Tìm Kiếm

15 tháng 6, 2018

Thi thể người chết “Made in USA” bị bán đi toàn cầu

Chưa bao giờ nhu cầu cung cấp thi thể người chết cho y học của thế giới lại lên cao như bây giờ. Các công ty và dịch vụ kinh doanh Hoa Kỳ xuất cảng bộ phận cơ thể người chết cho các đại học hay những cơ quan nghiên cứu đã giàu sụ một cách hợp pháp nhờ hệ thống luật pháp lỏng lẻo của Hoa Kỳ. Hàng năm có hàng ngàn bộ phận của người chết hiến tặng ở Mỹ được cưa, xẻ phân phối đi khắp nơi, ít nhất là 45 quốc gia. Đầu, mình và tứ chi con người được bán, cho thuê, hoặc sang nhượng, mặc dù người thân của những người chết đã ký giấy tặng giữ và không bằng lòng việc thi thể người thân họ bị mang đi khắp nơi với mục đích thương mại. Con buôn đã lợi dụng những khe hở luật pháp của Mỹ, đã kiếm lời trên lòng tốt những người có lòng hiến tặng cơ thể mình cho công cuộc học hỏi và nghiên cứu y học của con người.

Khám xét nhà quàn và cơ quan hiến tặng cơ thể Sunset Mesa Funeral Directors.(Photo: Screenshot)

Một trong những doanh nghiệp lớn nhất chuyên môn lo việc này là công ty MedCure có văn phòng chính ở Portland, Oregon. Vào ngày 20 tháng 7, 2017, một chiếc tàu chở hàng gắn cờ Hồng Kông rời Charleston, Nam Carolina, chở hàng ngàn thùng chứa hàng mà trong đó toàn là các bộ phận cơ thể của hàng chục người Mỹ đã chết. Theo bản kê khai, chuyến hàng này được chở đến châu Âu bao gồm khoảng 6 ngàn pound thịt người trị giá 67 ngàn 204 USD. Để giữ hàng hóa không bị hư hỏng, nhiệt độ của thùng chứa được đặt ở mức 5 độ F. Cơ quan môi giới được gọi là MedCure Inc này kiếm lời bằng cách cắt các cơ quan của người hiến tặng để gởi đi cho các trung tâm đào tạo và nghiên cứu y khoa.

MedCure  đã bán hoặc cho thuê khoảng 10 ngàn bộ phận cơ thể và vận chuyển khoảng 20% ​​trong số đó ra ít nhất là  22 quốc gia khác bằng máy bay hoặc xe tải, theo hồ sơ kê khai cho thấy. Trong đó có cả xương chậu, chân và bàn chân cho Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovenia và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Ở các quốc gia có luật pháp hay truyền thống tôn giáo nghiên cấm việc xẻ thịt hoặc đụng vào thi thể người chết, họ rất cần các bộ phận của đầu mình và tứ chi cho việc nghiên cứu.  Không một quốc gia nào khác có một ngành công nghiệp có thể cung cấp các bộ phận cơ thể thuận tiện và đáng tin cậy như Hoa Kỳ. Luật pháp Hoa Kỳ bấy lâu không để ý và điều chỉnh việc buôn bán các thi thể hiến tặng, khiến các doanh nhân như MedCure đã phát triển nhanh chóng và mở rộng việc xuất khẩu trong 10 năm qua.

Các chuyến hàng của MedCure hiện đang là mục tiêu của cuộc điều tra Liên Bang. Tháng 11, 2017 Cục Điều Tra Liên Bang đã xông vào trụ sở của Portland để lục soát. MedCure bắt đầu vận chuyển xác người và bộ phận cơ thể ra nước ngoài theo đơn hàng cá nhân, từng cái một và phần lớn là bằng máy bay. Các cựu nhân viên cho biết công ty sau đó đã tính toán rằng nó có thể tăng lợi nhuận bằng cách vận chuyển số lượng lớn các bộ phận cơ thể đến châu Âu và phân phối chúng từ đó. Luật sư Jeffrey Edelson của MedCure đang hợp tác với cuộc điều tra. Ông từ chối bình luận về vụ tấn công của FBI, nhưng ông nói: "MedCure cam kết đáp ứng và vượt qua các tiêu chuẩn cao nhất trong ngành."

Khi hiến tặng thân thể cho các cuộc ngiên cứu khoa học, người thân hay chính người tặng thường ký giấy thoả thuận việc thân thể bị mổ, xẻ và các bộ phận có thể được đưa ra khỏi nước. Ngoài những người tình nguyện hiến tặng vì mục đích có lợi cho khoa học, sự hiến tặng còn vì lý do thân nhân người chết nghèo không đủ tiền lo tang ma hay có các xác chết vô thừa nhận. Tuy nhiên có những người thân của người hiến tặng rất sững sờ khi biết thân thể của người thân lại bị chia năm xẻ bảy, bán đi khắp nơi đến tận cùng trái đất như vậy.

Marie Gallegos, là trường hợp điển hình. Bà đã ký giấy hiến tặng thi thể chồng bà sau khi ông chết. Sau đó bà nhận được tro của ông từ nơi bà hiến tặng United Tissue Network(UTN) rồi đưa đi chôn ở khu mộ cựu chiến binh. Bà không hề biết tro đó chỉ là một phần trong thi thể chồng bà. Đầu của ông đã được đưa đi Tel Aviv Dental School ở Israel. Bà nói nếu bà biết cái đầu còn ở bên Israel bà đã đợi mà không cử hành lễ an táng. Bà trách họ đã không nói và thông báo cho bà biết về việc họ sẽ làm gì đối với thi thể của ông.

UTN từ chối trả lời về trường hợp của bà Gallegos và khẳng định rằng “Chúng tôi đã cắt nghĩa rất rõ ràng về sự việc trước khi khách hàng ký giấy tặng hiến”.

Sự việc đã không bị phát hiện nếu không xảy ra vụ nhầm lẫn trong việc dán nhãn cái đầu của chồng bà Gallegos khi nó bị trả lại nguyên quán sau khi thuê mướn. Vào ngày 1 tháng 11,2017, đầu chồng bà cùng 6 cái khác được Israel trả về cho UTN ở Arizona để hoả táng. Tất cả được bỏ trong một cái gói với kích cỡ một cái quan tài bên ngoài dán nhãn “Electronic” tức “Đồ điện tử” với trị giá ghi là $10.00. Cái gói đã bị chọc thủng trước khi đến Mỹ và rất nặng mùi nên không thoát khỏi con mắt sắc sảo của một nhân viên hải quan của phi trường.

Khi mọi việc vỡ lở, Hải Quan Mỹ đòi UTN phải cung cấp giấy chứng tử của các cái đầu để xác nhận rằng các bộ phận cho thuê không có bệnh tật và nhiễm trùng. Theo báo cáo của hãng thông tấn Reuters đưa ra một trong các bộ phận cho thuê bị nhiễm trùng staphylococcus aureus, mà Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Bệnh Tật CDC nói là có nguy cơ gây nguy hiểm trầm trọng tới sức khoẻ của các nhân viên y tế. Cái gói thi thể bị giữ lại ở phi trường và tranh cãi nổ ra giữa UTN và Hải Quan. Phải mất 3 tuần, cái gói mới được giao cho UTN đem đi hoả thiêu.

Nói về việc các phần cơ thể bị nhiễm trùng, chính phủ Liên Bang không có luật lệ rõ ràng nào cho việc này. Tuy nhiên, theo các quy định rất dễ dàng thì bất cứ ai cũng có thể mua, bán hay thuê các bộ phận cơ thể một cách hợp pháp. Khi các bộ phận được đưa ra khỏi nước, các nhân viên ở biên giới có thẩm quyền giám sát và phải bảo đảm rằng chúng không bị nhiễm bệnh truyền nhiễm và được vận chuyển đúng cách như Reuters tiết lộ.

Trong một bản báo cáo của Reuters về những hồ sơ của chính phủ cho thấy các cơ quan biên giới đã chặn các bộ phận cơ thể bị nghi ngờ nhiễm bệnh ít nhất 75 lần trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2017. Các nhân viên kiểm tra ở biên giới chú ý nhiều hơn đến hàng hoá nhập cảnh vào nước Mỹ hơn là các chuyến hàng xuất cảnh và hầu như tất cả các lô hàng có bộ phận cơ thể được trả về Mỹ bị chặn lại. Thông thường, các bộ phận cơ thể được đưa trở lại Mỹ vì ba lý do: không giải quyết được việc tiêu hủy vì không hợp với luật lệ của quốc gia họ, xứ họ không có dịch vụ hoả táng, và công ty môi giới có dự định tái sử dụng các bộ phận.

Do những báo cáo và tố cáo, Rathburn, một nhà môi giới buôn bán cơ thể đã bị cơ quan FBI theo dõi và bắt được ông ta lừa gạt khách hàng bằng cách cung cấp các phần cơ thể bị nhiễm HIV và viêm gan. Ngoài ra ông ta còn lưu giữ các bộ phận này trong một tình trạng rất tệ hại và kém vệ sinh. Những điều này có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ của cộng đồng.

Hiện nay chính phủ Hoa Kỳ đang theo dõi và điều tra các cơ sở kinh doanh và môi giới các bộ phận cơ thể con người được hiến tặng

Trịnh Thanh Thủy 

Tài liệu tham khảo

Cashing on in the donated dead “The body trade”