Tìm Kiếm

24 tháng 3, 2020

Những ông ‘vua’ ngành thuốc tại Sài Gòn trước 1975

Trong số những người thành công với nghề dược tại Sài Gòn trước đây,
dược sĩ La Thành Nghệ là một khuôn mặt nổi bật, được nhiều người biết
tiếng. Vốn người Triều Châu, sinh trong gia đình giàu có, La Thành
Nghệ được du học bên Pháp và đậu bằng dược sĩ. Điểm qua những nhân vật
giàu có, tiếng tăm thuộc ngành y dược thời đó còn có các dược sĩ Trần
Văn Lắm, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Thị Hai…

La Thành Nghệ được phong là ‘vua thuốc đỏ’, một sản phẩm rất tầm
thường, giá trị thấp, nhưng được mọi giới ưa chuộng và rất phổ biến từ
thành thị tới thôn quê. Khi chiến tranh càng ngày càng leo thang, nhu
cầu sử dụng thuốc đỏ càng nhiều thì La Thành Nghệ được phép làm đại lý
độc quyền phân phối thuốc đỏ, đem lại cho ông một nguồn lợi rất lớn,
Ít ai nghĩ rằng với một thứ sản phẩm tầm thường, rẻ tiền như thuốc đỏ
mà làm nên sự nghiệp kếch xù của La Thành Nghệ. Trước khi miền Nam
thất thủ, những ai có dịp đi qua đường Tự Do chắc đã thấy Laboratoire
La Thành, nằm giữa hai nhà hàng La Pagode và rạp Eden, Thuốc đỏ, tiếng
Pháp gọi là mercure crome, một thứ dung dịch màu đỏ, dùng bôi lên các
vết thương nhẹ để sát trùng. Thời đó, thuốc đỏ do Laboratoire La Thành
sản xuất, được sử dụng trong các bệnh viện, các quân y viện, các bệnh
viện dã chiến, các trung tâm y tế, các đơn vị quân y… và rất được dân
chúng từ thành thị tới thôn quê ưa chuộng vì nó rẻ tiền mà lại hiệu
nghiệm.

La Thành Nghệ còn nhập cảng các loại thuốc trụ sinh, một thứ thần dược
trị các vết thương. Ngoài hai loại thuốc đỏ và trụ sinh, Laboratoire
La Thành còn sáng chế một thứ pommade để trị bịnh phong tình. Bịnh này
thường có mụn đỏ chung quanh háng và bộ sinh dục. Muốn điều trị chỉ
cần xức pommade vào chỗ đó, sau khi rửa vết thương cho sạch bằng thuốc
đỏ. Chỉ vài ba lần xức pommade, người bịnh cảm thấy dễ chịu, không
ngứa rát và bình phục!..,thanh niên bị bịnh phong tình thường có mặc
cảm không muốn đến bệnh viện hay đi bác sĩ tư để chữa trị. Họ mua
thuốc pommade của dược sĩ La Thành Nghệ và tự chữa lấy. Nhờ biết được
yếu tố tâm lý ấy, sản phẩm của La Thành Nghệ bán chạy như tôm tươi,
khi trở nên giàu có, La Thành Nghệ sống thầm lặng, ít khoe khoang hay
ăn chơi trác táng như một số nhà giàu khác. Ngược lại, dân ăn chơi Sài
Thành, không ai không nghe tiếng hoặc biết đến ‘công tử’ Hoàng Kim
Lân, con của ‘vua dây kẽm gai’ Hoàng Kim Quy.

Tôi được nghe, có lần tại vũ trường Maxim, ông Hoàng Kim Lân đứng lên
giữa sân khấu tuyên bố: “Hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi. Tôi xin
đãi tất cả quý vị có mặt tại đây. Quý vị tha hồ ăn uống bất cứ món gì
mà không phải trả tiền”. Tiếp theo sau đó, rượu sâm banh chảy ra như
suối và khách ăn chơi vỗ tay như sấm để tán thưởng sáng kiến độc đáo
của mạnh thường quân Kim Lân!, trở lại chuyện La Thành Nghệ, ông là
người chỉ giao thiệp với giới nhà giàu và thượng lưu, trí thức ở Sài
Gòn. Tuy sống trên đống vàng, nhưng ông không phung phí tiền bạc để
mang tai tiếng như nhiều người khác. Năm 1967, La Thành Nghệ ra ứng cử
Nghị sĩ Quốc Hội, chung liên danh Bạch Tượng với Dược sĩ Trần Văn Lắm
và đắc cử. Ông Trần Văn Lắm có lúc làm Phó chủ tịch Thượng Viện và
Tổng trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tuy
nhiên, danh nghĩa Nghị sĩ Quốc Hội chỉ để trang trí cho La Thành Nghệ
hơn là nghề hái ra liền như viện bào chế La Thành của ông. Do đó,
trong thời gian tham chính, dư luận hay báo chí không nghe ông tuyên
bố hay có hành động chính trị nào… Ông cũng tránh xa các áp-phe làm ăn
của các ông tai to mặt lớn khác.

Dược sĩ La Thành Nghệ cuối cùng lại là nạn nhân của Tổng Thống Trần
văn Hương, người đã gây khó khăn cho những người di tản bằng sắc lệnh
cấm công chức, sĩ quan và thanh niên trong tuổi quân dịch ‘di tản’ vào
những ngày cuối cùng của Sài Gòn. La Thành Nghệ vượt biển quá sớm, bị
hải quân VNCH bắt đem về đất liền, ở lại Sài Gòn và cuối cùng được
‘chính quyền cách mạng’ cho đi học tập cải tạo.

Một dược sĩ khác cũng thành công và nổi tiếng nhờ thứ thuốc ban nóng,
cảm ho của trẻ em là ông Nguyễn Chí Nhiều. Ông Nhiều lập Nguyễn Chí
Dược Cuộc, sản xuất vài thứ thuốc thông dụng trong đó nổi bật nhất là
Euquinol, thuốc ban nóng dành cho trẻ em. Thuốc Euquinol trở nên quen
thuộc đối với các bà nội trợ từ thành thị đến nông thôn. Hễ ai có con
nóng đầu, người nhà hay lối xóm liền thúc hối… mua thuốc Euquinol.

Euquinol được bào chế theo dạng thuốc Tây bằng bột màu trắng, khác với
hình dạng gói thuốc cao đơn hoàn tán của các tiệm thuốc Bắc. Euquinol
của Nguyễn Chí Nhiều vừa rẻ tiền, vừa hiệu nghiệm, lại được quảng cáo
sâu rộng, được bày bán trong các tiệm thuốc tây và cả các tiệm tạp hoá
nên dân chúng mua dễ dàng. Dần dần, thuốc ban Euquinol đánh bại thuốc
“Ngoại cảm tán” của nhà thuốc Nhị Thiên Đường vốn độc chiếm thị trường
mấy thập niên trước đó.

Ông Nguyễn Chí Nhiều là người có sáng kiến, biết lợi dụng các cuộc
tranh tài thể thao để quảng cáo sản phẩm của mình. Hễ có cuộc đua xe
đạp đường trường nào là cũng có các xe thuốc Euquinol đi kèm. Sau này
ông trở thành ‘ông bầu’ của đoàn cua-rơ mang tên Euquinol. Đoàn xe đạp
này là một ê-kíp gồm những tay đua do chính ông tuyển chọn và tài trợ
để tập dượt và tranh tài trong các cuộc đua Vòng Cộng Hoà từ năm 1956
trở đi.

Đội xe đạp Euquinol là một đội đua chuyên nghiệp, dược sĩ Nguyễn Chí
Nhiều phát lương để họ tập dợt. Chính ông bỏ tiền ra mua xe đạp và
cung cấp phụ tùng. Khi đã trở thành cua-rơ của đội họ khỏi bận tâm lo
sinh kế, ngoài chuyện cố tâm luyện lập. Vì thế đội Euquinol thường lập
được nhiều thành tích, chiếm các giải đồng đội và cá nhân trên các
đường đua.

Những nhà thuốc tây xưa nhất ở Sài Gòn phải kể đến các tiệm Pharmacie
Mus của ông Beniot, Pharmacie Sohrenne, Pharmacie Normale, Pharmacie
de France… Đó là những nhà thuốc Tây mà chủ nhân đều là dược sĩ người
Pháp. Nhà thuốc nào cũng có phòng bào chế riêng để chế thuốc theo toa
bác sĩ.

Nhà thuốc của người Việt có Cường Lắm ở góc đường Mac Mahon (Công Lý)
và đường Bonard (Lê Lợi), chủ nhân là dược sĩ Trần Văn Lắm. Dưới thời
Nguyễn Văn Thiệu, ông Lắm trở thành Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng.
Ngoài ra còn có Pharmacie Lý, chủ nhân là dược sĩ Nguyễn Thị Lý;
Pharmacie Dương Hữu Lễ của dược sĩ Dương Hữu Lễ ở đường Rue d’Espagne
(Lê Thánh Tôn) và Pharmacie Nguyễn Văn Cao ở góc đường Chợ Mới và
đường Bonard.

Trong các ngành công kỹ nghệ của Việt nam Cộng hòa (1954-1975), nhiều
người cũng biết làm giàu bằng cách ‘chuyên môn hóa’ việc buôn bán một
mặt hàng thông dụng, rẻ tiền nhưng có lợi tức lớn lao ít ai ngờ. Thời
thế đã giúp họ làm giàu nhanh chóng nhưng cũng không loại trừ khả năng
họ phải ‘đóng thuế’ cho phía bên kia để được yên ổn làm ăn. Như vậy,
họ phải chịu hai đầu thuế của Cộng hòa và Việt cộng. Tuy nhiên, những
chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm và thiệt thòi là… người
tiêu dùng.

Trong số những nhân vật giàu có này phải kể đến ‘Vua vương quốc Chợ
Lớn’ là Bang trưởng Triều Châu Trần Thành; ‘Vua sắt thép, dệt may’ Lý
Long Thân; ‘Vua lúa gạo’ Trần Thành, Mã Hỉ và Lại Kim Dung; ‘Vua nông
cụ’ Lưu kiệt, Lưu Trung; ‘Vua ngân hàng’ Nguyễn Tấn Đời và ‘Vua bột
giặt Viso’ Trương Văn Khôi.

Giới Đông y cũng có những tên tuổi lừng lẫy với các loại thuốc gia
truyền, rẻ tiền nhưng lại hiệu nghiệm. Người ta thường nhắc đến Võ Văn
Vân, người sáng lập nhà thuốc mang cùng tên với các sản phẩm như “Tam
tinh hải cẩu bổ thận hoàn” trị bịnh yếu sinh lý, tráng dương, bổ thận,
dùng cho đàn ông để tăng cường sinh lực và “Bá đả quân sơn tán” trị
bịnh đau lưng, nhức mỏi rất công hiệu.

Hồi đó, các xe quảng cáo của nhà thuốc Võ Văn Vân còn khoe rằng “Bá đả
quân sơn tán” là thuốc dùng khi bị té, đặc biệt là các võ sĩ, người
lao động chân tay như làm ruộng, làm công (vác lúa, chèo ghe, móc
mương, bồi vườn…) đều ‘phải’ uống thuốc này, vì nó ‘hiệu nghiệm như
thuốc tiên’!

Vào khoảng những năm 1955-1957, các nhà thuốc thường tổ chức những xe
thuốc đi bán dạo ở miền quê. Mỗi xe có người làm trò vui như xiếc, ảo
thuật, phụ họa với dàn kèn trống để thu hút khán giả. Xen kẽ vào những
trò vui ấy là màn bán thuốc. Người nhà quê lúc ấy gọi các xe bán thuốc
dạo là “Sơn Đông Mãi Võ”.

Tuy là đông y sĩ, nhưng ông Võ Văn Vân lại cho các con qua Pháp du học
các ngành y và dược. Trong số các con của Võ Văn Vân, có ông Võ Văn
Ứng, từng nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của túc cầu Sài Gòn qua cái
tên thân mật là ‘Bầu Ứng’. Ông Võ Văn Ứng còn làm Tổng giám đốc Nam Đô
Ngân hàng và Khách sạn Nam Đô.

Một nhà thuốc đông y khác, cũng nổi tiếng cùng thời, là nhà thuốc Võ
Đình Dần ở Chợ Lớn. Thuốc ích khí bổ thận “Cửu Long Hoàn”, chuyên trị
mệt mỏi, lao tâm lao lực, được quảng cáo sâu rộng, nên bán rất chạy.
Thời đó, hầu như ai cũng thuộc lòng câu: “Một viên Cửu Long hoàn bằng
10 thang thuốc bổ” của nhà thuốc Võ Đình Dần.

Nhà thuốc này cũng có một đội ngũ chuyên môn đi bán dạo khắp thôn quê,
gồm 5 xe cam nhông Sơn Đông Mãi Võ. Theo nhà văn Hồ Trường An, thuốc
Cửu Long hoàn được các người lao tâm, lao lực, thức đêm, làm việc
nhiều như các vũ nữ ở các vũ trường, các nghệ sĩ sân khấu cải lương,
các tay cờ bạc… tóm lại những kẻ ‘lấy ngày làm đêm’, đều dùng Cửu Long
hoàn, để phục hồi sức lực, nhà thuốc Nhành Mai ở Phú Nhuận, nổi tiếng
với món thuốc dưỡng thai hiệu Nhành Mai. Ngoài ra, món thuốc dán hiệu
Nhành Mai, trị mụn nhọt rất hay. Không cần phá miệng mụn nhọt, chỉ cần
trét thuốc vào miếng vải cắt tròn, lớn cỡ đồng xu, ở giữa có đục lỗ,
rồi dán lên mụt nhọt. Chừng vài ngày sau, gỡ miếng vải ra thì mủ và
cùi nhọt… lòi ra.

Hồi Sài Gòn còn xe điện chạy theo lộ trình Galliéni (Trần Hưng Đạo)
Sài Gòn-Chợ Lớn và Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) đến chợ Tân Định,
hai bên thành xe điện có nhiều bảng quảng cáo như: Một viên Cửu Long
Hoàn bằng 10 thang thuốc bổ của nhà thuốc Võ văn Vân, Thuốc xổ Nhành
Mai, Dầu khuynh diệp bác sĩ Bùi Kiễn Tín, Kem đánh răng Hynos
‘cha-cha-cha’ mang hình anh Bảy Chà ‘đen như cột nhà cháy với hàm răng
trắng bóc’, thuốc lá Jean Bastos và thậm chí cả… Hòm Tôbia ‘danh tiếng
nhất’.

Nhà thuốc Đại Quang do người Tàu ở Chợ Lớn cũng nổi tiếng với món
thuốc “Huyết Trung Bửu”, loại thuốc điều hoà kinh nguyệt dành cho phụ
nữ. Thuốc này từ khi xuất hiện trên thị trường đã đánh bạt “Nữ Kim
Đơn” vì nhờ quảng cáo mạnh trên các báo chí. Đã vậy, hãng Đại Quang
cũng như nhà thuốc Ông Tiên (của Nguyễn Hoàng Hoạnh), cứ mỗi năm cho
ra cuốn sách quảng cáo, có truyện ngắn, thơ, có chuyện lịch sử, bài ca
vọng cổ… để giới thiệu các thứ thuốc của hãng mình cho khắp đồng bào
Lục tỉnh.

Nhà thuốc Đại Từ Bi cũng có xe cam nhông bít mui, bán dạo khắp Nam Kỳ,
từ thành thị đến thôn quê, đặc biệt là các tài tử biết đờn ca vọng cổ,
biết đóng tuồng cải lương, hát giúp vui mỗi khi xe neo ở một địa điểm
nào đó để bán thuốc. Tuồng tích phần nhiều kể chuyện Ông Trương Tiên
Bửu, Kim Vân Kiều, Cánh Buồm Đen…

Trước năm 1954, dân Nam Kỳ, nhứt là dân ‘thủ cựu’ ở thị thành và dân ở
các vùng nửa chợ nửa quê, dân miệt vườn… đều chê thuốc Tây nóng nên
không dùng. Cũng vì thế các tiệm thuốc Bắc mọc lên như nấm.

Người khách trú, một khi mở tiệm thuốc, ngoài các dược thảo, dược
phẩm, còn bán thêm các loại cao đơn hoàn tán do các nhà thuốc Việt Nam
bào chế, lại thêm các loại thuốc đặc chế từ bên Tàu như Thượng Hải,
Hồng Kông, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây nhập cảng vào. Thị trường
thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc tại Sài Gòn và cả miền Nam phát triển
mạnh. ‘Trăm hoa đua nở, trăm nhà… uống thuốc’!

Bên cạnh mỹ phẩm như Bạch ngọc cao, một loại kem xức cho da mặt mịn
màng, còn có Bóng nha duyên dùng để chà răng cho trắng. Bóng nha duyên
xúc miệng không thơm bằng phấn chà răng của Tây đặc chế như Kool,
Gibbs, nên bán không chạy. Dân miệt vườn thì dùng xác cau khô để chà
răng, chưa quen với việc dùng bàn chải, đến khi kem đánh răng Leyna
xuất hiện với hình nữ minh tinh Kim Vui cười phô hàm răng trắng đều,
và sau đó là kem Hynos của ông Vương Đạo Nghĩa (1965) với người đàn
ông da đen cười răng trắng nhởn, thì Kool, Gibbs, Perlon bị cáo chung.
Bóng nha duyên cũng rút lui không kèn không trống, điểm nổi bật của
ông chủ trẻ Vương Đạo Nghĩa là nghệ thuật quảng cáo cho kem đánh răng
Chú Chà Và Hynos sau khi anh được thừa hưởng gia tài từ một ông chủ
người Mỹ có vợ Việt. Hình ảnh chú Hynos xuất hiện hầu như khắp hang
cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Bên cạnh đó, điệp khúc Hynos cha cha cha… trên
đài phát thanh và trên chiếc deux chevaux (2CV) bán hàng tại các chợ
Sài Gòn, người ta nói ông chủ Hynos đã không ngần ngại trích ra 50%
lợi nhuận cho việc quảng cáo. Có thể nói, đây là một tỷ lệ quảng cáo
đột phá và đầy ấn tượng trong bối cảnh nền thương mại của Sài Gòn xưa
đang trên đường hội nhập vào thế giới tư bản.

Sưu tầm.