Tìm Kiếm

31 tháng 3, 2018

ĐI MÁY BAY NÊN BIẾT & HOÀN CẢNH NGƯỜI GIÀ MẤT TRÍ NHỚ .

Những điều không nên làm khi đang ở trên máy bay.
Phụng Linh (Theo Reader Digest 4-2017)

WESTMINSTER, California (NV) – Chúng ta thường bị căng thẳng trong các chuyến du lịch, đặc biệt trong mùa Hè. Vì thế, cần phải cẩn thận, không để bị nhiễm bệnh khi đang trong một chuyến bay. Các chuyên viên sức khoẻ tiết lộ rằng trong chuyến bay mà bạn trải qua là nơi ẩn núp của nhiều loại vi trùng và gợi ý nhiều biện pháp giúp bạn giữ sức khoẻ để cảm thấy thoải mái khi đang ở trên không trung.

Đừng để chân trần khi đi bộ.
Các tiếp viên hàng không chứng kiến mỗi ngày nhiều cảnh tượng, từ người bị nôn mửa, bị đổ máu, hoặc làm đổ vấy tung toé thức ăn trên thảm lót đường đi. Linda Ferguson, nữ tiếp viên hàng không hành nghề suốt 24 năm qua cho biết cô thấy nhiều người đi bộ từ ghế ngồi đến phòng vệ sinh trên đôi chân trần. Cô đã phải năn nỉ họ đừng như thế vì sàn nhà chứa đầy vi trùng. Theo cô, bạn đừng bao giờ vào nhà vệ sinh hoặc khu vực bếp ăn mà không mang giầy dép vì thỉnh thoảng có người làm rơi ly chén, để lại nhiều mảnh thuỷ tinh bén nhọn trên sàn. Đó là những điều bí mật mà các tiếp viên hàng không không bao giờ nói cho bạn biết.

Chớ uống nước đá.
Một cuộc nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ Môi sinh Hàng không, viết tắt là EPA năm 2004 cho thấy, chỉ có 15% trong tổng số 327 hãng hàng không cung cấp nguồn nước uống đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ. Sau khi EPA ban hành luật quy định tiêu chuẩn nước uống của các hãng hàng không vào năm 2009, số hãng hàng không đạt tiêu chuẩn này bắt đầu gia tăng và hầu hết không dùng nước vòi để phục vụ hành khách, trừ nước đá vẫn phải dùng nguồn nước này. Ferguson cho biết các bồn chứa nước của phi cơ đã quá cũ và chứa nhiều vi trùng. Đó là lý do khiến các hãng hàng không phải chứa hàng tấn chai nước uống trên phi cơ và nguyên nhân khiến thức ăn trên phi cơ có mùi vị rất tệ.

Nên đi bộ, co duỗi tay chân mỗi tiếng đồng hồ một lần.
Ngồi trên phi cơ, bạn có nguy cơ bị chứng máu đông ở tĩnh mạch hai chân. Vì vậy bạn nên đi bộ vài phút hoặc đứng lên, co duỗi tay chân để phòng ngừa chứng bệnh này. Đừng mặc quần áo quá chật có thể làm nghẽn lưu thông của máu khi bạn ngồi trên phi cơ. Theo bác sĩ Catherine Sonquist Forest của bệnh viện Stanford University Health Care, điều quan trọng là bạn cần phải đi vòng vòng hoặc cử động đôi chân ít nhất mỗi tiếng đồng hồ một lần. Bác sĩ Forest cũng nói rằng nếu không thể đứng dậy được thì nên vận động tại chỗ ngồi bằng cách nâng đầu gối lên ngực và xoay người trên ghế từ trái qua phải và ngược lại.

Đeo kính áp tròng (Contact lens)
Nếu có thể thì bạn nên đeo kính áp tròng trong suốt chuyến bay. Không khí trong khoang hành khách rất khô và có thể gây dị ứng cho đôi mắt của bạn.
Không tắt quạt gió thông hơi trên ghế ngồi
Nếu quạt thông hơi trên ghế ngồi thổi hơi lạnh vào người thì bạn nên mặc áo giữ ấm chứ không nên tắt đi. Các bác sĩ khuyên bạn nên điều chỉnh quạt thông hơi ở mức trung bình hoặc cao để hơi gió thổi bay vi khuẩn trong không khí trước khi nó đột nhập vào khu vực của bạn đang ngồi. Đây cũng là nguyên nhân giúp làn da của bạn không bị khô khi ở trên phi cơ.

Không nhặt thức ăn bị rơi vãi trên bàn khay.
Những cái bàn khay này không được dọn rửa, khử trùng giữa những chuyến bay, cho nên chớ nhặt những miếng bánh rơi xuống khay cho vào miệng, hoặc để thức ăn lên trên khay, trừ khi nào bạn tẩy uế nó trước. Nhiều người còn đặt chân lên trên khay trong chuyến bay trước và đó là lý do khiến chiếc khay trở thành thủ phạm làm lây nhiễm vi trùng, như E.Coli chẳng hạn.

Không nên xài mền trên phi cơ.
Chăn mền và cả gối không được tẩy uế giữa các chuyến bay, trước khi cất cánh hoặc sau khi hạ cánh. Cho nên đây là ổ chứa vi trùng rồi lan từ người này sang người khác. Ferguson cho biết thấy có người quấn chân trong chăn, hoặc ho vào chăn.

Đừng quên uống đủ 16oz nước (khoảng 1/2 lít).
Bạn bị đau cổ họng giữa chuyến bay? Không nên đổ lỗi cho thức ăn mặn. Độ ẩm trong khoang hành khách rất thấp nhất là khi phi cơ phải tuôn ra không khí từ buồng lái giúp mọi người hít thở ở độ cao từ 6,000 đến 8,000 feet. Trong mỗi chuyến bay, một tiếp viên hàng không thường phải uống đủ 16 oz nước. Điều này rất quan trọng, bạn nhớ phải uống cho đủ lượng nước này.

Không nên uống rượu, cà phê hoặc trà.
Mặc dù trà và cà phê thường được pha bằng nước đun sôi, nhưng nếu có thể thì bạn nên chọn nước đóng chai hoặc nước giải khát đóng hộp. Trà và cà phê không phải là loại giải khát tốt cho bạn. Cũng không nên uống rượu bia, vì một ly rượu dù ngon cũng chưa chắc mang lại sự thoải mái cho bạn. Chất caffeine thường làm cho bạn bị mất nước, cộng với độ ẩm quá thấp trên phi cơ sẽ làm cơ thể của bạn bị khô. Mặt khác, không khí quá ít trên phi cơ sẽ làm rượu thẩm thấu nhanh hơn, khiến bạn cảm thấy “khó ở” nhiều hơn.

Đừng chạm tay vào nút xả của bồn cầu trong phòng vệ sinh.
Bạn nhớ điều này. Cũng như những nơi công cộng khác trên phi cơ, phòng vệ sinh chứa đầy vi trùng. Hãy tự bảo vệ mình, rửa hai tay cho sạch, dùng giấy vệ sinh ấn nút xả và mở cửa phòng.

Không tựa đầu vào cửa sổ để ngủ.
Bạn không phải là người duy nhất muốn tựa đầu vào cửa sổ để ngủ. Ai mà biết người nào đó đã thở, hắt hơi, ho vào mặt kiếng của cửa sổ. Ferguson cho biết thấy có người dùng khăn giấy vệ sinh lau sạch vùng chung quanh ghế trước khi ngồi xuống. Ferguson nhắc bạn chớ để tay vào miệng, hoặc đặt lên mặt. Không có hãng hàng không nào cho bạn biết điều bí mật này. Bạn nên mặc loại quần áo dài tay có thể che phủ vùng da của cơ thể để người của bạn không chạm vào chiếc ghế đang ngồi.
Cũng như nhiều nơi khác trên phi cơ, nệm của chiếc ghế không hề được tẩy rửa. Chúng ta thường nghĩ rằng mình chỉ ngồi trong giây lát nên không quan tâm đến những điều bất tiện trong chuyến bay. Cũng đừng quên nói với các tiếp viên hàng không khi bạn cảm thấy có điều gì đó bất tiện.

Đừng chọn chỗ ngồi kẹt giữa hai người khác.
Một cuộc khảo sát được tiến hành của Global Strategy Group hồi năm 2009 cho thấy, hơn một nửa hành khách người Mỹ thà đến phòng mạch nha sĩ hơn là bị ngồi kẹt giữa hai người đàn ông trên chuyến bay. Bạn nên chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ hoặc cạnh đường đi.

Nhớ săn sóc da.
Nên dùng kem dưỡng da để da không bị khô và ngứa vì không khí trong phi cơ thường làm da bị khô.

Đừng ngủ trước khi phi cơ cất cánh.
Nếu ngủ trước khi phi cơ cất cánh thì hai tai của bạn sẽ rất khó lấy lại quân bình áp suất. Bạn chỉ trở lại bình thường nếu nhai kẹo cao su hoặc ngáp.

Đừng uống nước ngọt.
Sự gia tăng độ cao có thể làm hơi đường ruột tăng cao hơn 30% so với bình thường, vì vậy bạn nên tránh uống các loại nước giải khát có gas. Giữ sự ổn định của bao tử bạn bằng cách uống nước đóng chai.

(Theo Reader Digest 4-2017)

Bệnh Mất trí nhớ - Alzheime, Dementia,
Lại thị Mơ. Vietbao.com

Gia Đình Suy Ngẫm

Mất trí nhớ là bệnh đáng sợ nhất trong tất cả các bệnh của con người.

Có 2 loại bệnh mất trí nhớ: Alzheime, Dementia
Loại nặng là Alzheimer. Hoàn toàn mất hẳn trí nhớ, như trường hợp Tổng Thống Reagan (kéo dài 10 năm mới chết).
Loại nhẹ gọi là Dementia  lúc nhớ lúc quên, như trường hợp nhà Bác Học Albert Einstein.
Cho tới bây giờ khoa học cũng vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng ngừa hay chữa trị. Chỉ biết khi trời kêu ai nấy dạ.
Các bác sĩ thì khuyên bắt đầu óc làm việc chút chút mỗi ngày, cũng là một cách tập thể dục cho cái đầu (não) của mình vậy thôi.
Đọc sách, viết bài, viết thư… cũng là một cách tập thể dục đầu. Tức là bắt cái não của mình không được “nhàn cư vi bất thiện” rảnh quá rồi nghĩ chuyện linh tinh than mây khóc gió.
Hoặc như Mỹ nói “use it or lose it” Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Quả thật từ khi có internet, thì mọi thứ tin tức và hình ảnh được lan tràn trên khắp thế giới chỉ sau vài tích tắc. Người dân trên toàn thế giới (ngoại trừ Bắc Hàn và các nước độc tài) có thể theo dõi đủ mọi biến chuyển ngay khi xảy ra.
Ngay cả ở Mỹ, khi có World Cup về đá banh, đâu phải trận banh nào quí vị cũng được coi hết đâu. Nhất là khi Mỹ đã thua rồi, là coi như dẹp bớt, ông chồng tôi (chuyên gia TV 24/7& 20 hour/ day) bảo thế.

Trong khi VN nghèo mà chơi bảnh cho coi líp ba ga, thức đêm thức hôm xem miệt mài suốt gần 2 tháng. Mỗi lần có World Cup là công việc tê liệt, quan thì ngủ bù ở nhà, lính thì vào sở lớt phớt cho có lệ, vì còn ngáp ngắn ngáp dài.
Mặc dù bệnh mất trí nhớ không làm tổn thương tới thân xác bệnh nhân như các bệnh nhiễm trùng, hay bệnh ung thư tàn phá cơ thể rất nhanh.
Không ảnh hưởng tới physical, vì chỉ có não không còn làm việc, chứ tim gan phèo phổi vẫn bình thường. Bệnh nhân vẫn có thể sống rất lâu, nếu không muốn nói là thọ.
Không tổn thương về thể chất (của bệnh nhân), nhưng tổn thương rất nặng về tinh thần cho người chăm sóc.
Biết bao câu chuyện não lòng khi có người thân bị bệnh mất trí. Nhất là khi người ấy lại là ông bà cha mẹ của mình.

Trong các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ nhẹ Dementia (lúc khởi đầu) có một triệu chứng đã làm tổn thương tới tình cảm gia đình. Đó là người bệnh lúc nào cũng nghi ngờ bị mất cắp tiền bạc hay nữ trang của mình.
Họ có thể nói (y như thật) người này người kia đã lấy cắp của họ. Nếu chỉ có một người chăm sóc người bệnh (ông bà cha mẹ), thì ráng giữ bình tĩnh bỏ ngoài tai, coi như không chấp. Nhưng khổ nỗi vì cuộc sống khó khăn, rất nhiều người ở VN, sau khi lập gia đình vẫn phải ở chung theo kiểu ngũ đại đồng đường. Cháu dâu con dâu, cháu rể con rể là người không cùng máu mủ hay bị hàm oan.
Có một điều không hiểu nổi, đó là họ có thể không nhận được tất cả mọi người. Nhưng bà mẹ chồng vẫn biết đây là thằng con yêu quí của mình. Bà đợi con đi làm về, để than thở bị bỏ đói cả ngày. Còn ai ở nhà cả ngày với bà, ngoài người vợ của mình, tức là con dâu của bà. Oan Thị Kính làm sao giải bày, nuốt bồ hòn làm ngọt. Nếu gặp người chồng vũ phu không có từ tâm hiểu biết, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Từ đó xảy ra biết bao thảm cảnh gia đình, từ xô xát cãi vã, có khi đưa đến chia tay.
Ngoại trừ đổ thừa bị mất đồ, không nhớ đã ăn cơm hay chưa. Những người bị Alzheimer, dù không còn minh mẫn, nhưng họ vẫn có thể nhận ra những người vô cùng đặc biệt với họ. Bà Nancy bảo rằng ông Tổng Thống Reagan quên hết tất cả mọi người, chỉ còn nhớ duy nhất một mình bà. Ít ra cũng còn có một người để cho ông nghe lời.

Căn bệnh mất trí còn nguy hiểm hơn cả bệnh điên. Vì bệnh điên tuy vậy vẫn có thuốc chữa hay chế ngự. Khi người điên nổi cơn người ta cho uống thuốc, cơn điên sẽ bị chế ngự. Sau đó người ta cho chạy điện vô não. Sau một thời gian thì não của người bệnh trở lại bình thường. Đó là do não bị xáo trộn vì một nguyên nhân gì đó, chứ không có hư hại. Trái lại ở bệnh Alzheimer và bệnh Dementia não đã bị thoái hóa, bị hư hại. Đó là lý do tại sao chưa có cách phòng ngừa và chữa trị.

Chăm sóc cho người bệnh lãng trí là một điều vô cùng khó khăn.
Một con vật bình thường như con chó con mèo, dù không nói được, nhưng chúng vẫn nhận ra và nghe lời người nuôi dưỡng nó. Bởi vì chúng vẫn còn bộ não. Trong khi người bị lãng trí, chúng ta sẽ cảm thấy đau lòng khi một cụ già bị nhốt trong chuồng, hay bị xích tay xích chân.
Những hình ảnh đó không thể dùng cho con người. Nhưng chúng ta phải làm sao, khi người bị lãng trí gây ra đủ thứ vấn nạn, làm đảo lộn cuộc sống của những người trong nhà. Giữa đạo đức và hạnh phúc, chúng ta sẽ chọn bên nào.
Chỉ có Thánh hay Bồ Tát mới giữ cho mình khỏi nổi cơn điên khi bị buộc tội oan ức. Cũng chỉ có thánh mới giữ cho mình được bình tĩnh, khi mỗi ngày thấy đủ thứ xáo trộn xảy ra trong căn nhà của mình.
Ông bà cha mẹ là những người ta phải tương kính theo đạo làm con.
Nhưng khi làm sao giữ được vẹn toàn, khi ông bà cha mẹ bị mất trí. Một bệnh nhân trong thân xác của người trưởng thượng. Có nhiều cô con dâu đã phải gào lên nói dối như cuội, khi nói về bà mẹ chồng. Hoặc khi không còn bình tĩnh họ có thể buộc tội điên điên khùng khùng. Thật tình họ không muốn mang tiếng hỗn láo, chẳng qua cơn giun xéo mãi cũng quằn! Khó có ai giữ cho mình sống trọn đạo làm con.

Bản thân tôi có cha mẹ bị Dementia, nghĩa là những gì các cụ nói cần phải xét lại, thế mà cũng vẫn bị lừa đều đều. Lần nào cũng vì sốt ruột khi nghe bố gọi với giọng thều thào “có gì ăn không, bố đói quá”. Lúc ông đang ở trong rehab gần nhà, cổ tay luôn luôn đeo một cái vòng có ghi số điện thoại của tôi, để bất kỳ có chuyện gì xảy ra, ai cũng có thể gọi ngay cho con cháu.

Hôm đó bố tôi ra dấu cho có người giúp. Đầu tiên một giọng nữ gọi, bảo ông muốn nói chuyện với cô. Nghe bố nói muốn ăn cháo (kiểu VN), dạ dạ thưa thưa, cuống quýt đi hâm cháo. Chưa được 10 phút, lại nghe điện thoại gọi, lần này là giọng nam, lại dạ dạ thưa thưa con mang vào ngay. Chạy hộc tốc tới (rehab chỉ cách nhà có 10'), tôi chưng hửng, vì bố tôi đang ngồi trước mặt mâm cơm của nhà thương, còn y nguyên.
Không hiểu tại sao người bị lãng trí, lại “thông minh” đến thế. Không biết tiếng Anh, nhưng bố tôi biết ngoắc một cô y tá nhờ gọi dùm. Sau đó lại nhờ một người y tá khác (đàn ông) gọi tiếp. Nói chuyện bằng tiếng Việt nên họ không hiểu mình nói gì.

Từ đó có kinh nghiệm, tôi không quýnh quáng, mà hỏi lại caregiver. Tuy vậy cũng vẫn chạy vào thăm, nếu không ông cụ sẽ giận hờn bỏ ăn. Người ta nói khi già, người ta sẽ trở thành con nít (chướng). Họ sẽ bướng bỉnh khó chiều, nếu thành con nít ngoan thì đâu có chuyện gì xảy ra.
Một triệu chứng kinh khủng cho người chăm sóc người bị mất trí, đó là họ không còn phân biệt được đúng sai, họ có thể ăn ngay phân của họ, nghĩa là chúng ta không thể rời mắt khỏi họ. Điều này đã làm đau lòng con cái vô cùng.
Có nhiều gia đình khi đi làm, họ phải khoá cầu dao điện, nếu nấu bằng bếp điện. Vì các cụ già khi muốn ăn bánh mì, họ đút luôn cả ổ bánh vào lò nướng, vẫn còn giấy gói và dây thun cột. Có người còn tinh nghịch đốt cả thảm lót nhà.
Nói chung là khi trong nhà có người bị bệnh mất trí, thì ngay cả người chăm sóc cũng mệt nhoài, vì mắt phải luôn luôn ngó chừng. Đôi khi ngay cả người lành cũng không ngờ được những phản ứng bất thường của bệnh nhân.
Bà Nancy vợ của Tổng Thống Reagan chăm sóc ông bị bệnh Alzheimer (nặng) suốt 10 năm trời. Không thể dùng một chữ nào khác hơn chữ “ độc ác” để diễn tả bệnh này. Thông minh hóm hỉnh, tài giỏi, ăn mặc luôn luôn lịch sự. Tất cả không còn nữa, bà Nancy chẳng còn cho ai nhìn thấy ông trong bộ dạng thê thảm thiểu não, quần áo xộc xệch, bộ mặt ngây ngô, không còn ra hình dáng của một chính khách được ngưỡng mộ ngày nào. Thôi thì hãy để mọi người coi như ông đã chết.

Biết bao câu chuyện đau lòng của người thân, khi có ông bà cha mẹ bị bệnh mất trí nhớ. Dù cho bạn có thông minh như nhà Bác Học Albert Einstein cũng vẫn mắc bệnh như thường. Dù cho bạn có học cao hay giàu có đến đâu, bạn cũng vẫn nghẹn ngào khi thấy người thân yêu của mình tàn tạ hay có những hành động làm đau nhói con tim. Điều này có thể hiểu được tại sao có nhiều người bình thường đã đem nhốt người bệnh vào những cái cũi như cũi chó.

Họ quá nghèo khổ, phải lo bươn chải cho miếng cơm manh áo. Họ phải làm liều, dù thật sự trong lòng họ không muốn. Gặp thời thế thế thời phải thế. Cái khó bó cái khôn. Ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Một cô gái thượng (ở VN) bị xích trong rừng vì mất trí cả mấy năm trời, cho tới khi được một Linh Mục giải cứu mang về nhà thờ.
Không thể nào kể siết về những hoàn cảnh thương tâm của những người bị căn bệnh độc ác này. Hành hạ bệnh nhân thì ít (vì họ không còn nhận thức), nhưng hành hạ gia đình người bệnh thì nhiều.

Cách đây 20 năm, có một thanh niên ở phía Đông Bắc Mỹ, đã bỏ cha già bị bệnh mất trí vào lò sưởi đốt. Vì anh ta là con một, lương không trả nổi cho nursing home (hạng bét 200dollar/ ngày).
Người không mất trí chăm sóc cho người bệnh, cũng mất trí luôn, đó là trường hợp của anh này. Những khó khăn đã dồn họ đến chân tường tuyệt vọng.
Chúng tôi đã nhiều lần dặn dò con cháu, nếu bố mẹ bị bệnh lãng trí, cứ mạnh dạn đưa vào nursing home, đừng lo phiền áy náy. Vì lúc này bố mẹ chỉ còn kéo dài cuộc sống trong vô thức. Không còn biểu lộ được tình cảm với con cháu. Trái lại khi cho ở chung, những biểu hiện của căn bệnh sẽ làm mất cả tình thân. Chẳng thà để bố mẹ hành hạ quấy phá người dưng. Khi bố mẹ còn tỉnh táo dặn dò con cháu, đó là ý nguyện của bố mẹ, các con không có lỗi gì cả. Tất cả mọi người trong gia đình bố mẹ đều yêu quý vô vàn. Hãy có từ tâm đừng nghĩ xấu nghĩ ác, rồi nguyền rủa người khác. Bởi vì tục ngữ có câu chẳng ai nắm tay được từ sáng đến tối. Một ngày nào đó rồi chúng ta cũng sẽ già, như lời Phật dạy. Sinh trụ hoại diệt, hoàng hôn tàn để nhường chỗ cho bình minh ló dạng.

Các con tôi cũng rưng rưng nước mắt. Cũng như ngày xưa chúng tôi cũng đau xé lòng khi thấy cha mẹ mình lú lẫn, bỏ cả đồ dơ vào miệng. Hay ngơ ngác đi lạc ngoài đường.
Người ta không sợ chết, mà chỉ sợ bệnh. Quan niệm bên Phật giáo, cho rằng bệnh tật là cái nghiệp của chúng sinh. Không tôn giáo nào cho phép tự tử. Phật bảo rằng khi tự tử có nghĩa là chưa trả hết nghiệp. Đời sau cũng phải trả tiếp. Luật pháp cũng không cho phép người ta xin chấm dứt sự sống. Bạn thấy điều này có đúng không? Kéo dài cuộc sống trong vô thức, không còn tận hưởng được mọi vui thú của cuộc đời, thì có còn ích lợi gì cho xã hội và cho chính người bị bệnh.
Nếu bạn cổ vũ cho ý tưởng đó, bạn sẽ bị lên án. Vì xã hội không chấp nhận mạng con người như một món đồ vật, để có thể vứt bỏ dễ dàng.
Bạn có biết con số bệnh viện dành cho người mental behavior nhiều gấp mấy con số bệnh viện chữa những bệnh khác. Và người ta đã tránh dùng những chữ điên crazy, hạ giá nhân phẩm. Chỉ dùng  những chữ chung chung mental behavior.

Lại thị Mơ. Vietbao.com