Tìm Kiếm

2 tháng 4, 2023

HỒ SƠ VỤ ÁN CHÚA GIÊ-SU


Biên soạn và đạo diễn: Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
Diễn đọc: Chị Mai Hương và Lm. P.X. Nhứt, O.P.
Thực hiện tại Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu, Phi Luật Tân
---
Thưa Anh Chị Em,
Hai ngàn năm trước đây, có một vụ án làm chấn động loài người. Đó là vụ án đã đẩy Đức Giê-su đến tội tử hình trên thập giá. Với cái nhìn đức tin, người Ki-tô chúng ta xác tín rằng, chính Đức Giê-su đã tự ý chấp nhận cái chết đó như một phương án tối ưu để đền tội thay cho loài người chúng ta, kể cả tội sát nhân của những kẻ đã nhúng tay vào máu vô tội của Người. Thế nhưng, những con người đã dính líu trực tiếp vào cái chết oan ức của Đức Giê-su không phải là không có trách nhiệm đối với hành vi của họ. Họ đã nghĩ gì, nói gì, làm gì, đã bàn mưu tính kế với nhau ra sao, để chụp lên đầu Đức Giê-su một bản án hoàn toàn ngụy tạo như vậy, lịch sử còn ghi lại rành rành.
Đọc lại phần tường thuật tử nạn của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng, chúng ta nhận ra điều đó.
Hậu thế muôn đời sẽ còn đàm tiếu về các tên tuổi của Tổng Trấn Phi-la-tô, Vua Hê-rô-đê, các ông Thượng Iế và Biệt Phái, ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, và kể cả ông Phê-rô. Nhìn những bộ mặt, những thái độ, những phản ứng khác nhau của nhân loại muôn thuở trước ơn Cứu độ, trước tình thương của Thiên Chúa, để suy niệm sâu sắc hơn về ơn cứu độ, về tình thương vô biên của Thiên Chúa, thể hiện qua Cái Chết và cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, cũng như để ý thức rõ ràng hơn thân phận tội nhân của mình, và việc cần thiết và cấp bách phải tự hoán cải chết đi cho tội lỗi để cùng phục sinh với Người.
Chúng ta cùng nhau đọc lại “Hồ Sơ Vụ Án Đức Giê-su.”
Chúng ta sẽ được dịp gặp lại những nhân vật có dính líu trách nhiệm trong vụ án này, để chất vấn họ, để nghe họ giải bày tâm sự hoặc biện minh cho các hành động của họ. Nhưng chúng ta sẽ không lên án họ, vì Chúa đã tha thứ cho họ, và nhất là vì, biết đâu chừng, chính chúng ta cũng có trách nhiệm đối với cái chết của Chúa, khi tòa án lương tâm phán quyết cuộc sống mỗi người chúng ta.
Bây giờ, chúng ta bắt đầu công việc, với một tên tuổi nổi cộm, chủ chốt của vụ án: Tổng Trấn Phi-la-tô.
Xin mời Ngài Tổng Trấn bước ra cộng đoàn.
Tổng Trấn Phi-la-tô: Xin chào tất cả thần dân của Hoàng Đế Xê-da quang vinh, nguyện cầu chư thần chúc phúc cho mọi người trên toàn cõi Đế Quốc Rô-ma vĩ đại.
Người Dẫn Truyện:  Xin lỗi ngài Tổng Trấn, chúng tôi đây không có ai là thần dân của Hoàng Đế Xê-gia đâu. Hơn nữa, Đế Quốc Rô-ma vĩ đại của ngài đã sụp đổ từ lâu rồi. Hiện giờ ngài đang phải đứng trước cộng đoàn Ki-tô, những công dân tự do của Nước Trời. Chúng tôi muốn chất vấn ngài một số điều có liên quan đến cái chết của Chúa chúng tôi, vì ngài đã từng đóng vai trò quyết định về mặt pháp lý trong vụ án tai tiếng đó.
Tổng Trấn Phi-la-tô: Ô hay! Các vị nói gì ta không hiểu. Ta nào có biết Chúa của các người là ai? Tại sao bảo là ta có trách nhiệm đối với cái chết của ông ấy?  Các người muốn vu khống ta ư?
Người Dẫn Truyện: Thưa ngài Tổng Trấn, có thật là ngài không hiểu hay là ngài chỉ giả vờ không hiểu? Ngài muốn bóp nghẹt tiếng nói của lương tri hay sao? Nhưng chúng tôi, cả loài người chúng tôi, chúng tôi nhớ rất rõ, và lịch sử còn đó, làm sao chúng ta có thể phủ nhận được? Xin phép nhắc lại cho ngài: hai ngàn năm trước đây, ngài đã ngồi ghế chánh án xét xử một người danh tánh là Giê-su, quê ở làng Na-gia-rét, xứ Giu-đê. Người hoàn toàn vô tội, vậy mà ngài lại đẩy Người đến cái chết thảm khốc trên thập giá. Chúng tôi tin Người là Đấng cứu thế, chính Người là Chúa của chúng tôi.

Tổng Trấn Phi-la-tô: À...ra thế! Vì vậy mà hôm nay các người lôi ta đến đây để xỉ vả, phỉ báng cho chán chê, rồi treo cổ ta lên để trả thù cho ông Giê-su Na-gia-rét, Chúa của các người phải không? Hườm! Khung cảnh hôm nay khiến ta lại nhớ đến cái khung cảnh y hệt của hai ngàn năm trước. Chỉ có điều khác, là lúc ấy, các người cứ nằng nặc đòi giết Chúa của các người, và hồi ấy ta đang nắm quyền sinh tử trong tay. Còn bây giờ thì ta lại trở thành một kẻ tội phạm.
Người Dẫn Truyện: Không! Không đúng như ngài nghĩ đâu, thưa ngài Tổng Trấn. Chúa không bao giờ cho phép chúng tôi trả thù cả. Trái lại, Người dạy phải tha thứ luôn mãi. Chính Người đã tha thứ cho những ai nhúng tay vào máu Người. Hơn nữa, cái chết của Người là do tự ý Người chọn lựa, chứ không một quyền lực phàm tục nào làm hại được Người mà! 
Tổng Trấn Phi-la-tô: Các người nói đúng.  Ta còn nhớ lời ông ấy nói với ta trước tòa án, khi ta đề nghị ông ấy phản cung, để ta có đủ chứng cớ tha bổng ông ấy, Ông ấy bảo: “Ngài không có quyền gì trên Tôi, nếu từ trên không ban xuống cho.” Rồi ông ấy còn nói thêm: “Bởi thế, kẻ trao nộp Tôi cho ngài mắc tội nặng hơn.” Đấy, các ngươi thấy chứ: ta chẳng có lỗi lầm gì trong vụ án đó. Chẳng qua chỉ là một rủi ro nghề nghiệp. Lễ Vượt Qua năm ấy, ta phải đành lòng cắt ngang chương trình nghỉ mát hấp dẫn ở khu du lịch Sê-da-rê cạnh bờ Địa Trung Hải xanh ngát, để lên Giê-ru-sa-lem tổ chức canh phòng an ninh, chận đứng kịp thời mọi âm mưu làm loạn cướp chính quyền của những tên Do Thái phản động. Những chuyện như thế đã từng xảy ra, nhất là trong những dịp đại lễ có đông người từ bốn phương thiên hạ đổ về. Các người thử tưởng tượng: một biển người hằng mấy trăm ngàn tràn ngập phố xá; xe cộ tấp nập; chợ búa la liệt hàng hóa, súc vật; những nơi ăn uống, giải trí hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Tình hình an ninh thật vô cùng phức tạp. Chưa kể đến bọn cướp giật, du đãng, đĩ điếm được cơ hội béo bở làm ăn. Ta chẳng mong gì hơn là sao cho chóng qua những ngày lễ căng thẳng đầu óc đó, để lại trở về Sê-da-rê tiếp tục vui hưởng lạc thú tuyệt vời. Nhưng ta không ngờ, lần này vận rủi lại đến trêu chọc ta. Bọn Thượng Tế và Biệt Phái vốn oán ghét ta nên sẵn dịp giương một cái bẫy vô cùng nguy hiểm để hại ta. Rất tiếc, con mồi, con dê tế thần trong vụ án này lại là Ông Giê-su, Chúa các người. Họ đã bắt giữ Ông ấy và giải giao cho ta, cốt ý trút trách nhiệm lên đầu ta.  Ta ghê tởm những kẻ giả nhân giả nghĩa, những kẻ vỗ ngực tự xưng là đạo đức, ăn chay trường, đi lễ đi đền đều đều, mồm lúc nào cũng bô bô: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!” mà lòng chứa đầy nọc độc, dao găm, sẵn sàng ăn thua đủ với kẻ trót đụng đến cái móng chân của họ. Các người cứ trách tội ta, nhưng tại sao không phanh phui tội của những kẻ đã lừa Thầy phản Chúa đang có mặt nhan nhản khắp nơi đây?”
Người Dẫn Truyện: “Xin cám ơn ngài Tổng Trấn đã nhắc nhở chúng tôi trách nhiệm phải sống đạo thực sự như lời Chúa dạy. Chúng tôi vẫn không ngừng cố gắng sửa đổi đời sống, canh tân con người.  Nhưng không phải trong một sớm một chiều, chúng tôi có thể dẹp bỏ tận gốc rễ những tính hư nết xấu, những tính hư hết xấu thâm căn cố đế, tàn dư của bao nhiêu thế hệ, từ thời hai cụ tổ A-đam, E-và.  Đây là một cuộc hoán cải trường kỳ, gian lao lắm, nhiêu khê lắm ngài ạ. Nhưng chúng tôi cậy có ơn Chúa giúp đỡ để đạt được thành công trong việc xây dựng một con người mới, theo mẫu người của Đức Chúa chúng tôi.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Ta công nhận là không có cuộc chiến nào ác liệt, khó khăn cho bằng chiến đấu để thắng được bản thân. Bao nhiêu tướng hùng bách chiến bách thắng trên trận mạc, nhưng lại gục ngã trước các tính hư tật xấu tầm thường.”
Người Dẫn Truyện: “Sở dĩ như thế là vì người ta khó nhận ra khuyết điểm của mình, trong lúc lại rất sáng suốt xét đoán, luận tội, lên án người khác. Đức Chúa chúng tôi từng khiển trách: “Sao con thấy được cọng rơm nơi mắt anh em mà không nhận ra cái xà nhà trong mắt con?”  Người ta lại cố biện minh cho sai lầm, khuyết điểm của mình, ngay cả khi biết rõ đó là những tội lỗi không phải nhỏ.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Các người mắng khéo ta!”
Người Dẫn Truyện: “Đó là một sự thật. Con người luôn che giấu tội lỗi của mình bằng cách đổ trách nhiệm cho kẻ khác. Việc ngài rửa tay lúc kết thúc phiên tòa xử Đức Giê-su có ý nghĩa gì, nếu không phải là nhằm biện bạch với mọi người rằng: bàn tay ngài trong sạch, không hề vấy máu người vô tội. Nhưng còn lương tri của ngài thì sao? Chẳng lẽ ngài không cảm thấy bị cắn rứt vì thiếu trách nhiệm trong việc nắm giữ cán cân công lý hay sao? Chẳng lẽ ngài không nhận thấy lỗi lầm của ngài đã gây nên một tác hại ghê gớm là giết chết sự thật, giết chết niềm tin vào các bậc dân chi phụ mẫu hay sao?”




Tổng Trấn Phi-la-tô: “Các người nói đúng, trong đời làm quan tướng của ta có lẽ vụ án đó là một sai lầm nghiêm trọng nhất ta đã mắc phải. Nó đã khiến ta ân hận suốt đời. Đã hai ngàn năm rồi mà ta vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại nội vụ của phiên tòa ấy, một phiên tòa không chỉ có pháp lý, của trí tuệ mà còn của đạo đức, của lương tri. Thật khủng khiếp!
Các người biết đấy, ta đã từng ký những bản án tử hình tập thể, đưa lên thập giá hàng trăm, hàng ngàn mạng người, mà chẳng mảy may xúc động. Nhưng đó là những kẻ phản quốc, hoặc những tên đầu trộm đuôi cướp, những thứ rác rưởi cần quét sạch cho xã hội khỏi bị ô nhiễm. Còn trường hợp của Ông Giê-su lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ta biết rõ Ông ấy vô tội chứ. Ít ra các người phải tin là khả năng nghiệp vụ của ta không tồi lắm. Ngay từ đầu vụ án, ta đã biết những lời tố cáo của Thượng Hội Đồng chỉ là những lời vu khống trắng trợn, xuất phát từ lòng tị hiềm, thù oán, không hơn không kém. Còn tội danh tôn giáo như: âm mưu phá hủy đền thờ, nói năng ăn ở phạm thượng đến lề luật Ông Mô-sê, tự xưng là Con Thiên Chúa hay gì gì nữa đấy, ta không được rõ lắm, vì ta không mấy quan tâm đến vấn đề giáo lý thần học.  Đó còn là chuyện nội bộ của tôn giáo, ta không muốn chen vào.
Dù vậy, ta nhận thấy những lời cáo buộc như thế là quá đáng đến độ phi lý. Một con người luôn khuyên dạy kẻ khác kính Chúa yêu người, chính bản thân luôn tuân thủ cặn kẽ các luật đạo, chẳng bao giờ vắng mặt trong những dịp lễ bái, như thế phải kể là con người đạo đức, quá đẹp lòng thần linh chứ. Hơn nữa, không là con cháu bầu bạn của thần linh sao lại làm được bao chuyện lạ lùng: cho người mù được thấy, cho kẻ điếc được nghe, mở miệng kẻ câm, nhứt là tái sinh người chết. Đâu đâu cũng nghe dân chúng đề cao, kính phục đến độ sùng bái Ông ấy. Ta nghĩ, mấy tay Thượng tế và Biệt phái mà không sớm khử Ông ấy đi thì sẽ bể mất nồi cơm thôi, vì chắc chắn các tín đồ sẽ lũ lượt rời bỏ Đền Thờ để theo Ông ấy lập một đạo mới. Đó là hậu quả đương nhiên của việc biến tôn giáo thành một món hàng, một thị trường cạnh tranh thủ lợi.
Riêng về tội danh chính trị, ta có thể quả quyết như hai với hai là bốn rằng: Ông Giê-su hoàn toàn vô can, một thư sinh trói gà không chặt, với một nhúm đệ tử quê mùa, nhút nhát, thì âm mưu làm loạn cái quái gì được chứ? Sừng sỏ như tên Ba-ra-ba mà ta chỉ khẩy nhẹ ngón tay một cái là đã tóm gọn hắn và đồng bọn. Ai cũng đều nghe biết sức mạnh của đội quân viễn chinh Rô-ma từng chà nát tất cả mọi thứ đối kháng dưới gót giày sắt. Hơn nữa, lực lượng an ninh của ta luôn có mặt khắp nơi. Ta nắm hồ sơ từng người dân trong tay, nhứt là những đối tượng khả nghi. Tất nhiên, Ông Giê-su là một đối tượng mà nhân viên mật vụ của ta được lệnh bám sát từng đường đi nước bước. Thế nhưng, suốt cả ba năm nhọc công theo dõi, cơ quan an ninh chỉ toàn thông báo những vụ việc tích cực về Ông ấy. Nói chung đó là một con người có lý lịch rõ ràng nếu không muốn nói là quá tốt, thành phần gia đình lao động nghèo, thành phần bản thân là công nhân, không vợ con, không tài sản. Trong những bài thuyết pháp, Ông ấy chưa từng một lần công khai hay ngấm ngầm chỉ trích, chống đối nhà nước. Trái lại, Ông ấy tỏ ra tôn trọng luật pháp khuyên bảo đệ tử chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ đóng thuế, bênh vực quyền lợi của hoàng đế. Ông ấy chả tuyên bố: “Của Xê-da phải trả cho Xê-da” đó sao. Ngoài ra, Ông ấy còn quan hệ tốt với cán bộ sĩ quan và viên chức cao cấp của nhà nước. Viên Đại úy chỉ huy lực lượng phòng vệ thành phố Ca-pha-na-um và ông Chủ tịch xã Giai-rô vẫn chịu ơn Ông ấy cứu mạng con cái. Trưởng cục Hải quan Gia-kê là bạn thân của Ông ấy. Ông nghị sĩ Giu-se A-ri-ma-thi-a là một đệ tử trung thành của Ông ấy, còn tay trưởng phòng thuế miền Ga-li-lê là Mát-thêu thì đã dứt khoát nghỉ việc để theo làm môn đệ Ông ấy. Thậm chí có dư luận cho rằng Ông ấy ủng hộ chế độ Mẫu quốc Rô-ma.  Ta thì quá biết rõ không đời nào có chuyện đó, Ông ấy là một người không hám danh lợi, suốt cuộc đời cuồng tín phục vụ một lý tưởng siêu vời nào đó như Ông ấy tuyên bố trước tòa án là chỉ để xây dựng một vương quốc nào đó ở tận trên trời xanh kia kìa. Thật là buồn cười cho những con người gàn dở chỉ nhọc công lo lắng ba cái chuyện đời sau. Người Rô-ma chỉ quan tâm đến quyền lực ở trần gian này, thiên hạ hơn thua, được mất cái gì là ở cuộc đời này, đời sau là của hồn ma bóng quế béo bở gì mà tranh giành cho nhọc xác.”
Người Dẫn Truyện: “Xin ngài Tổng trấn đừng đi quá xa vấn đề. Chúng tôi muốn hỏi: tại sao biết rõ Đức Giê-su hoàn toàn vô tội mà ngài vẫn cho bắt giam, tra tấn dã man, và sau cùng đẩy ra pháp trường như thế? Chúng tôi nghe nói bộ luật Rô-ma rất nghiêm minh, sao lại có chuyện vi phạm quyền tự do thân thể của con người như thế?”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Đúng! Người Rô-ma rất tôn trọng luật pháp. Mỗi công dân Rô-ma được pháp luật nhà nước bảo vệ tối đa, từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Nhưng xin nhớ cho, chỉ có công dân Rô-ma thôi nhé!  Còn Ông Giê-su dù sao cũng chỉ là người Do Thái, một dân tộc bại trận đang được nhà nước Rô-ma bảo hộ. Đó là quy luật của chiến tranh.”
Người Dẫn Truyện: “Luật nào như thế là bất công. Chúng tôi phản đối công lý giả hiệu. Chúng tôi lên án Chủ nghĩa đế quốc. Chúng tôi yêu cầu đối xử bình đẳng với mọi người trước pháp luật.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Bạn nói gì ta không hiểu. Con người sinh ra làm gì có bình đẳng? Có người sinh ra là để làm vua, làm quan, có người sinh ra chỉ để làm tôi tớ, làm nô lệ. Thượng Đế sinh ra người Rô-ma văn minh để làm chủ ông, còn tất cả các dân tộc khác đều là man di mọi rợ, không xứng đáng làm người. Trời cũng đã sinh ra đàn ông là giống mạnh, là chính phẩm, còn đàn bà là thứ phẩm, là đồ chơi cho đàn ông tiêu khiển.”
Người Dẫn Truyện: “Chúng tôi phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chúng tôi yêu cầu phải tôn trọng con người vì họ là con người. Thay mặt cho nữ giới, lực lượng đông đảo chiếm hai phần ba tỷ lệ loài người, chúng tôi cực lực lên án tư tưởng phong kiến lạc, hậu trọng nam khinh nữ. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay những hành động xúc phạm phẩm giá của người phụ nữ, những ý đồ đen tối nhằm khai thác thân xác người phụ nữ. Thiên Chúa sáng tạo người đàn bà từ khúc xương sườn của người đàn ông, để hai giới yêu thương, tôn trọng nhau. Đức Giê-su đã tỏ ra quan tâm, bênh vực quyền lợi phụ nữ.  Nhiều chị em chúng tôi có mặt trong phái đoàn tông đồ, cộng tác tích cực vào công cuộc truyền giáo của Người. Chúng tôi không nề hà gian khổ, nguy hiểm đến tính mạng để luôn luôn theo sát Thầy đến nơi hành quyết, túc trực ngày đêm bên phần mộ Thầy, trong lúc đàn ông bỏ trốn hết cả. Ngày nay, phụ nữ chúng tôi sẵn sàng có mặt tại bất cứ vị trí nào, kể cả những nơi trước giờ đàn ông vẫn độc chiếm, để cống hiến ngang tài ngang sức với các bậc mày râu.
Chúng ta cần trở lại trọng tâm vấn đề là con người Đức Giê-su Ki-tô, thân phận của Người cũng là thân phận của chúng ta.  Tại sao Người vô tội mà lại bị giết hại? Phải chăng, lại không phải là vì tất cả các thứ tội ác của chính mỗi người chúng ta: gian tham, ganh tị, oán hờn, phản bội, hèn mạt, ích kỷ?
 Thưa ngài Tổng Trấn, ngài có nhìn nhận là đã không hành xử đúng mức chức năng của một người lãnh đạo không? Chúng tôi cho rằng bản án ngài đã xử là vô giá trị.”


Tổng Trấn Phi-la-tô: “Các người nhớ là ta đã điều hành phiên tòa dưới sức ép nặng nề của đám quần chúng phẫn nộ.  Họ la hét ầm ĩ. Chỉ cần một sơ xuất, một sự kích động nào đó, là họ sẽ tràn ngập pháp đình. Thật dễ sợ! Các người có ngồi vào chỗ của ta hôm ấy mới thông cảm cho ta.”
Người Dẫn Truyện: “Thưa ngài Tổng Trấn, đường đường là một quan lớn của một đế quốc, nắm toàn quyền sinh tử trong tay, mà ngài lại sợ đám dân đen ấy sao?”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Phải sợ chứ, “Vox populi, vox Dei”: ý dân là ý trời.  Thế giới đã chứng kiến bao cuộc cách mạng lừng lẫy, long trời lở đất, do những người dân bình thường làm nên. Tất nhiên, ta không sợ đám dân ô hợp đó làm loạn, vì ta luôn có trong tay những người lính viễn chinh Rô-ma tinh nhuệ, đã từng có kinh nghiệm trấn áp vụ nổi dậy ở Ga-li-lê trước đây.  Bọn phản động hoàn toàn bị chà nát trong biển máu. Để bảo vệ ta, có sáu tiểu đoàn thiện chiến. Ngoài ra, lúc cần, ta có thể gọi binh mã của Vua Hê-rô-đê đến tiếp ứng. Là chư hầu của Rô-ma, ông ta hẳn vô cùng vinh dự được dịp phục vụ quan lớn của nhà nước bảo hộ. Nhưng đó chỉ là giả định một tình trạng xấu nhứt ta cần tuyệt đối tránh không để xảy ra. Giê-ru-sa-lem là Thủ đô quan trọng, trục giao thông giữa Đông và Tây, nơi tai mắt của thiên hạ châu vào để dò xét, đo lường sức mạnh của nhà nước Rô-ma vĩ đại. Bởi thế, hoàng đế sẽ không tha thứ cho những sai sót, dù rất nhỏ nhặt, của vai trò tổng trấn xứ Giu-đê. Sơ sẩy trong gang tấc thôi cũng đủ làm ta mất ghế, mà không chừng mất luôn chỗ đội mũ. Vậy Ông Giê-su là ai mà ta phải thí bỏ cả sự nghiệp rực rỡ của ta? Tha bổng cho Ông ấy, cứu Ông ấy khỏi cái chết thảm khốc trên thập giá, là một việc làm chẳng khó khăn gì đối với quyền hạn của ta. Nhưng làm như thế là đi ngược lại ý muốn của Thượng Hội Đồng, và cũng từ chỗ đó, bao nhiêu tai họa sẽ đổ xuống đầu ta. Các người đã nghe chúng hăm dọa sẽ tố cáo lên hoàng đế, nếu như ta bao che cho một tên mưu phản chống lại Rô-ma. Mà bao che có nghĩa là đồng lõa. Dù sao, ta cũng đã thử cố gắng bênh đỡ cho Ông ấy ba lần cả thẩy, xin các người nhớ cho, nhưng đều thất bại. Càng lúc họ càng làm già, nhứt là khi ta cho trình diện Ông ấy mặt mũi dập nát, thân thể tả tơi đẫm máu, cứ tưởng họ sẽ cảm thương mà đồng ý tha bổng, không ngờ họ lại thêm say máu.”

Người Dẫn Truyện: “Chúng tôi cực lực phê phán hành động tắc trách của ngài. Ngài có thấy là khi đem Đức Giê-su và tên Ba-ra-ba đặt lên bàn cân tình cảm của người dân Do Thái, thì người ta đã biết ngay đáp số như thế nào rồi. Ngài đã vô tình khơi dậy lòng yêu nước của họ. Tất nhiên là họ phải chọn Ba-ra-ba, vì tên này tiêu biểu cho sức đối kháng của nhân dân Do Thái chống lại đế quốc xâm lược. Việc làm xảo quyệt của ngài chẳng khác gì đưa một quân cờ mồi cho người khác triệt buộc, nhưng bàn thắng lại thuộc về ngài.”.
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Ta không hoàn toàn phủ nhận điều đó, nhưng thâm tâm ta vẫn mong Ông ấy được lũ dân thương hại xin tha mạng.”.
Người Dẫn Truyện: “Thưa ngài Tổng Trấn, ngài có thể cho chúng tôi biết rõ ý định của ngài khi truyền giải giao Đức Giê-su đến Vua Hê-rô-đê không? Chẳng lẽ ngài cần phải xin ý kiến ông ta, trong khi thực chất ông ta chỉ là một ông vua bù nhìn.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Ta chẳng giấu giếm làm chi chuyện đó. Cho giải giao Ông Giê-su đến với Vua Hê-rô-đê, ta nhắm đạt hai cái lợi. Một là để giả vờ nể nang, tâng bốc ông ta, nhờ đó giảm bớt sự căng thẳng lâu nay giữa hai chúng ta. Trước đó, Vua Hê-rô-đê vẫn căm ghét ta, vì ta dần dà hất chân ông ta ra khỏi những quyền lợi béo bở của phụ vương ông ta để lại. Các người xem nhé: ông ta đã phải vô cùng tiếc xót rời bỏ cung điện nguy nga tráng lệ ở Thủ đô Giê-ru-sa-lem này cho ta chiếm lấy làm dinh tổng trấn, để nuốt hận lui về tận phương Bắc làm vua mấy cái tỉnh nghèo mạt ở Ga-li-lê. Ha ha! Thua đối phương ngay trên sân nhà thì ắt nỗi đau phải tăng gấp đôi chứ, các người có công nhận không? Bởi vậy, ông ta không từ một cơ hội nào để đâm thọc ta sau lưng, vì ở triều đình Rô-ma hãy còn nhiều quan chức cao cấp vốn là bạn cố tri của Hê-rô-đê Đại Vương, tức là thân phụ của ông ta. Ta chẳng sợ gì những hành động tiểu nhân đó, song tránh không chọc giận con cáo già An-ti-pa vẫn là điều tốt hơn. Cái lợi thứ hai, là ta muốn mượn tay Vua Hê-rô-đê để định đoạt số phận Ông Giê-su. Tha bổng càng hay, mà có giết chết cũng chả sao. Trong cả hai trường hợp, ta đều tránh được cái tai họa đáng nguyền rủa là phải tuyên án tử hình một người khi chưa đủ chứng cớ để buộc tội. Nhưng nếu bản án ấy lại có bút phê với ý kiến thuận của nhà Vua Hê-rô-đê bên cạnh ý kiến của ta thì hay biết mấy. Các người hẳn biết: trách nhiệm tập thể sẽ chẳng là trách nhiệm của một ai cả, trong khi trách nhiệm cá nhân thì một mình anh phải lãnh đủ.”
Người Dẫn Truyện: “Nhưng ý đồ của ngài đã hoàn toàn thất bại, Vua Hê-rô-đê biết ngay tẩy của ngài rồi.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Thì ta đã bảo ông ta là một con cáo già mà. Tuy nhiên, ta không hoàn toàn thất bại như các người nghĩ. Ít ra, ta cũng đạt được một thành quả to lớn, là kể từ vụ án ấy, quan hệ giữa hai chúng ta được cải thiện rõ rệt. Chúng ta bắt đầu có những bữa chén thù chén tạc thật tâm đắc. Kể ra, cái chết của Ông Giê-su không phải là vô bổ đối với sự nghiệp chính trị của ta.”
Người Dẫn Truyện: “Ôi! Chúng tôi ghê tởm những kẻ hoạt đầu chính trị, những kẻ khai thác, trục lợi trên xương máu đồng loại.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Các người cứ phỉ nhổ ta tùy thích, nhưng xin các người cũng phải công bằng đối với nhiều kẻ còn gian hùng, độc ác hơn chính ta trăm ngàn lần. Còn ta, chỉ một lần duy nhất nhúng tay vào máu vô tội của Đức Chúa thôi, cũng quá đủ để ta ân hận suốt đời. Phải! Suốt đời các người ạ!”
Người Dẫn Truyện: “Thưa ngài Tổng Trấn, chúng tôi rất cảm phục thái độ tự phê và tinh thần phục thiện của ngài. Cuộc trao đổi vừa qua thật là bổ ích cho cộng đoàn Ki-tô hữu chúng tôi. Để kết thúc, chúng tôi xin ngài một lời nhắn gửi cuối cùng cho thế hệ hôm nay.”
Tổng Trấn Phi-la-tô: “Cảm ơn các người đã cho ta có dịp bộc bạch tâm tư, không phải để được nhẹ tội, mà để được cảm thông cho thân phận con người, nhân vô thập toàn. Ta ước mong mọi người hãy tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, cho sự thật sống mãi giữa loài người, dù có phải trả giá thật đắt. Không có gì tệ hại và khủng khiếp hơn khi loài người không còn niềm tin để mà sống. Thay vào đó là lừa đảo, hoài nghi, dối trá. Ta kêu gọi những ai có trách nhiệm bảo vệ công lý đừng vì tư lợi, vì hèn nhát mà tiếp tục gây ra những vụ án bất công.”
Người Dẫn Truyện: “Dạ thưa ngài Tổng Trấn, đó cũng là ước nguyện của tất cả loài người chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một thế giới hòa bình, huynh đệ, công bằng, yêu thương, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau. Xin cám ơn ngài Tổng Trấn, cám ơn anh chị em. Chúng ta tạm xếp “Hồ Sơ Vụ Án Đức Giê-su” lại ở đây.”
---

Kết
Xin chân thành cảm ơn Quý vị và các Bạn đã vui lòng theo dõi. Chương trình đặc biệt Thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm Cuộc Tử Nạn của Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta. Ước mong tình yêu vĩ đại của Đấng đã thí mạng cho loài người sẽ ban sức mạnh cho tất cả chúng ta, để có thể đón nhận người đời và đời người với tình yêu chân thành và hy vọng sâu xa: hy vọng vào một thế giới công bình, một nhân loại huynh đệ để không còn ai sẽ là nạn nhân của những vụ án bất công.
Xin kính mời Quý vị cùng lắng nghe bài Thánh ca “Bài Ca Con Người” như tâm tình đúc kết của chương trình hôm nay.

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.