Tìm Kiếm

12 tháng 2, 2018


Cuộc ‘di dân’ lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc – ‘Bi kịch xã hội’ dai dẳng chưa có lời giải đáp
02/02/2018

Bắt đầu từ hôm qua, ngày 1/2/2018, nhiều người dân Trung Quốc đã bắt đầu trở về nhà để ăn Tết, tạo nên một cuộc “đại di cư” (còn gọi là Xuân Vận) lớn nhất hành tinh. Điều này từ lâu đã trở thành văn hoá đặc trưng không nơi nào có ngoài đất nước tỷ dân này.
“Đại di cư” (còn gọi là Xuân Vận) từ lâu đã trở thành văn hoá đặc trưng không nơi nào có ngoài Trung Quốc.
Cuộc “đại di cư” lớn nhất hành tinh…
Nói một cách hoa mỹ thì Xuân Vận là cuộc đại di cư thường niên lớn nhất của loài người trên trái đất, còn nếu nói một cách thẳng thắn thì đây chính là khoảng thời gian chen chúc ngột ngạt kinh khủng nhất của những người con xa nhà trên hành trình về quê ăn Tết mỗi năm.
Cảnh tượng kinh hoàng mang tên Xuân Vận…
Thông thường, một cuộc Xuân Vận kéo dài khoảng 40 ngày, tính từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch cho đến 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Thời gian chính xác mỗi năm sẽ do Uỷ ban Kinh tế và Thương mại Trung Quốc công bố.
Từ đó, Cục Giao thông, Cục Đường sắt, Cục Hàng không sẽ tự lên kế hoạch ứng phó với lượng hành khách tăng vọt vào thời kỳ cao điểm nhất trong năm. 
Đợt “Xuân vận” năm nay, ngành giao thông Trung Quốc đã chuẩn bị từ sớm. 
Các chuyến bay, chuyến tàu sẽ được tăng cường, thậm chí là đi đêm để phục vụ cho hơn 2 tỷ lượt người về quê ăn Tết.
Dù được chuẩn bị kỹ đến đâu, năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là các nhà ga, nhà xe hay các cung đường đều sẽ chật cứng người
Thế nhưng, dù được chuẩn bị kỹ đến đâu, năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là các nhà ga, nhà xe hay các cung đường đều sẽ chật cứng người đứng chờ đợi. Vẫn là những chuyến xe đấy, những con đường đấy, nhưng số lượng người lên đến cả triệu, cả tỷ, thì đương nhiên không thể tránh khỏi tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ.
Hình ảnh người dân chờ mua vé. Con đường về nhà ăn tết của người Trung Quốc đại lục chưa bao giờ là dễ dàng.
Với tổng chiều dài hơn 121.000 km, mạng lưới đường sắt ở Trung Quốc là hệ thống đường sắt lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Mỹ). Đặc biệt, những ngày này, vô số tuyến xe buýt và tàu hỏa đã được tăng cường để giải quyết nhu cầu đi lại của lượng hành khách khổng lồ, nhưng dường như cũng chỉ là “muối bỏ biển”, và con đường trở về nhà của người Trung Quốc dường như chưa bao giờ là dễ dàng.
Những chuyến tàu chật ních người.
Dù sao học cũng may mắn hơn rất nhiều người vì đã được lên tàu về quê ăn tết.
Một người đàn ông gồng gánh hành lý lên tàu ở ga Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. (Ảnh: Xinhua)
Mặc dù vậy, cảnh tượng kinh hoàng ngày trở về vẫn chỉ là mở màn cho “cơn ác mộng” mà thôi. Bởi vì, sau Tết, họ sẽ còn phải đối mặt với một cuộc di cư khác cũng không kém phần khủng khiếp để rời quê nhà đến các thành phố lớn tiếp tục học tập và lao động hăng say. Có vẻ như, cuộc đại di cư lớn nhất hành tinh ở đất nước tỷ dân này vẫn mãi là một bài toán khó chưa biết khi nào mới giải được.
Cảnh người dân Trung Quốc chờ lên tàu ở nhà ga.
Có lẽ vì lý do này mà nhiều người sẵn sàng mở hầu bao chi cho những chuyến du lịch nước ngoài đắt đỏ, thay vì ở nhà đón Tết. Theo ghi nhận, vào năm 2016 đã có khoảng 6 triệu người Trung Quốc lựa chọn đi nghỉ ở nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán và con số này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng mỗi năm.
Cuộc đại di cư lớn nhất hành tinh vẫn mãi là một bài toán khó chưa biết khi nào mới giải được.
Ngoài ra, thời tiết cũng là vấn đề đang được chính quyền Trung Quốc rất quan tâm. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường và vô cùng khắc nghiệt. Bão tuyết xảy ra ở nhiều nơi, một số địa phương liên tục xuống độ âm, băng giá và tuyết bao trùm khiến giao thông bị ảnh hưởng không nhỏ, nhiều nhà ga phải đóng cửa, nhiều chuyến bay bị hoãn vô thời hạn.
Nhiều tuyến đường bị tuyết phủ đang được dọn sạch để lưu thông xe.
…Và một “bi kịch xã hội” đang diễn ra
Cuộc đại di dân đang diễn ra tại Trung Quốc đại lục đã phần nào phản ánh một “bi kịch xã hội” tại quốc gia này: Làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm gần đây đã đẩy toàn bộ thanh niên, trai tráng trong các làng nghèo không có công ăn việc làm, đổ xô tới các thành phố lớn để kiếm tiền. Họ không có đồng ruộng để trồng trọt, chăn nuôi và buộc phải đổ xô lên thành phố tìm việc.
Người dân nhập cư tại Bắc Kinh trong cảnh màn trời chiếu đất.
Người đàn ông này phải lao động vất vả ở thành phố lớn để mưu sinh.
Khuôn mặt lấm lem than bụi của người lao động Trung Quốc.
Ở nhiều ngôi làng và vùng nông thôn tại Trung Quốc hiện nay chỉ có người già và trẻ nhỏ, rất hiếm gặp có bóng dáng của người ở độ tuổi lao động. Nhiều ông bố bà mẹ thậm chí còn phải bỏ lại con cái ở quê nhà đề đi làm ăn xa, vật lộn kiếm sống vì không còn cách nào khác.
Ở nhiều ngôi làng và vùng nông thôn tại Trung Quốc hiện nay chỉ có người già và trẻ nhỏ.
.
“Những đứa con bị bỏ lại”- hệ quả của tấn “bi kịch xã hội” đang diễn ra tại Trung Quốc.
Theo thống kê năm 2015, Trung Quốc có tới 61 triệu trẻ em rơi vào hoàn cảnh như vậy. Rất nhiều trẻ trong số này gặp phải vấn đề về tâm lý, tinh thần dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về lối cư xử và hành vi.
Đặc biệt, không ít người còn quan ngại, “vòng tuần hoàn” này sẽ lặp đi lặp lại giữa các thế hệ khi “những đứa con bị bỏ lại” sau khi trưởng thành, rồi cũng sẽ rời bỏ nông thôn lên thành thị mưu sinh giống như cha mẹ chúng.

Nguồn ảnh: Chinanews, Reuters
Hiểu Minh