evista
 (raloxifene) dùng với chỉ định để chữa và ngừa xốp xương cho các phụ nữ đã mãn kinh. Thuốc có tác dụng rất tương tự với chất estrogen, nhưng không làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, bệnh tim mạch nếu dùng về lâu về dài như estrogen.
Giống chất estrogen, thuốc Evista ngăn sự phá xương. Ở các phụ nữ mãn kinh chưa bị xốp xương, thuốc Evista giúp ngăn sự mất xương tại tất cả các xương của cơ thể. Khác với các thuốc chứa chất estrogen, thuốc Evista không gây đau vú, hoặc ra kinh lại. Trong vòng vài tháng đầu mới dùng thuốc, Evista có thể gây những cơn hừng nóng mặt nhẹ
(hot flashes). Thuốc Evista uống mỗi ngày.
So với các thuốc thuộc nhóm bisphosphonates, Evista tác dụng kém hơn.

3. Thuốc calcitonin:
Thuốc calcitonin, từ lâu đã được dùng để chữa xốp xương dưới dạng chích bắp thịt và chích dưới da. Như thế thì đau và bất tiện lắm, nên calcitonin không nổi tiếng. Gần đây, nhà thuốc đổi chiến thuật, chế thành thuốc xịt mũi cho tiện, lấy tên Miacalcin. Một xịt vào một bên mũi mỗi ngày, nay mũi phải, mai mũi trái.

Kiên nhẫn dùng, thuốc xịt Miacalcin cũng làm tăng độ đặc của xương và làm giảm gãy xương. Tuy vậy, so với các thuốc bisphosphonates, tác dụng của Miacalcin, trong việc tạo thêm xương mới, ngừa gãy xương, không mạnh bằng.
Thuốc xịt mũi Miacalcin ít gây phản ứng, nếu có, mũi bị khô, khó chịu tí tỉnh, hoặc thỉnh thoảng hắt xì.

4. Estrogen:
Chất estrogen có tác dụng chữa và ngừa xốp xương rất tốt, tuy nhiên, nay không còn được sử dụng nhiều để ngừa và chữa xốp xương như trước, vì về lâu về dài, estrogen có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, bệnh tim mạch.
Các thuốc chứa chất estrogen trên thị trường rất nhiều 
(Premarin, Ogen, Estrace, Menast, Estratab, Gynodiol, Ortho-Prefest, Activella, femhrt, Premphase, Prempro, ...), nay thường chỉ được dùng để chữa các triệu chứng gây do mãn kinh như hừng nóng mặt, khó ngủ, buồn sầu, khô ngứa âm đạo, đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, ...

Một số vị phụ nữ không hợp với các thuốc chữa xốp xương khác, nên đành dùng estrogen để chữa bệnh vậy.
Những cách chữa không thuốc

Chữa bệnh xốp xương, không phải chỉ sử dụng một trong những thuốc kể trên là xong, chúng ta còn cần ăn uống đầy đủ, không thiếu calcium và sinh tố D trong người, vận động thường xuyên, ngưng hút thuốc lá, và nếu có thể, bỏ bớt những thuốc đang dùng có thể gây rỗng xương thêm.

Việc ăn uống mỗi ngày cần đầy đủ để cơ thể khỏi suy dinh dưỡng. Cùng với ăn uống, mỗi ngày ta cần 1200 mg calcium 
(từ các nguồn thực phẩm hoặc từ viên calcium uống vào) và 800 đơn vị (International Unit) sinh tố D. Ngoài thị trường hiện có nhiều viên thuốc vừa chứa cả calcium lẫn sinh tố D như Os-Cal with vit D.

Việc vận động rất quan trọng. Ở phụ nữ có tuổi, người ta thấy vận động giúp duy trì hoặc làm tăng độ đặc của xương, giảm nguy cơ gãy xương hông. Vận động không những khiến xương chắc, các bắp thịt ta cũng dẻo dai, mạnh mẽ, những yếu tố ngừa té ngã. Các thể dục đặt sức nặng của cơ thể trên xương, như đi bộ, đều tốt. Đi bộ ít nhất 3 lần một tuần, ít nhất 30 phút mỗi lần. Nên tập thói quen vận động, và chọn môn thể dục nào chúng ta ưa thích để vận động được thường xuyên và lâu dài, vì ngưng vận động, các lợi ích của vận động trên xương sẽ mau chóng mất.

Thuốc lá độc cho xương, như độc cho nhiều cơ quan khác, khiến xương rỗng nhanh hơn, người hút thuốc lá cần bỏ hút.

Một số thuốc dùng lâu ngày có thể làm xương thêm xốp, rỗng, như các thuốc Prednisone, Nexium, Omeprazole, nếu có thể, chúng ta nên ngưng.
 (Nhiều vị uống các thuốc bao tử Nexium, Omeprazole năm này sang năm khác vì thói quen hơn là cần thiết phải uống, đi khám bác sĩ, bác sĩ cứ thế tiếp tục cho, không buồn thẩm định lại để xem người bệnh còn cần thuốc này hay không, và cũng không hướng dẫn cho người bệnh biết tác dụng phụ có thể làm rỗng xương, gãy xương của thuốc nếu dùng thuốc quá lâu.)


Bác sĩ Nguyễn Văn Đức