Tìm Kiếm

9 tháng 12, 2019

TRUYỆN CỔ TÍCH THÁNH KINH: CON VẬT BỊ BỎ QUÊN


Chuông thánh đường đổ dồn như giục giã mọi người chuẩn bị chào đón giây phút Chúa giáng trần. Khung cảnh nhà thờ đêm nay huy hoàng, diễm lệ khác thường. Đủ loại đèn muôn màu sắc thi nhau tô điểm hang đá. Có thể nhìn thấy đầy đủ những nhân vật cổ truyền trong sự tích Giáng Sinh của Chúa. Ngoài ba vai chính: Ông Giu-se thợ mộc, Bà Ma-ri-a thợ may và Hài Nhi Giê-su vừa cất tiếng khóc chào đời, còn có các chàng mục đồng, phái đoàn ba nhà Đạo Sĩ Phương Đông, rồi lại có mặt anh Lừa, chị Bò Sữa, gia đình cậu Dê Xồm. 

Người ta lũ lượt kéo đến chiêm ngưỡng cảnh hang đá. Người lớn trầm trồ khen Chúa Hài Nhi dễ thương, bà Ma-ri-a và ông Giu-se giống như thật. Mấy em thiếu nhi thích thú ngắm anh Lừa có đôi tai vểnh đầy cảnh giác, chị Bò Sữa hiền lành nhai cỏ, kế đó là mấy chú dê con mắt to láo liên. 

Nhưng mọi người đều phạm một thiếu sót thật lớn, một lỗi lầm không thể tha thứ được. 

Đó là họ đã bỏ quên một con vật quan trọng, mặc dù nó đã từng có mặt trong khung cảnh hang đá năm xưa, dịp Lễ Giáng Sinh đầu tiên. Các bạn có đoán được đó là con vật nào không? Sao mà có thể đoán được, vì người ta đã bỏ quên nó gần hai ngàn năm nay rồi. Người ta luôn đối xử thiên vị, bất công như thế đó. Nhưng Thiên Chúa nhân từ thì trái lại, Người luôn công bằng với hết muôn loài, muôn vật, vì tất cả đều là tác phẩm do Người sáng tạo mà. Cái nào cũng tốt, cũng ưng ý Người, cũng được Người yêu thương, bảo vệ hết. Chính vì thế, Người đã an bài để con vật kém may mắn đã bị loài người quên lãng, hôm nay lại có dịp tự giới thiệu về mình. Tìm lại một chỗ đứng trong ký ức của loài người và, tất nhiên, một chỗ đứng, thật khiêm tốn thôi, trong hang đá máng cỏ.

Các bạn thân mến, xin giới thiệu con vật chúng ta muốn nói tới nãy giờ: đó là con Bò Cạp. Gọi cho phải phép hơn—và đây cũng là ý muốn của Bò Cạp—thì phải là: “Ông Bò Cạp.” 

Chắc là có bạn phật ý cho rằng Bò Cạp cao ngạo, ăn nói xấc láo, hoặc có bạn phì cười vì cái kiểu “con ếch muốn làm con bò” ấy. Nhưng xin các bạn bình tĩnh nghe giải thích căn cơ. Trước hết, gọi Bò Cạp là “Ông” thì có gì là quá đáng đâu. Theo khám phá của khoa cổ sinh vật học, bò cạp là loài giáp sắt đã có mặt sớm nhứt nhì trên hành tinh này, trước cả đám bò, lừa, chiên, dê và, tất nhiên, trước cả con người nữa. Mà theo cách tính thời gian các nguyên kỷ xa xưa kia, thì vài trăm, vài ngàn năm đã nhằm nhò gì đâu, hơn kém nhau vài trăm triệu năm là chuyện thường. Các bạn học rộng tài cao hẳn biết điều đó. Gọi một bậc tiền bối cựu trào như thế là “Ông”, thiết tưởng hãy còn chưa đủ kính trọng đó chứ. Thôi, chuyện xưng hô dù sao cũng chỉ là vấn đề nhỏ, còn nhiều điều cần nói hơn nữa kìa.


Ta hãy nói về cái tên gọi Bò Cạp. Tên gọi này chẳng có dính dáng bà con họ hàng gì với loài bò của chị Bò Sữa trong hang đá kia. Tên “Bò” của họ hàng nhà chị có gốc từ tiếng rống không mấy thanh lịch của họ. Còn tên “Bò” của họ hàng Bò Cạp là để diễn tả cung cách đi, đứng, chuyển dịch duyên dáng của loài côn trùng độc đáo này. Xin thưa ngay là tiếng “Cạp” không được nghiêm chỉnh lắm, nó khiến liên tưởng đến động tác lười biếng của nhiều loài có mõm—trong đó có loài người—khi ăn không dùng muỗng, đũa hay dao cắt mà cứ “goằm”, cứ táp từng miếng, hoặc nhắc tới tiếng tri hô xạo hết chỗ nói của họ hàng nhà vịt. Rõ ràng Bò Cạp không hề có chút tật xấu nào vừa kể, nên mang tiếng “Cạp” quả là oan ức ghê!

Theo chỗ Bò Cạp còn nhớ, xong không lấy gì là chắc lắm, vì đã quá xa xưa rồi, là ông bà của Bò Cạp từng nói: “Đáng lẽ dòng họ của mình phải mang tên là Bù Kẹp do Cụ Tổ A-đam đặt cho, cùng loài với Bù Mắt, Bù Chét, Bù…gì gì đó. Còn tiếng ‘Kẹp’ diễn đạt đúng tài năng tuyệt vời của Bò Cạp, với cặp càng lợi hại Thiên Chúa ban cho, cùng loại với họ hàng nhà Cua, Tôm thân quen”. Nãy giờ Bò Cạp có hơi dài dòng, nhưng là dài dòng cần thiết, xin các bạn thông cảm. 

Bây giờ xin vào ngay đề tài các bạn muốn nghe, đó là phải minh chứng có sách, có cơ sở đàng hoàng về sự có mặt của Bò Cạp trong giây phút quan trọng năm xưa tại hang đá Bê-lem. 

Số là bên dưới nền đất của hang đá, vốn là một chuồng trú chân của chiên, bò, có cái hang bí mật đã được đào từ lâu lắm rồi. Tại đó, họ hàng Bò Cạp đã sống qua không biết bao nhiêu đời. Khi xảy ra biến cố Giáng Sinh, gia đình Bò Cạp chỉ còn một phần tử duy nhất, tức là Ông Bò Cạp đang được hân hạnh hầu chuyện với các bạn đây, có mặt trên hiện trường, còn bao nhiêu Bò Cạp anh, chị, em, hoặc chết già hoặc đi xa kiếm sống, hoặc đã đi lập gia đình riêng. Ông Bò Cạp muốn bám trụ ở lại vì yêu mến cái nơi chôn nhau cắt rốn đầy ắp kỷ niệm gia đình. Hơn nữa, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh, rất tiện để tu thân tích đức.

Chắc nghe kể đến đây, có bạn mỉa mai rằng: “Bò Cạp mà tu quái gì! Tu hú thì có!”. Ai lại không biết rắn, bò cạp đều là thứ độc dữ cả. Thậm chí, để mắng một con người gian ác, làm hại đồng loại không biết gớm tay, người ta gọi đó là: “Đồ bò cạp”, “Đồ rắn độc”. Lại oan cho Bò Cạp nói riêng, và cho cả dòng họ Bò Cạp nói chung. 

Thứ nhứt, dòng họ Bò Cạp được sáng tạo nên tốt lành chứ không hiểm ác như họ hàng nhà Rắn – cái bọn quả độc mồm độc miệng đã cám dỗ Tổ Tông loài người sa đọa, đã cắn chết không biết bao nhiêu mạng người Ít-ra-en trên hoang địa thời ông Mô-sê. Hắn quỷ quái, độc ác, đến nỗi gặp hắn ở đâu người ta cũng đập chết ngay. Không hiểu tại sao người ta lại đối xử tệ với họ hàng Bò Cạp, khi xếp chúng tôi vào danh sách tội phạm với rắn rết như vậy!


Các bạn đã học Thánh Kinh Cựu Ước, thì phải còn nhớ ngôn sứ I-sai-i-a diễn tả thời thái bình lý tưởng của loài người bằng hình ảnh nào chứ? Đó là hình ảnh mấy cháu nhà trẻ chơi với rắn hổ mang, thật không sao hiểu được ngụ ý của Cụ ngôn sứ. Rắn bao giờ cũng là rắn – nghĩa là độc hiểm. Chơi với rắn còn nguy hơn chơi với lửa. Giá mà Cụ ngôn sứ bỏ tên bọn Rắn đi để thay bằng tên Bò Cạp vào chỗ mô tả ấy có phải đẹp hơn không?

Đó, các bạn thấy, dòng họ Bò Cạp chưa hề làm chuyện gì tai tiếng, có đâu như cái bọn rắn độc kia. Xin bạn đừng kết tội Bò Cạp là Pha-ri-sêu, ưa lên án người khác. Pha-ri-sêu đáng trách ở chỗ cứ tự lừa dối mình, không nhìn thấy khuyết điểm của mình, trong khi lại đi vu khống, khinh bỉ người khác. Còn Bò Cạp chỉ muốn nói sự thật, có sao nói vậy, đúng như lời Chúa dạy: “Có nói có, không nói không”.

Đó là chưa kể những lợi ích do dòng họ Bò Cạp đem lại cho loài người các bạn. Các bạn có biết nọc bò cạp dùng để làm gì không? Để chữa bệnh tê liệt đó các bạn à. Hay hơn nọc rắn, nọc ong rất nhiều, mà giá trị kinh tế lại rất cao. Một gam nọc bò cạp kết tinh trong suốt như viên bi pha lê trị giá hai mươi ngàn đô la Mỹ. Để có một gam nọc—phải gọi là ngọc mới đúng ấy—từ tám đến chín ngàn đồng loại của Bò Cạp phải hy sinh. Các bạn thấy Bò Cạp đâu phải là loài vô ích hoặc như những kẻ xấu miệng cho là loài có hại cho con người. Ngược lại là đằng khác, phải không các bạn?

Còn bản thân Bò Cạp từ nhỏ đến lớn luôn tu tỉnh, quyết không làm gì phương hại đến thanh danh tổ tiên, họ hàng. Các bạn nghĩ là Bò Cạp hay cắn người và loài vật khác, gây đau nhức, khổ sở cho họ ư? Đó là nghĩ oan cho Bò Cạp. Đâu phải Bò Cạp hiếu chiến đến mức gặp ai cũng cắn, cũng châm chích? Đôi càng của Bò Cạp chỉ dùng làm vũ khí tự vệ, chứ không phải để tấn công. Bò Cạp chỉ phản ứng khi bị đánh, bị chà đạp. Có điều Bò Cạp không đủ thời gian và trí tuệ để phán đoán xem trường hợp nào đối phương vô tình hay hữu ý khiêu khích mình, thành thử phải áp dụng nguyên tắc: “Châm lầm hơn là bị dẫm nát.” Các bạn thông cảm!

Trên thế giới loài người các bạn ra sao không biết, chứ trong thế giới loài vật, hễ chậm chạp, hiền lành, nhường nhịn là bị mắng chửi, bị lấn hiếp, bị tiêu diệt, nên bắt buộc Bò Cạp phải phản ứng nhanh, giáng trả kẻ thù một cách đích đáng trước khi nó hại mình. Vả lại, đó là bản năng sinh tồn Thiên Chúa ban cho mọi loại mà, phải không các bạn? 

Nhưng ở đời luôn có trường hợp ngoại lệ, và đối với họ hàng Bò Cạp, thì ngoại lệ ấy chính là bản thân Bò Cạp đang tâm sự cùng các bạn đây. 

Thú thật, trong đời mình, Bò Cạp chưa từng châm chích ai cả. Túi nọc của Bò Cạp còn đầy nguyên. Không biết kết tinh lại có được đến một phần ngàn nào của một gam chưa. Nếu được, Bò Cạp xin tặng cho bệnh viện Nhi Đồng, để chữa trị cho các cháu bé bị sốt tê liệt, hoặc bán lấy tiền giúp cho đồng bào nghèo dịp Lễ Giáng Sinh này.

Ấy chết! Có bạn đang nhắc Bò Cạp là đừng đi quá xa, hãy vào ngay đề tài chính. Thì Bò Cạp đang vào đề đấy thôi! Cái gì cũng có đầu, có đuôi mới dễ hiểu chứ! Đi xem phim hai tập mà chỉ xem tập hai thì đâu hiểu ất giáp gì? 

Đó, chính vì Bò Cạp tu thân tích đức, âm thầm ẩn mình trong cái hang dưới nền chuồng chiên bò Bê-lem mới được diễm phúc chứng kiến biến cố chấn động cả trời đất đấy chứ.

Bò Cạp còn nhớ như in. 

Tối hôm ấy, theo thông lệ, sau khi đã đi dạo xung quanh hang đá, Bò Cạp chuẩn bị chui xuống hang ngủ. Lúc ấy, chị Bò và gia đình cậu Dê Xồm đã vào chuồng, sắp sửa say giấc thì bỗng có ba người khách lạ xuất hiện. Đúng ra, tất cả là bốn: một người đàn ông, một người đàn bà đang có mang sắp sinh, và một anh Lừa, phương tiện di chuyển của họ. 

Nghe động, cả chuồng thức giấc và dóng tai, giương mắt ngơ ngác, lo lắng, sợ sệt, hồi hộp. Đó là tâm trạng chung của đám thường trú trong hang. 

Chị Bò Sữa thính hơi hơn cả chó săn bẹc-giê đã lên tiếng trấn an cả bọn bằng tiếng bòooo ấm áp của chị. Chị mà đi giọng basso trong ca đoàn thì hết ý. Có nghĩa là: “Ồ! Không sao, đừng lo!” Quả vậy, chị đã ngửi thấy hơi của anh Lừa, người anh em họ xa mấy đời của chị. 

Tiếp đến là những tiếng cười giòn giã của cha con cậu Dê Xồm: “beee”, như vui vẻ chào mừng khách mới đến.

Khách mới đến là những người lương thiện. Chỉ cần nhìn nét mặt của họ thì đủ đoán ra ngay. Họ bước vào hang đá nhẹ nhàng, không một tiếng cười nói ồn ào, như sợ làm phiền những người chủ đang nghỉ ngơi. Người khách lên tiếng đầu tiên để đáp lại những lời chào mừng của chủ đó là anh Lừa. Tiếng của anh không ấm bằng tiếng của chị Bò Sữa, nhưng được cái giọng chất phác, chân quê. Vậy mà có người chê tính thành thật đến ngây ngô của anh, lấy tên anh để gọi những ai bị coi là kém thông minh hoặc cố chấp là “đồ con lừa.”

Người đàn ông nhận ra những chủ nhà vẫn còn thức. Ông mỉm cười, nụ cười đôn hậu làm tăng thêm vẻ hiền từ của khuôn mặt vốn đã hiền lành của ông. Nhưng, đẹp nhất là nét mặt và nụ cười của người phụ nữ, người mẹ tương lai, một người đàn bà còn rất trẻ. Dù trong hang đá không có lấy một ngọn đèn leo lét, nhưng gương mặt của Bà rạng rỡ như hào quang, chứng tỏ Bà đang hạnh phúc. Trong tâm hồn, trong lòng Bà chắc chắn đang chứa đựng một niềm vui mừng lớn lao. Vì khi người ta vui, nét mặt rạng rỡ. Trái lại, gương mặt tối sầm khi có chuyện buồn phiền hoặc tức giận, hận thù.

Việc đầu tiên của người đàn ông là lo đỡ người phụ nữ—chắc là vợ của ông, vì nhìn thấy họ rất âu yếm, tôn trọng nhau—đặt Bà nằm nghỉ trên đống cỏ khô. Họ trao đổi thầm thì với nhau vài ba câu. Hình như người phụ nữ kêu mệt, nên người đàn ông, tức chồng của Bà, luôn động viên an ủi, đồng thời dùng một mảnh khăn trùm đầu làm quạt, đưa thêm dưỡng khí cho Bà dễ thở.

Trong hang, tất cả đều im lặng, im lặng đến nghe được tiếng thở mệt nhọc của người phụ nữ. Nhìn nét mặt của người chồng lo lắng, nhưng phảng phất một chút tự hào, có thể đoán như vợ ông sắp sinh. Ông lúng túng không biết xoay sở ra sao, vì đây là lần đầu tiên Ông chạm trán với sự cố đặc biệt này. Nhưng như thế có nghĩa là Ông sắp được làm bố, mà làm bố oai lắm chứ bộ. Ông như mơ hồ nghe trước được tiếng gọi trong trẻo, ngây thơ của con: “Bố ơi, bố!” Bất giác, Ông mỉm cười. Niềm vui sướng khích lệ Ông dằn bớt nỗi lo âu. Ông dịu dàng cởi tấm áo choàng của mình đắp cho vợ, tay vẫn không ngớt quạt và miệng nói những lời âu yếm với Bà. Người phụ nữ nhìn ông với ánh mắt trìu mến hơn và cố gắng mỉm cười âu yếm với Ông. 

Tất cả các con vật đứng im, đưa mắt theo dõi mọi việc đang xảy ra. Cả Bò Cạp cũng thế. Tuy không biết nói, nhưng đôi mắt tinh tường của Bò Cạp không bỏ sót một chi tiết nào cả. Cũng như các bạn đồng loại khác, Bò Cạp linh cảm có một cái gì đó thật phi thường sắp xảy ra. Tất cả im lặng chờ đợi...

Người đàn bà lúc này như chìm vào một cuộc trầm tưởng, đúng hơn phải nói là Bà đang cầu nguyện. Ánh mắt như hướng về trời cao, về một Đấng vô hình để gởi gắm tất cả lòng yêu mến tin cậy. Người đàn ông cũng vậy, Ông chắp tay quỳ cạnh vợ, chia sẻ từng hơi thở nặng nhọc, từng tiếng rên khe khẽ, và nhất là lời nguyện cầu tha thiết của Bà.

Bỗng nhiên bầu trời có gió thổi mạnh, với những tia chớp vô hình nào đó, và đất rung chuyển. Nhưng không phải mưa bão hay động đất, vì thời tiết bấy giờ đang là mùa xuân rất đẹp, rất yên tĩnh. Nhưng rõ ràng tiếng ồn ào, xôn xao cứ tiếp tục tăng dần, lớn dần thêm. Ta có cảm tưởng như toàn thể vũ trụ rung chuyển, trăn trở để sắp phát sinh một cái gì thật vĩ đại. Đám thú có mặt trong hang đá lúc đó cảm thấy hơi hoảng hốt, nhưng không phải sợ hãi mà như tâm trạng của những thần dân đứng trước mặt Vua quan, như người lính đứng trước mặt vị tướng chỉ huy. Tất cả im lặng nhưng tràn trề hy vọng và bình an chờ đợi...

Và thật bất ngờ, một luồng ánh sáng thật mạnh, nhưng không làm chói chang xốn mắt, từ trên không trung rọi thẳng vào hang đá. Rồi hàng hàng lớp lớp những bóng người mặc đồ trắng chen nhau ập vào hang đá, trên tay cầm đủ loại nhạc khí: guitar, trumpet, sáo, trống, chũm chọe. Họ ca hát vang lừng, hát thật to, hát hết hơi hết mình, nhưng nghe thật êm tai, dễ chịu chứ không đinh tai nhức óc như ve kêu mùa hè, hoặc nỉ non ai oán như tiếng dế mèn hay vạc sành ban đêm.

Rồi không biết từ lúc nào, trên đôi tay êm ái của người phụ nữ đã xuất hiện một em bé trai kháu khỉnh, quấn kín trong tấm khăn. Em đang thiêm thiếp giấc nồng. 

Bài ca của đoàn nhạc sĩ áo trắng bỗng chuyển thành bài hát ru cho em bé ngủ ngon. 

Không ai bảo ai, tất cả các con vật đang có mặt đều bước lại gần, thật gần bên em bé. Trông em thật dễ thương. Dù em đang ngủ, nhưng nét mặt rạng rỡ như óng ánh hào quang, và những lọn tóc vàng hoe của em giống như những tia nắng bình minh rực rỡ.

Bà mẹ âu yếm ôm con vào lòng, cố gắng truyền hơi ấm cho con. Nhưng càng về khuya, gió càng lùa thêm lạnh vào hang, vì hang chẳng có cửa nẻo chi cả. Gió cứ mặc tình chạy giỡn từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Người Bố nhận thấy điều đó, nhưng Ông không biết làm sao để che chặn bớt gió, để sưởi ấm cho mọi người, nhất là cho em bé. 

Tội nghiệp em bé còn non nớt, làm sao chịu được gió lạnh! Kìa! Làn da hồng hào của em đang chuyển dần sang màu trắng như cẩm thạch và hơi tái xanh. Em bắt đầu trở mình, rên khe khẽ, chắc em lạnh lắm, nhưng em không la khóc. Ôi! Thật là một em bé dũng cảm!

Bà mẹ chỉ còn biết ôm con chặt hơn, như muốn dồn hết hơi ấm của trái tim mình cho con, dù bản thân Bà cũng bắt đầu run lên vì lạnh. Ông Bố lúng túng thật sự. Ông đưa mắt nhìn chung quanh như muốn nghĩ ra cách nào đó làm cho con mình hết lạnh. Nhưng chẳng có cách nào ngoài cách duy nhứt là đem chính thân mình của Ông để chắn bớt luồng gió tinh nghịch, vô tình, lạnh lùng. Và hình như ánh mắt của Ông nhìn tất cả các con vật như muốn tìm một chút cảm thông, san sẻ nỗi khổ tâm của một ông bố nghèo thương con chịu lạnh, chịu khổ, mà chẳng có cách nào lo cho con. Hình như tình thế phải bó tay một cách vô lý, tức tưởi như vậy khiến Ông bực dọc, không ngớt xoa đôi bàn tay to lớn, chai sạn, khỏe mạnh của một công nhân chuyên cần lao động, nhưng vẫn cứ túng thiếu mãi. 

Những con vật có mặt trong hang đá hiểu hết, cảm thông hết nỗi lòng của hai vị Cha Mẹ trẻ tốt bụng nhưng nghèo túng kia. 

Và chị Bò Sữa là người đầu tiên nghĩ ra được cách giúp đỡ cho em bé. Chị bắt đầu hà hơi—dịu dàng thôi—lên người em bé, nhưng có ý tránh không thở vào mặt em, vì chị ngại hơi thở của mình không được tinh khiết lắm. À! Thì ra chị muốn làm một cái máy sưởi bi-ô-ga. Quả thực, chị Bò có hơi rất ấm. Chị Bò Sữa thật thông minh, đầy kiến thức thực tế. Vậy mà loài người bất công, xấu miệng cứ đưa chị ra bêu riếu, coi chị là biểu tượng của tính đần độn, ngu xuẩn. 

Sáng kiến của chị Bò lập tức được tập thể các con vật hưởng ứng phát huy.

Anh Lừa cũng há mồm đóng góp làn hơi ấm áp của mình cho Hài Nhi. Bố con cậu Dê Xồm nghĩ ra một sáng kiến độc đáo: mấy bố con nằm sát, thật sát chung quanh Hài Nhi, và những bộ lông mềm mại, trắng muốt của họ trở thành một tấm nệm êm ái và một tấm chăn ấm cúng che chở cho Hài Nhi bớt lạnh.

Quả đúng như người ta nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những đóng góp của tất cả các con vật có một kết quả thật tốt. Làn khí trong hang đá bây giờ trở nên ấm cúng hơn. Chẳng những ấm nhờ có hơi thở của các con vật, nhờ bộ lông của gia đình Dê, hay nhờ tấm khăn trùm đầu của bà Mẹ và chiếc áo choàng của ông Bố, nhưng nhứt là nhờ hơi thở ấm nồng nàn của những con tim: con tim bao la tình mẫu tử của bà Mẹ, con tim chân thành trìu mến của ông Bố, con tim nhỏ bé đơn sơ của các con vật có mặt chung quanh nữa. Tất cả cùng chung góp lại thành một hơi ấm đặc biệt, thành một ngọn lửa xua tan gió lạnh và đẩy lùi màn đêm tối tăm.

Ô kìa! Làn da mỏng manh của Hài Nhi đã trở lại màu hồng. Gương mặt của em cũng rạng sáng như lúc đầu. Rồi bỗng em nhoẻn miệng cười thật dễ thương. Hình như em đang mơ được Mẹ ẵm đi chơi giữa vườn hoa có nhiều chim hót, bướm bay lượn. Và ánh nắng dìu dịu dát vàng trên những lọn tóc hoe của em, khiến người ta không biết là ánh nắng xuất phát từ mặt trời hay là từ những lọn tóc óng ánh của em. Nhìn thấy con ngủ an lành như vậy, chẳng bố mẹ nào lại không cảm thấy hạnh phúc. Bà Mẹ và ông Bố nhìn Hài Nhi rồi nhìn nhau trìu mến. Rồi cả hai người nhìn các con vật với ánh mắt hài lòng như thầm bảo: “Tốt lắm các bạn. Cảm ơn các bạn đã sưởi ấm cho con của chúng tôi!”.

Như hiểu được tâm tình đó, tất cả các con vật đều sung sướng phấn khởi. Thật ra, chỉ cần nhìn thấy Hài Nhi mỉm cười trong giấc ngủ là chúng mãn nguyện, vì biết những cố gắng của mình có kết quả tốt. Đó là nghĩa vụ mà, nghĩa vụ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Đó là chưa nói nghĩa vụ chúng phải phục vụ con người, vì con người thay mặt Thiên Chúa quản lý muôn loài muôn vật có mặt trên trần gian này. Nhưng niềm hạnh phúc tràn trề của ông Bố và bà Mẹ càng làm chúng cảm thấy vui hơn.

Nãy giờ không ai nhắc đến Bò Cạp, vì Bò Cạp quá nhỏ bé, lại không nói năng gì được để tham gia ý kiến cùng các bạn. Nhưng Bò Cạp để ý tất cả, nhìn thấy tất cả, cảm thông tất cả. Chính Bò Cạp cũng trải qua những tình cảm lo âu, ái ngại khi Hài Nhi bị lạnh và sung sướng mãn nguyện khi Hài Nhi được các bạn loài vật sưởi ấm nhờ sáng kiến của chị Bò Sữa nữa và gia đình cậu Dê Xồm. Nhưng Bò Cạp vẫn chưa được vinh dự đóng góp gì cho Hài Nhi cả. Làm sao Bò Cạp sưởi ấm được, vì Bò Cạp không biết thở bằng phổi mà chỉ thở bằng khí khổng, một thứ phổi tí hon, rất yếu ớt. Hơn nữa, Bò Cạp không sống bằng máu, nên cũng chẳng có quá trình đốt cháy khí ô-xy để thải ra nhiệt thì làm sao mà cung cấp hơi ấm cho Hài Nhi, dù Bò Cạp rất muốn như vậy. Rồi thân mình của Bò Cạp không có lông tơ, trái lại còn mang bộ giáp sắt như các hiệp sĩ thời Trung Cổ, cứng ngắc, lạnh lùng, làm sao lót cho Hài Nhi nằm được. Thật là “lực bất tòng tâm”! Bò Cạp buồn lắm, suy nghĩ nát óc mà chưa tìm ra cách đóng góp. 

Bỗng một ý tưởng lóe lên trong đầu Bò Cạp, như Ông Ác-si-met tìm ra định luật sức đẩy của nước đang lúc tắm trong bể bơi, hoặc như Ông Niu-tân phát hiện ra sức hút của trái đất lúc nhìn thấy quả táo rơi. Bò Cạp muốn hét lên: “Êu-ri-ca! Tìm ra rồi!” Nhưng Bò Cạp không có tiếng nói, bởi đó Bò Cạp chỉ còn một cách là trình bày sáng kiến của mình bằng hành động cụ thể. Nghĩ là làm. Bò Cạp chui lên khỏi hang, leo lên đống cỏ khô, nơi Hài Nhi đang nằm. Vừa lúc đó, bà Mẹ đã đặt con lên đống cỏ có trải khăn. Không phải tại Bà mỏi tay, Bà muốn con được nằm trong tư thế tự nhiên, máu tuần hoàn dễ dàng hơn. Bò Cạp đã bò gần tới cạnh Hài Nhi, còn chút xíu nữa là đụng đến bàn tay mũm mĩm của em đang thò ra khỏi tấm khăn cuốn quanh người. Bò Cạp muốn làm gì, có trời mới biết ý định của nó. Nhưng bà Mẹ đã nhìn thấy Bò Cạp, ông Bố cũng thế. Bà Mẹ giật nảy mình, hốt hoảng đưa hai tay định ôm lấy con để bảo vệ em. Còn ông Bố thì vơ lấy cây gậy dựng bên góc hang để chuẩn bị hất văng Bò Cạp xuống đất, và chắc chắn động tác nhanh như chớp của ông tiếp sau đó là những cú đập như trời giáng lên người Bò Cạp, hoặc chỉ cần một cái giẫm chân thì gót dép gỗ chắc nịch của ông cũng đủ chà nát Bò Cạp ra như cám.

Các con vật hốt hoảng khi nhìn thấy Bò Cạp xuất hiện bất ngờ và đầy nguy hiểm như thế. Chị Bò Sữa hả hốc miệng, quên cả thở hơi. Anh Lừa trợn trắng đôi mắt, toàn thân tê liệt, vì tính anh rất nhạy cảm, hay sợ sâu, bọ, rắn rết, dù bề ngoài trông anh có vẻ lì lợm. Còn bố con của Dê Xồm thì khỏi nói, cả nhà họ nhảy dựng cả lên tru tréo: “Ê hê! Nguy ghê! Ê hê!” Hài Nhi bị đe dọa làm hại trong gang tấc!

Lúc ấy, ai ai cũng nắm chắc là Bò Cạp sẽ bị trừng trị đúng lúc và đích đáng. Chắc chắn Bò Cạp sẽ bị tan xác, không vì cây gậy của ông Bố thì cũng vì gót chân mạnh như thần của ông. Ngoài ra, còn có hàng chục đôi sa-bô—tức móng guốc của những con vật—đang sẵn sàng thanh toán Bò Cạp để bảo vệ Hài Nhi. 

Nhưng một biến cố đã xảy ra, lạ lùng như một phép mầu, khiến cho tất cả trở nên tốt đẹp ngoài khả năng tưởng tượng của mọi người. 

Đúng lúc tưởng như mọi việc sẽ xảy ra như ai nấy vẫn nghĩ, thì bỗng Hài Nhi hé mở đôi mắt. 

Đôi mắt dịu hiền, đẹp như hai vì sao, hai hạt ngọc. 

Đôi mắt chứa chan tình thương và an lành.

Đôi mắt ấy nhìn bà Mẹ như muốn trấn an: “Đừng sợ mẹ ơi!” Và nhìn ông Bố như muốn nói: “Không sao đâu, thưa Bố! Xin ‘vững chí trượng phu.’” Rồi hướng đến các con vật chung quanh như muốn bảo: “Cứ để cho bạn ấy làm việc của mình các bạn à!” 

Ôi! Đôi mắt dịu hiền của Hài Nhi như có một sức mạnh phi thường. Ý muốn của Em truyền qua ánh mắt tuyệt đẹp ấy, được tất cả chấp hành nghiêm chỉnh. Bà mẹ thôi không bế con lên, vì Bà tin tưởng vào con hoàn toàn. Ông Bố dừng tay, không hất văng Bò Cạp xuống đất để trừng trị nó, vì Ông tin con mình sẽ có cách giải quyết. Còn các con vật thấy vậy cũng an tâm. Chị Bò Sữa trở lại bình tĩnh, hơi thở điều hòa, tiếp tục phả hơi ấm cho Hài Nhi. Anh Lừa cũng hoàn hồn, chớp chớp đôi mắt to như ốc nhồi chờ đợi. Bố con cậu Dê Xồm thôi không chạy quanh và nhảy dựng lên vì sợ hãi nữa, những tiếng kêu biến thành tiếng cười: “Ê hê!”. 

Thế là Bò Cạp qua một cơn hú vía. Bò Cạp cũng biết tình huống nguy hiểm vừa qua chứ. Nó cũng tưởng đâu sẽ toi mạng vì cây gậy của ông Bố. Nhưng nó muốn kêu cứu mà không ra tiếng, chỉ còn đôi mắt ti hí của nó cố vươn to hết cỡ, nhìn mọi người để nói: “Không! Tôi không muốn làm hại Hài Nhi! Tôi là Bò Cạp tu mà! Tôi chưa từng cắn ai cả! Đừng giết tôi! Tôi chỉ có ý làm điều tốt cho Hài Nhi thôi! Tôi thề đấy, các bạn!”

Chẳng biết ông Bố, bà Mẹ có hiểu ý Bò Cạp không? Chẳng biết các bạn đồng loại có hiểu điều Bò Cạp muốn nói không? Chắc không ai hiểu hết, vì họ đang chuẩn bị trừng trị Bò Cạp kia. 

Nhưng rất may mắn, còn có một người hiểu được, thấu suốt được cõi lòng Bò Cạp, không xua đuổi, hất hủi Bò Cạp, dù Bò Cạp xấu xí, dễ sợ như thế. Người đó chính là Hài Nhi. Hài Nhi bé nhỏ nhưng thông minh vô cùng. Hài Nhi đã nhìn thấy Bò Cạp, có thể là thấy trước cả Bố, Mẹ, trước tất cả mọi người, và hiểu được Bò Cạp muốn làm gì.

Bò Cạp vô cùng sung sướng vì được cảm thông, được hiểu biết, được đón nhận như thế. Nó định huơ hai chiếc càng lên cao để tỏ vẻ vui mừng, để cảm ơn Hài Nhi, cảm ơn tất cả. 

Ngay lúc đó, Hài Nhi đưa tay ra, bàn tay bé bỏng, mũm mĩm như tay búp bê, cầm lấy người Bò Cạp, đưa lên gần mặt để nhìn vào mắt của Bò Cạp, cặp mắt ti hí như hai hạt mè đen. 

Bò Cạp cũng nhìn thẳng vào đôi mắt tuyệt đẹp của Hài Nhi, đôi mắt mênh mông như đại dương, trìu mến khó tả. Nhìn được ánh mắt huyền diệu ấy, Bò Cạp bỗng thấy mình như lột xác, hóa thân thành một cánh bướm, hay chú chim bồ câu trắng trong tay Hài Nhi, chứ không còn là một con Bò Cạp gớm ghiếc nữa. 

Vậy là Bò Cạp đã đạt được ý nguyện, hiến tặng thân mình làm một món đồ chơi cho Hài Nhi đỡ buồn, vì chắc là Bố Mẹ Hài Nhi nghèo, làm gì có tiền để sắm đồ chơi cho con, dù Ông Bà rất yêu con. 

Và lạ lùng thay, Hài Nhi hiểu được và chấp nhận nguyện ước chính đáng, chân thành và tốt đẹp ấy. Hài Nhi nhìn Bò Cạp như muốn nói: “Tốt lắm bạn ạ! Lòng thành quý hơn mọi lễ vật đắt giá. Món quà bé nhỏ của bạn rất quý, vì bạn đã trao tặng tất cả con người bạn!”.

Rồi thật bất ngờ, Hài Nhi đưa Bò Cạp lên môi hôn âu yếm, như để ban phúc cho nó. Bò Cạp cảm thấy sung sướng vô cùng, nó cảm thấy mình thật sự là cánh bướm sặc sỡ, là chú chim câu trắng dịu hiền trong tay của Hài Nhi yêu thương, bình an.

Từ hôm ấy, Bò Cạp luôn có mặt bên cạnh Hài Nhi. Hài Nhi rất thích món đồ chơi đặc biệt ấy. Bò Cạp biết làm đủ trò: nhào lộn, trồng chuối, đi bằng hai càng, khiêu vũ theo các điệu nhạc. Từ Valse êm dịu, thanh nhã đến Disco cuồng nhiệt, trẻ trung, làm vui nhộn cả hang đá. Đảm bảo chẳng có món đồ chơi nào hấp dẫn bằng món đồ chơi thứ thiệt này, kể cả các loại đồ chơi điện tử hiện đại, và Hài Nhi là em bé duy nhất trên trần gian này có trong tay món đồ chơi ấy, hơn cả đám con nhà giàu, hơn tất cả các hoàng tử, công chúa từ xưa đến nay. Bởi vậy, chẳng có chi lạ, nếu sau này, dù ba vị Đạo Sĩ Phương Đông có đến thăm Hài Nhi và tặng cho em vô số quà, vàng bạc, hương trầm, thuốc ướp, quần áo, đồ chơi đủ thứ, toàn loại xịn mắc tiền, nhưng Hài Nhi cũng chẳng thích bằng chơi với Bò Cạp. 

Bà Mẹ nhìn thấy cảnh tượng đầy ý nghĩa đó, Bà chợt nhớ tới hình ảnh được ông cụ Ngôn sứ I-sa-i-a mô tả xưa kia, về thời thái bình, khi Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Cứu Thế, sinh ra: trẻ con chơi với rắn lục, cháu bé thọc tay vào hang hổ mang. Bà tự hỏi: “Phải chăng cái thời tốt đẹp con người trông đợi đã đến đây rồi?” Bất giác Bà xúc động, chắp tay, ngước mắt lên trời, hát một bài Thánh ca chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa: “Linh hồn tôi tung hô Chúa!”

Bò Cạp còn được diễm phúc ở bên Hài Nhi rất lâu, rất lâu, rất nhiều năm không rời Em một phút, kể cả những lúc gia đình em phải chạy lánh nạn thật xa, đến một nơi thật lạ, Bò Cạp chưa từng đến bao giờ. Nghe nói...đâu như là nước Ai-cập, lãnh thổ của các vị Pha-ra-ô hung dữ, giống như bạo chúa Hê-rốt vậy. Rồi những lần lên Đền Thờ đi lễ với Bố Mẹ, Hài Nhi đều đem theo Bò Cạp trong túi áo. May là Bố Mẹ chẳng hay biết, nếu không, chắc Hài Nhi phải “ăn” bánh tét nhưn mây, còn Bò Cạp thì cũng khó thọ được. Bởi vì trong nhà thờ, người lớn rất nghiêm khắc, họ không chấp nhận cho trẻ em vui cười, chơi giỡn, sợ làm mất lòng Thiên Chúa. Đứa nào nghịch ngợm hoặc quậy phá sẽ bị các ông bà Quản, các anh chị trật tự viên la rầy, sửa phạt, hoặc có thể không được cho vô nhà thờ dự lễ nữa.

Nhưng, hình như Hài Nhi lại có suy nghĩ khác, Em cho rằng Thiên Chúa rất yêu các em bé. Vì các em trong trắng, không biết gian dối như người lớn, nên cứ để các em đến với Thiên Chúa một cách hồn nhiên. Thậm chí, Em còn nói là ai muốn được vào nước trời, phải cố gắng sống đơn sơ như các thiếu nhi.

Có một lần, theo Bố Mẹ đi lễ xong, Hài Nhi lẻn vào phòng họp của các cụ Tư Tế, Luật Sĩ. Các cụ đang nghiên cứu Thánh Kinh và đang gặp một đoạn khó hiểu. Thế là các cụ tranh luận, cãi vã to tiếng. Hài Nhi tò mò vào coi xem chuyện gì xảy ra. Một cụ trông thấy định đuổi Hài Nhi ra, nhưng một cụ khác, vẻ mặt hiền từ như ông tiên, lại gọi Hài Nhi tới, ôm Hài Nhi vào lòng và bảo các cụ cứ để cho em được tham dự cuộc chia sẻ lời Chúa, như ngày xưa các bậc tiền bối nhờ hỏi ý kiến em bé Daniel mà xử án thành công vụ bà Xu-xa-na bị vu khống phạm tội ngoại tình. Lần ấy, người ta xuýt giết oan một thiếu phụ vô tội. May mà nhờ có em bé Đa-ni-en, họ mới phát hiện tội lỗi của hai lão già gian ác đã mưu hại bà, vì lòng ghen ghét.

Lời nói của ông cụ có lý, hơn nữa, hình như Ông là thủ lãnh, nên mọi người đã nghe theo, để cho Hài Nhi được dự cuộc họp. Đoạn Thánh Kinh khó hiểu đang trở thành một vật cản lù lù khó vượt qua, khiến cho tất cả bị khựng lại. Các cụ bóp trán, vò đầu, bứt râu mãi vẫn chưa hiểu nổi ý nghĩa của các câu văn hóc búa. Chợt ông cụ lúc nãy đã cho phép Hài Nhi vào phòng, cầm tay em và nói: “Cháu hãy ngồi lên ghế chủ tọa, xin Thiên Chúa chí thiện chí thánh, Đấng yêu thương tấm lòng chân thành, trong trắng của các thiếu nhi, hãy dùng miệng thanh sạch của cháu mà phán dạy chúng tôi ý nghĩa Lời Người”.

Các cụ chăm chú nhìn Hài Nhi chờ đợi. Và, thật lạ lùng, như được ơn trên hướng dẫn, Hài Nhi bắt đầu nói rành mạch, rõ ràng, nghiêm nghị như một ông thầy nhỏ giải thích đoạn Lời Chúa. Thái độ của Hài Nhi rất đàng hoàng, không có gì là rụt rè, sợ hãi, dường như đã tập dợt, đóng vai ấy lâu rồi. Và quả thật, Hài Nhi đã diễn thật đạt. Lúc em dứt lời, các cụ không ai bảo ai cùng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Cụ già đã mời Hài Nhi nói gật gù, mỉm cười, vuốt chùm râu bạc, tỏ dấu đắc chí và không ngớt vỗ vai em mà khen: “Giỏi quá! Con nhà ai mà thông minh tuyệt vời! Xin Thiên Chúa chúc phúc cho cháu và cho Cha, Mẹ cháu. Nếu sau này cháu được học ở trường Ráp-bi thì chắc chắn sẽ đỗ đạt, làm chức cao trong Hội Đường của chúng ta”.

Sau đó, các cụ còn giữ Hài Nhi lại mấy ngày liền để tiếp tục thỉnh ý Em về nhiều vấn đề. Không có vấn đề nào mà Hài Nhi không giải đáp trôi chảy, khiến các cụ rất hài lòng và thán phục. Nhưng cũng trong thời gian ấy, Bố Mẹ Hài Nhi tưởng con đi lạc, hoặc bị mẹ mìn bắt cóc bán cho bọn buôn trẻ con, nên tất tả đi tìm. Khi gặp Hài Nhi, vừa mừng, vừa lo, vừa giận, vừa thương, hai Ông Bà có trách em đã gây nên nỗi buồn phiền cho Bố Mẹ, nhưng chỉ bằng những lời thật nhẹ nhàng. Vậy mà cứ tưởng là Hài Nhi ốm đòn rồi chứ. Hay thật! Cha, Mẹ của Hài Nhi là những bậc phụ huynh thương con nhưng không nuông chiều con đến mức biến con trở thành hư hỏng. 

Một kỷ niệm không bao giờ Bò Cạp có thể quên được, đó là lần Bò Cạp cắn vào dái tai một tên thiếu nhi lưu manh ở làng Na-gia-rét, khi tên này định hành hung Hài Nhi. Chiều hôm ấy, tất cả bọn trẻ con trong làng kéo đến sân Hội Đường đùa giỡn với nhau. Cả bọn chơi trò đánh trận, một bên giả làm quân cách mạng Ma-ca-bê, còn một bên giả làm quân xâm lược Hy-lạp. Theo luật chơi, ai bị đánh trúng vào mình trước thì “tử”, nghĩa là bị loại khỏi vòng chiến. Hài Nhi cũng tham gia cuộc chơi rất nhiệt tình. Phe quân Hy-lạp do tay Trâu Bứu cầm đầu, còn phe cách mạng thì bọn trẻ bầu Hài Nhi làm thủ lãnh, vì các bạn đều mến tính hiền lành, thông minh và dũng cảm của Hài Nhi.

Cuộc chơi diễn ra sôi nổi. Hai phe sáp lá cà, đánh, đấm, vật nhau ì xèo. Bên quân Hy-lạp tuy hung hăng, nhưng bị quân cách mạng tỉa dần bằng lối đánh thông minh, có hợp đồng ăn khớp với nhau, và có sự chỉ huy nhanh nhẹn, quả cảm của thủ lãnh Hài Nhi. Quân số của Hy-lạp hao hụt quá nửa, trong khi bên cách mạng chỉ bị thiệt hại nhẹ. Cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phe cách mạng. Người ta có thể đoán phần thắng sẽ thuộc về bên nào. Tay Trâu Bứu nhận thấy tình hình bất lợi cho phe mình, nên bắt đầu chơi xấu. Nhiều lần bị đánh trúng, nó vẫn cứ tỉnh bơ, không chịu “tử”, cứ tiếp tục chiến đấu. Hơn nữa, theo luật chơi, các chiến sĩ chỉ được đánh nhau nhẹ tay, phát vào vai, hoặc vào đùi nhau, cấm không được đánh vào các chỗ hiểm, và nhứt là không được chơi cộc—vì là đánh trận giả mà—thì Trâu Bứu lại đánh, đá búa xua, thẳng tay đấm vào mặt, vào mũi đối phương, khiến nhiều bạn bị sưng đầu, chảy máu mũi. 

Thấy vậy, thủ lãnh bên cách mạng liền ra lệnh ngưng chiến đấu, để phản đối bên Hy-lạp chơi xấu. Trâu Bứu đang hăng máu, xông tới sinh sự và định dùng nắm tay thoi vào mặt Hài Nhi. Lúc đó, Bò Cạp đang nằm trong túi áo của Hài Nhi, vì không bao giờ Em rời nó: đi đâu, làm gì, ở nhà, nơi nào, kể cả khi ngủ, Hài Nhi cũng đem Bò Cạp theo với mình. Bò Cạp theo dõi hết mọi hành động láu cá của Trâu Bứu và nhìn thấy nắm đấm của hắn đang phóng tới mặt Hài Nhi. Bò Cạp quyết định can thiệp để cứu Hài Nhi. Nó trườn nhanh lên miệng túi áo và, như một tia chớp, nó lấy đà, dồn hết sức lực lên chiếc đuôi, búng mạnh một cái, nhảy bay vào mặt Trâu Bứu. Tên này đang đứng rất gần Hài Nhi, nên Bò Cạp dư sức chụp trúng dái tai bên phải của hắn. Cặp càng nhà nghề của Bò Cạp hoạt động tức khắc, bấm một phát đích đáng vào tai tên lưu manh. Trâu Bứu hét lên một tiếng kinh hoàng, hai tay ôm lấy tai, nhưng rồi lại hốt hoảng buông ra, vì chạm phải thân mình cứng, lạnh như một thỏi thép của Bò Cạp. Trâu Bứu vừa la vừa khóc, kêu Bố Mẹ inh ỏi, vừa nhảy dựng lên như bị điện giật.

Cả bọn trẻ đều dừng chơi, bu lại xem cảnh tượng vừa thương hại, vừa mắc cười. Tai của Trâu Bứu lủng lẳng một con Bò Cạp đen tuyền giống như đeo bông tai mô-đen, khiến ai ưa món phô-mai Pháp chợt liên tưởng đến hình cái đầu Chị bò in ngoài nắp hộp. Chỉ khác là Chị bò thì cười, còn Trâu Bứu lại khóc. Ai cũng thương hại cho Trâu Bứu, vì lúc này cái vẻ lưu manh, hùng hổ của hắn biến đâu mất, để chỉ còn là một đứa trẻ với bộ mặt méo xệch thảm hại và giàn giụa nước mắt. Nhưng chẳng ai dám cứu bồ hắn, vì ai cũng ngán con Bò Cạp dễ sợ kia. Lúc đó, chính Hài Nhi bước tới, đưa tay cầm lấy con Bò Cạp và gỡ ra khỏi tai tên Trâu Bứu. Hài Nhi vừa bỏ Bò Cạp vào túi áo vừa nhẹ nhàng trách: “Sao bạn làm như vậy? Không được động thủ, không nên trả thù. Trả thù xấu lắm, phải tha thứ mới tốt.”

Lời trách làm Bò Cạp chưng hửng, đáng lẽ phải biểu dương chiến công của Bò Cạp, chứ sao lại khiển trách? Thật khó hiểu! Nhưng không sao, mọi việc Bò Cạp làm cũng chỉ muốn cho Hài Nhi vui lòng thôi. Nếu Hài Nhi không thích, Bò Cạp sẵn sàng chiều theo ý của Em, thế thôi. Bò Cạp tuyệt đối vâng theo ý muốn của Hài Nhi mà!

Sau đó, Hài Nhi đến bên Trâu Bứu, lấy nước bọt xoa chỗ vết cắn trên dái tai của hắn và dỗ hắn nín khóc. May cho hắn, Bò Cạp chỉ chích bằng càng không thôi, chứ chưa tiêm nọc độc vào tai hắn, vì nọc của Bò Cạp chứa ở đuôi cơ, nếu không hắn còn biết được thế nào là “đau nhức như bò cạp cắn”. Trâu Bứu tỏ ra ân hận, hắn xin lỗi Hài Nhi và các bạn vì đã chơi xấu, và hứa sẽ chừa không làm thế nữa. Sau đó đám trẻ làm hòa với nhau và vui vẻ chia tay ai về nhà nấy, vì trời đã sụp tối, cha mẹ chúng đang chờ ở nhà để cùng ăn cơm chiều. Tối hôm đó, mỗi gia đình có trẻ em ở làng Na-gia-rét đều được nghe kể lại chiến công của Bò Cạp, nhưng nhất là về thái độ nhân từ của Hài Nhi đối với tay Trâu Bứu.

Nhưng rồi đến lúc Bò Cạp phải chia tay với Hài Nhi. Đó là khi Hài Nhi không còn là một em bé nữa, mà đã trở thành một thanh niên, đúng hơn, một nông dân khỏe mạnh, cường tráng. Công việc làm ăn phụ giúp gia đình và bao nhiêu bận tâm khác, nhất là sinh hoạt đạo giáo, đã cuốn hút cuộc đời người thanh niên nhiệt huyết phục vụ quê hương đồng bào, đâu còn thời gian nghịch ngợm, vui đùa của tuổi thiếu nhi xưa kia nữa.

Lúc đầu, Bò Cạp được thả chơi trên một cái cột nhà của gia đình anh thanh niên. Nhưng anh đi vắng luôn, rất ít khi ở nhà. Bởi đó, trong một lần về thăm nhà, vào đúng dịp ông Bố qua đời, anh thanh niên đã phóng thích Bò Cạp, đem thả Bò Cạp vào một vùng hoang địa. Nơi đó, Bò Cạp gặp lại nhiều anh em, bạn bè đã xa cách bấy lâu. 

Đó là chút kỷ niệm quý báu của Bò Cạp, xin kể lại cho các bạn nghe để chứng minh điều Bò Cạp đã nói ở đầu bài. Con người đã đối xử bất công với Bò Cạp, khi vô tình hay cố ý quên không cho Bò Cạp có mặt trong khung cảnh hang đá máng cỏ. Bò Cạp rất buồn, rất tủi thân và nghĩ rằng: đáng lẽ mình phải xứng đáng được nhớ tới hơn cả các con vật khác trong hang đá mới đúng. Bởi vì rõ ràng là Bò Cạp đóng góp nhiều hơn cho Hài Nhi và được Hài Nhi yêu thương hơn các đồng loại khác. Đáng lẽ trong máng cỏ ngày nay, người ta phải làm một tượng Bò Cạp thật đẹp, thật giống và, nếu có thể, một con Bò Cạp điện tử ngo ngoe chân, càng, bò tới bò lui được, chớp mắt được, đặt trên tay Chúa Hài Đồng, hoặc chí ít đặt sát bên cạnh, vừa tầm tay với của Người. Như thế mới đúng với sự tích ngày xưa. Chứ như hiện nay là thiếu sót, là sai lầm nghiêm trọng, vì không có một tượng Bò Cạp nào trong hang đá máng cỏ, trong khi tượng chị Bò Sữa, tượng anh Lừa, tượng bố con anh Dê Xồm, tượng các anh Mục Đồng và ba vị Đạo sĩ đều có đủ cả. Đó không phải là bất công, là phân biệt đối xử hay sao?!

Nhưng dầu sao Bò Cạp còn một niềm an ủi, tuy nhỏ nhưng rất có giá trị đối với bản thân Bò Cạp và tất cả dòng họ Bò Cạp. Đó là, Anh Thanh Niên, tức Hài Nhi năm xưa, vẫn không bao giờ quên người bạn tí hon, dễ mến của mình. Trong thời gian đi làm công tác giảng đạo lý của Trời cho nhân dân, Anh từng nhắc tới Bò Cạp trong một bài giảng. Hôm ấy, Anh giảng về lòng yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương loài người còn nhiều hơn cha mẹ trần gian yêu con cái. Để giúp người nghe dễ hiểu và nhớ lâu điều Anh giảng, Anh thường ưa kể những mẫu chuyện thật hay, thật hồn nhiên, gần gũi với cuộc sống người dân thường. Bữa đó, để minh họa cho bài giảng, đồng thời khích lệ mọi người tin tưởng cầu xin Thiên Chúa như con cái xin cha mẹ giúp đỡ, Anh nói: “Anh em hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ được mở. Nếu anh em là cha mẹ mà có con xin quả trứng, chẳng lẽ lại đưa cho nó con Bò Cạp sao? Vậy, nếu anh em tuy là những kẻ gian tà mà còn biết lấy đồ lành, đồ tốt làm quà cho con, huống chi Cha anh em trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai cầu xin Người”.

Có lẽ khi kể thí dụ này, Anh Thanh Niên liên tưởng đến người bạn Bò Cạp, từng là món đồ chơi yêu thích của Anh thời thơ ấu, và chắc Anh vẫn còn nhớ những kỷ niệm như Bò Cạp đã kể với các bạn bên trên, nhứt là lần Bò Cạp kẹp tai tên Trâu Bứu để cứu bồ anh.


Các bạn thân mến, đó là niềm an ủi quý báu nhứt đời của Bò Cạp. Loài người có thể quên lãng, có thể bỏ rơi những con vật bé nhỏ, tưởng chừng là vô tích sự hoặc có hại cho họ. Nhưng Thiên Chúa luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương đồng đều. Thậm chí một con chim sẻ xấu xí, một cánh hoa dại sớm nở tối tàn Người cũng không nỡ làm ngơ. Và tại sao Bò Cạp không có quyền nghĩ rằng: Người sẽ không bao giờ quên Bò Cạp, một con vật đã tỏ ra hữu ích cho Hài Nhi, và sẽ còn hữu ích cho loài người trong lĩnh vực y học, phải không các bạn?

Image result for christmas and new year gif

P.X. Nhứt