Tìm Kiếm

6 tháng 10, 2014

Phòng bệnh mùa mưa

Thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt độ trong ngày liên tục thay đổi khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn... phát triển. Ngoài những bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng…, các bệnh dưới đây cũng luôn đe dọa sức khỏe bạn và gia đình.

Cảm cúm

Cảm lạnh và cúm nằm trong chuỗi các bệnh truyền nhiễm hay gặp nhất trong mùa mưa. Bệnh do một số vi rút khác nhau gây ra và được gọi là vi rút đường hô hấp trên. Bệnh lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ: hít phải vi rút bệnh trong không khí, dùng chung, tiếp xúc chung đồ vật với người bị bệnh… Đối với bệnh cảm lạnh thông thường và cúm, việc điều trị khá đơn giản, người bệnh nên uống nhiều nước, nước trái cây tươi. Súc miệng bằng nước muối ấm, tránh hút thuốc và uống rượu cũng là cách phòng bệnh cảm lạnh. Trong chế độ ăn, cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, thịt cá, trứng sữa…


Ngoài cảm lạnh, thời tiết thất thường còn gây nên các bệnh lý liên quan đến hô hấp như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, dãn phế quản… Phòng bệnh hô hấp gồm nhiều biện pháp, chủ yếu là tránh những yếu tố gây bệnh. Không hút thuốc lá thụ động (khiến hệ hô hấp yếu đi) cũng giúp bạn giảm tần suất mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

Bệnh da

Bệnh da thường xuất hiện trong mùa mưa bão, do cơ thể mất cân bằng năng lượng, thói quen ăn uống và lối sống chưa phù hợp, thời tiết ẩm ướt…

+ Viêm nang lông: Do nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, cơ thể không sạch, mưa ẩm, khiến vi khuẩn phát triển mạnh ở nang lông: tóc, lông nách, ở bộ phận sinh dục… tạo thành những mụn nhỏ gây ngứa, chảy dịch, loét. Nếu bị nhiễm bệnh, bạn phải sát khuẩn toàn cơ thể và đặc biệt tại những vị trí đó bằng cồn, uống thuốc kháng sinh; tránh gãi, tác động khiến da bị tổn thương sâu. Cách tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đi mưa về phải lau khô thân thể và đầu tóc.

+ Ghẻ: Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Căn nguyên do ký sinh trùng có tên gọi Sarcoptes Scabies xâm nhập vào da, tạo nên những thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ. Vị trí hay gặp: kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi, mông, bẹn, cơ quan sinh dục, nếp lằn vú, nách. Hiếm khi thấy ghẻ ở khu vực trên của cơ thể như lưng, mặt.

Người bệnh cần vệ sinh cá nhân và bôi thuốc chữa ghẻ (một trong các loại thuốc: DEP, Eurax, Ascabiol). Nên điều trị cho cả nhà, những người có biểu hiện ngứa ghẻ, tẩy uế quần áo, drap, gối bằng cách luộc hoặc phơi liên tiếp ba-bốn nắng.

Bệnh tiêu hóa

Khi môi trường nước bị nhiễm bẩn, các bệnh về tiêu hóa sẽ thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân gây bệnh do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (ăn uống thiếu vệ sinh, thức ăn chưa nấu chín…). Bệnh tiêu hóa nhẹ không cần uống thuốc vẫn có thể giảm và tự khỏi. Người bệnh cần ăn uống hợp lý, kết hợp với thể dục hàng ngày và có đời sống tinh thần thoải mái.

Tiêu chảy là bệnh tiêu hóa dễ gặp trong ngày mưa. Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây nên. Nếu mắc bệnh này, bạn cần nhanh chóng đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng chống bệnh tiêu hóa, nên rửa tay thường xuyên bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh. Cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ.


Bệnh xương khớp

Bệnh đau xương khớp, đau cơ cũng thường gặp trong mùa mưa, nhất là ở những người đã có tiền sử bị bệnh. Những ngày mưa, thời tiết chuyển lạnh khiến các mạch máu ngoại vi giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên, trong đó có da, cơ khớp, gây các triệu chứng như đau mỏi cơ, xương, khớp; co cơ vùng vai gáy, thắt lưng.

Bệnh đau khớp là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp. Người bệnh luôn thấy đau nhức ở các khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai… Không chỉ đau, các khớp còn bị sưng, khiến người bệnh khó vận động, đặc biệt vào sáng sớm.

Lời khuyên tốt nhất để phòng bệnh xương khớp trong mùa mưa là nên luyện tập thể thao. Vận động cơ thể giúp giảm đau nhức rất công hiệu. Ngoài ra, bạn cần chế độ ăn hợp lý: thực phẩm giàu vitamin C và vitamin E, canxi, uống thật nhiều nước…

BS Trần Văn Khanh, BS Võ Thanh Hùng (BV Quận 2, TP.HCM) 

BIỆN PHÁP CHUNG PHÒNG BỆNH MÙA MƯA

Trước hết, cần lưu tâm đến việc vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Các vùng, miền chưa có nước máy cần sử dụng thau, rửa, vệ sinh giếng khơi, sát trùng bằng dung dịch Cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Quản lý tốt chất thải, đặc biệt là phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện…, không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường. Ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Cần phát động người dân tự giác vệ sinh trong gia đình, ngõ xóm để môi trường sống phong quang, sạch sẽ, nhằm khống chế tối đa mầm bệnh.

Tuyệt đối không ăn rau sống, nước lã, đi vệ sinh bừa bãi. Không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ lụt, không ngâm mình lâu dưới nước.

(st)