Tìm Kiếm

24 tháng 9, 2013

CẢM XÚC TỪ MỘT CHUYẾN ĐI.....

Chuyến đi đong đầy cảm xúc và học được rất nhiều điều, cha ông ta có câu “ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn ”, mà tôi đã đi gần một tháng ngoài đường nên tôi cảm thấy mình lớn lên nhiều.
Kỷ niệm ngày khánh thành với GSVS Nguyễn Văn Hiếu, TS Mai Hà

Vào một ngày đầu tháng 8 năm 2010, Ông - Bà GS Jean Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc (bài viết “ Hai đôi mắt mê say cùng nhìn về một hướng” trên báo Tuổi Trẻ online  để hiểu qua về hai Ông- Bà này) đến cơ quan tôi ( Viện Địa Lý Tài Nguyên TP HCM thuộc Viện Hàn lâm KH và CN VN) tìm hiểu về khả năng xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành trên mảnh đất quê hương tôi. Với sự giới thiệu của GS-VS Nguyễn Văn Hiệu hai  Ông- Bà Vân và Ngọc  đã hỏi ý kiến của một PGS-TS địa chất và Thầy giáo của tôi là GS Nguyễn Sinh Huy ( GS Nguyễn Sinh Huy là Thầy cùng nghề thủy văn với tôi – qua đời năm 2012).
Trước cửa vào khu dự án

........Hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây được xây dựng cấp bách dựa trên các ý tưởng của Ông đã điều khiển lũ và dùng dòng chảy tràn do lũ cải tạo các cánh đồng chua phèn rộng lớn vùng Tứ Giác Long Xuyên và vùng Tứ Giác Hà Tiên góp phần hàng năm tăng sản lượng lúa cho đất nước khoảng 3 triệu  tấn.) Thoạt tiên ông PGS-TS địa chất trả lời “ Mảnh đất này có thể bị lũ quét và biển ở đây tắm rất nguy hiểm “. Ông Bà nghe nói vậy quay sang hỏi ông Thầy của tôi : “ Ý kiến của anh Huy như thế nào ?” Thầy tôi trả lời : “ Tôi phải đi khảo sát mới trả lời được ! “. Kết thúc cuộc trao đổi Ông Bà đã biếu mọi người cuốn sách “ Đất Việt cuối trời xa “. Đây là cuốn sách do nhà báo Hàm Châu viết về những hoạt động khoa học và từ thiện của Ông Bà. Tôi biết một số người đọc cuốn sách này đã khóc. Sau khi đọc cuốn sách, Thầy của tôi nói  “ Hà ơi, Ông Bà này không có tiền đâu, tôi bỏ tiền ra, tôi với Hà đi khảo sát giúp cho Ông Bà “ .
Tôi đọc cuốn sách, lòng tràn đầy cảm xúc và sự ngưỡng mộ. Thế là tôi đi mua bản đồ khu vực khảo sát, mua vé tàu lửa và đặt một khách sạn rẻ tiền ở Quy Nhơn.
Khi hai thầy trò lên tàu, tôi gọi điện thoại cho Bà yêu cầu cho tôi gặp người đại diện cho Ông Bà tại Quy Nhơn. Người đó là anh Tần, một giáo viên đã nghỉ hưu người Quảng Bình. Tôi nói chuyện yêu cầu sáng ngày 14-8 cho người dẫn đường và cho chúng tôi gặp người dân sống lâu đời ở đây.....
Chụp cùng đoàn khảo sát

Chúng tôi đã khảo sát mảnh đất và vùng biển này khá kỹ. Ông Thầy của tôi, mặc dầu tuổi cao sức yếu và bệnh tim, đã leo xuống tận lòng suối Dông Đùa quan sát cấu tạo và hình dạng lòng suối, các mố cầu, hiện tượng đá lăn ( không có ), tìm hiểu các vết lũ, quy luật hình thành dòng chảy, hình thành lũ,. Chúng tôi cũng đã điều tra, nghiên cứu khá kỹ mức nước lũ, mức độ lũ và quy luật thủy triều và dòng triều của vùng biển nơi đây qua sách vở , tài liệu và người dân sống lâu đời ở đây....
Sau chuyến đi đó, chúng tôi đã viết một báo cáo chuyên môn với kết luận là ở đây lũ không nguy hiểm, hầu như không có lũ quét, biển cũng không dữ dội lắm - nên đầu tư. Các khuyến cáo sơ bộ về kỹ thuật và môi trường khác cũng được đề xuất. Thời gian tắm biển an toàn ở đây là từ tháng 3 đến tháng 9. Cũng nhờ đó tôi cũng có hiểu biết thêm về dòng chảy xa bờ và cách tắm biển an toàn. ( Truy cập “ Dòng chảy xa bờ, kẻ giết người nguy hiểm” )
Tôi xin giới thiệu sơ bộ về khu vực dự án này :
-  Khu vực dự án rộng 20 ha, cách thành phố Quy Nhơn hơn 4 km theo đường TL 441, hơn 6 km theo đường QL 1D. Đây là một vùng sinh thái đa dạng: có núi rừng, có đồng bằng, thung lũng, có suối, có biển, có đất bằng, cồn cát, những vườn dừa, đầm đìa … khó có được ở nơi khác.
Nếu biết đầu tư và khai thác hợp lý mảnh đất này sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an, như cái tên vốn có của nó: Dông Đùa – Quy  Hòa.
Khu dự án bao gồm nhà hội nghị, khách sạn 4 sao, nhà suy ngẫm, nhà hàng, sân tennis, bể bơi nước ngọt, nhà chiếu hình vũ trụ cho học sinh… Hiện mới xây xong khu nhà hội nghị.
-       Kế cận khu dự án là trại phong Quy Hòa (nằm chung lưu vực), là nơi bình yên nhất, nơi lưu giữ được những hành vi văn hóa và những tấm lòng nhân hậu.
Thung lũng Quy Hòa, người dân Quy Nhơn còn gọi là thung lũng Bình Yên.
Năm 1929, linh mục Paul Maheure (1869 – 1931) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa. Khi ấy nơi đây là một vùng đất hoang sơ, biệt lập với bên ngoài, thích hợp với việc xây dựng một khu điều trị cho những người bị bệnh phong – một trong “tứ chứng nan y” và bị người đời xa lánh thời bấy giờ.
Năm 1932, sau một cơn bão lớn, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân bị hư hỏng, Giám đốc bệnh viện lúc đó là soeur Charles Antoine (vốn là một kiến trúc sư) và người phụ tá của mình là soeur Ozithe đã xây dựng lại bệnh viện và nhà ở cho bệnh nhân phong. Năm rồi, có một soeur đã 94 tuổi cũng từ Pháp trở về thăm nơi đây.
Năm 1976, dòng tu Phanxico bàn giao bệnh viện Quy Hòa cho Bộ Y tế.

Cái cảm xúc khi làm việc với Ông Bà là cảm xúc thấy mình phải lao động và hiến dâng nhiều hơn nữa cho đời, cho công việc, cho người (hai bạn KTS trẻ do tôi huy động cũng chung một cảm xúc như tôi). Nhiều lúc chúng tôi không hiểu Ông Bà có sức lực ở đâu ra mà làm những công việc như vậy. Kể từ đó tôi làm tình nguyện viên cho Ông Bà. Ông Vân nói “Công việc này rất cần những người nhiệt tình như em !” và tôi cũng nghe các bạn trẻ kể lại ông tâm sự rất cần sự tiếp sức và kế tục của những người trẻ tuổi vì Ông biết thời gian là hữu hạn (Ông Vân sinh năm 1936).
Tôi có nhiệm vụ tư vấn cho Ông Bà theo chuyên môn của tôi : mức nước lũ, triều,  mốc cốt xây dựng, xây dựng kè đập trên con suối nước mặn Dông Đùa chảy qua khu dự án, các vấn đề về môi trường và cây trồng khác… Ngoài ra tôi tham gia cùng với mọi người tổ chức các hội nghị khoa học về vật lý đỉnh cao. Tất cả các công việc đều phải để mắt tới. Kiến trúc, xây dựng, cây cỏ, vệ sinh, các món ăn, tiếp khách, bệnh viện, mua sắm, du lịch, hướng dẫn con đường đi bộ ( mới xây dựng xong nhà hội nghị, khách sạn và các khu nhà suy ngẫm chưa được xây dựng nên mọi người phải nghỉ ở các khách sạn cách nhà hội nghị 5 km, người nước ngoài rất thích đi bộ), hướng dẫn nấu ăn cho các phu nhân đi theo chồng, phục vụ máy chiếu cho các phòng họp...
Năm rồi là một năm vất vả vì phải khánh thành nhà hội nghị. Năm 2012 chỉ tổ chức một hội nghị và số lượng các nhà khoa học cũng chỉ khoảng 1/3 và kéo dài trong một tuần. Năm nay tổ chức bốn hội nghị kéo dài 4 tuần. Ngày khánh thành có khoảng 500 người tham dự. Chính quyền, các công ty địa phương, trong nước, nước ngoài và người dân địa phương đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của và cả đất đai cho dự án này. Tôi và hai bạn tình nguyện viên là KTS (do tôi vận động  - là bạn của con gái tôi ) thuộc công ty kiến trúc OAW ở SG, khoảng 3-4 tình nguyện viên là cán bộ giảng dạy đại học Quy Nhơn, các sinh viên, nhà báo Hàm Châu và một số TNV khác ở HN vào, từ SG ra cũng đã nỗ lực hết sức góp phần cho hội nghị thành công tốt đẹp. Tôi cũng đã vận động được PCT hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn  năm sau sẽ tham gia công tác TNV với chúng tôi ( chị dâu họ của tôi). Anh Lê Xuân Bảo, viện phó Viện Thuỷ lợi và môi trường ( ĐH thuỷ lợi ) nói với chúng tôi là anh và các bạn trẻ trong Viện lúc nào cũng sẵn sàng tham gia thiết kế miễn phí công trình bảo vệ bờ biển khu dự án và sẽ làm với tất cả tâm huyết của mình khi có yêu cầu.
Quả thật lòng thiện có sức lan tỏa.
VÀ THU HOẠCH.......
Đợt công tác này và các đợt công tác trước tôi đã nhận thức và học tập được cái gì ?
-         Cách quản lý, điều hành xây dựng, kỹ thuật xây dựng của các bạn KTS, các kỹ sư xây dựng, các nhà thầu trên công trường ( tổng cộng có 9 nhà thầu ).
-         Cách nghiệm thu chu đáo từng phần công việc xây dựng.
-         Cách bố trí nội thất hợp lý.
-         Sơ bộ tìm hiểu về dàn âm thanh. Sự giao thoa âm thanh và phản âm. Vật liệu xây dựng và nội thất hợp kỹ thuật để tạo ra âm thanh hợp lý cho các phòng hội họp…
-         Kỹ thuật nghiệm thu đồ gỗ ( mắt gỗ, thớ gỗ, mộng)
-         Cách bảo quản và sử dụng đồ gỗ, đá cho lâu bền và đẹp.
-         Cách quản lý điều hành, đào tạo nhân sự trong các công việc xây dựng, trồng cây, bảo vệ, vệ sinh, nhà hàng, cấp cứu y tế, điều hành các tình nguyện viên, cách thức chuẩn bị giao lưu, du lịch, mua sắm… Nguyên tắc chung trong điều hành là chu đáo, có kỹ thuật, có kỷ luật, tôn trọng, nhân ái, gương mẫu,  có giải thích, động viên tinh thần làm chủ và lòng tự trọng của mỗi người.
-         Công tác TNV hay tham gia làm từ thiện là một công việc đòi hỏi lòng nhiệt thành. Nghĩa là mình phải cháy hết mình. Phải làm việc với tất cả tâm lực và trí lực. ( Điều này chắc Cha , soeur Khánh và những người đã tham gia công tác từ thiện hiểu rõ ) Năng động, mềm dẻo, linh hoạt và quyết đoán. Những chuyến đi như vậy không giống như đi du lịch. Hàng ngày tôi bắt đầu làm việc từ 6h sáng đến 10h tối, có hôm không được nghỉ trưa. Kiểm tra bữa ăn sáng và ăn sáng với  mọi người tại khách sạn. Rà soát và trao đổi với Ông Bà công việc cần giải quyết trong ngày.( Ban thư ký chỉ có mình tôi là người VN nên có khá nhiều việc phải làm.)  Sau đó phóng xe máy qua một con đường đèo lên công trường cách đó 5km cùng với mọi người đốc thúc và giám sát cho công trình kịp ngày khánh thành.  Tôi là nữ kỹ sư duy nhất trên công trường, làm việc và đi lại giống như các đồng nghiệp nam. Mọi người khác ( có cả nam giới ) đi lại bằng taxi. Vả lại đi lại bằng xe máy tôi có điều kiện ngắm và nghiên cứu cây cỏ ven đường. Tôi cũng muốn giảm chi phí cho Ông Bà vì Ông Bà chi phí cho tôi khá nhiều. Đi lại bằng máy bay, ở một mình một phòng trong ks 4 sao, ăn buffet 3 bữa… Tôi cũng phơi nắng, mưa trên công trường hàng ngày ít nhất là 6 tiếng. Buổi tối vừa ăn, vừa giao lưu, vừa trao đổi công việc, nhiều hôm kết thúc rất muộn. Nhiều bữa tôi phải ăn nhanh chóng để trông em bé cho một nhà vật lý nữ trẻ đến từ Mỹ hoặc để thay phiên cho các bạn TNV khác. Trong các bữa ăn chúng tôi phải kiểm tra chất lượng, số lượng các món ăn, số lượng khách ăn để thanh toán và nhắc nhở điều tiết bộ phận nhà hàng… Bà Ngọc lúc nào cũng lo tôi bị ốm. Hình như tôi được Chúa nâng đỡ, được lời cầu nguyện của ca đoàn và lời chúc của bạn bè mà tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi cũng ngạc nhiên về mình. Bận bịu, phơi nắng, phơi mưa gần 1 tháng mà tôi không hề bị nhức đầu sổ mũi.
-         Tác phong lao động làm việc rất nghiêm túc của các nhà khoa học vật lý. Tôi đã tham gia và tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước nhưng chưa bao giờ thấy có hội thảo nào báo cáo, tranh luận nghiêm túc, làm việc khẩn trương và có chất lượng như ở đây. Họ tiết kiệm từng phút một và tổ chức công việc rất khoa học. Bởi thế chúng tôi đều bất bình khi thấy một chính khách, đại diện cho chính phủ VN đến muộn trong ngày khánh thành cả giờ đồng hồ vì sau lễ khánh thành, họ bắt tay ngay vào hội nghị vật lý thứ 4 với chủ đề “ Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ “( ngày 12-3).Trước đó từ ngày 28-7 đến ngày 10-8 đã diễn ra 3 hội nghị quốc tế về vật lý khác là : vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck, thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn, vật lý nano – từ cơ bản đến ứng dụng. Ngoài ra, còn có hai lớp học về vật lý chất đặc và vật lý thiên văn. Ở lĩnh vực giáo dục có một cuộc hội thảo và một lớp tập huấn về “ Phương pháp bàn tay nặn bột “ dành cho các giảng viên khoa tiểu học ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Lớp học về vật lý thiên văn và “ Phương pháp bàn tay nặn bột “ tôi rất thích tham dự nhưng không được vì phải đi công trường.
-         Thân ái và quan tâm đến nhau, không làm phiền người khác. Khi GS Sheldon Glashow, 81 tuổi ( đã đạt giải Noben và có bài phát biểu rất hay trong ngày khánh thành. Mời Cha và các bạn truy cập bài báo do nhà báo Hàm Châu viết trên báo tuổi trẻ nhan đề “ Quay lưng lại với khoa học cơ bản là sai lầm”) bị tai nạn phải đưa đi bệnh viện khâu cấp cứu vì chảy nhiều máu. Sau khi khâu xong vết thương ông đòi trở về ngay hội nghị vì ông biết mọi người đang lo lắng cho ông. Họ thường xuyên cám  ơn và rất thân ái, lịch sự với chúng tôi. Họ cám ơn chúng tôi bằng cả tiền nữa ( rất tế nhị và thực tế) nhưng tất nhiên các TNV không ai nhận cả.
-         Tôi cũng có cơ hội thường xuyên thực hành câu “ You  are welcome ! “ và cũng có cơ hội dạy họ vài câu tiếng Việt như :  chào ( câu này thực sự khó dạy vì ngôn ngữ VN quá phong phú ), cám ơn, xin lỗi, tạm biệt, không có chi, không sao đâu, em ơi, cưng ơi, trái dưa, trái dừa, trái dứa, trái chuối, trái thanh long, trái chanh, nho, cơm, phở…( họ rất thích và thường xuyên thực hành ). Dạy cho bọn trẻ câu : Chào bác, chào ông, chào bà …Thật là buồn cười khi họ gọi trái dừa thì gọi thành trái dứa. Khi tôi đọc thơ của Hàn Mạc Tử ( tất nhiên bằng tiếng Việt và có nhờ người dịch ) cho họ nghe lúc chia tay thì họ lại tưởng tôi hát…Tôi cũng có cơ hội nói tiếng Anh mà mỏi hết cả tay ! Bà Ngọc thường xuyên bắt tôi phải nói tiếng Anh. Nhiều lúc bất lực, xấu hổ chỉ muốn độn thổ và chỉ biết nói “ I’m sorry ! “(Không có gì khổ, nhục bằng câm, điếc !) Người Pháp nói tiếng Anh rất khó nghe, khó nghe hơn người các nước khác. Tuy nhiên tôi cũng đủ bập bẹ để dắt họ đi chợ, đưa đi bệnh viện, siêu thị, du lịch…Tôi rất ấn tượng Nikcol – bà thư ký người Pháp đã trên 70 tuổi, gọn gàng, chắc hồi trẻ rất đẹp, luôn cầm trong tay cuốn từ điển Anh-Việt. Bà là TNV lâu đời nhất – đã làm TNV cho Ông-Bà được 47 năm. Tôi cứ nói đùa là tôi cũng sẽ phấn đấu được như bà Nikcol.
-         Tác phong và cách ăn uống nhỏ nhẹ  lịch sự. Không gây tiếng ồn. Không làm phiền người khác. Không có cảnh uống rượu bia rồi 1,2,3 dô dô. Cái này thì Cha Nhứt và GS Trần Thanh Vân có suy nghĩ giống nhau.
-         Để cho con trẻ chủ động trong mọi việc, ăn uống vui chơi. Đặc biệt là các bạn nhỏ này rất có văn hóa, không la hét vui đùa ầm ĩ nơi công cộng. Tác phong sống của các bạn trẻ này cũng rất đàng hoàng, tự tin. Tôi đã chứng kiến cậu bé 12 tuổi ( con của Haddy - cô thư ký người Pháp gốc Hồng Công khá thân thiết với tôi, biết 3 thứ tiếng, và cũng rất thích tôi dạy cho vài cau tiếng Việt) yêu cầu nhà hàng phải thay cho cậu cái ghế hơi bị khập khiễng xong mới ngồi vào ăn. Mình cũng phải học con trẻ !
Qua đợt công tác này chúng tôi tìm ra hàng chục loại cây có thể trồng trong khuôn viên nhà hội nghị. Con đường đèo qua trại phong được phủ kín hai bên đường bằng các loại cây và hoa rừng rất đẹp. Qua các bạn KTS tôi cũng tìm hiểu được phong cách làm vườn của người Anh và người Pháp khác nhau như thế nào.
Công trình nhà hội nghị có phong cách kiến trúc hiện đại – phong cách phỏng sinh học. Trông khá giản dị nhưng thanh lịch
-         Bước đầu tìm hiểu cách tư duy của các nhà khoa học vật lý. Tôi rất tiếc tiếng Anh của mình hạn chế và đợt công tác vừa rồi quá bận cho công tác hậu cần nên tôi không được tiếp xúc nhiều nhưng qua quan sát, tiếp xúc khi ăn uống, làm việc tôi có cảm giác họ là những người rất lãng mạn, trí tưởng tượng phi thường. Dưới con mắt tôi họ là những NHÀ THƠ, NHÀ TRIẾT HỌC. Các bạn KTS cũng đồng ý với tôi về nhận xét này. Các nhà khoa học nước ngoài, trong đó có 5 nhà KH đạt giải Noben ( người cao tuổi nhất là Jack Steinberger 92 tuổi, tháng 12-1993 đã viết thư cho Bill Clinton đề nghị bỏ cấm vận VN, không biết có phải một phần do tác động của ông ấy hay không, vài tháng sau VN được dỡ bỏ cấm vận. Khi viết thư, ông có nói với GS Trần Thanh Vân : “ Khéo thư của tao chúng nó bỏ vào sọt rác ! “ ), ông Rolf Heuer (  người này theo GS Vân còn quan trọng hơn các nhà Noben khác vì ông phụ trách Trung Tâm khoa học ở Geneva vừa rồi phát hiện ra hạt Higs), các nhà khoa học VN như GS Ngô Bảo Châu ( ĐH Chicago đạt giải Field trong toán học tương đương giải Noben trong Vật lý) , Đàm Thanh Sơn ( ĐH Chicago), Nguyễn Trọng Hiền( Nasa ), Phạm Quang Hưng  ( ĐH Virginia ), Phạm Nam Hải ( ĐH Tokyo) Quỳnh Lan( ĐH quốc gia HN)  Lan Hương(ĐH Orsay France),  …. rất đáng ngưỡng mộ về tài năng, nhân cách, phong cách sống và tác phong làm việc - nghiêm túc, năng động, khiêm nhường và thân thiện…Vợ của nhà khoa học như vợ GS David Gross (Noben) , vợ GS Ngô Bảo Châu, vợ GS Đàm Thanh Sơn, vợ GS.VS Nguyễn Văn Hiệu… là những người rất thông minh, giản dị, thân thiện và đáng mến…
-         Các nhà khoa học là những người rất thích tìm hiểu thiên nhiên và văn hóa. Xem họ quan sát và chạm vào cây hoa Trinh Nữ thật thơ ngây và thú vị. Sau đó họ đi chạm vào các cây ( như cây tảo nhơn mà tôi nghe các bà chị tôi kể lại ngày xưa khi còn ở quê, các chị hay tuốt về cho heo ăn ) có lá hơi giống cây  Trinh Nữ  và hỏi chúng tôi là tại sao nó không cụp vào giống cây Trinh Nữ. Cái cách họ quan sát các ngôi đền của người Chăm , khu tưởng niệm vua Quang Trung cũng rất có văn hóa. Họ đứng đó, nhìn ra xung quanh và tưởng tượng và như là họ đang nhìn vào quá khứ. Họ rất chú ý nghe kể về lịch sử của người Chăm và chúng tôi ( tất nhiên không phải là tôi vì Tiếng Anh của tôi kém ) cũng kể cho họ nghe về công chúa Ngọc Hân, về quá trình mở cõi của cha ông ta. Rất thú vị có một nhà khoa học trẻ người Việt (TS Phạm Nam Hải, giỏi tiếng Anh và khá am hiểu lịch sử VN) đã kể cho họ nghe về những vấn đề lịch sử này.
-         GS Trần Thanh Vân  và GS Lê Kim Ngọc là những người nhạy cảm trong nhiều vấn đề. Trong một bữa ăn, tranh luận với các bạn trẻ, khi tôi trình bày quá trình tiến hoá của châu thổ sông Mekong, quá trình biển tiến, biển lùi, về sự tương đồng về nhân chủng học và tiếng nói giữa người dân tộc Tây Nguyên và người Malaixia, bến cảng Ba Thê, lịch sử Óc Eo và văn hoá Phù Nam…, quá trình ngọt hoá đất  đai , quá trình tiến hoá của đất đai của ĐBSCL từ biển – đầm lầy – rừng ngập mặn – đất ngập nước - đất mặn – đất lợ - đất thục, đất ngọt – đất trồng lúa – đất trồng cây ăn trái. GS Trần Thanh Vân nhận xét tôi nói có lý và hỏi tôi là việc xây dựng dự án của Ông với việc tôn cao nền, bảo tồn và trồng thêm dừa, trồng thêm các loại cây cỏ nước ngọt, đắp đập, làm kè, nạo vét các đầm đìa nước mặn, lợ… có phải là một quá trình thúc đẩy tiến bộ không . Tôi trả lời : “Thưa đúng, nói chung đấy là quá trình ngọt hoá đất đai !”. Người dân ĐBSCL với đức tính năng động, thông minh, để tồn tại và phát triển, ở nhiều vùng cũng đã hành xử với đất đai của mình như vậy. Bà Ngọc là GS sinh học và là người gốc Vĩnh Long nên cũng hiểu những điều tôi trình bày.
-         Các nhà khoa học, các chính khách, các nhà quản lý và cả đội ngũ TNV chúng tôi đều quan tâm đến việc duy trì quản lý, phát triển khu hội nghị này và mong ước nơi đây sẽ là nơi lý tưởng cho việc gặp gỡ trao đổi, nảy nở các ý tưởng khoa học, nhất là cho các bạn trẻ.
-         Tôi cũng nhận được tình thân ái của mọi người. Mọi người đã đem đến cho tôi nhiều kiến thức và niềm vui, quà, sách văn học do tự họ viết và cả những câu thơ, những câu chuyện tiếu lâm thâm thuý…