Tìm Kiếm

28 tháng 10, 2017

LẦN ĐẦU CON ĐƯỢC ĐẾN KÍNH VIẾNG MẸ LA VANG


Kinh Thánh Mẫu La Vang

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang,
muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.
Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ,
tinh tuyền thánh thiện, 
sinh Đấng cứu độ muôn loài.
Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,
cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,
giữa thời kỳ ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy ngót chân Mẹ bước đến,
vẩn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn ơn phần xác,
người bệnh tật kẻ ưu phiền,
nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,
cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà,
đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,
đại lượng bao dung,
cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin Mẹ phù hộ chúng con,
luôn sống đức hạnh, 
đầy lòng cậy trông.
Và sau cuộc đời này,
xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,
hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.

TRUYỀN THUYẾT ĐỨC MẸ HlỆN RA TẠI LA VANG

La Vang thời các chúa Nguyễn vào Nam nằm trong khu vực gọi là Dinh Cát (dinh xây trên cát), cách thành Dinh Cát 10 cây số về hướng Nam. Đời vua Gia Long, tỉnh thành được dời vào Quảng Trị và La Vang chỉ còn cách tỉnh thành Quảng Trị 6 cây số cùng về hướng Nam. Nhưng La Vang bấy giờ chỉ lá một thôn xóm hẻo lánh nằm mất hút trong rừng già Trường Sơn, cây cối chằng chịt, núi đồi hoang vu, rừng thiêng nước độc và nhất là đầy cọp beo thú dữ.

La Vang từ thế kỷ XVII đã là đất khẩn hoang của làng Cổ Vưu, vì thế đa số cư dân nơi đây là người Cổ Vưu. Ngày thường La Vang chỉ là nơi người ta "đi rú " (trồng khoai, cấy lúa, trỉa bắp, chặt cây, đốn gỗ, bẫy thú...), nhưng trong cấm cách bách hại thì La Vang trở thành nơi ẩn náu cho những người công giáo trung kiên, như trong cuộc bách hại vào năm 1798.  

Năm 1798, triều đình Tây Sơn Cảnh Thịnh bị lung lay trước sức tấn công vũ bão từ miền Nam ra tận đèo Hải Vân của Nguyễn Ánh. Trong cơn hoảng loạn, để báo thù Đức cha Bá Đa Lộc đã giúp họ Nguyễn, đồng thời khủng bố giáo dân mà triều đình luôn cho là kẻ nội ứng, vua Cảnh Thịnh đã ra chỉ dụ cấm đạo.

Cuộc bắt đạo diễn ra chớp nhoáng, dã man và tàn ác khiến giáo dân trở tay không kịp, nhất là trong địa bàn hai tĩnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Tại họ đạo Cổ Vưu nói riêng, vùng Dinh Cát nói chung có hàng trăm người bị giết, hàng ngàn người bị xô vào ngục thất, hàng ngàn người khác bỏ nhà bỏ cửa ra đi tìm nơi lánh nạn. Một số ít trong họ đã đến được La Vang, ẩn trú trong các chòi tranh, gốc cây, lùm bụi. Ngày khổ cực đói cơm rách áo, tối hãi hùng vượn hú cọp kêu... Lại bấy giờ đang lúc ôn dịch hoành hành, thuốc men không có, người chết như rạ. Giáo hữu chỉ biết nhìn nhau thương khóc. Thật muôn ngàn cơ cực, trăm bề đắng cay!

Nhưng dù nguy khốn cách mấy thì giáo hữu vẫn một lòng trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Vì thế không ai bảo ai, họ tự động ngồi sít lại gần nhau, dưới đám cỏ gần gốc cây đa, tay mân mê tràng chuỗi và những lời kinh đồng thanh vang lên, hòa trong màn đêm rùng rợn, gió buốt từng cơn, đêm này đến khác, lời kinh như lời kêu khóc bi ai não ruột thấu tận trời xanh như muốn kéo Mẹ thiên đình xuống cõi trần gian.

Thế rồi một hôm, theo lời truyền tụng, trong khi giáo hữu đang đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay ẵm Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hầu cận. Đức Mẹ hiện xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi giáo hữu đang cầu nguyện. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu vui lòng chịu khổ, dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Đức Mẹ còn phán hứa rằng: "Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện."

Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điếu các tiền nhân loan truyền lại cho đến ngày nay. (1)


ĐỊA DANH LA VANG

Có hai cách giải thích địa danh La Vang:

1. LA VANG = LA + VANG

"La Vang là tiếng kêu om sòm, thường người ta hay đặt tên chỗ này hay chỗ kia bằng cách lấy tên cái khe suối, cái cây cổ thụ hay tên người nào trước đó mà đặt tên chỗ. Song đây thì lấy tiếng La Vang mà đặt tên cũng lạ. La Vang là tiếng la, tiếng đuổi thú dữ. La Vang là tiếng rao truyền. La Vang là tiếng khi người ta đặng sự vui mừng quá bội, hoảng hốt mà kêu la, hay là tiếng quở trách. Tưởng rằng ý định đã xui cho người ta dùng tiếng La Vang mà đặt tên chỗ này cho ứng nghiệm về việc xảy ra bấy lâu nay và sau này nữa."[2]

"Tên La Vang là vì xưa ở nơi đó có nhiều cọp, xóm Trí Bưu vào làm chòi ở lại làm gỗ, vỡ đất nên đêm nào cũng đánh mõ, la lối để đuổi cọp. Vì thế xóm chung quanh nhà thờ gọi là La Vang...  Ban đêm phường La Vang không có sự thinh lặng. Đêm nào người ta cũng la lối om sòm, họ đánh mõ, đánh thùng rộn ràng để đuổi các thú dữ như heo rừng, voi, cọp... Từ rú xanh ra phá hoại khoai sắn, lúa... nên người ta gọi là phường La Vang."[3]

2. LA VANG = LÁ VẰNG

"Xóm La Vang xưa có vô số cây tên gọi 'Lá Vằng'. Các cây xung quanh như sim, tre, hóp... đều bị cây lá vằng leo đầy cả. Vì vậy tục danh kêu xứ đó là Lá Vằng. Lâu ngày nghe không rõ người ta đọc trại đi thành La Vang."[4]

“Khi hết cơn bắt đạo rồi thì bổn đạo Trí Bưu vào La Vang lập một phường gọi là xứ La Văng. Gốc tích tên La Văng trong bộ (địa bạ) Trí Bưu viết hai chữ Lá Vằng. Bởi vì chính nơi họ lập vườn Đức Mẹ và nhà thờ thì có cây lá vằng nhiều lắm, nên họ đặt tên là Lá Vằng, nhưng khi nói chuyện thì nói nhẹ tiếng nên ra La Vang..."[5]

Có lẽ cả hai cách giải thích trên đều dễ thương và dễ chấp nhận, nhưng xét trên bình diện khoa học cũng như tập quán dân gian thì cách giải thích thứ hai (La Vang = Lá Vằng) hợp lý hơn. Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá luôn bảo vệ quan điểm này. Theo ngài nếu La Vang = La + Vang "thì trong bộ (địa bạ) Gia Long làng đã viết La Vang. Nhưng không, ngược lại làng đã viết Lá Vằng. Tại sao vậy? Là vì tại vườn Đức Mẹ có vô số cây  lá vằng. Lúc tôi còn đang năm, sáu tuổi (1896) vào La Vang hái hột lá vằng ăn đen cả miệng. Các cây xung quanh vườn Đức Mẹ như hóp, sim, tre... đều bị cây lá vằng leo đầy cả. Vì vậy mà tục danh kêu xứ đó là Lá Vằng. Lâu lâu kêu không rõ rồi ra La Vang cho dễ nói."[6]

Vả lại, một tập quán ngôn ngữ cần được lưu ý, ủng hộ quan điểm của Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá, người Quảng Trị không nói La Vang mà nói La Văng.

Chúa Nhựt 1/10/2017, là Chúa Nhựt mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi, là ngày đầu tiên trong Tháng Mân Côi, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha.

Tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, Cha GioanKim và Cha Phanxico Xavie đã dâng Thánh Lễ Kính Đức Mẹ Mân Côi cùng Đoàn Hành Hương và các tín hữu bốn phương đã đến kính viếng Đức Mẹ La Vang ngày hôm đó.

Cha GioanKim và Cha Phanxico Xavie cùng Đoàn Hành Hương chụp ảnh lưu Niệm tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang 1-10-2017

Con nhận thức rõ đó là Ơn lành Đức Mẹ ban cho Con cùng Đoàn Hành Hương khi được viếng thăm Đức Mẹ La Vang.

Ơn lành Mẹ trao ban cho Con cùng Đoàn Hành Hương, tại nơi đây chúng con cũng dâng lên Mẹ những ước nguyện của Anh Chị Em chúng con.
Cha Phanxico Xavie là người đại diện Đoàn Hành Hương để kính dâng lên Đức Mẹ La Vang những tâm tư ước vọng được thổ lộ trong những lá thư tâm tình.



Dưới đây là những đoạn video ngắn ghi lại những quang cảnh đẹp tại Thánh Địa Đức Mẹ La Vang.

Quang cảnh đoạn đường ngắn từ Trung Tâm TP. Huế đến Linh Địa Thánh Mẫu La Vang


Bước vào Linh Địa La Vang


Quang Cảnh tại Linh Địa La Vang-Phần I


Quang Cảnh tại Linh Địa La Vang-Phần II


Chúng con xin tạ ơn Đức Mẹ La Vang.


Nguồn http://tonggiaophanhue.net => Đức Mẹ La Vang
(1) Phần in đậm trích nguyên văn trong THÁNH ĐỊA ĐỨC MẸ LA VANG. Toà TGM Huế
(2) Bài Diễn thuyết ĐỨC MẸ VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM của linh mục Phan Phát Huồn. CSsR (Dẫn bút tích của cụ Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài ngày 18.02.1925). Ns. ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP. Số 119. Tháng 04.1959. Tr.106
(3) Bài giảng về ĐMLV của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn ngày 15.08.1932. Sách ĐỨC MẸ LA VANG (Lm Lê Văn Thành). Cứu Thế Tùng Thư.1955
(4) SỬ KÝ TỈNH QUẢNG TRỊ. Bản đánh máy. Ngày 26.08.1963. Tr.47
(5) TỰ TÍCH LA VĂNG. Bản hồi ký viết tay của Lm Philipphê Lê Thiện Bá. Tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ
(6) Bài diễn thuyết ĐỨC MẸ VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM của Lm Phan Phát Huồn. CSsR (Dẫn bài viết của Lm Philipphê Lê Thiện Bá).Ns. ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP. Số 119. Tháng 04.1959. Tr. 106

Maria Hoàng Linh Phương