Tìm Kiếm

28 tháng 4, 2023

Đọc sách qua ChatGPT


Lang Minh

Nghiên cứu viên

















Từ khi có ChatGPT, sinh viên biết cách đối phó với những “hung thần giảng đường” như tôi.

Thay vì mất cả ngày đọc các bài tạp chí khoa học 10.000 chữ dày đặc thuật ngữ, họ ra lệnh cho ChatGPT tóm tắt thành 500 chữ và đọc trong khi ăn trưa để đầu giờ chiều trả bài. Tất nhiên, những sinh viên này không thể trả lời được các câu hỏi sâu hơn về vấn đề mà bài tạp chí nhắc đến.

Câu chuyện đó không còn gói gọn trong môn học của tôi mà diễn ra ở nhiều giảng đường trên thế giới, với các mức độ khác nhau. Tình trạng phổ biến đến mức có những trường chọn phương án cực đoan - cấm sử dụng ChatGPT.

Nền giáo dục ngày nay phải đấu tranh để đảm bảo kết hợp được cách đọc tập trung cao (hyper focus) và đọc tập trung sâu (deep focus). Đọc tập trung cao, tương ứng với việc đọc lướt, đọc nhảy cóc để lấy thông tin từ văn bản số trên môi trường Internet: báo điện tử, bài blog... Đọc tập trung sâu hướng tới xây dựng mối liên kết tri thức với văn bản in truyền thống: tiểu thuyết, bài báo khoa học...

Đọc tập trung cao lấn át đọc tập trung sâu dẫn đến hệ quả: người đọc có xu hướng tự tin đưa ra tuyên bố cuối cùng dựa trên các mảnh dữ liệu rời rạc được thu thập chóng vánh. Họ sẽ đọc lướt ngay cả với một cuốn sách dày. Ngón tay, như một thói quen vô thức, không lật từng trang sách mà "cuộn/vuốt" để săn các thông tin được cho là cần thiết.

Đó là chưa kể sức ép từ tiếng ting ting của mạng xã hội, cá nhân bị giảm tập trung, bị thôi thúc phải thể hiện ngay lập tức ý kiến thay vì hành trình tri thức im lặng và nhọc nhằn (đôi khi là thiếu hiệu quả) cùng một tác giả từ chương này sang chương khác.

ChatGPT xuất hiện, có dấu hiệu xóa sổ nốt cả cách đọc tập trung cao này. Cuộc thu thập mau lẹ nói trên giờ cũng không được thực hiện bởi con người nữa, mà bởi một thuật toán tự động nằm ẩn sau mô hình dữ liệu lớn của AI. Không phải nhặt nhạnh và có luôn kết quả như yêu cầu đi kèm lối hành văn mượt mà, thực là một lời mời hấp dẫn đến khó cưỡng.

Câu hỏi là: chúng ta sẽ phải đánh đổi những gì, khi mọi bữa tiệc đều không miễn phí?

Nicholas Carr ngay từ cuốn Lồng kính: Tự động hóa và chúng ta - tám năm trước cơn bùng nổ của AI - trả lời câu hỏi đó bằng việc trích dẫn một thông báo của Cục Hàng không Liên bang Mỹ "khuyến khích những người vận hành tăng cường các thao tác bay bằng tay thích hợp", tức là giảm số giờ bay bằng hệ thống lái tự động, tăng giờ bay bằng tay. Việc lệ thuộc vào lái tự động dần làm phi công mất khả năng xử lý nhanh nhạy các tình huống khẩn cấp không có trong kịch bản, làm giảm nhu cầu rèn luyện đến thuần thục các kỹ năng khó, tạo ra sự tự tin thái quá vì không còn áp lực khi làm việc.

Nicholas Carr tiếp tục với sự kiện tháng 5/2009, chiếc phi cơ Airbus 2009 chìm xuống đáy biển cùng 228 hành khách. Kết luận cho thấy chế độ tự lái bỗng "nổi loạn" và phi công, những người đã quá lệ thuộc vào hệ thống tự động, mất đi khả năng xử lý tình huống khẩn cấp.

Quay lại với sách và việc đọc nói chung, AI đang cướp đi những phần thú vị nhất. Đó là phút reo vui khi tìm ra những khái niệm mới mà ta không ngờ đến, là tính kiên định khi kết nối rất nhiều thông tin đa dạng để đạt được đích tri thức mà mình muốn, là chính kiến cá nhân khi bản thân đã trải qua rất nhiều tranh luận ngầm với đa dạng các tác giả.

Đọc sách kiểu tập trung sâu, cũng giống như làm vườn hay lái máy bay bằng tay - những công việc vất vả đến nhàm chán, sẽ sớm bị thay thế bởi AI - thứ giúp ta nỗ lực thử nghiệm các kỹ năng của bản thân trong sự thách thức từ hoàn cảnh, tạo ra cảm giác về sự hoàn thiện và sự hài lòng. Cảm giác đó thúc đẩy con người tiếp tục lao động và tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống.

Các hiệu suất định lượng mà AI đem lại có thể dễ đo đếm nhưng sự suy tàn của ý chí và tinh thần thì để lại hậu họa khôn lường.

Tự động hóa trong việc đọc không hoàn toàn xấu, mà vấn đề là nền giáo dục đã chuẩn bị kết hợp cả việc đọc "bằng ChatGPT" với đọc tập trung cao và đọc tập trung sâu hay chưa? Các nhà giáo dục đã lường hết được các hệ quả vô hình và khắc phục nó như thế nào?
Trên giảng đường, tôi đang thử nghiệm việc tạo ra hệ thống câu hỏi gợi ý cho bài đọc bằng... ChatGPT (thay vì một vài câu hỏi sơ lược về nội dung chính như trước). Càng nhiều câu hỏi chi tiết càng hỗ trợ sinh viên nỗ lực phối hợp các cách đọc với nhau sao cho tìm hiểu được vấn đề đến cùng. Phần thảo luận trên lớp cũng được kéo dài hơn để buộc sinh viên nhận ra việc đọc bản tóm tắt sẽ gây thiếu hụt về tri thức và chính kiến như thế nào.
Trước đây, mỗi dịp quan trọng như Ngày Sách Quốc gia (21/4), tôi thường mua một cuốn từ điển minh họa lớn cho con, mong con sẽ tập tra từ điển mỗi khi gặp một vấn đề mới, sau đó mới tiếp tục tra Google nhằm đảm bảo con tích lũy tri thức vững vàng trước khi bị lóa mắt bởi bữa tiệc thừa mứa thông tin trên Internet.

Năm 2023, sau sự kiện ChatGPT, tôi vẫn chưa biết phải cải tiến việc đọc sách cho con mình như thế nào.


Lang Minh