Tìm Kiếm

21 tháng 4, 2023

Luvinh Luu : Được làm "con của ĐỨC MẸ ".

 Tình cờ đọc trên mạng về ÂN PHƯỚC của ĐỨC MẸ LAVANG, tôi nhớ lại cơ duyên của chính mình được làm con của ĐỨC MẸ; nay đã gần cuối đời (sinh năm 1934, Giáp Tuất; năm nay 2023, Quý Mão: 89 tuổi, tuổi ta là 90) nên ghi lại, lưu cho con cháu và chia sẻ với bà con bạn bè thân hữu đôi điều về " đời tôi".

Hè năm 1947, khi học xong lớp Nhứt Trường Tỉnh Vĩnh Long, tôi không có phương tiện để lên Saigon tiếp tục vào Trung học,

vì Ba Má tôi kẹt ở quê Tam Bình. Vùng này VC còn kiểm soát, không gởi tiền cho tôi được.

Chưa biết tính sao?

- một hôm có người quen đem thơ của Má tôi gởi cho tôi cho biết gia đình bình yên và kèm theo một thơ khác, dặn tôi đem đến 

giao tận tay Cha Viện Trưởng Chủng Viện Vĩnh Long. 

Khi Cha Chủng Viện coi thơ xong, Ông bảo tôi:

Cha Tỏ (?) gởi con vào Chủng Viện, vậy ngày ...(quên rồi!) con đến đây, Cha sẽ sắp đặt cho con.

Hoàn toàn bất ngờ.

Thì ra Cha Tỏ - Cha Sở Nhà Thờ Tam Bình gởi tôi vào Chủng Viện. 

Cha Tỏ quen với Ba Má tôi, vì Ông Nội tôi hiến đất cất Nhà Thờ Tam Bình - mặc dầu Gia Đình tôi mấy đời thờ Phật.

Ba má tôi có ruộng đất gần Nhà Thờ, thường đến thăm đất và tiếp tế cho Cha những lúc khó khăn. 

Sau này Má tôi kể lại: khi nghe tôi không đi Saigon học được, Cha Tỏ nói với Ba tôi: tình hình không biết ra sao? 

nhưng việc học hành của con cái không thể bỏ dở được. Ông sẽ giúp tôi vào Chủng Viện Vĩnh Long, tiếp tục việc học.

Ở Chủng Viện được vài tháng, Tam Bình được bình định, giao thông phục hồi, 

Má tôi lên tỉnh, dắt tôi lên Saigon, trước là thăm Cô Dượng 5 của tôi là Bác Sĩ Trần Quang Diệu (Tổng Trưởng Y Tế thời Thủ Tướng Trần Văn Hương, ĐỆ Nhị Cộng Hòa), sau là lo việc học cho tôi. Trưởng Nam của Cô Dượng tôi là em V... đang học 6eme ở Taberd, 

nên Ông dắt tôi vào Taberd gặp TCF Directeur VENANT, người Pháp, xin nhập học. Ông này nhìn Livret de notes của tôi, thấy học ở Chủng viện nên chỉ khảo thí sơ sơ Pháp Văn và Toán, rồi cho tôi vô Nội trú, học lớp 6eme C. 

Vì học trễ gần 2~3 tháng, các môn khác tôi theo kịp, chỉ môn Anh Văn là không biết gì hết, cho nên mỗi ngày, sau giờ học, 

TCF Maximin, giáo sư Anh Văn nhờ một học sinh giỏi cùng lớp hướng dẫn tôi: "Anglais vivant".

Anh "Bông" dẫn tôi đến Phòng hợp Hội Thánh Mẫu, có chỗ ngồi học... lần lần tôi quen với nhiều bạn ở đây, xin và được nhập hội.

8 Dec. 1948, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hội Thánh Mẫu chọn 3 học sinh  hiến dâng trọn đời mình làm

 "Con của ĐỨC MẸ"Nguyện làm theo Thánh Ý của MẸ suốt đời.

3 học sinh được chọn :

        - Anh Francois Trần Thái Trung.

        - Anh Pierre Nguyễn Văn Tường

        - và tôi: Antoine Lưu-Vĩnh-Lữ

Anh Trung và Anh Tường là Đạo Dòng, tôi lúc đó còn" ngoại đạo";

nhưng vì sống trong Chủng viện nên thuộc hết các kinh, Giáo Lý và " theo thói quen" mỗi sáng đều dự Thánh Lễ.

Sau Lễ, TCF Maximin cho tôi một tấm hình 

" ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP";                    

tôi bọc plastic và giử đến bây giờ .

Ngày thường tôi để Hình trên bàn viết, khi đi đâu thì để trong túi áo, lúc nào cũng có ĐỨC MẸ bên mình trong suốt cuộc đời.

Nhờ vậy mà tai qua nạn khỏi.

Thoát nạn khi ở trong quân ngũ:

- Tôi ở TVBQGVN Dalat đi công vụ với Trung Úy Đát đến Trường Hải Quân Nha Trang. 

Tôi đưa Nhà Tôi và con gái cùng đi cho biết Nha Trang. Đến ngày về, tình cờ Cậu 11 của Nhà tôi đi du lịch miền Trung với chiếc xe DS 19, mới mua, ghé Nha Trang, nên chở Nhà Tôi và con tôi về Dalat. Tôi đi quân xa Dodge 4, 3 người ngồi băng trước: Tài xế, tôi, Trung Úy Đát.

Xe chạy bon bon, gió hiu hiu, tôi lim dim ngủ lúc nào không hay...

Chợt giựt mình tỉnh giấc, trời đất âm u, tôi đang nằm trong lòng xe lật úp ; đưa tay sờ đầu, sờ cổ, toàn thân, tay chân, không nghe đau đớn gì, liền bò ra thì nhận thấy xe đã bị lật úp dưới Hố.  Tài xế văng ra nằm bất tỉnh, Trung Úy Đát bị kẹt bên hông xe. Tôi trèo sườn núi lên đến mặt đường, đón xe, kêu cứu, nhờ người phụ giúp đẩy lật xe lại và khiêng Tr. Úy Đát ra, nhờ xe  đưa dùm 3 người chúng tôi đến Quân Y Viện. 

Trên xe, tôi sờ túi, lấy Hình ĐỨC MẸ ra hun, Tạ Ơn Mẹ che chở cho con. 

Bác Sĩ Quân Y khám tới, khám lui, mấy lần , thật kỹ... Ông nhìn tôi nói: 

" thiệt lạ, 3 người lật xe, 2 người bị thương nặng, trung úy không sao hết, một vết bầm nhỏ cũng không?

 tôi chưa hề thấy, mừng cho trung úy". 

Có phải là ĐỨC MẸ đã ân khiển cho Cậu 11 đến Nha Trang, chở Nhà tôi và con gái tôi, đi xe riêng về Dalat, thoát nạn... 

còn nếu đi xe chung với tôi, chưa biết ra sao?  và ĐỨC MẸ che chở cho tôi an toàn khi xe lật xuống hố. TẠ ƠN MẸ !

Năm đó tôi hướng dẫn SVSQ bài tập: " Dọn Bãi nhận thả Dù tiếp tế".

Đại Tá Lâm Quang Thơ, CHT TVBQGVN đến thăm lớp học;

Sau khi trình bài xong, tôi mời Ông di chuyển sang mé rừng bên kia để tiện quan sát hơn. 

Anh Sinh Viên mang máy Truyền Tin không đi theo...

Dù thả... có một dù không mở, rơi thẳng xuống, chỗ tôi đứng lúc nãy, trúng anh SV, tử vong !

Nếu tôi không mời Đại Tá CHT sang bên kia, thì cả 3 người cùng đứng chỗ đó chắc đều sang bên kia thế giới rồi! 

 Tôi lấy hình ĐỨC MẸ ra hun và TẠ ƠN NGƯỜI.

Có phải ĐỨC MẸ dạy tôi, mời Đại Tá CHT đi qua bên kia, nên cả hai cùng thoát nạn?  TẠ ƠN MẸ !

Năm 1970, Tôi là Giám Đốc Nha Báo Chí, nên ngày nào khoảng 5~7 giờ chiều đều phải có mặt tại văn phòng để ký duyệt các ấn bản 23 nhựt báo Việt văn, 13 báo Hoa Văn, 2 báo Pháp văn, 1 báo Anh Văn, cho kịp in trong đêm, để phát hành sáng hôm sau.

5 giờ chiều mùng 3 TẾT, tôi ra xe với cả gia đình đi xuống Sở, cách nhà khoảng 20 phút, để duyệt ký xong là cùng nhau đi ăn cơm chiều.  (Các con tôi cũng rất thích lên văn phòng tôi để xem sách báo nhi đồng, tuổi hoa... nên thường xuyên cả gia đình đều lên văn phòng tôi hết.)

Vừa lên xe, điện thoại reo, tôi trở vô nghe, thì ra Ông Đại Sứ Đài Loan và Ông Tùy Viên Báo Chí muốn đến thăm tôi, chúc Tết.

Tôi trở vô chuẩn bị để tiếp khách, đến hơn 6 giờ khách về, mới tiếp tục đi xuống Sở. Khi đến đường Tự Do thì nghe một tiếng nổ rất lớn;

tôi nói : 

Chà chuyện gì ở đâu mà nổ lớn dữ vậy. 

Đến gần Nha Báo Chí, thấy cảnh sát đầy đường, và sau đó thì tôi được báo cáo là VC đặt chất nổ ở Nha Báo Chí. 

Văn Phòng của tôi, bàn ghế, tủ, nát như cám, chỉ có một việc mà không ai hiểu được: 2 bức hình, Một chụp chung với Đức Giáo Hoàng khi Phái Đoàn ngoại giao thăm viếng Ý, và chân dung Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ký tặng cho tôi, là còn nguyên vẹn, không bể kiếng, trầy truột gì hết.

Một ƠN PHƯỚC hết sức lớn, 

nếu hôm đó, Ông Đại Sứ không đến thăm, thì giờ đó tôi và cả gia đình tôi cùng với khoảng 70~80 nhân viên kiểm báo đều có mặt ở đó, thì không biết bao nhiêu bị thương hay tử vong?.

Vì là Tết, sau khi kiểm báo xong, không thấy tôi đến, anh chị em rủ nhau xuống các quán nhậu trong EDEN ăn Tết, kể cả anh tùy phái cũng đi theo luôn..., vì vậy mà tất cả thoát nạn. Cả gia đình tôi, hôm đó nếu ở đó, chắc giờ này không có mặt trên đất Mỹ này? 

Ông Đại Sứ Đài Loan giao hẹn: 

mỗi năm , chiều mùng 3 TẾT là cụng ly kỷ niệm ... 

Có phải ĐỨC MẸ khiến Ông Đại Sứ đến thăm tôi, để tôi đến trễ, cả gia đình tôi và nhân viên Nha Báo Chí thoát nạn. 

     TẠ ƠN MẸ! 

Chạy giặc năm 75, tính đủ thứ: nào là sắp thuyền chạy ra Phú Quốc, nào là ghi danh ở Tòa Đại Sứ Mỹ, hẹn trực thăng, v. v...

cuối cùng một Bạn học, không hề tính trước, đưa đi yên lành.

Có phải ĐỨC MẸ sắp xếp để Ông B M. giờ chót nhớ đến tôi và đưa Gia đình tôi đi tị nạn an toàn không? TẠ ƠN ĐỨC MẸ !

Cuộc đời tị nạn của tôi đã viết trong " tị nạn, làm lại cuộc đời."

Giờ đây tôi lược qua Ơn Phước mà ĐỨC MẸ ban cho tôi quá rỏ ràng.

Năm đó vì xách vali nặng, nên trẹo vai tay mặt, không cử động được; mỗi lần thay áo phải có người giúp. Con tôi tìm thầy " Đông Y châm cứu, Võ thuật trị trật tay, gân ..." ở Hong Kong, China, nghe ở đâu có thầy giỏi là mời đến trị cho tôi. Đỡ một chút, thầy về vài hôm là đau lại. Cả hai năm khổ sở như vậy, tôi thôi, không tìm Thầy nữa, mà cam chịu số phận "trẹo vai".

Tháng 5 năm 2002 vợ chồng tôi sang Pháp dự Hôn Lễ của Nhã, con trai anh chị Trung. Anh Trung đề nghị: 

Anh Em mình đã được ĐỨC MẸ ban ơn, vui buồn, khó khăn gì cũng chạy đến cầu xin MẸ, sao mình không cùng nhau đi Lourdes 

để TẠ ƠN MẸ; thế là mấy anh chị em cùng đi Lourdes. 

Khi lễ rước kiệu đèn xong, xếp hàng vào viếng HANG ĐÁ, tôi thấy nhiều nạng gỗ treo ở đó, là của nhiều người được ĐỨC MẸ 

chữa cho lành bịnh, treo nạng, TẠ ƠN. 

Nhớ đến cánh tay của mình, tôi khấn: 

"Lạy MẸ, MẸ đã ban ơn cho con nhiều rồi, con không dám cầu xin gì hết, duy chỉ cái vai tay mặt đau quá, 

xin MẸ chửa cho con hết đau... mỗi năm con sẽ đến viếng Lourdes, Tạ Ơn MẸ".

Khi về Hotel, tôi chợt nghĩ lại: " mình bận rộn quá, làm sao mỗi năm có thể đi Lourdes được ?. Hứa mà không làm được thì không nên; 

cho nên tôi xin anh chị em ở lại thêm một ngày nữa, để tôi cầu xin lại:" hai năm đến một lần".

Sáng hôm sau, chúng tôi đến bãi biển Biarritz, gần đó hưởng không khí trong lành, ấm áp của miền Nam Nước Pháp. Góp thêm phần vui, anh em đề nghị " massage". Hotel Resort nào cũng có nhiều chuyên viên massage giỏi... tôi nhường cho quý anh chị chọn trước loại massage nào thích, như kiểu Thái, mô sâu, Thụy điển, v.v... , vì ở Hong kong đi massage đối với tôi quá thường. 

Cuối cùng, anh massage cho tôi là một người thường: massage thư giãn. 

Anh hỏi tôi muốn massage chỗ nào? 

- Tôi trẹo vai và cánh tay mặt!

Anh bóp, nắn sơ sơ rồi sờ vào sườn tôi hỏi: 

- Có nghe đau không?

- hơi hơi!

Bất thình lình anh nhấn mạnh vào sườn tôi, đau điếng, rồi nói: 

- Ông  giơ tay lên coi.

Tôi nghiêng người qua, giơ tay mặt lên... lạ quá... không đau gì hết, bình thường như chưa hề đau.

Tôi ngồi dậy, giơ tay thử quay vài vòng:

bình thường... không đau gì hết ! Hết trẹo vai rồi.

tôi thưởng anh này rất hậu. 

Mấy anh chị nghe chuyện, mừng cho tôi và xin phone của anh này, hầu sau này có ai bị trẹo cổ, trặt chân v.v.... cần đến. 

Thời gian sau, có nhiều người trẹo cổ, trặt chân tìm đến anh thầy nầy nhờ chữa trị nhưng không hết. Các bạn tôi đồng ý: 

Đây là PHÉP LÀNH, ÂN PHƯỚC ĐỨC MẸ ban cho tôi, chớ không phải tài giỏi gì của anh massager này.

       - TẠ ƠN MẸ... 

Năm sau 2003, Anh Chị Trung, Anh Chị Tường, Chú Nam, vợ chồng tôi cùng nhau đi Fatima rồi về Lourdes mà anh Trung diễn tả: 

huy hoàng , tốt đẹp, vui sướng, không thể quên được. 

Sau đó hằng 2 năm tôi đều cùng anh Chị Trung, và các Gia Đình Bạn Taberd đến Lourdes; có khi đi luôn đến FATIMA để cùng nhau cầu nguyện:

 TẠ ƠN ĐỨC MẸ

chỉ mấy năm gần đây vì COVID không đi được, 

Cầu xin MẸ thương xót... tha thứ...

Đến tháng 6 này - 6/2023 - , Anh TRUNG tổ chức Lễ "Mừng Cửu Tuần" ở Iles-sur la Sordes. 

Tôi và con gái tôi sẽ qua Pháp tham dự; sau đó cùng Gia Đình anh chị Trung, anh chị Tường và nhiều Bạn Taberd cùng đi Lourdes: 

TẠ ƠN ĐỨC MẸ. 

Trọn đời tôi, được làm "con của ĐỨC MẸ", một ÂN PHƯỚC tuyệt vời, được MẸ che chở, phù hộ, cho nên chỉ biết: 

          Vì MẸ... Luôn Luôn . 

Lưu-Vĩnh-Lữ 

Nguyên Hội Trưởng Hội Thánh Mẫu Taberd - 1950 ~ 1955.

Chủ Tịch Hội Phụ Huynh Học Sinh Taberd - 1970 ~ 1975.

Sáng Lập Viên Đại Học LASAN - 1973 ~ 1975.

 
ĐỨC MẸ LA VANG CỨU SỐNG Bác Sĩ Quân Y

Qua lời kể của tiến sĩ Lê Tín Hương, con gái của Bác Sĩ .

"Gia đình tôi là một tri thức được thụ hưởng nền giáo dục vô thần, chúng tôi không tin có thần thánh, kiếp sau, nhưng Tôi và GĐ tôi ngàn lần tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang đã làm Phép Lạ cứu Ba tôi- đặc biệt là ban ơn Đức Tin cho GĐ Tôi, đây mới là món quà cao quý không kể xiết".

* Sau đây là tường thuật của cô Tín Hương:

Ngồi liên tưởng đến Thánh Lễ Đại Trào Khai mạc năm Toàn xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La vang và kỷ niệm 10 năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Tôi hồi tưởng về một khung trời ấu thơ xa xưa với một biến cố trọng đại đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày cũng mưa gió như hôm nay.

Năm 1958, ba tôi làm việc tại Bệnh viện Trung Ương thành phố Huế. Mỗi tháng ông cùng các bác sĩ đi thanh tra các Bệnh viện nhỏ trong vùng một lần.

Hôm ấy ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.

Tôi còn nhớ rõ hôm đó trời mưa lạnh, mưa rả rích suốt ngày. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Ba tôi mặc chiếc Jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vã ra xe.

Bước xuống mấy bậc thềm, ông gặp ngay cha Cao văn Luận, người cùng quê quán với cha tôi. Ngài rất thương yêu gia đình tôi và niềm mong mỏi của ngài là được thấy gia đình tôi theo Đạo.

Điều mà đối với cha mẹ tôi là một trở ngại rất lớn, không thể nào thực hiện được. Họ hàng cả hai bên đều không có ai theo Đạo Công Giáo, vả mẹ tôi đã quy y, pháp danh là Nguyên Kha. Mẹ tôi cũng đã xây chùa cho làng ngoại tôi ở Huế.

Cả một đời mẹ hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngường bà rất là cương quyết, vì thế ba tôi cũng rất tôn trọng mẹ tôi, mặc dù ông rất mến cha Luận.

Cha Luận gặp ba tôi, ngài đưa cho ông một tấm ảnh và bảo: “Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng, ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện”. Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của áo Jacket: “Con phải đi ngay cha ạ, mọi người đang chờ con ở ngoài kia”. Vừa nói ông vừa chào từ giã rồi đi ra xe.

Buổi chiều trong khi người làm dọn cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện “những kẻ khốn cùng” của văn hào Victor Hugo, thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị chìm xuống sông rồi. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình đến ngay để nhận xác về mai táng.

Trước biến cố bất ngờ, mẹ tôi như người bị sét đánh, sững sờ ôm lấy chị em chúng tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ tôi lúc này…

Mẹ tôi và chị em tôi theo xe bệnh viện ra Quảng Trị lấy xác cha. Đến nơi, tại trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba ông bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên, còn thi hài ba tôi chưa tìm thấy.

Người ta chưa vớt được, nhưng quả quyết rằng ông cũng cùng một số phận với những tử thi đang nằm đó, vì ông ở dưới nước quá lâu.

Thân nhân của các nạn nhân đã có mặt đông đủ, họ kêu gào khóc lóc rất não lòng. Em tôi còn nhỏ chưa hiểu lắm, nép trong vòng tay mẹ ngơ ngác nhìn quanh: “Ba đâu, ba đâu mẹ!”. Mẹ tôi chưa kíp dỗ dành thì bỗng có tiếng người la lớn: “Đây rồi, vớt được xác cuối cùng rồi”.

Là ba tôi đó. Mẹ tôi nhào tới. Người ta khiêng xác ba tôi đặt lên chiếc băng ca. Lại có tiếng la lên: “Trời ơi, ông ta hình như chưa chết.

Còn thở, hơi thở yếu lắm.Làm hô hấp cho ông ta ngay đi”. Và ba tôi quả còn sống thật. Mẹ tôi quỳ xuống lạy trời lạy đất.

Cám ơn Trời-Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt mẹ tôi một lần nữa tuôn trào, nhưng lần này là dòng nước mặt hạnh phúc không ngờ. Chúng tôi quỳ xung quanh băng ca. Ba tôi tỉnh lại hẳn.

Ông nói bằng một giọng thật yếu ớt, câu nói đầu tiên tôi không bao giờ quên được: “Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà. Đức Mẹ Lavang đã chữa ba”.

Nói xong, ông đưa tay vào túi áo lục lọi kiếm tìm, ông rút ra một tấm ảnh Đức Mẹ Lavang, tấm ảnh mà Cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Ba tôi nói tiếp: “Đây chính Bà này đã cứu ba. Ba bị mắc kẹt trong gầm xa không sao ra được. Bà đã đến lôi ba ra. Ra khỏi cửa xe, Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói “Ta là Mẹ Lavang, Ta đến cứu con”.

Tôi chợt nghĩ lại: Nếu ngày hôm ấy ba tôi không vội vàng ra đi và có thời giờ tiếp chuyện cha Luận, thì có lẽ bức ảnh Đức Mẹ Lavang đã bị bỏ quên trong ngăn kéo cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi rồi.

Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em được rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị Linh mục thân thiết nhất của gia đình là cha Cao văn Luận, cha Ngô văn Trọng, cha Vũ minh Nghiễm dạy giáo lý cho gia đình, đã dâng Thánh Lễ và ban phép Rửa Tội cho chúng tôi tại Thánh Đường Đức Mẹ Lavang Quảng Trị.

Mẹ tôi vui mừng hân hoan và tin tưởng, bà lần chuôi Mân Côi mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt, bà vẫn là một tín đồ sốt sáng, sùng kính Đức Mẹ tuyệt đối. Đây là hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.

Tôi còn nhớ, sau ngày gia đình chịu Phép Rửa Tội, mẹ tôi đã phải chịu đựng biết bao lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết…. Mỗi lần than vãn với Mẹ thì mẹ tôi lại khuyên: “Ba là cột trụ, là nguồn sống của gia đình. Đức Mẹ đã cứu sống ba là cứu sống cả gia đình chúng ta.

Vì thế dù cho phải chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận, để cảm tạ ân sủng đó.

Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Đức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta”.

Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cùng là một biến cố trong lịnh sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi.

Ông vẫn còn giữ và kính tấm ảnh năm xưa đã cứu mạng ông. Tấm ảnh ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông vẫn ngồi bên Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện, truyện vãn với Mẹ một cách thân tình.

Câu chuyện này vẫn thường được tôi kể lại cho các cháu nghe như một chuyện thần thoại nhưng có thực, chuyện xẩy đến từ một phép lạ của Đức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.

Ngày đại lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay trời mưa nhiều.

Tôi lái xe đi trong cơn mưa như trút, nhưng lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa, có ánh sáng niềm tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Tôi có tình yêu bao la rộng mở của Đức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên 10… Ngày nay tôi cũng vẫn cảm thấy mình may mắn, đã được hưởng một ân huệ quá đặc biệt đến từ tình yêu bao la không bờ bến của Đức Mẹ….

Tôi lắng nghe những lời huấn từ của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Bằng giọng nói rõ ràng trầm ấm, Ngài nhắc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Qua biết bao nhiêu thăng trầm gian khổ có máu, có nước mắt và ngày nay đã được thăng hoa với 117 Vị Thánh Tử Ðạo.

Gia đình ngài cũng đã theo Chúa cách đây 300 năm, với những thử thách cùng với nhiều ân sủng của Chúa, của Ðức Mẹ, đặc biệt là Mẹ Lavang. Ngài cũng kể lại những phép lạ mà Ðức Mẹ đã ban, trong đó có phép lạ chữa lành bệnh cho cha cố Trọng, cha Linh Hướng của gia đình tôi.

Trong cái lạnh của mùa Ðông, lòng tôi bỗng nhiên ấm cúng. Tôi thấy tâm hồn như nở hoa. Ðóa hoa Yêu Thương trong vườn hoa rực rỡ của niềm Tin. Tôi hy vọng sẽ mãi mãi là đóa hoa đầy hương sắc, không bao giờ héo rũ úa tàn. Tôi thầm cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ, cúi đầu để che dấu dòng lệ cảm xúc đang âm thầm rơi.

Dòng lệ của hơn bốn mươi năm trước kể từ khi gia đình tôi được ơn lạ của Ðức Mẹ Lavang, trải qua biết bao sóng gió bể dâu… Có lúc đã ngưng đọng, có lúc tưởng chừng bị lãng quên, hôm nay lại từng giọt chảy dài… Những giọt lệ vui mừng.

Những giọt lệ bồi hồi nhắc nhở tôi niềm hạnh phúc được nương náu trong Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa, của Mẹ Maria.

Con gái nhỏ của Mẹ Maria Tín Hương

Đời đời tạ ơn Đức Mẹ La Vang

California, Chúa Nhật ngày 22 tháng 2 năm 1998.

Nguồn : Internet